Các triệu chứng hạ đường huyết khi vừa bắt đầu

Hạ đường huyết là một tình trạng cấp cứu thường gặp ở nhiều đối tượng và nhiều độ tuổi khác nhau. Bệnh có thể diễn biến nhanh và dẫn đến hôn mê, thậm chí gây tử vong cho bệnh nhân. Việc phát hiện các biểu hiện hạ đường huyết trong giai đoạn sớm có thể giúp điều trị kịp thời, từ đó mang lại kết quả điều trị tốt hơn cho người bệnh.

1. Hạ đường huyết là gì ?

Hạ đường huyết được xác định dựa trên các triệu chứng cũng như xét nghiệm Glucose huyết thanh. Thông thường, các triệu chứng của tình trạng này thường xuất hiện khi nồng độ Glucose huyết thanh nhỏ hơn 60 - 70 mg/dL. Khi nồng độ này nhỏ hơn 50 mg/dL các triệu chứng nặng hơn của hạ đường huyết sẽ xuất hiện, lúc này bệnh nhân sẽ nhanh chóng đi vào trạng thái hôn mê và có nguy cơ tử vong cao. Do đó, việc điều trị tăng nồng độ đường huyết lên phải được thực hiện ngay lập tức ngay khi phát hiện các triệu chứng của hạ đường huyết.

2. Các nguyên nhân của hạ đường huyết

Hạ đường huyết có thể là hậu quả của những vấn đề sau :

  • Hạ đường huyết lúc đói : Triệu chứng hạ đường huyết thường xảy ra từ 5 – 6 giờ sau ăn, các cơn hạ đường huyết cũng có thể xảy ra vào ban đêm khi thức giấc hoặc sau khi bệnh nhân vận động thể lực nhiều. Hạ đường huyết lúc đói xảy ra nhiều hơn ở những người lớn tuổi, người có thể trạng gầy, suy nhược cơ thể...
  • Hạ đường huyết do thuốc : Xảy ra khi dùng thuốc hạ đường máu như Insulin, Sulfonylureas... quá liều, hoặc khi dùng thuốc nhưng bệnh nhân bỏ bữa ăn hay có tình trạng suy gan – thận...Ngoài ra, việc sử dụng một số thuốc như Salicylate, Propranolol, Quinin, thuốc ức chế men chuyển, Disopyramide, Chloramphenicol, thuốc kháng đông... cũng có thể gây ra hạ đường huyết.
  • Hạ đường huyết do rượu : Xảy ra ở những người uống rượu nhiều, lúc này khả năng tân tạo đường của gan bị suy giảm nhiều.
  • Các bệnh lý tuyến tụy : Bướu tế bào beta tuyến tụy gây tăng tiết Insulin bất thường, xảy ra ở nữ nhiều hơn nam, có thể gây ra tình trạng hạ đường huyết. Các triệu chứng thường xuất hiện lúc sáng sớm, cuối trưa hoặc sau khi nhịn đói.
  • Hạ đường huyết do các bệnh lý gan, thận
  • Hạ đường huyết do nguyên nhân khác như suy giảm tốc độ chuyển hóa thức ăn ở dạ dày, thay đổi chuyển hóa thuốc, suy dinh dưỡng, bệnh nhân lọc thận, tình trạng nhiễm trùng...

3. Triệu chứng hạ đường huyết

Tùy thuốc vào mức độ hạ đường huyết, cụ thể là sự suy giảm của nồng độ Glucose huyết thanh mà bệnh nhân sẽ có biểu hiện ở các mức độ khác nhau.

3.1. Biểu hiện gợi ý hạ đường huyết

  • Cảm thấy mệt mỏi đột ngột.
  • Cảm giác đói bụng cồn cào mà không thể giải thích được.
  • Các triệu chứng có thể xuất hiện như chóng mặt, lo âu, đau đầu, tay chân trở nên nặng nề.
  • Da xanh tái, vã mồ hôi, hồi hộp, đánh trống ngực, kích động, hốt hoảng, loạn thần.
  • Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, có thể xuất hiện các cơn đau ngực.

Các gợi ý trên thường gợi ý cho tình trạng hạ đường huyết. Tuy nhiên đây cũng là những dấu hiệu cảnh báo cho những tình trạng bệnh lý khác như triệu chứng sau chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, hạ natri máu, tăng đường huyết, nhiễm trùng thần kinh, sau co giật, sau cơn động kinh, các cơn loạn thần cấp... Việc phân biệt các bệnh lý này là vô cùng quan trọng, vì cách tiếp cận và điều trị của từng bệnh lý là khác nhau.

3.2. Biểu hiện hạ đường huyết khi vừa bắt đầu

Giai đoạn sớm của tình trạng hạ đường huyết thường biểu hiện các triệu chứng ở mức độ nhẹ của tình trạng cường giao cảm như :

  • Xuất hiện rung tay chân
  • Cảm giác đói bụng
  • Vã mồ hôi
  • Hoa mắt
  • Nhịp tim nhanh, có hoặc không triệu chứng đánh trống ngực.

Lúc này, nồng độ Glucose trong huyết thanh có thể từ 3,3 – 3,6 mmol/L. Các triệu chứng này sẽ mất đi trong khoảng 10 – 15 phút sau khi ăn hoặc uống nước có chứa 10 – 15 gram đường. Bệnh nhân có thể tự điều trị ở mức độ này của bệnh, tuy nhiên nếu không cảm thấy yên tâm, hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc liên lạc với bác sĩ để được hướng dẫn xử trí kịp thời.

4. Dự phòng hạ đường huyết

Chính vì quá trình diễn biến rất nhanh của hạ đường huyết, việc dự phòng tình trạng này được đặt ra để giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm

  • Tìm hiểu những triệu chứng và cách xử trí hạ đường huyết tại nhà.
  • Bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc hạ đường huyết nếu có những triệu chứng bất thường thì cần ngưng thuốc ngay.
  • Những bệnh nhân có nguy cơ hạ đường huyết nên chuẩn bị sẵn trên mình những đồ ăn vặt có đường như kẹo, bánh, nước đường...
  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, luyện tập thể thao, chế độ ăn uống, cách sử dụng và liều sử dụng thuốc...

Việc phát hiện các triệu chứng hạ đường huyết trong giai đoạn sớm có thể giúp nâng cao hiệu quả điều trị, đồng thời hạn chế được những diễn tiến nặng nề của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe