Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9,... Các triệu chứng bệnh cúm A: Sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, biểu hiện viêm long đường hô hấp như: Sổ mũi, ngạt mũi, ho,...
1. Triệu chứng bệnh cúm A
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính, gây ra bởi các chủng của virus cúm A như H1N1, H5N1, H7N9,... đường hô hấp. Bệnh xảy ra hàng năm và lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhot khi nói chuyện, khi ho hắt hơi. Các triệu chứng bệnh cúm A:
- Sốt (thường trên 38 độ).
- Đau đầu, đau cơ, mệt mỏi.
- Biển hiện viêm long đường hô hấp như: Sổ mũi, ngạt mũi, ho, đau họng, khó thở.
- Triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy) có thể kèm theo.
- Người bệnh có yếu tố về dịch tễ: Người bệnh sinh sống hoặc đi đến khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc người bệnh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh cúm A.
Theo các chuyên gia y tế, bệnh cúm A thường gia tăng ca mắc vào mùa đông xuân, giai đoạn thời tiết lạnh nhất. Hiện nay, với việc số người mắc cúm tăng cao vào mùa hè là những dấu hiệu cần phải cảnh giác.
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm A
- Hầu hết người bệnh mắc cúm A diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cúm A có thể gây ra các biến chứng nặng và nguy hiểm có thể dẫn tới tử phong
- Đối tượng thường gặp các biến chứng gây ra bởi bệnh cúm A bao gồm: Trẻ em, người trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính (Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường chưa có biến chứng hoặc đã có biến chứng, người suy giảm miễn dịch)
- Bệnh cúm A có thể gây ra biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não.
- Một số trường hợp bệnh cúm A có thể tiến triển nặng với các triệu chứng như sốt cao co giật, khó thở, tím tái, phù phổi do suy tim và có thể gây tử vong.
- Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh cúm A là gây nên phù não và gây tổn thương gan trầm trọng, tỉ lệ tử vong rất cao. Người bệnh cần lưu ý các triệu chứng như: Sốt cao, cảm cúm đau đầu, nôn vọt, tê yếu tứ chi hoặc đau tức vùng gan, bụng chướng, phù,.. cần liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.
- Nếu mắc cúm A ở đối tượng phụ nữ đang mang thai có thể gây ra biến chứng viêm phổi hoặc gây sảy thai. Nếu người mẹ mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ra biến chứng ở thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương, nhưng không gây quái thai.
Bệnh cúm A có thể hồi phục sau 2 - 7 ngày, nhưng cũng có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nếu thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào cần đưa ngay người bệnh cần liên hệ bác sĩ chuyên khoa hoặc cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để xảy ra các biến chứng không mong muốn.
3. Phân biệt bệnh cúm A và bệnh sốt xuất huyết
Hiện tại cũng đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết đang bùng phát ở thành phố và các tỉnh thành, do đó, người bệnh cần lưu ý đến các triệu chứng của bệnh, nhất là những ngày đầu khởi phát triệu chứng để tránh nhầm lẫn.
Theo TS. BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, BV Bạch Mai cho biết, tương tự các tình huống nhiễm virus khác, cúm và sốt xuất huyết có các triệu chứng giống nhau như: Sốt cao, đau mỏi cơ, mệt mỏi. Tuy nhiên có thể chẩn đoán phân biệt ban đầu giữa sốt xuất huyết và nhiễm cúm A dựa trên một số đặc điểm:
- Yếu tố dịch tễ: Sốt xuất huyết thường cao điểm vào mùa hè và mùa thu, người bệnh có tiếp xúc với người mắc bệnh sốt xuất huyết. Cúm thường xuất hiện vào mùa đông xuân, người bệnh sinh sống hoặc đi đến khu vực có bệnh cúm lưu hành hoặc người bệnh tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh cúm A.
- Trong bệnh cảnh cúm A, ngoài các triệu chứng sốt cao (trên 38 độ), đau người, đau đầu còn có triệu chứng viêm long đường hô hấp (ho, hắt hơi, nghẹt mũi, sổ mũi), đau họng, khó thở.
- Trong bệnh cảnh sốt xuất huyết, giai đầu cũng có sốt cao, đau nhức người, đau đầu, có thể kèm theo có thể da xung huyết, từ sau ngày thứ 3 có thể có nốt xuất huyết ngoài da kèm theo.
- Trong giai đoạn đầu (ngày 1 - 3) diễn biến của bệnh, có thể phân biệt hai bệnh trên với các triệu chứng đã nêu trên. Tuy nhiên, từ ngày thứ 4, nếu trẻ còn sốt hoặc có các dấu hiệu bất thường nên đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, đánh giá và cho các xét nghiệm phù hợp.
4. Cảm cúm và đau đầu
Khi cơ thể nhiễm virus, hệ thống miễn dịch hoạt động, giải phóng các chất trung gian hóa học như cytokine, gây ra các phản ứng sốt, co thắt các mạch máu ngoại vi (co thắt cả động mạch thái dương), và tình trạng rối loạn này khiến não, các cơ vùng đầu và vùng cổ bị thiếu máu, thiếu oxy. Vì vậy, người bệnh cảm thấy đau nhức đầu và khó chịu.
Tuy nhiên có nhiều nguyên nhân gây đau đầu, bao gồm: Chấn thương đầu, thời tiết thay đổi, sử dụng chất kích thích, thay đổi nội tiết tố, thể trạng người bệnh suy nhược, thiểu năng tuần hoàn não, căng thẳng, hay nghiêm trọng hơn, đau đầu là biểu hiện của tai biến mạch máu não,...
Thông thường các triệu chứng đau đầu sẽ hết trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên trong trường hợp đau đầu dai dẳng hoặc khởi phát triệu chứng đau đầu kèm theo các triệu chứng nghiêm trọng khác (tê yếu nửa người, rối loạn thăng bằng, giảm thị lực,...), người bệnh cần liên hệ bác sĩ và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và xử trí kịp thời.
5. Các phương pháp để phòng chống dịch cúm A
- Phải đeo khẩu trang thường xuyên, đặc biệt khi tiếp xúc với người bệnh nghi ngờ nhiễm cúm.
- Tăng cường rửa tay.
- Vệ sinh hô hấp khi ho khạc
- Tránh tập trung đông người
- Tiêm phòng vacxin là biện pháp dự phòng đặc hiệu. Hiệu quả bảo vệ của vacxin cúm phụ thuộc vào tuổi, đáp ứng miễn dịch của người được tiêm vắc xin, mức độ giống nhau giữa thành phần của vacxin và các chủng virus hiện đang lưu hành. Tiêm vacxin phòng cúm có thể làm giảm chi phí cho chăm sóc y tế và tình trạng mất khả năng lao động do bị bệnh.
- Ưu tiên tiêm phòng cúm cho các nhóm đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao là: Nhân viên y tế, trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi, người có bệnh mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, bệnh mạch vành, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, đái tháo đường có biến chứng hay chưa có biến chứng, người suy giảm miễn dịch,...). Cần tiêm phòng vacxin cho cộng đồng hàng năm trước mùa cúm.
- Có thể điều trị dự phòng cúm bằng thuốc kháng virus oseltamivir (Tamiflu) cho những người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc cúm biến chứng có tiếp xúc với người bệnh được chẩn đoán xác định cúm. Tuy nhiên, người bệnh cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc để nắm rõ thông tin về thuốc, tránh các tác dụng phụ không mong muốn.