Các triệu chứng của tê cóng ở trẻ em

Tê cóng là tổn thương da và các mô bên dưới do lạnh. Mưa, tuyết, nước và gió có thể khiến da lạnh nhanh hơn và có thể dẫn đến tê cóng. Nó xảy ra thường xuyên nhất trên các khu vực nhỏ và tiếp xúc của cơ thể như bàn tay và ngón tay, bàn chân và ngón chân, tai, mũi và má. Trẻ em bị ảnh hưởng nhanh hơn người lớn. Tình trạng tê cóng có thể gây ra thương tích nghiêm trọng và cần được chú ý ngay lập tức. Nó có thể gây tổn thương mô lâu dài. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích về triệu chứng của tê cóng ở trẻ em và cách xử trí để giúp những người chăm sóc trẻ kịp thời có những giải pháp hiệu quả cho tình trạng này ở trẻ.

1. Tê cóng ở trẻ em là gì?

Tê cóng ở trẻ em là tình trạng tổn thương các bộ phận trên cơ thể của trẻ do nhiệt độ hạ xuống quá thấp. Tình trạng này xảy ra khi các tinh thể nước đá được hình thành trên da hoặc thậm chí ở trong cả các mô sâu hơn. Các cơ quan dễ tổn thương nhất mỗi khi trẻ nhiễm lạnh chính là ngón tay, ngón chân, tai, mũi, cằm và má....

Một trạng thái tê cóng ở trẻ nhẹ hơn, được gọi là bỏng lạnh ban đầu (Frostnip). Đây là một dạng tê cóng không thường gây tổn thương mô vĩnh viễn. Và trong nhiều trường hợp, tình trạng này có thể được điều trị tại nhà.


Một trạng thái tê cóng ở trẻ nhẹ hơn, được gọi là bỏng lạnh ban đầu
Một trạng thái tê cóng ở trẻ nhẹ hơn, được gọi là bỏng lạnh ban đầu

2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây tê cóng ở trẻ

Nguyên nhân chính dẫn đến tê cóng không chỉ ở trẻ em là do tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh (thường là dưới 00C). Mức độ nghiêm trọng của tình trạng tê cóng ở trẻ phụ thuộc và một số yếu tố bao gồm nhiệt độ, thời gian tiếp xúc, sức gió, độ ẩm và loại quần áo trẻ đang mặc. Ngoài ra, chườm lạnh trên da trong thời gian quá lâu cũng có thể gây ra hiện tượng tê cóng nhưng hiếm khi dẫn đến tổn thương mô vĩnh viễn bởi đến một mức độ nào đó trẻ sẽ cảm thấy không chịu được và dừng việc đó lại.

Trẻ em dễ bị tê cóng hơn người lớn. Điều này được giải thích là do khả năng giữ nhiệt của da trẻ em kém hơn nhiều so với người trưởng thành. Nguy cơ gặp phải tình trạng tê cóng ở trẻ có thể xuất phát từ bất kỳ điều nào dưới đây:

  • Chơi ngoài trời lạnh trong thời gian kéo dài
  • Giảm lưu lượng máu trong cơ thể do một số tình trạng bệnh lý như đái tháo đường hoặc hội chứng Raynaud.
  • Giảm lưu lượng máu do đeo găng tay, ủng, tất hoặc các vật dụng khác quá chật.
  • Không mặc quần áo đủ ấm trong điều kiện thời tiết lạnh
  • Gió quá to, khiến da và cơ thể mất nhiệt nhanh chóng.

3. Các triệu chứng của tê cóng ở trẻ em

Các triệu chứng của tình trạng tê cóng ở trẻ em bao gồm:

  • Đỏ da, da ngứa ran hoặc cảm thấy tê buốt
  • Da đỏ, sau đó chuyển màu trắng hoặc vàng xám
  • Da có cảm giác cứng và sưng tấy
  • Trong trường hợp nghiêm trọng, có thể xuất hiện các mụn nước hoặc vết loét trên da.
  • Mô bị hoại tử. Da chuyển màu đen, nhiễm trùng
  • Tổn thương các mô sâu hơn chẳng hạn như mô mỡ hoặc cơ.

Tình trạng tê cóng, đặc biệt là khi các triệu chứng trở nên nghiêm trọng cũng được coi là tình trạng bệnh lý nguy hiểm do đó các bậc cha mẹ không được chủ quan và hãy đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị tránh những biến chứng có hại với trẻ.

Để chẩn đoán tình trạng tê cóng ở trẻ em, các bác sĩ sẽ khai thác triệu chứng cũng như tiền sử sức khỏe của bé và có thể làm một số xét nghiệm hay chẩn đoán hình ảnh trong trường hợp cần thiết.


Nguyên nhân chính dẫn đến tê cóng không chỉ ở trẻ em là do tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh
Nguyên nhân chính dẫn đến tê cóng không chỉ ở trẻ em là do tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh

4. Điều trị tê cóng ở trẻ em

Trong trường hợp trẻ mắc tê cóng thể nhẹ, việc điều trị hoàn toàn có thể được diễn ra tại nhà thông qua một số bước sau:

  • Đưa trẻ vào trong nhà
  • Thay quần áo khô cho trẻ
  • Làm ấm cơ thể của trẻ bằng khăn ấm, chăn hoặc nước ấm (khoảng 380C đến 410C) cho đến khi trẻ có cảm giác bình thường trở lại. Cần đảm bảo nước không quá nóng đối với trẻ và không ngâm khu vực bị tê cóng quá 30 phút cũng như không được chà xát hoặc xoa bóp vùng da đó.
  • Không sử dụng nhiệt trực tiếp chẳng hạn như đệm sưởi hoặc lửa bởi điều này có thể khiến da trẻ bị bỏng.

Đối với những trẻ gặp phải tình trạng tê cóng ở mức độ nghiêm trọng, các bậc cha mẹ cần:

  • Thực sự bình tĩnh, động viên, an ủi trẻ
  • Nếu vùng bàn chân trẻ bị tê cóng, hãy bế trẻ thay vì để bé tự di chuyển
  • Chuyển bé đến khu vực ấm áp càng sớm càng tốt.
  • Thay cho trẻ những bộ quần áo khô

Sau đó cần đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế gần nhất. Tình trạng tê cóng nghiêm trọng có thể coi là một cấp cứu y tế bởi nó có thể gây ra các tổn thương nghiêm trọng cho các mô và cơ quan trong cơ thể. Trong khi chờ đợi trẻ được chăm sóc y tế, các bậc cha mẹ vẫn cần duy trì:

  • Làm ấm da của trẻ bằng khăn ấm hoặc chăn hay nước ấm cho đến khi trẻ có cảm giác trở lại. Lưu ý không ngâm quá 30 phút, không xoa bóp, chà xát.
  • Đặt bông và gạc sạch giữa các ngón tay và ngón chân bị tê cóng
  • Không chạm vào bất kỳ vết phồng rộp nào trên cơ thể trẻ. Quấn các vùng da đã được làm ấm lại để tránh bị tổn thương nhiều hơn cũng như hạn chế những khu vực này bị tê cóng trở lại.
  • Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng quát của bé. Ngoài ra các phương pháp điều trị cũng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng tê cứng. Trong nhiều trường hợp, trẻ thậm chí còn cần phẫu thuật để loại bỏ các mô bị chết. Các bác sĩ cũng sẽ trao đổi với cha mẹ của trẻ về những rủi ro, lợi ích và tác dụng phụ có thể có của tất cả các phương pháp điều trị.

Đối với những trẻ gặp phải tình trạng tê cóng ở mức độ nghiêm trọng, các bậc cha mẹ cần thực sự bình tĩnh và động viên trẻ
Đối với những trẻ gặp phải tình trạng tê cóng ở mức độ nghiêm trọng, các bậc cha mẹ cần thực sự bình tĩnh và động viên trẻ

5. Biến chứng và cách phòng ngừa tê cóng ở trẻ em

Trong trường hợp tê cóng nghiêm trọng, các ngón tay hoặc ngón chân có thể cần phải được phẫu thuật để loại bỏ (cắt cụt chi). Tình trạng tê cóng cũng có thể gây ra các triệu chứng lâu dài ở những khu vực bị tổn thương. Các triệu chứng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm, bao gồm:

  • Đau nhói
  • Ngứa ran
  • Cảm giác như điện giật
  • Nhạy cảm với nhiệt độ lạnh

Để giúp ngăn ngừa tình trạng tê cóng ở trẻ, các bà mẹ cần thực hiện một số điều sau:

  • Trong thời tiết lạnh, cần cho trẻ mặc ấm nhiều lớp, đảm bảo giữ ấm tai, ngón tay và ngón chân được che kín.
  • Thay quần áo cho trẻ nếu chúng bị ướt, đặc biệt là tất, mũ và găng tay.
  • Không để trẻ chơi quá lâu bên ngoài thời tiết lạnh, thường xuyên đưa trẻ vào nhà để sưởi ấm. Cho trẻ ăn một bữa ăn nhẹ với súp hoặc các loại đồ uống ấm. Thường xuyên kiểm tra tình trạng ngón chân, ngón tay, mũi và tai của trẻ.
  • Luôn chú ý và cảnh giác với những dấu hiệu sớm của tê cóng, dạy trẻ những dấu hiệu của tê cóng cần chú ý.
  • Trong trường hợp cần sử dụng túi chườm đá trên da trẻ, hãy bọc chúng trong một chiếc khăn mỏng và sạch. Không bao giờ đặt đá hoặc túi đá trực tiếp lên da. Mỗi lần chườm cần cách nhau khoảng hai đến ba giờ và không chườm quá 15 phút.

Tê cóng là tình trạng tổn thương các bộ phận của cơ thể do nhiệt độ quá lạnh. Tê cóng xảy ra ở trẻ em dễ hơn so với người lớn bởi da trẻ thường giữ nhiệt kém. Tê cóng có thể nhẹ và điều trị tại nhà nhưng cũng có thể gây ra những tổn thương nghiêm trọng, thậm chí là các tổn thương mô vĩnh viễn và cần được cấp cứu ngay lập tức. Để ngăn ngừa tình trạng tê cóng, các bậc cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ vào mùa đông, đặc biệt cần đảm bảo giữ ấm tai, ngón tay và ngón chân được giữ ấm.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: stanfordchildrens.or, babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe