Triệu chứng suy thận cấp xảy ra khi thận đột ngột mất khả năng loại bỏ chất lỏng, muối và các sản phẩm chuyển hoá bên trong máu. Diễn biến của suy thận cấp có thể kéo dài từ vài giờ đến vài tuần. Việc phát hiện sớm các triệu chứng suy thận cấp để được cấp cứu và điều trị là cần thiết, tránh đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy, chuyên ngành Nội thận – Lọc máu – Ghép thận, tại Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
1. Nguyên nhân gây suy thận cấp
Chức năng chính của thận là loại bỏ muối, nước và các chất chuyển hóa từ máu. Tuy nhiên, khi thận bị tổn thương, cơ thể sẽ tích tụ các chất độc, gây mất cân bằng điện giải và dẫn đến tổn thương thận cấp, thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Tình trạng này có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, tuy nhiên có một số nguyên nhân phổ biến hơn bao gồm:
- Mất nước, mất máu nghiêm trọng hoặc đột ngột.
- Ngộ độc thận do các chất độc hoặc một số loại thuốc như rượu, kim loại nặng, cocaine hoặc các loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc.
- Sử dụng các thuốc giảm đau có tác động xấu đến thận trong thời gian dài ở liệu lượng cao, ví dụ như Ibuprofen.
- Bệnh thận tự miễn, có thể kể đến như như hội chứng viêm cầu thận diễn tiến nhanh hay viêm thận mô kẽ.
- Nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn, từ đó gây suy đa tạng.
Ngoài ra, một số rối loạn gây đông máu trong các mạch máu có thể gây tổn thương thận cấp như:
- Hội chứng huyết tán tăng ure máu.
- Bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch (hay Immune thrombocytopenic purpura - ITP).
- Tăng huyết áp ác tính.
- Phản ứng truyền máu.
- Xơ cứng bì.
Các bệnh lý và tình trạng ngăn cản sự bài tiết nước tiểu khỏi cơ thể cũng có thể dẫn đến tổn thương thận cấp. Các bệnh lý và tình trạng này bao gồm:
- Ung thư bàng quang.
- Huyết khối trong đường tiết niệu.
- Ung thư cổ tử cung.
- Ung thư đại tràng.
- Tiền liệt tuyến.
- Sỏi thận.
- Tổn thương dây thần kinh liên quan đến kiểm soát bàng quang.
- Ung thư tuyến tiền liệt.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân gây suy thận cấp khác như:
- Lupus ban đỏ: Đây là một bệnh tự miễn và có thể gây viêm cầu thận.
- Thuốc: Một số loại thuốc bao gồm thuốc hóa trị, kháng sinh và thuốc cản quang dùng trong chẩn đoán hình ảnh.
- Tiêu cơ vân: Tiêu cơ vân có thể dẫn đến tổn thương thận do độc tố từ sự phá hủy cơ.
- Hội chứng tiêu khối u (Tumor Lysis Syndrome - TLS): Hội chứng này xảy ra khi các tế bào ác tính của khối u bị phá vỡ nhanh chóng do điều trị bằng thuốc hormone, hóa trị hoặc xạ trị. Từ đó, các tế bào ác tính giải phóng độc tố làm tổn thương thận.
- Một số bệnh nhiễm trùng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết và viêm bể thận cấp có thể trực tiếp gây tổn thương thận.
2. Các yếu tố nguy cơ gây suy thận cấp
Tình trạng này thường xảy ra ở những người có bệnh lý nền. Vì thế, một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng khả năng mắc phải tình trạng suy thận cấp bao gồm:
- Bệnh nhân đang nằm viện, đặc biệt là những người bệnh nặng cần chăm sóc đặc biệt.
- Người bệnh cao tuổi.
- Người mắc bệnh động mạch ngoại biên (hay peripheral artery disease - PAD).
- Tiểu đường.
- Huyết áp cao.
- Suy tim.
- Bệnh thận.
- Bệnh gan.
- Người mắc ung thư.
3. Triệu chứng suy thận cấp
Các dấu hiệu và triệu chứng suy thận cấp có thể gặp bao gồm:
- Lượng nước tiểu giảm, mặc dù đôi lúc lượng nước tiểu vẫn có thể bình thường.
- Tích nước gây phù ở chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.
- Khó thở.
- Mệt mỏi.
- Lú lẫn.
- Buồn nôn.
- Yếu cơ.
- Nhịp tim không đều.
- Đau ngực.
- Động kinh, có thể bị hôn mê trong trường hợp nặng.
Đôi lúc, dấu hiệu và triệu chứng suy thận cấp có thể không xuất hiện hoặc xuất hiện không rõ ràng. Bệnh nhân chỉ phát hiện bản thân mắc bệnh thông qua các xét nghiệm khi đi khám vì lý do khác.
4. Điều trị các triệu chứng suy thận cấp
Người bệnh sẽ được điều trị tại bệnh viện và khả năng phục hồi sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như sau:
- Nguyên nhân gây ra tình trạng.
- Chức năng thận đã bị ảnh hưởng như thế nào bởi hậu quả của tổn thương thận.
- Khả năng hồi phục của thận.
Về các phương pháp điều trị, có hai cách để điều trị tình trạng này bao gồm: Điều trị nguyên nhân hoặc điều trị biến chứng.
4.1 Điều trị nguyên nhân
Các bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân nào gây ra triệu chứng suy thận cấp hay tổn thương thận (do bệnh hay chấn thương). Dựa vào đó, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp để giúp bệnh nhân hồi phục.
Một số phương pháp điều trị tổn thương thận và các triệu chứng suy thận cấp gồm:
- Giảm thể tích tuần hoàn.
- Giảm cung lượng tim.
- Giảm kháng mạch hệ thống.
- Sử dụng thuốc chữa suy thận.
- Lọc máu.
- Chạy thận nhân tạo.
- Lọc màng bụng.
4.2 Điều trị biến chứng
Song song với quá trình điều trị nguyên nhân, bác sĩ sẽ phối hợp điều trị để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Cùng với đó, việc điều trị sẽ cho phép thận có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục. Trong quá trình phục hồi sau khi có triệu chứng suy thận cấp, bệnh nhân có thể thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt để giúp thận hồi phục.
- Hạn chế các công việc nặng.
Tuỳ vào từng trường hợp khác nhau, các chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bệnh nhân thực hiện các điều sau:
- Tránh các thực phẩm có nhiều muối: Mục đích là để giảm lượng natri tiêu thụ hàng ngày. Các thực phẩm cần tránh gồm đồ ăn chế biến sẵn như cháo đóng hộp và thức ăn nhanh, rau hay thịt hộp, pho mát chế biến sẵn.
- Tránh các thực phẩm chứa nhiều phốt pho: Phốt pho là một khoáng chất được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như bột yến mạch, ngũ cốc nguyên cám, các loại hạt, bơ, đậu phộng hay bánh mì ngũ cốc nguyên hạt. Phốt pho trong máu quá nhiều có thể khiến lượng canxi trong xương bị giảm mạnh. Từ đó, bệnh nhân có thể bị loãng xương hoặc giòn xương. Tuỳ vào từng bệnh nhân, liều lượng phốt pho có thể tiêu thụ và cách hạn chế sẽ được tư vấn cụ thể bởi các chuyên gia dinh dưỡng.
- Chọn các thực phẩm có hàm lượng kali thấp: Một số thực phẩm có ít kali gồm táo, súp lơ, dâu tây, ớt, nho. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên tránh các thực phẩm chứa nhiều kali như chuối, khoai tây, rau chân vịt, cà chua hay cam.
Ngay cả khi thận đã bình phục hoàn toàn, một chế độ ăn uống hợp lý vẫn là điều cần thiết. Điều này sẽ giúp ích cho sức khỏe của người bệnh và bảo vệ thận tốt hơn, ngay cả khi không cần thực hiện một chế độ ăn đặc biệt nữa.
5. Phòng ngừa
Dù đây là một tình trạng khó ngăn ngừa hoặc dự đoán trước nhưng bệnh nhân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách thực hiện một số phương pháp sau đây:
- Cẩn trọng trong việc dùng thuốc: Chỉ dùng thuốc theo toa của bác sĩ và đọc kỹ nhãn thuốc trước khi dùng, ngay cả khi thuốc sắp dùng là thuốc không kê đơn.
- Chăm sóc sức khỏe tốt hơn: Khám sức khỏe định kỳ và theo dõi sức khỏe bản thân chặt chẽ.
- Xây dựng một lối sống lành mạnh: Thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh. Hạn chế chất kích thích, thuốc lá và rượu bia cũng như tăng cường vận động hàng ngày.
Tổng kết lại, bệnh nhân có triệu chứng suy thận cấp cần được cấp cứu kịp thời, chính xác bằng những biện pháp tích cực. Các phương pháp điều trị trong y học hiện đại cũng giúp khống chế tổn thương thận một cách hoàn toàn và hạn chế tình trạng tử vong.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec sở hữu đội ngũ chuyên gia và bác sĩ giàu kinh nghiệm, được đào tạo chuyên sâu cả trong và ngoài nước về lĩnh vực Tiết niệu và các bệnh lý liên quan đến thận. Ngoài ra, bệnh viện còn được trang bị hệ thống máy móc và công nghệ hiện đại hàng đầu để hỗ trợ chẩn đoán và điều trị một cách tốt nhất.
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Thùy là chuyên gia Nội thận với hơn 15 năm kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị các bệnh thận nội khoa, chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng, sàng lọc trước ghép thận và theo dõi sau ghép thận. Hiện tại, bác sĩ Thùy công tác tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: Mayoclinic.org