Suy thận cấp trong hồi sức

Suy thận cấp là một bệnh lý nặng, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, nếu khi bị suy thận cấp, người bệnh được hồi sức cấp cứu kịp thời, đúng cách thì chức năng thận của người bệnh có cơ hội được phục hồi hoàn toàn.

1. Suy thận cấp trong hồi sức là gì?

Suy thận cấp là tình trạng người bệnh có thể tích nước tiểu ít hơn 0.5ml/kg/giờ kéo dài trên 6 giờ, nồng độ creatinin huyết tương tăng thêm 0.5 mg/dl hoặc trên 50% so với giá trị bình thường (> 130 μg/l) ở người trước đó có chức năng thận bình thường. Mức lọc cầu thận giảm nhanh, làm suy sụp, mất chức năng tạm thời cả hai bên thận. Hậu quả là ứ đọng các chất chuyển hóa của nitơ, sự cân bằng nước, điện giải, kiềm toan bị rối loạn.

Suy thận cấp là một bệnh lý nặng, hay gặp trong cộng đồng và cả bệnh nhân đang điều trị nội trú trong bệnh viện, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao, do đó bệnh cần được phát hiện kịp thời, hồi sức cấp cứu tích cực, theo dõi chặt chẽ.

Khi bị suy thận cấp, việc phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng để cứu sống bệnh nhân vì dù hiện tại nhiều phương pháp điều trị hiện đại được áp dụng, trong đó có chạy thận nhân tạo nhưng tỷ lệ tử vong vẫn ở mức 20-40%. Trong các tài liệu kinh điển trước đây, suy thận cấp được chẩn đoán dựa vào:

  • Các nguyên nhân gây suy thận cấp
  • Tình trạng thiểu niệu, vô niệu
  • Nồng độ Ure, Creatinin tăng sau vô niệu, nhiễm toan, Kali máu tăng
  • 4 giai đoạn diễn biến lâm sàng của bệnh và hình ảnh sinh thiết mô bệnh học thận

Việc chẩn đoán theo các tiêu chuẩn kinh điển có nhiều hạn chế, thứ nhất là cho kết quả chẩn đoán chậm, bỏ lỡ cơ hội được điều trị sớm của bệnh nhân. Thứ hai, sẽ bỏ sót các trường hợp bệnh nhân suy thận cấp nhưng không thiểu niệu hoặc vô niệu.


Suy thận cấp là một bệnh lý nặng, hay gặp trong cộng đồng
Suy thận cấp là một bệnh lý nặng, hay gặp trong cộng đồng

2. Bị suy thận cấp do những nguyên nhân nào?

Có nhiều nguyên nhân gây suy thận cấp trong hồi sức, dựa trên cơ chế bệnh sinh có thể phân thành ba nhóm chính là:

2.1 Nguyên nhân trước thận

Gồm các nguyên nhân gây giảm dòng máu đến thận, từ đó giảm áp lực lọc ở cầu thận như :

  • Giảm thể tích tuần hoàn: Mất máu do chảy máu tiêu hóa, chấn thương; mất dịch trong lòng mạch do bỏng, viêm phúc mạc, tắc ruột, viêm tụy cấp, xơ gan, tiêu chảy, nôn, hội chứng thận hư, tiêu cơ vân cấp.
  • Do tắc tĩnh mạch thận, co thắt tĩnh mạch thận, hẹp động mạch thận, xơ vữa mạch thận.
  • Do nhiễm trùng, sử dụng thuốc prostaglandin hoặc ức chế men chuyển,..

2.2 Nguyên nhân tại thận

  • Ống thận bị tổn thương do thiếu máu, do tác dụng phụ độc với thận của một số thuốc (như aminoside, amphotericin B, cisplatin,...), do các biến chứng khi mang thai (sản giật, chảy máu tử cung), do nhiễm khuẩn
  • Viêm thận kẽ: Do nhiễm khuẩn, virut, nấm hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc lợi tiểu (thiazid, furosemid), thuốc giảm đau kháng viêm NSAID, thuốc ức chế men chuyển, một số kháng sinh như penicilin, quinolon, cephalosporin,...
  • Các bệnh cầu thận: Hội chứng Goodpasture, viêm mạch Wegener, tăng huyết áp ác tính, hội chứng tan máu tăng ure máu, do một số thuốc độc với thận như Amphotericin B, Cisplatin,...

2.3 Nguyên nhân sau thận

  • Tắc nghẽn tại thận do sỏi, cục máu đông, hoại tử nhú
  • Tắc ống thận do canxi oxalat, acyclovir, methotrexate, axit uric,...
  • Tắc niệu quản do sỏi niệu quản, u tử cung, u niệu đạo, bàng quang,...
  • Tắc niệu đạo do co thắt niệu đạo, khối u bàng quang, bệnh lý tuyến tiền liệt

Khi bị suy thận cấp, việc phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng
Khi bị suy thận cấp, việc phát hiện, chẩn đoán bệnh sớm có ý nghĩa rất quan trọng

3. Diễn biến lâm sàng của suy thận cấp trong hồi sức

Suy thận cấp sẽ diễn qua 4 giai đoạn điển hình.

  • Giai đoạn 1:

Diễn ra trong 24 giờ đầu, người bệnh cảm thấy mệt, buồn nôn, đau ngực, khó thở, lượng nước tiểu ít dần hoặc vô niệu. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng của các nguyên nhân gây ra suy thận cấp như nhiễm khuẩn, ngộ độc hay mất nước. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách, kịp thời trong giai đoạn này, bệnh sẽ không diễn biến sang giai đoạn tiếp theo.

  • Giai đoạn 2

Là giai đoạn toàn phát với các triệu chứng, biến chứng nặng, người bệnh có thể tử vong.

  • Thiểu niệu, vô niệu, phù
  • Creatinin máu, ure máu tăng nhanh
  • Rối loạn điện giải, tăng kali máu
  • Các dấu hiệu của toan chuyển hóa, pH, HCO3 giảm, có khoảng trống anion.
  • Giai đoạn 3

Là giai đoạn đái trở lại, người bệnh có lại nước tiểu lượng 200-300ml/24 giờ, sau đó tăng dần 4-5 lít/24 giờ. Trong giai đoạn này, người bệnh có nguy cơ mất nước do đái nhiều, kali, ure máu vẫn tăng.

  • Giai đoạn 4

Người bệnh hồi phục, thời gian hồi phục là 2-6 tuần tùy theo nguyên nhân, trung bình là 4 tuần.

4. Phòng ngừa suy thận cấp

  • Khám sức khỏe định kỳ, hoặc đi khám khi bản thân có các dấu hiệu bất sức khỏe bất thường, việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp thận phục hồi được hoàn toàn.
  • Điều trị tốt các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, suy tim, u xơ tuyến tiền liệt,... các bệnh lý này có nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng thận, do đó kiểm soát tốt các bệnh mạn tính là cách giúp phòng ngừa bệnh thận.
  • Sử dụng các thuốc đúng liều lượng, hướng dẫn của nhân viên y tế. Thông báo cho thầy thuốc nếu có các vấn đề về sức khỏe gan, thận để được điều chỉnh liều, tránh nguy cơ quá liều làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
  • Ở các bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh thận từ trước, có bệnh mạn tính kèm theo như đái đường, suy gan, tăng huyết áp, suy đa tạng, chấn thương.. khi bị suy thận cấp, tiên lượng bệnh sẽ nặng và khó điều trị hơn. Do đó, trước khi phẫu thuật cần phải dự phòng suy thận cấp cho bệnh nhân, bù đủ dịch và kiểm soát tốt huyết áp khi phẫu thuật.

Để đăng ký khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý Khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe