Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ Võ Hà Băng Sương - Bác sĩ điều trị - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc.
HIV là viết tắt của cụm từ “ Human Immuno Deficiency Virus”, chỉ tình trạng nhiễm virus tấn công vào hệ thống miễn dịch, gây suy giảm miễn dịch ở người. Khi nhiễm virus, cơ thể đáp ứng tùy từng giai đoạn khác nhau. Ở giai đoạn cấp tính, đó là các biểu hiện toàn thân phản ứng lại với sự xâm nhập của virus. Xét nghiệm là cách duy nhất khẳng định tình trạng nhiễm HIV hay không.
1. Con đường lây truyền HIV
Bệnh nhân HIV được xem là nguồn gây nhiễm HIV duy nhất mà không có ổ nhiễm trùng nào trên động vật. HIV lây truyền qua 3 con đường chính:
1.1. HIV lây truyền qua đường máu
HIV lây qua đường máu và từ các chế phẩm của bệnh nhân HIV.
Sử dụng chung bơm kim tiêm.
Sử dụng chung kim xăm trổ, xăm mày, châm cứu, lưỡi dao cạo,...
Sử dụng chung dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ khám chữa bệnh chưa qua khử trùng đúng cách.
Lây qua các dụng cụ có máu (bàn chải đánh răng)
Do tiếp xúc trực tiếp máu của bệnh nhân HIV ở nơi có vết thương hở.
1.2. HIV lây truyền qua đường quan hệ tình dục
HIV lây lan qua đường quan hệ tình dục khi có dịch thể như máu, tinh dịch, dịch âm đạo có virus HIV xâm nhập vào cơ thể của bạn tình.
Mọi hình thức quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV đều có khả năng mắc HIV, kể cả bằng đường hậu môn hay đường miệng.
Tình dục không an toàn dẫn đến lây nhiễm HIV
1.3. HIV lây truyền từ mẹ sang con
Khi mẹ mang thai thì virus HIV sẽ đi từ máu mẹ qua nhau thai rồi vào cơ thể thai nhi.
Khi mẹ sinh thì virus HIV từ nước ối hoặc dịch âm đạo đi vào cơ thể em bé hoặc máu của mẹ dính vào niêm mạc của em bé.
Khi mẹ cho con bú thì HIV có thể lây truyền qua sữa hoặc những vết nứt trên núm vú của mẹ và tiếp xúc với những tổn thương tại niêm mạc miệng của trẻ.
2. Triệu chứng của HIV giai đoạn cấp tính
Ở HIV giai đoạn cấp tính, bệnh tiến triển nhanh do hệ miễn dịch bệnh nhân suy giảm, đây cũng là khoảng thời gian bệnh nhân dễ mắc các loại nhiễm trùng cơ hội hoặc khối u khác thường.
Các triệu chứng HIV giai đoạn cấp tính (khoảng 1 tháng sau khi phơi nhiễm). Các triệu chứng chủ yếu là sự đáp ứng toàn thân phản ứng với sự xâm nhập của virus. Đặc trưng là hội chứng giả cúm. Người bệnh thường bỏ qua. Các triệu chứng có thể gặp.
2.1. Sốt và ớn lạnh
Người bệnh có biểu hiện sốt nhẹ 37,5 o C đến 38,3o C, và có kèm theo ớn lạnh. Đây là một trong những triệu chứng HIV sớm nhất và phổ biến nhất mà bạn có thể cảm nhận được.
Triệu chứng sốt có thể kéo dài từ 1 hoặc 2 tuần, nhưng đôi khi nó chỉ xuất hiện trong một vài ngày.
2.2. Ra nhiều mồ hôi vào ban đêm
2.3. Phát ban đỏ ở da
Phát ban đỏ ở da kèm theo ngứa khắp người nhưng đôi khi nó chỉ xuất hiện trong 1 hoặc 2 chỗ trên cơ thể.
Biểu hiện cụ thể: Nó là một màu đỏ bao trùm, chứ không phải là những nốt sưng đỏ rời rạc. Nếu bạn đã từng bị phát ban do phản ứng thuốc, thì nó cũng giống như vậy.
Triệu chứng phát ban thường kéo dài ít nhất một tuần, và hầu hết bệnh nhân nói rằng nó không ngứa; đó là phản ứng với sốt cùng với đáp ứng viêm tự nhiên của cơ thể khi chống lại nhiễm trùng.
2.4. Đau họng (cổ họng bị đau rát)
Đau họng, khó nuốt. Khám có thể thấy họng đỏ. Không có các biểu hiện của viêm mủ hay giả mạc tại họng. Tình trạng giống như các viêm họng cấp do các virus hô hấp cấp hoặc tình trạng thường thấy khi nhiễm lạnh.
2.5. Cảm thấy buồn ngủ và đau nhức khắp người
Đau cơ toàn thân và mệt mỏi trong ít nhất một tuần sau khi bị nhiễm HIV.
Đó là một sự kiệt sức không ngừng, ngay cả việc đi làm hoặc sinh hoạt bình thường cũng rất mệt.
2.6 Sưng hạch cổ, nách và bẹn
Sưng đau các hạch bạch huyết vùng cổ, nách, bẹn. Khám sờ được nhiều hạch, nhiều vị trí sưng đau là dấu hiệu gợi ý. Khi ở trong bệnh cảnh toàn thân gợi ý thì xét nghiệm HIV là cần thiết. Tình trạng sưng đau hạch sẽ tự khỏi trong vài ngày dù không điều trị gì. Tuy nhiên sẽ tái diễn.
2.7. Nhiệt miệng
Nhiệt miệng là những nốt loét mềm, tròn, lõm trên niêm mạc miệng. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các nốt loét này có thể xảy ra vì nhiều lý do khác nhau, như stress, dị ứng thực phẩm hoặc thay đổi nội tiết tố.
2.8. Buồn nôn và tiêu chảy
Có khoảng 30-60% người bệnh có dấu hiệu buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Buồn nôn và nôn, cũng có thể là dấu hiệu ban đầu của nhiễm HIV. Ngoài ra còn một số triệu chứng ít gặp hơn ở giai đoạn sớm bao gồm: Bị nấm, tưa miệng hay nhiễm trùng, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
Trên đây chỉ là một số cảm quan không thể khẳng định được bạn có bị lây nhiễm HIV hay không.
Đây là thời điểm virus di chuyển vào trong máu và bắt đầu nhân rộng với số lượng lớn. Các hiện tượng viêm, sưng chính là phản ứng của hệ miễn dịch. Nhưng không phải ai nhiễm HIV cũng xuất hiện những triệu chứng này.
Do tính chất không rõ ràng của những triệu chứng này ở HIV giai đoạn cấp tính, cho nên bệnh nhân và bác sĩ thường không nhận ra các dấu hiệu của nhiễm HIV mà sẽ nghĩ tới việc bị một trong các bệnh nhiễm khuẩn thông thường với các triệu chứng tương tự. Hệ quả là bệnh nhân có thể dễ lây bệnh cho nhiều người trong giai đoạn này.
Vậy khi nghi ngờ bị bệnh ở giai đoạn cấp tính dựa trên các triệu chứng, việc xét nghiệm HIV là cần thiết. Các xét nghiệm sàng lọc thông thường cũng không xác định được bệnh nên giai đoạn này còn được gọi là giai đoạn “cửa sổ”, khoảng 3 tháng.
Sau HIV giai đoạn cấp tính là giai đoạn mãn tính: Đây là giai đoạn mà sự bảo vệ mạnh mẽ của hệ miễn dịch sẽ làm giảm số lượng của các hạt virus trong máu, chuyển sang giai đoạn nhiễm HIV mạn tính. Giai đoạn này có thể kéo dài từ 2 tuần đến 20 năm tùy trường hợp.
Giai đoạn cuối là giai đoạn AIDS: Là giai đoạn cuối với sự tấn công của các loại tác nhân nhiễm trùng (nấm, lao...) và sự tàn phá cơ thể của các khối u. Cơ thể suy kiệt và tử vong.
3. Phòng ngừa bệnh HIV
Cách phòng ngừa HIV cho bản thân là hiểu rõ cách thức lây lan của HIV để có biện pháp phòng tránh sự tiếp xúc của bản thân với các con đường lây nhiễm HIV:
3.1. Phòng nhiễm HIV lây qua đường tình dục
Sống lành mạnh, chung thuỷ một vợ một chồng và cả hai người đều không bị nhiễm bệnh HIV. Không quan hệ tình dục bừa bãi.
Trong trường hợp quan hệ tình dục với một đối tượng chưa rõ có bị nhiễm HIV hay không, cách tốt nhất để phòng tránh bệnh là cần phải thực hiện biện pháp tình dục an toàn để bảo vệ cho bản thân bằng cách sử dụng bao cao su đúng cách.
Nhận biết sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục để giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh HIV, vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là yếu tố virus HIV xâm nhập vào.
3.2. Phòng nhiễm HIV lây qua đường máu
Không tiêm chích ma túy.
Khi phải truyền máu thì chỉ nhận máu và các chế phẩm máu đã được xét nghiệm HIV.
Không dùng chung bơm kim tiêm; vô trùng bơm kim tiêm; sử dụng dụng cụ đã tiệt trùng khi phẫu thuật, châm cứu...
Tuyệt đối không được tiếp xúc trực tiếp với các dịch cơ thể của người nhiễm bệnh HIV.
Không dùng chung đồ dùng cá nhân như dao cạo, bàn chải răng,...
3.3. Phòng nhiễm HIV lây truyền từ mẹ sang con
Phụ nữ đã bị nhiễm HIV thì không nên có thai vì tỷ lệ lây truyền HIV sang con là 30%.
Trường hợp đã có thai và muốn sinh con, cần đến cơ sở y tế để được khám thai và tư vấn về cách phòng lây nhiễm HIV cho con.
Sau khi sinh nên cho trẻ dùng sữa bò thay thế sữa mẹ, bởi quá trình cho con bú có thể gây ra xây xước, lây truyền HIV cho con.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.