Khi phổi có vấn đề xảy ra thì cơ thể khó có thể nhận được đầy đủ lượng oxy cần thiết. Có rất nhiều bệnh lý có thể ảnh hưởng đến phổi khiến cho chức năng phổi bị ảnh hưởng. Dưới đây là các bệnh có liên quan đến phổi.
1. Viêm phế quản cấp tính
Có hàng trăm loại vi-rút có thể gây ra bệnh cảm lạnh thông thường. Trong hầu hết các trường hợp khi mắc phải một loại vi-rút, thì loại virus này sẽ tấn công mũi và cổ họng của bạn. Gây ra những triệu chứng như ngạt mũi, chảy mũi, đau họng... Nhưng đôi khi một số tác nhân gây ra cảm lạnh thông thường cũng có thể xâm nhập vào sâu trong đường hô hấp và gây ra bệnh viêm phế quản cấp tính. Tình trạng viêm này làm cho các ống phế quản (đường dẫn khí trong phổi) bị sưng lên và tạo ra nhiều chất nhầy hơn, có thể dẫn đến ho nặng, ho có đờm và khó chịu ở ngực. Viêm phế quản cấp tính thường tự khỏi trong vòng vài tuần với các biện pháp chăm sóc như giữ ấm cơ thể, sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng.
2. Bệnh hen phế quản
Bệnh hen suyễn là tình trạng phản ứng quá mức của niêm mạc đường hô hấp với một dị nguyên nào đó và đây cũng là một bệnh liên quan đến phổi. Tình trạng này cũng gây ra phù nề đường thở và tăng tạo chất nhầy trong phổi. Hen phế quản là một tình trạng mãn tính, nó có thể xuất hiện suốt đời chứ không phải là tình trạng tạm thời do nhiễm trùng. Nếu bị hen suyễn, dung tích phổi có thể thấp hơn vì bị phù nề và chất nhầy hạn chế sự di chuyển của không khí trong phổi. Trong cơn hen suyễn, đường thở bị thu hẹp, có thể khiến bạn thở khò khè, thở rít, khó thở thì thở ra và có thể trở nên nguy hiểm.
Hen thường đáp ứng tốt với các thuốc giãn phế quản và nếu kiểm soát tốt có thể hạn chế sự hình thành các cơn hen.
3. Dị ứng
Dị ứng với các tác nhân như phấn hoa, bụi nhà và vật nuôi thường không ảnh hưởng đến phổi. Nhưng dị ứng và hen suyễn thường đi đôi với nhau. Nếu có cả hai tình trạng này, việc tiếp xúc với chất gây dị ứng như phấn hoa có thể gây ra một cơn hen suyễn.
4. Sốc phản vệ
Sốc phản vệ là loại phản ứng dị ứng nghiêm trọng nhất hay còn được gọi là phản ứng quá mẫn và sốc phản vệ chắc chắn ảnh hưởng đến phổi. Sốc phản vệ rất có thể xảy ra khi người bị dị ứng nghiêm trọng với thức ăn, côn trùng đốt, thuốc...tiếp xúc với các dị nguyên đó. Cơ thể khi bị sốc sẽ làm đường thở co thắt và cổ họng có thể bị phù nề đến mức không thể có đủ không khí đi qua. Sốc phản vệ là một trường hợp cấp cứu y tế đe dọa tính mạng, vì vậy cần phải ngay lập tức tới cơ sở y tế gần nhất.
5. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
COPD là một thuật ngữ chung bao gồm tình trạng viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Nó thường gặp ở những người đã hút thuốc trong một thời gian dài và đây là một trong các bệnh liên quan đến phổi gây triệu chứng khá nghiêm trọng. Hầu hết những người bị COPD đều có một số triệu chứng của cả viêm phế quản mãn tính và khí phế thũng. Viêm phế quản là tình trạng viêm trong các ống phế quản trong phổi. Khí phế thũng xảy ra khi các túi khí nhỏ trong phổi, được gọi là phế nang, bị phá hủy. Vì có nhiều mô bị hư hỏng cho nên sẽ không có đủ oxy làm từ phổi vào máu.
6. Cảm cúm
Cảm cúm là bệnh lý do virus gây ra, khi xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp có thể gây ra triệu chứng bao gồm sốt, sổ mũi, đau nhức cơ thể và ho khan. Vi rút gây bệnh cúm có thể lây nhiễm sang các tế bào biểu mô của đường hô hấp và bắt đầu nhân lên trong mô phổi. Điều đó làm cho các tế bào miễn dịch của cơ thể phải cố gắng chống lại để loại bỏ vi rút, khiến cho hệ miễn suy giảm. Do đó, cảm cúm cũng có thể gây hại cho phổi vì nó khiến cho phổi dễ bị nhiễm trùng khác gây ra tình trạng viêm phổi.
7. Viêm phổi
Bệnh viêm phổi có thể xảy ra sau nhiễm một số loại virus như virus gây bệnh cảm cúm, sởi...hoặc viêm phổi bùng phát thì đều gây ảnh hưởng đến các thùy hoặc đường dẫn khí (phế quản) của phổi. Tình trạng này có thể do vi khuẩn, nấm hoặc virus gây ra, khiến các túi khí (phế nang) chứa đầy chất lỏng và dịch mủ khiến cho việc trao đổi oxy trở nên khó khăn. Người bị viêm phổi thường ho ra đờm, đờm thường đặc, thở gấp, khó thở và đau tức vùng ngực.
8. COVID-19
COVID-19 là một loại virus mới được phát hiện, nó đã và đang gây ra đại dịch ảnh hưởng tới toàn thế giới và Covid-19 có thể gây hại cho phổi. Cũng giống như bệnh cúm, một số người bị nhiễm coronavirus sẽ có thể xuất hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp trên như sốt nhẹ, ho, đau họng, chảy mũi, mất ngửi...và sau đó cũng có thể bị viêm phổi như một biến chứng. Trong trường hợp đó, các phế nang sẽ bị chứa đầy chất lỏng, khiến người bệnh bị khó thở, không đủ oxy cho sự hoạt động của cơ thể. Đối với một số người, viêm phổi liên quan đến COVID-19 trở nên nghiêm trọng đến mức dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS). Đây là mộ tình trạng do mô phổi bị tổn thương. Những người bị ARDS rất khó thở và có thể phải đặt máy thở.
9. Bệnh lao phổi
Đây là bệnh do vi khuẩn lao gây ra, có thể lây nhiễm qua đường hô hấp. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, nếu qua được hàng rào bảo vệ của cơ thể thì vi khuẩn cụ thể đến phế nang trong phổi và gây ra bệnh lao phổi. Một số người mang vi khuẩn này không biết là họ mắc phải và nó cũng không gây ra triệu chứng gì, mà những người này thường phát triển bệnh khi cơ thể suy giảm sức đề kháng. Còn những người khác lại phát triển các triệu chứng nghiêm trọng và gây tổn thương nghiêm trọng tới phổi. Việc điều trị bệnh lao cần phác đồ phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau và thời gian điều trị kéo dài, riêng với lao kháng thuốc thì phác đồ điều trị cần thời gian rất dài.
10. Bệnh xơ nang
Bệnh xơ nang là do một bệnh gây ra do gen khiếm khuyết, di truyền. Ở những người mắc bệnh này, các tế bào tạo chất nhờn, mồ hôi và dịch tiêu hóa sẽ có tính chất đặc và dính thay vì mỏng và trơn. Điều này làm tắc nghẽn các đường dẫn trong cơ thể, bao gồm cả những đường dẫn khí trong phổi từ đó gây ảnh hưởng đến phổi. Những người mắc bệnh này thường ho ra chất nhầy, thở khò khè và thường xuyên bị nhiễm trùng phổi.
11. Ung thư phổi
Ung thư phổi là một trong những bệnh liên quan đến phổi nghiêm trọng nhất, bệnh phát triển khi các tế bào trong phổi phát triển một cách bất thường và kết hợp lại với nhau thành một khối u. Khi các khối u phát triển, chúng sẽ phá hủy các mô khỏe mạnh xung quanh chúng. Nếu một khối u trong phổi của bạn trở nên đủ lớn, nó có thể dẫn tới chặn đường thở và khiến bạn cảm thấy khó thở hơn. Ung thư cũng có thể do nguyên nhân thứ phát và bắt đầu ở các bộ phận khác của cơ thể di căn đến phổi nhưng nó không được gọi là ung thư phổi. Ví dụ như, ung thư vú di căn đến phổi vẫn là ung thư vú.
12. Bệnh phổi kẽ (xơ phổi)
Điều này bao gồm rất nhiều những rối loạn mãn tính gây viêm và xơ hóa ở phổi. Sự tích tụ của các mô sẹo sẽ phá hủy các phế nang và mao mạch trong phổi, điều đó khiến bạn khó có thể được cung cấp đầy đủ oxy. Cuối cùng khi tổ chức xơ này nhiều lên thì phổi cứng lại và ngày càng khó thở hơn.
13. Bệnh tim mạch
Phổi và tim có những hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy khi một bên bị bệnh nào đó, bên kia thường bị ảnh hưởng. Một số vấn đề về tim có thể dẫn đến tăng áp lực động mạch phổi, một loại huyết áp cao trong động mạch phổi và bên phải của tim. Theo thời gian, các mạch máu trong phổi thu hẹp nên máu khó lưu thông hơn. Trong một số trường hợp khác, những người có vấn đề về tim như suy tim sẽ bị phù phổi cấp, đây là tình trạng tích tụ chất lỏng trong các túi khí trong phổi gây khó thở cấp tính.
Trên đây là các bệnh liên quan đến phổi thường gặp và gây ảnh hưởng tới chức năng của phổi. Một số bệnh do vi sinh vật gây ra có thể tránh được bằng cách hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh và một số bệnh khó có thể phòng tránh được mà cần phải được phát hiện để điều trị sớm.
Các bệnh về phổi đều để lại các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như hệ hô hấp của con người. Tuy nhiên, nếu được thăm khám và điều trị ở giai đoạn sớm thì việc điều trị các bệnh về phổi sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Vì thế các chuyên gia Y tế thường khuyến cáo chúng ta nên đi thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm các nguy cơ mắc bệnh có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com