Các tình huống thông thường và đặc biệt cần tiêm vacxin ngừa virus HPV gây ung thư cổ thư cổ tử cung

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Ung thư cổ tử cung là căn bệnh thường gặp đứng thứ 3 ở phụ nữ Việt Nam từ độ tuổi 15 – 44. 80% phụ nữ bị nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Mỗi ngày có 7 phụ nữ tử vong vì ung thư cổ tử cung, 14 trường hợp mới được chẩn đoán mắc bệnh. Không phải ai nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư cổ tử cung, tuy nhiên, có hơn 90% các trường hợp ung thư cổ tử cung phát hiện do virus HPV gây ra. . Do đó chủ động chích ngừa HPV là cách tốt để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung

1. Ung thư cổ tử cung là bệnh gì?

Ung thư cổ tử cung là bệnh lý do các tế bào ở cổ tử cung bắt đầu phát triển vượt quá mức kiểm soát của cơ thể gây ra. Các tế bào mới này phát triển nhanh chóng và tạo ra khối u trong cổ tử cung. Nguyên nhân ung thư cổ tử cung là do nhiễm vi-rút sinh u nhú ở người (HPV). Nhiễm HPV kéo dài là yếu tố thiết yếu để phát triển thành ung thư biểu mô tế bào gai cổ tử cung (và những tổn thương tiền ung thư như là tân sinh nội biểu mô cổ tử cung (CIN 1 và CIN 2/3) và ung thư biểu mô tuyến cổ tử cung . HPV cũng gây ung thư âm hộ và âm đạo và tổn thương tiền ung thư như tân sinh trong biểu mô âm hộ (VIN) và tân sinh trong biểu mô âm đạo (VaIN).
Nhiễm HPV rất phổ biến. Trong trường hợp không tiêm ngừa, trên 50% người trưởng thành có sinh hoạt tình dục sẽ nhiễm HPV trong đời. Đa số trường hợp nhiễm HPV sẽ được loại trừ mà không để lại di chứng nào tuy nhiên một vài trường hợp sẽ tiến triển đến ung thư cổ tử cung. Nhiễm HPV 16 và HPV 18 là nguyên nhân gây ra 70% các trường hợp ung thư hậu môn và dương vật và tiền sang thương của chúng.
Nhiễm HPV 6 và HPV 11 cũng gây mụn cóc sinh dục (mào gà sinh dục), đó là các khối u sùi hiếm khi tiến triển đến ung thư của niêm mạc cổ tử cung âm đạo, âm hộ và vùng chung quanh hậu môn và bộ phận sinh dục. Tỷ lệ mới mắc tổn thương này thường tương đương nhau ở cả nam và nữ.

Virus HPV chủ yếu lây truyền qua đường tình dục: tiếp xúc da với da, niêm mạc miệng, hầu họng hoặc tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có thể lây truyền virus HPV.

Ngoài ra, virus này còn có thể lây truyền không qua đường tình dục như dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót...

HPV cũng có thể lây truyền dọc từ mẹ sang con trong lúc sinh và gây ra đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.

2.Vắc xin phòng HPV

Ở Việt Nam hiện nay có 2 loại vắc xin được sử dụng để chích ngừa ung thư cổ tử cung. Đó là vắc xin có tên Gardasil xuất xứ từ Mỹ và vắc xin Cervarix xuất xứ từ Bỉ.

Mỗi loại vắc xin có chứa thành phần và một số tác dụng khác nhau, lịch tiêm phòng của mỗi loại cũng có sự khác biệt. Vì thế, trước khi quyết định tiêm loại nào, bạn nên nghiên cứu thật kỹ, có thể hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn cụ thể.

Cụ thể, vắc xin Gardasil có tác dụng phòng ngừa virus HPV tuýp 6, 11, 16 và 18, vì thế chúng giúp phụ nữ ngăn ngừa nguy cơ mắc một số bệnh như: ung thư cổ tử cung, ung thư âm hộ và mụn cơm , mụn cóc , sùi mào gà sinh dục.

Trong khi đó vắc xin Cervarix chỉ có nhiệm vụ chính đó là phòng virus HPV tuýp 16 và 18. Chính vì vậy loại vắc xin này thường được dùng để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung đối với phụ nữ. Thông thường, giá thành của loại vắc xin này cũng rẻ hơn so với vắc xin Gardasil kể trên.


Tiêm vắc-xin HPV là cách tốt để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung
Tiêm vắc-xin HPV là cách tốt để giảm thiểu nguy cơ bị ung thư cổ tử cung

3. Tình huống đặc biệt khi chủng ngừa HPV

Phụ nữ mang thai có tiêm phòng HPV được không ? Đối với phụ nữ mang thai không nên tiêm vắc xin. Nếu trong quá trình tiêm phòng có thai thì nên dừng đến khi sinh con xong, thời gian để hoàn thành các mũi tiêm là 2 năm.

Trễ hẹn có ảnh hưởng đến hiệu quả vaccine HPV không ?

Hiện tại vắc xin không có quy đinh giới hạn cuối cùng của việc trễ mũi. Việc tiêm trễ mũi không ảnh hưởng hiệu quả vắc xin, tuy nhiên vẫn cần tiêm đủ phác đồ (3 mũi) trong thời gian 02 năm để có được hiệu quả tốt.

Quá 26 tuổi có tiêm phòng HPVđược không?

Tuổi được Bộ Y tế Việt Nam khuyến cáo tiêm vắc-xin HPV là 9-26 tuổi. Tuy nhiên một vài nước trên thế giới vẫn áp dụng tiêm ngừa cho lứa tuổi trên 26 chưa nhiễm HPV (test HPV âm tính) nhưng hiệu quả bảo vệ không cao bằng. Cho dù tiêm ngừa hay không, việc khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là rất cần thiết đối với phụ nữ.

Đã quan hệ rồi thì có nên tiêm HPV nữa không?

Việc tiêm phòng vắc xin ngừa HPV đạt lợi ích tối đa khi tiêm cho bé gái và phụ nữ từ 9-26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và mụn sinh dục... Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là nếu đã từng quan hệ tình dục rồi thì tiêm vắc xin sẽ không có tác dụng nữa.

Theo các chuyên gia, những người đã từng quan hệ tình dục và đã có gia đình vẫn nên tiến hành tiêm phòng HPV.

HPV có nhiều tuýp khác nhau. Trên thực tế, chị em có thể nhiễm một hoặc vài chủng virus HPV sau khi quan hệ tình dục. Việc tiêm ngừa sẽ giúp phòng chống các chủng HPV khác mà chị em chưa mắc phải. Ngoài ra, HPV dễ tái nhiễm. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không phòng được tái nhiễm nhưng vắc xin ngừa được vấn đề này.

Tiêm phòng vắc xin ngừa HPV là cách phòng ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất, tuy nhiên, cũng giống như tất cả loại vắc-xin tiêm phòng khác, không phải cứ tiêm phòng là có thể hoàn toàn yên tâm 100% không mắc bệnh. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng, bạn vẫn cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân bằng cách duy trì lối sống sinh hoạt khoa học, tập thể dục điều độ, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và không nên quan hệ với nhiều bạn tình.

Tiêm phòng HPV sau bao lâu thì có thể quan hệ?

Vậy, tiêm phòng HPV có phải kiêng quan hệ hay không? Hiện tại, không có khuyến cáo cụ thể về việc kiêng quan hệ sau khi tiêm phòng vắc xin ngừa HPV. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và yên tâm, bạn nên có biện pháp bảo vệ nếu quan hệ tình dục trong thời điểm đang tiêm vắc xin, bởi khi đó vắc xin có thể chưa tạo ra kháng thể giúp chống lại virus HPV, bạn vẫn có thể lây nhiễm HPV khi quan hệ tình dục không an toàn.

Nam giới có cần tiêm phòng HPV không?

Các nhà khoa học cho rằng các bé trai trong độ tuổi dậy thì cũng có thể thụ hưởng được lợi ích từ tiêm phòng HPV. Hiện nay, theo Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), cần xem xét mở rộng chương trình tiêm phòng HPV cho các bé trai, sau khi một nghiên cứu cho thấy số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV sẽ vượt xa nữ giới, và nhiễm HPV có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng, ung thư miệng, lưỡi ở nam giới cũng như ung thư đường sinh dục nam giới (hậu môn, dương vật...).

Tiêm phòng HPV có cần xét nghiệm không?

Tiêm vắc xin phòng HPV không cần xét nghiệm trước tiêm. Nữ giới nằm trong độ tuổi 9 – 26, không mang thai, không dị ứng với thành phần nào của vắc xin, không đang điều trị các bệnh cấp tính... đều đủ điều kiện tiêm vắc xin này.

Tất cả chị em nên được khám sức khỏe sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Bị nhiễm HPV có tiêm phòng được không?

Vắc xin phòng ung thư cổ tử cung vẫn có tác dụng khi tiêm cho những người đã từng quan hệ tình dục, thậm chí đã từng nhiễm virus HPV. Bởi trên thực tế, virus HPV rất dễ tái nhiễm – tức là sau khi cơ thể đào thải virus vẫn có thể nhiễm lại chúng. Miễn dịch tự nhiên của cơ thể không đủ để phòng được tái nhiễm, nhưng vắc xin lại có thể làm được điều này.

Bên cạnh đó, HPV có nhiều type khác nhau. Việc bạn đã từng bị nhiễm một tuýp HPV nào trước đây thì vẫn nên tiêm phòng vắc xin để được bảo vệ tránh lây nhiễm những tuýp HPV khác.

Tiêm phòng ung thư cổ tử cung bao lâu thì được mang thai?

Khi có dự định lập gia đình, phụ nữ cần chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung sớm. Nếu có thai khi đang tiêm vắc xin thì sẽ tạm hoãn lịch tiêm, hoàn tất lịch tiêm tiếp tục sau khi sinh con.

Bị sùi mào gà có tiêm vắc xin HPV được không?

Bệnh sùi mào gà là tình trạng xuất hiện những mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Chúng có thể là một nốt sùi nhỏ hoặc hình dạng trông giống như cây súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc có thể rất nhỏ và khó có thể nhìn thấy. Bệnh sùi mào gà là một trong những bệnh phổ biến lây truyền qua đường tình dục, gây ra bởi virus human papilloma (HPV). Virus này có thể gây bệnh sùi mào gà cũng như bệnh ung thư cổ tử cung.

Tiêm vắc xin không đem lại tác dụng tương đương thuốc đặc hiệu điều trị bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục, ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn. Do đó, nếu đã bị bệnh sùi mào gà, người bệnh nên khám chuyên khoa da liễu, làm xét nghiệm PCR HPV; nếu chưa nhiễm các tuýp này thì có thể tiêm phòng.

Trong trường hợp người bệnh đã được chẩn đoán mắc bệnh sùi mào gà, và đang điều trị bệnh sùi mào gà theo đơn thuốc của bác sĩ thì có thể tiêm vắc xin phòng ngừa tái phát và hỗ trợ điều trị bệnh sùi mào gà theo hướng dẫn của các bác sĩ.

Vắc-xin HPV có bảo vệ suốt đời không?

Vắc-xin HPV sẽ bảo vệ bạn lâu dài khỏi một số loại virus HPV. Tuy nhiên, ngay cả những phụ nữ đã tiêm vắc-xin nên đi khám bác sĩ phụ khoa thường xuyên để xét nghiệm Pap để kiểm tra ung thư cổ tử cung, vì vắc-xin không bảo vệ có thể tránh khỏi tất cả các loại virus có thể gây ung thư cổ tử cung.

Ai không nên tiêm vắc-xin HPV?

Một số người không nên tiêm vắc-xin trong trường hợp người đó có phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vắc-xin HPV hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong loại vắc-xin này. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có bất kỳ dị ứng nghiêm trọng như nấm men bánh mì (baker's yeast) hoặc latex hoặc bạn có vấn đề về hệ thống miễn dịch hoặc rối loạn đông máu.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe