Các tình huống đặc biệt khi tiêm vacxin ngừa viêm gan B

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

1. Tại sao cần tiêm phòng viêm gan B?

Viêm gan B là một bệnh gây viêm và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do vi rút viêm gan B. Trên thế giới ước tính có khoảng hơn 2 tỷ người (30% dân số) bị nhiễm vi rút viêm gan B và hơn 400 triệu người bị bệnh gan mạn tính. Hàng năm, ít nhất có khoảng 1 triệu người trên thế giới tử vong do xơ gan và ung thư gan.Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao (khoảng 10-20%) đặc biệt tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở phụ nữ có thai từ 10-16% và ở trẻ em là 2-6%.Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tiêm vắc xin viêm gan B là cách phòng bệnh hiệu quả nhất.

Vi rút viêm gan B có thể lây truyền qua các đường sau:

  • Lây từ mẹ qua con (chu sinh): Trẻ sơ sinh là nguồn nhiễm vi rút viêm gan B chủ yếu ở nhiều nước trên thế giới. Lây truyền vi rút từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng.
  • Lây truyền từ trẻ qua trẻ: Lây truyền thường xảy ra ở nhà, bệnh viện nhi, trường học và nhà trẻ. Cơ chế lây truyền từ trẻ qua trẻ có thể liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Vi rút viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ.
  • Lây truyền qua sự tiêm chích và truyền máu: Tiêm không an toàn là đường lây truyền chủ yếu của vi rút viêm gan B và những bệnh khác (viêm gan C, HIV) trên nhiều quốc gia.
  • Lây truyền trong khi quan hệ tình dục: Khi có trầy xước, tiếp xúc với máu hoặc các dịch khác của cơ thể.

Tiêm vacxin viêm gan B là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ bạn và gia đình khỏi viêm gan B. Tiêm vacxin viêm gan B được khuyến cáo cho tất cả trẻ sơ sinh, liều đầu tiên tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh và tiếp theo 3 liều lúc trẻ được 2, 3, 4 tháng. Vacxin viêm gan siêu vi B có thể được dùng ở dạng vacxin phối hợp giúp phòng ngừa thêm các bệnh lý khác trong cùng 1 mũi tiêm để giảm đau, giảm số lần tiêm cho trẻ. Ở người lớn, vacxin viêm gan B khuyến cáo tiêm 3 liều, trong thời gian 6 tháng, nhắc lại sau 5 năm.


Viêm gan B lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người bệnh
Viêm gan B lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch tiết của người bệnh

2. Tình huống đặc biệt khi tiêm vacxin ngừa viêm gan B

1.2 Tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Trong giai đoạn mang thai rất hiếm xảy ra lây truyền từ mẹ sang con, không quá 2%. Vi rút viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Ở thời điểm này, khi tử cung co thắt, các mạch máu nơi nhau bám cũng bị co thắt có thể giúp máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu con (bình thường máu mẹ và máu con không tiếp xúc nhau mà chỉ trao đổi chất tại bánh nhau) hoặc khi trẻ chui qua ống âm đạo của mẹ, sự lây truyền sẽ diễn ra trong thời điểm này. Nếu mẹ bị nhiễm có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sẽ bị lây truyền; hoặc mẹ nhiễm chỉ có HBsAg+ thì khả năng lây truyền là 10%. Vi rút có thể truyền sang trẻ khi tiếp xúc gần gũi với người bị nhiễm trong gia đình, người chăm sóc.

Tiêm vắc xin phòng viêm gan B trong 24 giờ sau sinh?

Đây là cách tốt để phòng lây truyền vi rút viêm gan B từ mẹ sang con.Việc tiêm vắc xin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Tiêm vắc xin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với virut ngay khi sinh, đây là một sự cạnh tranh giữa sự nhân lên của vi rút và vắc xin tạo ra kháng thể kịp thời trung hòa vi rút đang có trong cơ thể, do đó nhiều nước đã tiêm ngay trong vòng 12 giờ.Tiêm vắc xin viêm gan B sớm không chỉ có hiệu quả tốt phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con trong khi sinh mà còn giúp trẻ sơ sinh sớm được bảo vệ phòng lây truyền viêm gan B từ các thành viên khác trong gia đình, người chăm sóc trẻ hoặc từ những trẻ khác qua tiếp xúc trực tiếp với vết xước, chảy máu.

2.2 Trường hợp mẹ nhiễm bệnh viêm gan B

Riêng với trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm viêm gan B, việc tiêm phòng cho trẻ càng đóng vai trò quan trọng hơn. Ngoài 1 mũi vắc- xin ngừa viêm gan B, trẻ cần được tiêm 1 mũi kháng thể (huyết thanh kháng viêm gan B) HBIg (Hepatitis B Immune Globulin) ngay trong vòng 12 -24 giờ đầu sau sinh. Globulin miễn dịch kháng viêm gan B tạo miễn dịch thụ động và một mũi vắc- xin viêm gan B tái tổ hợp để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ. Vị trí tiêm kháng thể HBIg và vắc-xin viêm gan B phải ở 2 vị trí khác nhau.

Bên cạnh mũi sơ sinh và huyết thanh (nếu có) thì trẻ được khuyến cáo tiêm 4 mũi vắc- xin phòng viêm gan B theo phác đồ sau:

  • Mũi 1: Mũi tiêm đầu tiên
  • Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
  • Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng
  • Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm.

Sau một tháng kể từ lúc trẻ được chích ngừa viêm gan B với mũi thứ 4 thì có thể để trẻ xét nghiệm HBsAg HBsAb nhằm xác định hai vấn đề gồm:

  • Trẻ có mắc virus viêm gan B không?
  • Cơ thể trẻ đã có đủ kháng thể để chống lại virus viêm gan B chưa?

Vắc-xin phòng ngừa viêm gan B cho trẻ em có thể là vắc- xin đơn giá hoặc vắc-xin kết hợp 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.

2.3 Bà mẹ xét nghiệm HBsAg âm tính có nên tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong vòng 24 giờ không?

Ở một số quốc gia đã phát triển, lưu hành viêm gan ở mức thấp, đường lây truyền từ mẹ sang con không phải là chủ yếu, nhưng cũng tiêm vắc xin viêm gan B từ rất sớm, thậm chí thực hiện tiêm trong vòng 12 giờ đầu sau sinh. Trường hợp mẹ có xét nghiệm HBsAg âm tính, trên lý thuyết là không mắc viêm gan B, tuy nhiên vẫn tiêm vắc xin ngay sau sinh vì một số lý do sau:

  • Xét nghiệm âm tính giả trong khi mẹ vẫn đang nhiễm vi rút viêm gan B; chưa kể chất lượng xét nghiệm, ghi chép nhầm, báo cáo nhầm.
  • Mẹ đang nhiễm ở thời kỳ cửa sổ (30 - 60 ngày) nên không phát hiện được qua xét nghiệm.
  • Một số trường hợp chủng đột biến vi rút viêm gan B nên có thể lẩn tránh hệ thống miễn dịch và không phát hiện được qua xét nghiệm máu.
  • Mẹ xét nghiệm HBsAg âm tính nhưng đứa trẻ có thể bị phơi nhiễm viêm gan B trong phòng sinh từ một sản phụ khác hoặc nhân viên y tế, từ người thân khác đang mắc viêm gan B.

2.4 Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sinh non

Dù một số cột mốc khác trẻ sinh non có thể tiến triển chậm so với trẻ sinh đủ tháng nhưng việc chủng ngừa cho bé vẫn nên được diễn ra đúng thời điểm vì nếu trì hoãn việc củng cố hệ miễn dịch của bé thì trẻ có thể gặp phải một số vấn đề về sức khỏe. Theo quy định, trẻ em được lên lịch tiêm ngừa theo độ tuổi tính từ ngày sinh. Trẻ sinh non có khả năng đáp ứng tốt với vắc-xin để sản xuất kháng thể cho các bệnh mà trẻ được chủng ngừa, tiêu biểu là vắc-xin viêm gan B.

Tiêm ngừa viêm gan B gồm 3 liều, liều đầu tiên thường được thực hiện ngay sau khi sinh và chia thành 2 trường hợp như sau:

*Mẹ của trẻ sinh non bị nhiễm viêm gan B: cần tiêm immunoglobulin miễn dịch viêm gan B (HBIG) và tiêm vắc-xin viêm gan B trong vòng 12 giờ sau khi sinh.

Đối với trẻ sinh non có cân nặng dưới 2 kg, khuyến nghị của Bộ Y tế là tiêm miễn dịch thụ động (kháng thể đặc hiệu chống lại virus - HBIG) cùng với vắc-xin hoạt động chống viêm gan B (HBV). Vắc-xin chủ động (HBV) tiêm ngay sau khi sinh sẽ không được tính vào lịch tiêm phòng mà lịch tiêm sẽ bắt đầu với chuỗi 3 lần tiêm khi trẻ đạt trọng lượng 2kg hoặc được 1 tháng tuổi;

Xét nghiệm huyết thanh cho nhiễm viêm gan B (HBsAg) và miễn dịch (antiHBs) được khuyến cáo ở 9 tháng tuổi cho tất cả trẻ sơ sinh có mẹ mang virut viêm gan B.

*Mẹ của trẻ sinh non không bị nhiễm viêm gan B: Trẻ sẽ được chủng ngừa lần đầu tiên ngay trước khi xuất viện hoặc khi cân nặng của bé đủ 2kg hoặc đến 1 tháng tuổi tùy thuộc vào việc điều kiện nào thỏa mãn trước. Đây là liều đầu tiên trong 3 mũi tiêm phòng viêm gan B, sức khỏe bé sẽ phát triển tốt và cân nặng tăng đều sau tiêm. 2 liều tiêm đầu tiên cho bé cách nhau 1 tháng và liều tăng cường được tiêm cách mũi tiêm thứ 2 khoảng 5 tháng.

Việc tiêm mũi đầu thường được hoàn tất trước khi sản phụ và trẻ ra viện. Về sau, tiêm vắc-xin sẽ được tính theo độ tuổi, không tính theo cân nặng của bé và lịch tiêm của trẻ được tính như trẻ được sinh đủ cân

Trường hợp không nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sinh non

  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các liều thuốc được chủng ngừa trước đó;
  • Sốc phản vệ với thành phần trong vắc-xin;
  • Hệ miễn dịch của bé bị ức chế vì đang điều trị cấy ghép nội tạng, ung thư hoặc trẻ đang sốt, mắc các bệnh nhiễm trùng.

2.5 Người lớn cần thực hiện tiêm vắc-xin phòng viêm gan B như thế nào?

Xét nghiệm trước khi tiêm: Cần làm các xét nghiệm HBsAg và anti-HBs (HBsAb) để biết đã bị nhiễm virus viêm gan B hay trong cơ thể đã có kháng thể kháng virus viêm gan B hay chưa. Nếu kết quả là HBsAg dương tính, nghĩa là bạn đã nhiễm virus viêm gan B, việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả. Còn nếu HBsAb dương tính tức là bạn đã có kháng thể kháng virus viêm gan B, khi đó dựa vào nồng độ HBSAb để xem có cần thiết phải tiêm vắc-xin nữa hay không. Nếu cả hai xét nghiệm đều cho kết quả âm tính, tức là chưa mắc bệnh và cần tiêm vắc-xin để phòng bệnh.

  • Phác đồ tiêm: Có thể chọn 1 trong 2 phác đồ
  • Phác đồ: 0-1-6 nghĩa là liều thứ 2 cách mũi đầu tiên 1 tháng và liều thứ 3 cách liều thứ 2 là 5 tháng (cách liều đầu 6 tháng nếu tiêm đúng lịch).
  • Phác đồ 0-1-2-12 tức là tiêm 3 liều liên tiếp cách nhau 1 tháng và liều thứ 4 cách liều thứ 3 là 1 năm.
  • Nên xét nghiệm HbsAb sau tiêm phòng 5 năm một lần và nhắc lại 1 liều vắc-xin nếu xét nghiệm HBsAb < 10 mUI/ml

2.6 Người đã nhiễm virus viêm gan B có tiêm phòng được không?

Nếu kết quả xét nghiệm đưa ra HBsAg dương tính đồng nghĩa với việc đã nhiễm virus viêm gan B thì việc tiêm ngừa sẽ không còn hiệu quả.

Vắc-xin phòng viêm gan B chỉ có tác dụng với những người chưa từng mắc viêm gan B. Nếu người bệnh xét nghiệm máu phát hiện đang nhiễm virus viêm gan B (HBsAg dương tính) thì nên thực hiện tiếp các xét nghiệm chuyên sâu để theo dõi tình trạng và diễn biến của bệnh, không cần tiêm phòng vắc-xin.

2.7 Tiêm phòng viêm gan B trễ có sao không?

Theo các chuyên gia và bác sĩ việc tiêm phòng viêm gan B càng sớm càng tốt. Bởi việc tiêm ngừa trễ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus viêm gan B mỗi ngày. Đặc biệt là những người phải chăm sóc hoặc thường xuyên tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh, người có công việc thường xuyên tiếp xúc với máu và huyết thanh, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Đối với những trường hợp tiêm phòng virus viêm gan B mũi đầu tiên và mũi hai nhưng chưa tiêm phòng mũi thứ 3, bạn có thể tiếp tục tiêm mũi thứ ba mà không cần phải thực hiện lại quy trình tiêm phòng cũng như không cần tiêm lại từ đầu. Bởi thông qua hai mũi tiêm đầu tiên, cơ thể đã có khả năng nhận diện và chống lại virus. Tuy nhiên nếu tiêm liều thứ ba (liều nhắc lại) đúng với lịch hẹn thì biện pháp phòng ngừa này sẽ giúp bạn chống lại sự lây nhiễm của virus một cách hiệu quả nhất.

2.8 Tại sao phải tiêm nhắc lại Viêm gan B

Vắc xin phòng viêm gan B cho khả năng phòng bệnh lên đến 95%, tuy nhiên lượng kháng thể sẽ giảm dần theo thời gian. Do đó, các chuyên gia khuyến khích mọi người nên tiêm nhắc một liều vắc xin sau mỗi 5 – 10 năm kể từ mũi tiêm trước đó, để đảm bảo lượng kháng thể đủ cao để chống lại sự xâm nhập của virus viêm gan B. Lịch tiêm chủng viêm gan B đầy đủ nhất cho người lớn là 3 mũi cơ bản cách nhau 1 tháng và mũi 4 nhắc lại sau 12 tháng. Như vậy bạn nên tiêm một mũi nhắc lại sau 1 năm. Bạn nên kiểm tra nồng độ kháng thể sau khi hoàn thiện đủ 4 mũi tiêm; nếu nồng độ kháng thể đạt trên 10UI/l là cơ thể bạn đủ khả năng phòng bệnh viêm gan B.

2.9 Tiêm phòng viêm gan B sau khi bị phơi nhiễm

Virus viêm gan B sống rất lâu và dai dẳng, có thể tồn tại khi máu đã khô trong nhiều ngày. Bệnh viêm gan B là bệnh có diễn biến hết sức thầm lặng và không có dấu hiệu nhận biết rõ ràng nên sự lây chéo trong cộng đồng là rất lớn.

Nhiễm virus viêm gan B từ người bệnh sang người bệnh qua các dụng cụ dính máu của mà không được khử trùng tốt như dụng cụ y tế, xỏ khuyên tai, châm cứu, thậm chí các đồ dùng sinh hoạt như dùng chung dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng, các đồ vật dễ gây trầy xước hoặc tiếp xúc với vết thương hở...Vật sắc nhọn nhiễm khuẩn xuyên thấu da (kim tiêm truyền, kim chọc dò, kim khâu, dao mổ...)Máu, dịch cơ thể của người bệnh bắn vào các vùng da bị tổn thương của nhân viên y tế khi làm thủ thuật ( vết bỏng, da viêm loét từ trước, niêm mạc mắt, mũi, họng...)

Các bước cần làm sau phơi nhiễm từ bệnh nhân viêm gan B

  • Rửa ngay vết thương bằng nước và xà phòng và báo cáo chấn thương
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra có sự hiện diện của virus hay không như anti-HBs, anti-HBc, HBsAg, và ALT
  • Nếu chưa tiêm phòng, không chắc chắn đã tiêm hay chưa, hoặc chưa có miễn dịch bảo vệ: tiêm một liều HBIG trong vòng 24 giờ đầu sau phơi nhiễm (200- 400 IU), đồng thời tiêm vắc xin phòng viêm gan B mũi đầu tiên tại một vị trí tiêm khác. Sau đó cần tiêm đủ 3 liều vắc-xin trong vòng 6 tháng sau (lịch tiêm: tháng 0, 1 và 6)
  • Nếu người bị phơi nhiễm có tiền sử không đáp ứng với vắc-xin viêm gan B, cần tiêm thêm một liều HBIG vào tháng tiếp theo.
  • Nếu đã đạt mức HBsAg ≥ 10mIU/mL tức là người đó đã đạt mức miễn dịch bảo vệ và không cần tiêm tiếp HBIG hoặc vắc xin.
  • Xét nghiệm lại một lần nữa anti-HBs, HBsAg và ALT sau 6 tháng để đánh giá lại.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe