Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Theo các nghiên cứu gần đây bệnh Bạch hầu, ho gà ,uốn ván đang có sự quay trở lại ở một số khu vực trên thế giới. Riêng ở Việt Nam bạch hầu có xu hướng tăng nhanh trong những năm gần đây đặc biệt ở các tỉnh phía nam và Tây nguyên. Vì vậy việc tiêm ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván trong cùng một mũi vacxin 3 trong 1 hiện đang là một phương pháp phòng bệnh hiệu quả.
1. Bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván là gì?
Bệnh bạch hầu là căn bệnh lưu hành rộng rãi ở mọi nơi trên thế giới và đã gây nên các vụ dịch rất nghiêm trọng, nhất là ở trẻ em trong thời kỳ chưa có vacxin dự phòng.
Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính, xảy ra ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi... Ngoài ra, bạch hầu còn có thể xuất hiện ở da, màng niêm mạc như kết mạc mắt hoặc niêm mạc ở bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Ho gà là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường xảy ra ở trẻ nhỏ, người lớn cũng có thể mắc ho gà nhưng triệu chứng không rõ ràng. Ngừa ho gà bằng vaccine là một phương pháp mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên tiêm ngừa ho gà không mang lại miễn dịch trọn đời.
Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho ngày càng nặng và trở thành cơn ho kịch phát trong 1-2 tuần, kéo dài 1-2 tháng hoặc lâu hơn.
Cơn ho gà rất đặc trưng, trẻ có thể ho rũ rượi không thể kìm hãm, sau đó thở rít như tiếng gà gáy, cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong, sau đó là nôn.
Bệnh ho gà xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 10 tuổi, tuy nhiên số ca ho gà ở người lớn tăng dần trong 10 năm qua. Thanh thiếu niên và người khi mắc bệnh ho gà, sẽ trở thành là nguồn lây trong cộng đồng. Đó là do sự miễn dịch có được sau chủng ngừa sẽ giảm dần, bắt đầu khi trẻ được 5 tuổi. Mặc dù hiếm khi gây ra tử vong, bệnh ho gà cũng là gánh nặng đáng kể ở cả người lớn và trẻ em.
Bệnh uốn ván (tetanus) là bệnh do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí gây ra. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.
Ở những vùng nông nghiệp, những nơi có tiếp xúc với chất thải súc vật, người dân không được tiêm phòng đầy đủ thì tỉ lệ mắc bệnh uốn ván thường nhiều hơn hẳn. Tất cả các lứa tuổi đều có thể mắc bệnh.
2. Vacxin bạch hầu-ho gà-uốn ván là gì?
Vacxin bạch hầu , ho gà, uốn ván là vacxin 3 trong 1 có tác dụng phòng ngừa 3 loại bệnh này. Các loại vacxin thường thấy để ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván:
- DTaP: vacxin bạch hầu-ho gà-uốn ván giúp trẻ em dưới 7 tuổi xây dựng khả năng miễn dịch với cả 3 căn bệnh.
- Tdap: là vacxin bạch hầu ho gà uốn ván giúp tăng cường miễn dịch, cung cấp sự bảo vệ liên tục cho thanh thiếu niên đủ 11 tuổi và người lớn từ 19 - 64 tuổi,
- DT và Td: vacxin chỉ phòng ngừa bệnh uốn ván và bạch hầu.
3. Các tình huống đặc biệt khi tiêm vacxin bạch hầu, ho gà uốn ván
3.1 Vắc-xin bạch hầu, ho gà ,uốn ván tiêm mấy mũi?
Trẻ từ 0 - 6 tuổi
Vắc-xin bạch hầu ,ho gà ,uốn ván tiêm mấy mũi Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên nhận đủ 5 liều vắc-xin DTaP theo lịch trình sau đây:
- Một liều lúc 2 tháng tuổi;
- Một liều lúc 3 tháng tuổi;
- Một liều lúc 4 tháng tuổi;
- Một liều lúc 18 - 24 tháng tuổi
- Một liều lúc 4 - 6 tuổi.
Trẻ từ 7 - 18 tuổi
- Trẻ em từ 7 - 10 tuổi chưa được tiêm phòng đầy đủ bệnh ho gà, bao gồm cả trẻ em chưa bao giờ được tiêm phòng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng, nên tiêm bổ sung một liều vắc-xin Tdap;
- Trẻ vị thành niên từ 11- 12 tuổi nên được tiêm thêm một liều Tdap để tăng cường khả năng miễn dịch;
- Thanh thiếu niên từ 13 - 18 tuổi chưa tiêm vắc-xin Tdap nên tiêm bổ sung một liều, sau đó là tiêm phòng uốn ván và bạch hầu (vắc-xin Td) cứ sau 10 năm.
Đối với người trước đây chưa từng tiêm chuỗi vacxin liều ban đầu cho bệnh uốn ván, bạch hầu hoặc ho gà:
- Tiêm ít nhất 1 liều Tdap, tiếp theo là tiêm 1 liều Td hoặc Tdap sau đó tối thiểu 4 tuần, thêm 1 liều Tdap hoặc Td nữa ít nhất 6-12 tháng sau liều gần nhất (Tdap có thể được thay thế cho bất kỳ liều Td nào, nhưng thường được ưu tiên là liều đầu tiên).
- Tiêm Td hoặc Tdap cứ sau 10 năm.
3.2 Lưu ý về việc tiêm vắc - xin uốn ván - bạch hầu - ho gà cho bà bầu
Tiêm vắc - xin Tdap trong khi mang thai sẽ có tác dụng bảo vệ tốt cho mẹ và trẻ sơ sinh
Đối với phụ nữ có thai: Sau khi được tiêm phòng vắc - xin Tdap, cơ thể bà bầu sẽ tạo ra các kháng thể cần thiết và truyền cho em bé trước khi sinh. Những kháng thể này giúp bảo vệ em bé chống lại bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà trong vài tháng đầu đời. Lượng kháng thể trong cơ thể của phụ nữ mang thai sẽ đạt mức cao nhất trong khoảng 2 tuần sau khi được tiêm ngừa, tuy nhiên cần khoảng 2 tuần để truyền kháng thể cho em bé trong bụng. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để tiêm vắc - xin uốn ván, bạch hầu, ho gà cho bà bầu là giai đoạn đầu trong tam cá nguyệt thứ 3Tiêm 1 liều Tdap trong suốt thai kỳ, ưu tiên ở giai đoạn sớm của tuần 27 - 36, giúp bảo vệ em bé khỏi bệnh uốn ván sơ sinh và ho gà trong vài tháng đầu đời.
Khuyến cáo bà bầu nên tiêm Tdap trong mỗi lần mang thai;
Thời gian tối ưu để tiêm Tdap là trong khoảng thời gian từ tuần thứ 27 đến trước tuần thứ 36 của thai kỳ, trước tuần thứ 35 để kháng thể đạt mức tối đa cho bé trước khi sinh. Điều này là để tối đa hóa phản ứng kháng thể của mẹ và truyền kháng thể thụ động cho trẻ;
Hiếm khi em bé phải nhập viện điều trị hoặc tử vong vì ho gà khi người mẹ trước đó đã được tiêm ngừa Tdap, thay vì tiêm trong thời kỳ hậu sản.
Tiêm Tdap sau sinh sẽ không mang lại hiệu quả tối ưu
- Tiêm Tdap sau sinh không thể cung cấp khả năng miễn dịch cho trẻ sơ sinh, trong khi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất với các biến chứng nghiêm trọng của bệnh;
- Trẻ sơ sinh vẫn có nguy cơ mắc bệnh ho gà từ người khác, bao gồm anh chị em, ông bà và những người thân khác;
- Phải mất khoảng 2 tuần sau khi được tiêm Tdap thì người mẹ mới có thể truyền kháng thể bảo vệ khỏi bệnh ho gà cho con, điều đó có nghĩa là người mẹ vẫn có nguy cơ mắc bệnh và lây cho em bé sơ sinh của mình trong khoảng thời gian này.
Vắc - xin Tdap có thể được tiêm sớm hơn trong thai kỳ nếu cần thiết
- Phụ nữ mang thai nên được tiêm phòng Tdap bất cứ lúc nào trong thai kỳ nếu được chỉ định đặc biệt để chăm sóc vết thương hoặc khi xuất hiện dịch bệnh ho gà cộng đồng;
- Nếu Tdap được tiêm sớm trong thai kỳ, không nên tiêm nhắc lại một lần nữa trong chính thai kỳ đó. Chỉ nên chủng ngừa một liều Tdap trong mỗi lần mang thai.
3.3 Đối tượng không nên tiêm vắc-xin bạch hầu ho gà uốn ván
- CDC khuyến nghị rằng trẻ em đang bị bệnh vừa hoặc nặng nên đợi cho đến khi hồi phục sức khỏe thì mới tiến hành tiêm chủng. Tuy nhiên, các bệnh nhẹ như cảm lạnh hoặc sốt không cao thì vẫn có thể tiêm vắc-xin bạch hầu ho gà uốn ván như bình thường.
- Nếu trẻ gặp phản ứng dị ứng nghiêm trọng, đe dọa tính mạng sau khi nhận bất cứ liều vắc-xin nào thì không tiếp tục tiêm chủng.
- Trường hợp trẻ gặp vấn đề ở não hoặc hệ thống thần kinh trong vòng 7 ngày sau khi tiêm vắc-xin thì không nên nhận thêm liều khác.
- Một số trẻ có thể gặp phản ứng xấu với vắc-xin ho gà có trong DTaP thì không nên tiêm thêm liều tương tự. Tuy nhiên, có thể thay thế bằng vắc-xin DT phòng bệnh bạch hầu và uốn ván.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.