Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thanh Phước - Trung tâm Nhi - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thủy đậu là bệnh do virus varicella zoster gây ra. Thủy đậu có thể lây từ người sang người thông qua đường hô hấp và tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh. Bệnh thủy đậu chủ yếu gặp ở trẻ em nhưng người lớn vẫn có thể mắc bệnh với những biến chứng trầm trọng hơn. Tiêm phòng vắc-xin ngừa thủy đậu là biện pháp hữu hiệu giúp phòng ngừa căn bệnh này.
1. Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu hay còn được gọi với tên dân gian là bệnh trái rạ. Đây là bệnh do Varicella Zoster virus (gọi tắt là VZV) gây ra. Thủy đậu có thời gian ủ bệnh trung bình kéo dài từ 14 – 16 ngày, có thể muộn hơn hoặc sớm hơn nhưng hiếm. Thủy đậu lây qua đường hô hấp, lây qua tiếp xúc trực tiếp hoặc lây gián tiếp qua các vật dụng dùng để sinh hoạt cá nhân của người bệnh như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, ga giường...
Biểu hiện thủy đậu thời gian đầu ủ bệnh có thể gặp như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn. Sau khi thời kỳ ủ bệnh kết thúc, người bệnh sẽ xuất hiện những nốt tròn đỏ trong 12-24 giờ rồi dần dần tiến triển thành các mụn nước chứa dịch trong, Các nốt thủy đậu có thể xuất hiện toàn thân hoặc rải rác khoảng 100 – 500 nốt.
Thông thường, thủy đậu sẽ kéo dài từ 5 – 10 ngày nếu không có biến chứng. Những nốt thủy đậu khô dần, bong vảy và thường để lại vết thâm da nơi nổi mụn nước, không để lại sẹo. Tuy nhiên, khi các nốt thủy đậu bị nhiễm thêm vi khuẩn thì có thể để lại các vết sẹo trên bề mặt da.
Biến chứng nguy hiểm của thủy đậu có thể gặp phải như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt thủy đậu, viêm mô tế bào, viêm phổi, viêm gan, thậm chí có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy cách phòng bệnh tốt vẫn là tiêm vắc-xin thủy đậu.
2. Bệnh thủy đậu khi mang thai
Đặc biệt, phụ nữ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai sẽ phải đối mặt với nguy cơ viêm phổi 10 - 20% và nguy cơ tử vong lên đến 40%. Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu, nguy cơ thai nhi mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%, 30% trẻ tử vong trong những tháng đầu và 15% trẻ mắc Zona trong 4 năm đầu đời.
Bị thủy đậu khi mang thai 3 tháng giữa thì nguy cơ thai mắc hội chứng thủy đậu bẩm sinh sẽ tăng thêm 2%. Sau tuần 20 của thai kỳ thì thủy đậu sẽ không ảnh hưởng đến thai.
Tuy nhiên, mẹ mắc thủy đậu trong 5 ngày trước sinh và 2 ngày sau sinh dễ khiến bé sinh ra bị thủy đậu lan tỏa, tỉ lệ tử vong lên đến 25 - 30% trên tổng số trường hợp nhiễm.
3. Các loại vắc-xin ngừa thủy đậu
Tiêm vắc-xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. 85- 90 % những người chủng ngừa sẽ phòng hoàn toàn được thủy đậu. 10- 15% còn lại có thể bị thủy đậu sau tiêm chủng nhưng rất nhẹ với rất ít nốt đậu dưới 50 nốt và thường không bị biến chứng.
Các loại vắc-xin phòng thủy đậu
- Vắc-xin Varivax (Mỹ): vắc-xin sống, giảm độc lực dùng để phòng ngừa bệnh cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch với bệnh thủy đậu.
- Vắc-xin Varicella (Hàn Quốc): vắc-xin sống giảm độc lực dùng cho trẻ trên 12 tháng tuổi và người lớn chưa có miễn dịch.
- Vắc xin Varilrix (Bỉ): vắc-xin sống giảm độc lực. Vắc-xin Varilrix được chỉ định phòng bệnh thủy đậu ở người khỏe mạnh từ 12 tháng tuổi trở lên.
Lịch phòng bệnh thủy đậu cho đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên
- Trẻ em từ 12 tháng đến 12 tuổi:
- Mũi 1: Khi trẻ 12 tháng tuổi. Liều 0,5ml
- Mũi 2: Khi trẻ 4 - 6 tuổi. Liều 0,5ml.
- Thanh thiếu niên từ 13 tuổi trở lên (Chưa mắc bệnh thủy đậu lần nào):
- Mũi 1: Liều đầu 0,5ml
- Mũi 2: Cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần. Liều 0,5ml.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai:
Đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai nếu chưa bị thủy đậu hoặc chưa được tiêm phòng thủy đậu, cần tiêm phòng 2 mũi vắc-xin thủy đậu, trong đó, 1 mũi tại thời điểm tùy ý và mũi sau cách mũi 1 từ 4 - 8 tuần. Nếu đã được tiêm phòng thủy đậu 1 mũi hồi nhỏ chỉ cần tiêm nhắc lại 1 mũi trước khi chuẩn bị mang thai 03 tháng
4. Tình huống đặc biệt khi tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu
- Đối với phụ nữ mang thai nhưng không có bằng chứng miễn dịch với virus thủy đậu (chưa từng mắc bệnh trước đây hoặc xét nghiệm IgG varicella âm tính): chống chỉ định tiêm vắc-xin thủy đậu trong thai kỳ. Sau khi sinh tiêm 1 mũi (nếu trước đó sản phụ đã được tiêm 1 mũi vắc-xin thủy đậu) hoặc tiêm mũi đầu tiên của loạt 2 mũi, mũi thứ 2 cách thứ nhất từ 4- 8 tuần (nếu trước đó sản phụ chưa được tiêm bất kỳ mũi vắc-xin thủy đậu nào).
- Mới tiêm thủy đậu xong thì biết có thai, liệu có an toàn?
Thông thường, sau khi tiêm phòng thủy đậu thì sẽ phải tránh trong 3 tháng mới nên có thai để đảm bảo an toàn. Vắc-xin thủy đậu là loại được sản xuất từ virus gây bệnh sống giảm độc lực, do vậy có nguy cơ cho thai nhi theo lý thuyết là có thể, tuy nhiên thấp hơn nhiều lần so với mẹ bị nhiễm bệnh tự nhiên ở giai đoạn này.
Trong trường hợp mới tiêm thủy đậu xong mà có thai thì cũng không nên quá lo lắng, sản phụ cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa và tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ để biết được tình hình phát triển của thai nhi. Khả năng lây nhiễm thủy đậu từ mẹ sang thai là do siêu vi qua nhau đến thai. Nếu thai mới ở giai đoạn hợp tử, 2 ngày sau khi thụ thai thì khả năng sẽ không ảnh hưởng đến bé. Tuy nhiên, việc sàng lọc bất thường thai nhi được tiến hành cho mọi thai phụ.
Với những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ và có chỉ định xét nghiệm dịch ối được tư vấn xét nghiệm dịch ối để chẩn đoán bệnh lý di truyền và bệnh lý gen. Với những dị tật bẩm sinh nặng nề như não úng thủy, bất sản thận hai bên, tim bẩm sinh nặng... tư vấn thai phụ và gia đình chấm dứt thai kỳ.
- Nhân viên y tế không có bằng chứng về khả năng miễn dịch với thủy đậu thì cần tiêm 1 mũi (nếu đã tiêm 1 mũi vắc-xin thủy đậu trước đó) và tiêm 2 mũi vắc-xin cách nhau 4-8 tuần (nếu trước đó chưa từng tiêm bất kỳ mũi vắc-xin thủy đậu nào hoặc xét nghiêm IgG varicella âm tính).
- Tiêm vắc xin sau khi tiếp xúc với bệnh thuỷ đậu
Thời gian ủ bệnh của thủy đậu là từ 1-2 tuần sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, do đó, nếu một người chưa được tiêm phòng vaccine thủy đậu mà có tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, trong vòng từ 3-5 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm bệnh, ngay cả khi đã hơn 5 ngày tiếp xúc, ta vẫn có thể tiêm ngừa vaccine theo khuyến nghị để bảo vệ ngay sau đó và bảo vệ chống lại nhiễm bệnh trong tương lai
Nếu trước đây đã tiêm 01 liều vắc xin bệnh thuỷ đậu rồi, thì vẫn nên tiếp tục tiêm thêm liều thứ hai.
Tiêm vắc xin sau khi tiếp xúc với bệnh nhân bị thuỷ đậu có thể giúp:
- Ngăn ngừa bệnh hoặc làm giảm mức độ nguy hiểm của bệnh
- Bảo vệ khỏi bệnh thuỷ đậu nếu có tiếp xúc với bệnh trong tương lai
- Bệnh nhân nhiễm HIV với số lượng tế bào CD4 ≥200 tế bào/μL nhưng không có bằng chứng miễn dịch với bệnh thủy đậu: Có thể cân nhắc tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng
Vắc-xin ngừa thủy đậu chống chỉ định với người nhiễm HIV có số lượng tế bào CD4 <200 tế bào/μL
- Chống chỉ định với những đối tượng
-Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của vắc-xin,
-Những người đang mắc các bệnh loạn sản máu, các bệnh u lympho, hoặc các khối u ác tính ảnh hưởng đến hệ bạch huyết, tủy xương.
-Người đang điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm corticoid liều cao), hoặc đang mắc bệnh suy giảm miễn dịch mắc phải (AIDS).
-Người mắc bệnh lao thể hoạt động chưa được điều trị.
-Hoãn tiêm vắc- xin thủy đậu ít nhất 5 tháng sau khi truyền máu hoặc huyết tương và tiêm bất kỳ một immunoglobulin với Varicella zoster (VZIG)
Chú ý sau tiêm vắc-xin thủy đậu VARIVAX ( Mỹ) là vắc xin sống giảm độc lực sau khi tiêm phải mất thời gian khoảng 1-2 tuần để vắc-xin phát huy tác dụng. Vì vậy, trong thời gian này vẫn nên cẩn thận, tránh tiếp xúc với người bệnh. Thời gian miễn dịch có hiệu quả trong vòng 15 năm. Sau khoảng thời gian này thì nên tiêm mũi nhắc lại để phát huy tác dụng phòng ngừa.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.