Các thuốc trị bạch biến dùng thế nào?

Bạch biến là bệnh lý mất tế bào quy định sắc tố da nên dẫn đến một số vấn đề bất thường về màu sắc của một vùng da. Bệnh có nhiều phương pháp điều trị, một trong số đó là dùng thuốc điều trị bạch biến. Vậy thuốc trị bạch biến được sử dụng như thế nào và có điều gì cần lưu ý khi dùng không?

1. Bệnh bạch biến là căn bệnh như thế nào?

Bạch biến bệnh lý tự miễn liên quan đến tình trạng mất các tế bào sắc tố, gặp ở các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Bệnh không những gây ra những hạn chế về mặt thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, để lại những gánh nặng về tâm lý xã hội đối với người bệnh và gia đình.

Trong cơ thể của con người có những tế bào có khả năng sản xuất sắc tố cho làn da được là tế bào sắc tố. Căn nguyên của bệnh bạch biến cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu hoàn chỉnh và rõ ràng. Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu đã đưa ra rằng, bệnh bạch biến là bệnh lý miễn dịch đặc hiệu với sự có mặt của kháng thể chống lại tế bào sắc tố và làm tế bào này bị phá hủy dần, yếu tố gia đình cũng góp phần trong khả năng mắc bệnh.

Triệu chứng bệnh là xuất hiện những vùng da bị mất sắc tố hay giảm sắc tố xen kẽ lẫn nhau, có ranh giới rõ và có tính chất đối xứng với nhau. Vùng mất sắc tố thường khu trú hoặc toàn bộ một đoạn của cơ thể, lan tỏa ra nhiều vùng khác nhau. Vị trí xuất hiện bạch biến có thể là da mặt, đầu ngón tay, cổ tay, mu bàn tay, khuỷu tay, đầu gối, mắt cá chân, gân gót, bẹn, hậu môn, rốn, đầu vú... Ngoài ra, tóc ở những vùng da bị giảm sắc tố thường đổi thành màu trắng.

Trên lâm sàng, bệnh bạch biến được chia làm 4 thể:

  • Thể khu trú: Các tổn thương khu trú ở những khu vực độc lập với nhau.
  • Thể lan tỏa: Tổn thương xuất hiện rộng rãi, có tính lan tỏa và liên kết với nhau. Trên lâm sàng có thể thấy những mảng mất hay giảm sắc tố giống vằn mèo, có tính chất đối xứng.
  • Thể đầu chi/mặt (vùng chóp mũi/môi): Tổn thương xuất hiện ở vùng đầu ngón tay, đầu ngón chân, môi, đầu mũi, xung quanh mắt... có tính chất khu trú, không lan tỏa.
  • Thể đứt đoạn: Tổn thương tạo thành những dát trắng chạy theo đường đi của thần kinh cảm giác.

Để chẩn đoán bạch biến thì cần dựa vào lâm sàng và một số biện pháp cận lâm sàng hỗ trợ. Đối với lâm sàng thì ngoài những mô tả như trên, các bác sĩ còn có thể sử dụng ánh sáng Wood để khám tìm ra những tổn thương rõ hơn. Phương pháp cận lâm sàng có thể cần đến như phương pháp hóa mô miễn dịch. Bệnh cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh bạch tạng, phong, lang ben, di chứng sau khi điều trị zonavảy nến.

2. Bị bạch biến bôi thuốc gì? Các thuốc trị bạch biến dùng thế nào?

Bị bạch biến bôi thuốc gì? Điều trị bệnh bạch biến gồm những phương pháp như sau:

  • Che phủ và tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời đối với những vùng da thương tổn
  • Dùng thuốc Corticosteroid kết hợp Calcipotriene bôi tại chỗ.
  • Dùng thuốc có chứa chất ức chế Calcineurin đối với tổn thương ở mặt, vùng da có nếp gấp.
  • Dùng thuốc ức chế JAK
  • Liệu pháp ánh sáng với UVB dải hẹp, Psoralen kết hợp trị liệu UVA.
  • Lột tẩy trắng bằng Monobenzyl ether hydroquinone
  • Ghép da

Trong những phương pháp này thì che chắn và dùng thuốc bôi tại chỗ luôn là những lựa chọn đầu tay, vì sự đơn giản, thuận lợi, kinh tế, không xâm lấn và có thể áp dụng cho hầu hết các bệnh cảnh lâm sàng. Một số lưu ý khi sử dụng các loại thuốc này đó là:

  • Đối với Corticosteroid: Là thuốc bôi tại chỗ thường dùng trong điều trị bệnh lý này. Thuốc có khả năng làm giảm tình trạng tự miễn trong cơ thể, hoạt lực của thuốc có thể ở mức trung bình hay mạnh và sẽ được chỉ định tùy vào bệnh cảnh lâm sàng. Thuốc cần được theo dõi sát trong quá trình sử dụng, chỉ sử dụng trong thời gian nhất định, vì nếu dùng thuốc trên da quá lâu có thể dẫn đến tình trạng teo da, giãn mạch máu, rạn da, rậm lông và các tình trạng bệnh lý khác.
  • Đối với Calcipotriene: Thuốc có bản chất là dẫn xuất tổng hợp từ vitamin D ở dạng kem hay mỡ, bôi ngoài da và thường kết hợp với Corticosteroid hay những liệu pháp khác để thấy hiệu quả rõ rệt hơn. Thuốc có thể gây ra một số kích ứng nhẹ tại chỗ nên cũng cần theo dõi khi sử dụng. Thuốc thường mất thời gian khoảng vài tháng mới có thể cho thấy được kết quả rõ rệt.
  • Đối với thuốc ức chế Calcineurin: Thuốc phổ biến được lựa chọn trong nhóm này là Tacrolimus, tác động lên cơ chế tự miễn của cơ thể người bệnh. Tác dụng phụ cần lưu ý khi dùng thuốc là bỏng, rát, nóng vùng da bôi thuốc. Vì vậy, khi dùng thuốc cần có chỉ định của bác sĩ và dùng theo liều tăng dần, có thể giữ thuốc ở ngăn mát tủ lạnh trước khi dùng. Vì thuốc không gây ra những tác dụng phụ như teo da, rạn da nên có thể sử dụng trong thời gian dài hơn so với nhóm thuốc corticosteroid.
  • Đối với thuốc ức chế JAK: Đây là thuốc điều trị mới nhất được công bố bởi Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ FDA trong thời gian gần đây (18/7/2022) với tác dụng điều trị bệnh lý bạch biến ở trẻ em trên 12 tuổi và người lớn. Thuốc ức chế JAK hay Ruxolitinib có khả năng làm giảm hoạt động hệ miễn dịch người bệnh, phục hồi màu da trên cơ thể bệnh nhân bị bạch biến. Thuốc sẽ có tác dụng rất rõ rệt sau khoảng 1 năm kiên trì sử dụng và mức độ an toàn cũng được chứng minh. Một số tác dụng không mong muốn mà thuốc có thể gây ra đó là nổi mụn, đỏ da, ngứa tại vị trí bôi thuốc, hoặc người bệnh cũng có thể gặp phải tình trạng đau đầu, sốt và viêm mũi họng.

Tóm lại, bệnh bạch biến tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng nhưng vẫn khiến cho người bệnh gặp phải những rào cản về tâm lý và hòa nhập nên cần được quan tâm nhiều hơn. Thuốc điều trị bệnh bạch biến có rất nhiều loại, cần được sử dụng đúng chỉ định của bác sĩ điều trị đưa ra để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe