Trong Đông y, bệnh lý tim mạch được xếp vào các chứng bệnh tạng của tạng Tâm. Trừ các chứng bệnh tim bẩm sinh cần phải điều trị bằng ngoại khoa là thế mạnh của Tây y thì các bệnh tim mạch nội khoa đều có thể điều trị bằng đông y. Vậy có những thuốc đông y trị bệnh tim mạch nào?
1. Chứng bệnh sinh ra từ tạng tâm
Theo đông y có nhiều loại chứng bệnh sinh ra từ tạng tâm bao gồm: Chứng tâm âm hư, tâm can huyết hư, tâm đởm bất ninh, tâm hỏa cang thịnh, tâm dương đột ngột hư thoát, tâm huyết hư suy, tâm khí hư suy, tâm mạch tắc nghẽn (nhồi máu cơ tim), tâm thận dương hư...
Trong Đông Y tạng Tâm là quân chủ, ngoài việc điều hành sự vận hành của huyết dịch, tâm còn làm chủ cả tinh thần và ý thức.
- Tâm chủ huyết mạch vinh nhuận ra ở mặt và các mạch máu làm cho đỏ da thắm thịt, cơ thể cường tráng.
- Tâm tàng thần, tất cả tinh thần, ý thức và tư tưởng đều do công năng của tạng tâm làm chủ.
2. Các thuốc đông y trị tim mạch
Thuốc đông y trị bệnh tim mạch dựa theo cách phân loại các thể bệnh theo Đông y như sau:
- Tâm âm hư
Nguyên nhân là do lao động quá sức gây mệt nhọc làm tổn thương đến âm dịch và huyết. Tâm thần không được nuôi dưỡng đầy đủ, thần không có nơi nương tựa mà sinh ra bệnh.
Các biểu hiện của tâm âm hư bao gồm: Hồi hộp, phiền nhiệt, ra mồ hôi trộm, lưỡi đỏ, mạch tế sác.
Phương pháp điều trị là bổ huyết, dưỡng tâm an thần định chí. Phương thuốc thường được sử dụng trong trường hợp này là “Thiên vương bổ tâm đan” bao gồm các vị thuốc sau: Sinh địa 16g, đương quy 12g, thiên môn 8g, mạch môn 8g, chu sa (thủy chế) 6g, huyền sâm 12g, cát cánh 12g, bá tử nhân 12g, nhân sâm 12g, ngũ vị tử 8g, đan sâm 16g, phục linh 12g, táo nhân (sao) 20g, viễn chí (bỏ lõi) 8g. Sắc uống ngày một thang, uống thuốc sau khi ăn trưa, ăn tối và trước khi đi ngủ.
- Tâm âm hư gây mất ngủ
Nguyên nhân do thận âm hư, thủy không chế được hỏa, khiến cho tâm hỏa mạnh, dẫn tới tâm thận bất giao, gây mất ngủ.
Các biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Hồi hộp, ngũ tâm phiền nhiệt (gồm lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng trước tim nóng) đêm trằn trọc khó ngủ, chất lưỡi đỏ, mạch sác.Pháp điều trị là “Tư âm thanh nhiệt”, sử dụng bài thuốc: “ Giao thái hoàn” phối hợp với bài thuốc “Hoàng liên A giao thang” gồm các vị thuốc hoàng liên 16g, hoàng cầm 8g, bạch thược 8g, kê tử hoàng 2 quả, nhục quế 8g, a giao châu 12g. Sắc uống ngày uống một thang, uống thuốc sau khi ăn trưa, ăn tối, trước khi đi ngủ.
- Tâm dương đột ngột hư thoát
Tạng Tâm là quân chủ của lục phủ ngũ tạng, là nơi ở của thần minh. Khi các tạng phủ kiên cố thì tà khí khó lòng xâm nhập vào được, nếu tà khí xâm nhập vào thì sẽ hại tâm.
Biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Đau xiên từ ngực ra sau lưng, hồi hộp, đoản hơi, suyễn thở, không nằm được, mắt trắng bợt, mồ hôi ra đầm đìa, tay chân lạnh toát, tinh thần lơ mơ, chất lưỡi tím tối, mạch vi muốn tuyệt.
Pháp điều trị là hồi dương cứu nghịch, sử dụng bài thuốc “Sâm phụ long mẫu thang” bao gồm các bị thuốc nhân sâm 20g, phụ tử (chế) 10g, long cốt 16g, mẫu lệ 16g. Tùy theo chứng trạng của bệnh nhân mà người thầy thuốc gia giảm cho thích hợp. Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần, uống lúc đói khi thuốc còn ấm.
- Tâm dương đột ngột hư thoát do ôn bệnh
Tương đương với chứng bệnh nhiễm trùng máu trong Y học hiện đại. Do nhiệt tà xâm phạm vào khí phận, làm cho cả khí và huyết đều bị nhiệt hóa. Do bệnh nhân không được điều trị kịp thời, hoặc điều trị sai, làm cho tân dịch đột ngột bị hao tổn, khí bị tổn thương, tân dịch bị hao tổn, tân dương tiết ra đột ngột làm cho bệnh trầm trọng thêm dễ tử vong.
Biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Sốt cao, tay chân giá lạnh, mồ hôi ra đầm đìa, nằm co, sắc mặt trắng bợt, tinh thần suy sụp, mạch tán đại hoặc vi muốn tuyệt. Đây là hiện tượng dương khí thoát đột ngột, bệnh tình hết sức trầm trọng.
Pháp điều trị là Ích khí để thu liễm tân dịch, sinh mạch, cứu thoát. Sử dụng bài thuốc “Hồi dương cấp cứu thang” gồm các vị thuốc nhân sâm 20g, hắc phụ tử (chế) 8g, nhục quế 6g, bạch truật 12g, chích thảo 4g, xạ hương 0,1g, trần bì 8g, bán hạ (chế) 8g, can khương 6g, ngũ vị tử 10g, phục linh 12g, sinh khương 12g. Ngày dùng một thang, đem thuốc sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói. Riêng vị thuốc Xạ hương khi thuốc nguội mới cho vào.
- Tâm đởm bất ninh
Người bệnh bị tổn thương về tinh thần làm cho phủ tạng bị tổn thương, khí huyết không đầy đủ. Phong tà bên ngoài thừa cơ xâm nhập vào kinh lạc, nếu làm cho tâm hư thì kinh hãi nhiều, nếu đởm hư thì sợ nhiều, khiến cho thần trí bị khủng hoảng mà sinh bệnh.
Biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Người bệnh thường hay sợ hãi, đêm nằm ngủ hay mê sảng, trong ngực thấy khó chịu, tự ra mồ hôi, nếu bệnh để lâu ngày không điều trị nhẹ thì bị co giật, nặng thì bị động kinh, chất lưỡi nhạt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch huyền tế vô lực.
Pháp điều trị là Dưỡng tâm ích khí, mạnh đởm trấn kinh. Sử dụng bài thuốc: “Bình bổ trấn tâm đan” phối hợp với bài thuốc “Từ châu hoàn” gia giảm, gồm có các vị thuốc nhân sâm 40g, bá tử nhân 40g, đương quy 40g, mạch môn 60g, hắc táo nhân 40g, phục thần 40g, hoài sơn 60g, chu sa (thủy chế) 40g, long xỉ 40g, nhục quế 40g, sinh địa 80g, ngũ vị tử 40g, thạch xương bồ 40g, từ thạch 80g, chu sa 40g, viễn chí 40g, thần khúc 160g. Các vị thuốc trên đem tán thành bột mịn, sau đó làm viên hoàn với nước cơm, chu sa làm áo. mỗi viên nặng 5g.
Mỗi lần uống một viên thuốc với nước đun sôi để ấm, ngày uống 3 lần. Nếu dùng làm thuốc sắc thì tùy theo thể trạng của bệnh nhân mà người thầy thuốc quyết định liều lượng các vị thuốc và cách sử dụng sao cho phù hợp.
- Tâm hỏa thịnh
Nguyên nhân là do ngũ chí quá uất, khí lục dâm vào tâm hóa hỏa hoặc do người bệnh ăn nhiều thức ăn cay nóng hay uống nhiều rượu bia làm cho dương nhiệt thịnh ở tâm hóa hỏa.
Các biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Tâm thần không yên, hồi hộp, phiền táo, miệng khô, đại tiện táo bón, chất lưỡi đỏ, mạch sác.
Pháp điều trị là Thanh tâm giáng hỏa. Sử dụng bài thuốc: “Tam hoàng tả tâm thang” gồm các vị thuốc đại hoàng 16g, hoàng liên 12g, hoàng cầm 12g. Tùy chứng trạng của người bệnh mà thầy thuốc có thể gia giảm cho thích hợp.
Ngày dùng một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống thuốc trước khi ăn hoặc lúc đói.
- Tâm huyết hư suy
Tâm là quân chủ trong lục phủ ngũ tạng, khi tâm huyết bị hư suy sẽ không giữ được thần khí, thần thoát khỏi tâm thì giống như nhà bị trống không. Lúc này huyết không lưu thông mà bị ứ đọng uất lại ở tạng tâm, huyết không đi nuôi dưỡng các tạng phủ, làm cho các tạng phủ cũng sinh bệnh.
Biểu hiện của chứng bệnh này bao gồm: Hồi hộp trống ngực từng cơn, có khi loạn nhịp, ngủ kém có khi mất ngủ kéo dài, hoặc ngủ lơ mơ, hay hoảng sợ, phiền táo mệt mỏi, chất lưỡi đỏ, mạch huyền sác.
Pháp điều trị là Bổ huyết dưỡng tâm trấn kinh an thần. Sử dụng bài thuốc “Quy tỳ thang” phối hợp với bài thuốc “Tứ châu hoàn” gồm các vị thuốc nhân sâm 12g, hoàng kỳ 12g, bạch truật 12g, mộc hương 4g, đương quy 12g, hắc táo nhân 16g, viễn chí 6g, long nhãn 8g, phục linh 12g, đại táo 12g, sinh khương 12g, chích thảo 4g, chu sa (thủy chế) 6g.
Ngày dùng một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống thuốc lúc đói. Vị Chu sa để riêng, khi thuốc nguội mới cho vào, khuấy đều lên rồi uống.
Trên đây là một số bài thuốc đông y trị bệnh tim mạch dựa trên cách phân loại bệnh của Đông Y. Để việc sử dụng thuốc hiệu quả, bạn cần được các thầy thuốc Đông y thăm khám, chẩn đoán chính xác thể bệnh, từ đó lựa chọn bài thuốc phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.