Rung nhĩ được biết đến là một trong những rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở cộng đồng, có thể gây ra những biến chứng rất nặng nề làm cho bệnh nhân có thể tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Vậy rung nhĩ có điều trị được không? Các thuốc điều trị rung nhĩ là gì?
1. Rung nhĩ là gì?
Rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp rất thường gặp, thường chiếm khoảng 0,4 - 1,0% các trường hợp rối loạn nhịp trong cộng đồng và hay gặp nhất là người trên 80 tuổi với tỉ lệ khoảng 10%.
1.1. Chẩn đoán để xác định rung nhĩ
Thường dựa vào điện tâm đồ thường quy 12 chuyển đạo:
- Những sóng lăn tăn được gọi là sóng f (fibrillation) xuất hiện thay thế khi sóng P biến mất. Các sóng f này là cho các đường đẳng điện trở thành một đường sóng lăn tăn.
- Sóng f có những đặc điểm như sau:
- Tần suất không đều dao động từ khoảng 300 đến 600 ck phút.
- Các sóng f rất khác nhau về biên độ, hình dạng và thời gian.
- Có thể thấy rõ sóng f ở các chuyển đạo dưới (D2, D3, aVF) và các chuyển đạo trước tim phải (V1, V3R), còn thường khó thấy ở các chuyển đạo trước tim trái (D1, aVl, V5, V6).
- Nhịp thất rất không đều về biên độ (biên độ của sóng R thay đổi cao thấp khác nhau) và rất không đều về tần số (các khoảng RR dài ngắn khác nhau) không theo bất cứ quy luật nào cả. Đó là một hình ảnh của loạn nhịp hoàn toàn.
- Tần số thất chậm hay nhanh phụ thuộc vào dẫn truyền của nút nhĩ thất.
- Hình dạng của QRD thường hẹp, nhưng khi trên cùng một chuyển đạo vẫn có thể khác nhau một ít về thời gian, biên độ, ...
1.2. Phân loại rung nhĩ
Dựa và các lâm sàng tiến triển của rung nhĩ có thể chia thành các thể lâm sàng sau:
- Cơn rung nhĩ kịch phát: Là rung nhĩ thường kéo dài từ 7 ngày trở lại, cơn tự chuyển về nhịp xoang.
- Rung nhĩ bền bỉ: Là rung nhĩ kéo dài hơn 7 ngày, chỉ cắt được rung nhĩ khi sử dụng các biện pháp chuyển nhịp can thiệp.
- Rung nhĩ mạn tính: Là rung nhĩ kéo dài hơn 1 năm, các biện pháp can thiệp không thể cố gắng chuyển nhịp được.
1.3. Các triệu chứng lâm sàng của rung nhĩ
- Các triệu chứng hầu hết bệnh nhân có thể gặp phải vào ngày khởi phát của rung nhĩ như: Choáng váng, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở, vã mồ hôi, đau ngực.
- Nhịp tim có thể không đều, lúc chậm, lúc nhanh, tiếng tim lúc yếu, lúc mạnh (loạn nhịp hoàn toàn).
- Trong bệnh tim thực tổn có thể phát hiện được các triệu chứng như: bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh.
2. Điều trị trong rung nhĩ
2.1. Nguyên tắc điều trị
- Giúp kiểm soát tần số thất.
- Làm giảm nguy cơ tắc mạch, dự phòng huyết khối.
- Giúp chuyển nhịp (rung nhĩ về nhịp xoang) và duy trì nhịp xoang.
- Mục đích của việc điều trị này là phòng chống đột quỵ, làm cải thiện các triệu chứng, giảm số lần và thời gian điều trị tại bệnh viện.
- Có một số nguyên nhân gây ra cơn rung nhĩ chỉ cần điều trị khỏi nguyên nhân mà không cần phải tiến hành điều trị rung nhĩ lâu dài như viêm cơ tim,...
2.2. Các thuốc điều trị rung nhĩ
Kiểm soát nhịp thất: Thông thường để kiểm soát nhịp thất có thể dùng bằng các thuốc làm chậm đường dẫn truyền qua nút nhĩ trái như:
- Digitalis: Thường dùng đường tiêm tĩnh mạch (Cedilanid, Isolanide 0,4 mg tiêm TM 1⁄2 đến 1 ống). Trong các trường hợp không khẩn cấp khác có thể dùng dạng uống Digoxin hàm lượng 0,25mg (dùng ngày từ 1 đến 2 viên), dựa vào các đáp ứng cụ thể để điều chỉnh liều phù hợp. Nếu có chỉ định sốc điện để điều trị rung nhĩ thì ngưng sử dụng Digitalis trước đó ít nhất vài ngày.
- Chẹn Beta giao cảm: Có thể dùng dạng uống hoặc dạng tiêm tĩnh mạch (Esmolol, Metoprolol). Các thuốc này thường được lựa chọn ở những bệnh nhân rung nhĩ nhanh mà có căn nguyên rung nhĩ nhanh tiên phát hoặc bệnh mạch vành.
- Các thuốc chẹn kênh Canxi: Thường dùng Diltiazem hoặc Verapamil dạng uống hay tiêm tĩnh mạch. Ở dạng tiêm tĩnh mạch có tác dụng khác nhanh và các thuốc này được đánh giá làm giảm đáp ứng tất tốt. Khi có suy tim rõ hoặc rối loạn chức năng thất trái cần chống chỉ định sử dụng nhóm thuốc này.
Ngăn ngừa tắc mạch: Sử dụng các thuốc chống đông điều trị rung nhĩ giúp làm giảm các nguy cơ đột quỵ do nhồi máu, tuy nhiên có thể gây ra xuất huyết nội sọ và các loại xuất huyết khác nguy hiểm.
- Kháng Vitamin K: Là thuốc được lựa chọn hàng đầu. Mục tiêu điều trị cần đạt được khi sử dụng là phải đảm bảo tỷ lệ INR ở mức 2 - 3. Với những bệnh nhân dưới 65 tuổi hoặc có chống chỉ định sử dụng kháng Vitamin K thì có thể sử dụng Aspirin thay thế cho kháng Vitamin K dưới sự chỉ định của bác sĩ. Aspirin khi phối hợp với Clopidogrel có hiệu quả cao hơn, tuy nhiên nguy cơ chảy máu cũng tăng hơn so với khi dùng Aspirin đơn độc.
- Kháng đông đường uống không Vitamin K (NOACs: Rivaroxaban, Dabigatran, Edoxaban và Apixaban) cũng được biết tới là một kháng đông đường uống trực tiếp (DOACs), hiện tại đang được khuyến cáo sử dụng hơn so với kháng vitamin K (Coumadin và các loại thuốc khác) trên bệnh nhân rung nhĩ không do van tim. Các bệnh nhân có thay van cơ học hoặc rung nhĩ hẹp van hai lá từ mức trung bình đến nặng cần được điều trị bằng thuốc Warfarin.
- Ở những bệnh nhân rung nhĩ không có van cơ học nên ngưng sử dụng thuốc chống đông 1 tuần trước các phẫu thuật lớn có nguy cơ chảy máu cao mà không cần thay thế bằng Heparin.
Chuyển nhịp (rung nhĩ về nhịp xoang) và duy trì nhịp xoang:
- Các thuốc dạng tiêm tĩnh mạch: Aminodarone (thường được dùng dưới dạng tiêm tĩnh mạch pha trong dung dịch muối hoặc đường đẳng trương), Ibutilide (được biết là một thuốc mới và rất có hiệu quả trong điều trị rung nhĩ, biến chứng có thể gặp khi sử dụng là cơn xoắn đỉnh).
- Các thuốc dạng uống:
- Procainamide và Amiodarone đều có ở dạng uống, thuốc Amiodarone là thuốc hay được sử dụng hơn cả, nhất là để giúp duy trì được nhịp xoang sau khi đã được chuyển nhịp.
- Quinidine là thuốc thường được dùng nhất trước đây để giúp chuyển nhịp và duy trì nhịp xoang.
- Sotalol là thuốc thuộc nhóm III nhưng lại có tác dụng trong chẹn Beta giao cảm. Nó có thể được sử dụng cho bệnh nhân rung nhĩ, nhưng trong quá trình dùng cần chú ý đến các tác dụng phụ liên quan đến chẹn Beta giao cảm và do làm QT kéo dài nên có thể gây ra xoắn đỉnh.
- Propafenone và Flecainide là các thuốc thuộc nhóm IC có tác dụng tốt đối với bệnh nhân rung nhĩ.
- Disopyramide thuộc nhóm IA, có tác dụng tương tự như Quinidine và Procainamide, tuy nhiên loại thuốc này gây giảm co bóp cơ tim nhiều, không nên dùng trên đối tượng là bệnh nhân có rối loạn chức năng trên thất trái.
2.3. Các phương pháp điều trị khác
- Chuyển nhịp bằng sốc điện: Là biện pháp có hiệu quả cao trong việc chuyển nhịp từ rung nhĩ về nhịp xoang và đạt tỷ lệ thành công lên đến trên 80%. Phương pháp này chỉ được tiến hành khi bệnh nhân đã được dùng chống đông đầy đủ. Sốc điện cần được thực hiện ở những nơi có khả năng theo dõi và cấp cứu tốt về tim mạch trên bệnh nhân đã được gây mê tốt.
- Đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn: Khi nhịp thất bị chậm hoặc không đáp ứng được với các phương pháp điều trị trên thì có thể tiến hành chỉ định sử dụng phương pháp này.
- Sử dụng phương pháp triệt phá rung nhĩ bằng đường ống thông.
- Phẫu thuật (phương pháp này chỉ áp dụng tại các cơ sở có trung tâm mổ tim): Trong khi tiến hành các cuộc phẫu thuật khác ở bệnh nhân (ví dụ như mổ làm cầu nối, mổ sửa chữa trong bệnh tim bẩm sinh, mổ thay van tim...) thì có thể tiến hành thực hiện phẫu thuật trong điều trị rung nhĩ.
Tóm lại, có nhiều loại thuốc điều trị rung nhĩ, dựa trên mức độ bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà liều dùng sẽ khác nhau. Thuốc điều trị rung nhĩ cần được kê đơn từ bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua và sử dụng tại nhà.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán rung nhĩ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.