Các thuốc chữa bệnh viêm khớp dạng thấp

Có nhiều cách để chữa viêm khớp dạng thấp. Trong đó việc sử dụng thuốc giúp khắc phục những triệu chứng và kiểm soát, cũng như phòng ngừa bệnh trở nặng. Vậy viêm khớp dạng thấp uống thuốc gì? Việc sử dụng thuốc chữa viêm khớp dạng thấp là phải theo sự chỉ định, kê đơn của bác sĩ chuyên môn.

1. Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một trong những dạng viêm khớp phổ biến nhất hiện nay. Đây là một bệnh viêm do rối loạn tự miễn dịch gây nên, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khớp khỏe mạnh của chính nó. Điều này dẫn đến đỏ, viêm và sưng đau khớp.

Viêm khớp dạng thấp không chỉ làm tổn thương đến các khớp của cơ thể mà nó còn có thể làm tổn thương đến da, mắt, phổi, tim mạch và mạch máu của người bệnh. Vì thế, mục tiêu chính của thuốc chữa viêm khớp dạng thấp là ngăn chặn tình trạng viêm nhằm giúp ngăn ngừa tổn thương đến hệ thống khớp.

2. Các loại thuốc chữa bệnh viêm khớp dạng thấp hiện nay

Hiện nay vẫn chưa có loại thuốc nào chữa trị dứt điểm hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, các thuốc chữa viêm khớp dạng thấp giúp khắc phục được các triệu chứng của bệnh, cũng như kiểm soát và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng hơn. Dưới đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp cho bệnh nhân, bao gồm:

2.1. Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD) và sinh học

Thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD) được sử dụng để giúp giảm viêm. Không giống như các loại thuốc giảm đau và viêm tạm thời, DMARD có thể làm chậm sự phát triển của viêm khớp dạng thấp. Từ đó, giúp hạn chế triệu chứng và giảm tổn thương của bệnh.

Các thuốc chống thấp khớp điều chỉnh bệnh (DMARD) phổ biến nhất được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp bao gồm:

  • Hydroxychloroquine (Plaquenil)
  • Leflunomide (Arava)
  • Thuốc Methotrexate viêm khớp dạng thấp (Trexall)
  • Thuốc Ulfasalazine (Azulfidine)

Còn thuốc sinh học là thuốc tiêm hoạt động bằng cách ngăn chặn các con đường gây viêm cụ thể do các tế bào miễn dịch tạo ra, giúp làm giảm viêm do viêm khớp dạng thấp. Các bác sĩ chỉ kê đơn thuốc sinh học khi dùng DMARD không đủ điều trị các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp.

Thuốc sinh học không được khuyến cáo dùng cho những người có hệ thống miễn dịch bị tổn thương hoặc bị nhiễm trùng do nó có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng hơn. Các thuốc sinh học phổ biến nhất bao gồm:

  • Abatacept (Orencia)
  • Adalimumab (Humira)
  • Pegol certolizumab (Cimzia)
  • Etanercept ( Enbrel )
  • Golimumab (Simponi)
  • Infliximab (Remiacade)
  • Rituximab (Rituxan)
  • Tocilizumab (Actemra)

2.2. Thuốc ức chế Janus kinase (JAK)

Các bác sĩ chuyên khoa có thể kê đơn thuốc ức chế JAK nếu thuốc DMARD hoặc thuốc sinh học không điều trị hiệu quả viêm khớp dạng thấp của bạn. Những loại thuốc này làm ảnh hưởng đến gen và hoạt động của các tế bào miễn dịch trong cơ thể, từ đó giúp ngăn ngừa viêm và hạn chế tổn thương khớp và mô.

Các chất ức chế JAK bao gồm: Baricitinib (Olumiant), Tofacitinib (Xeljanz, Xeljanz XR) và Upadacitinib (Rinvoq)

Trước khi bắt đầu dùng thuốc ức chế JAK thì người bệnh hãy hỏi bác sĩ để đảm bảo đã tiêm chủng đầy đủ, bao gồm cả tiêm phòng bệnh zona dự phòng (vắc xin bệnh zona).

Khi dùng thuốc ức chế JAK, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ phổ biến như: nhiễm trùng đường hô hấp trên, nghẹt mũi, sổ mũi, viêm họng, cúm, viêm bàng quang...

2.3. Acetaminophen

Acetaminophen có thể giúp điều trị cơn đau nhẹ đến vừa, nhưng nó không có tác dụng chống viêm. Vì vậy, loại thuốc này không hoạt động tốt để điều trị viêm khớp dạng thấp.

Acetaminophen có nguy cơ gây ra các vấn đề nghiêm trọng về gan, bao gồm cả suy gan.

2.4. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Viêm khớp dạng thấp uống thuốc gì thì các loại thuốc chống viêm không steroid là loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để giúp giảm viêm và điều trị đau ở viêm khớp dạng thấp.

Không giống như các loại thuốc giảm đau khác, NSAID hiệu quả hơn trong việc điều trị các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp do thuốc vừa giảm đau vừa ngăn ngừa viêm nhiễm.

Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid bao gồm: kích ứng dạ dày, ung nhọt, xói mòn dạ dày, chảy máu dạ dày, tổn thương thận. Nếu bạn sử dụng NSAID trong thời gian dài thì bác sĩ sẽ theo dõi chức năng thận của bạn.

Một số thuốc chống viêm không steroid được dùng trong điều trị viêm khớp dạng thấp như:

  • Ibuprofen: Ibuprofen là một thuốc chống viêm không steroid phổ biến nhất. Tuy nhiên không được dùng thuốc nhiều hơn vài ngày một lần, trừ khi được bác sĩ hướng dẫn. Bởi dùng thuốc này quá lâu có thể gây chảy máu dạ dày, đặc biệt là ở người lớn tuổi.
  • Naproxen natri: Là một thuốc chống viêm không steroid không kê đơn và thường được sử dụng để thay thế cho ibuprofen. Bởi vì nó gây ra ít tác dụng phụ hơn so với ibuprofen.
  • Aspirin: Aspirin là một loại thuốc giảm đau đường uống và được dùng để điều trị viêm, đau nhẹ và sốt. Thuốc cũng có thể được sử dụng để ngăn ngừa cơn đau tim và đột quỵ.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) theo toa: Khi NSAID không kê đơn không làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thì bác sĩ có thể kê đơn NSAID theo toa theo thuốc uống. Các loại thuốc chống viêm không steroid theo toa phổ biến nhất bao gồm: Celecoxib, Ibuprofen, Nabumetone, Naproxen, Natri naproxen, Piroxicam...
  • NSAID khác bao gồm: Diclofenac, Diflunisal, Indomethacin, Ketoprofen, Etodolac, Fenoprofen, Flurbiprofen
  • Diclofenac/misoprostol (Arthrotec): Đây là một loại thuốc uống kết hợp NSAID diclofenac và misoprostol. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa và hạn chế tác dụng phụ loét dạ dày.
  • Capsaicin tại chỗ: Kem bôi ngoài da Capsaicin có thể làm giảm đau nhẹ do viêm khớp dạng thấp.
  • Diclofenac natri gel bôi ngoài da (Voltaren 1%): Voltaren gel 1% là một NSAID để sử dụng tại chỗ để điều trị đau khớp, bao gồm cả ở bàn tay và đầu gối.
  • Dung dịch bôi natri Diclofenac (Pennsaid 2%): Diclofenac natri (Pennsaid 2%) và 1,5% là dung dịch bôi ngoài da dùng cho đau đầu gối.

2.5. Thuốc giảm đau Opioid

Opioid là loại thuốc giảm đau được đánh giá là mạnh nhất hiện nay. Chúng có dạng uống và tiêm. Thuốc chỉ được chỉ định sử dụng cho viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng gây đau dữ dội.

Những người bị viêm khớp dạng thấp dùng opioid cũng nên sử dụng các phương pháp điều trị khác. Điều này là do opioid chỉ thay đổi cách bạn cảm nhận cơn đau, chứ không làm chậm bệnh hoặc ngăn ngừa viêm nhiễm.

Opioid bao gồm: Acetaminophen/codein, Codein, Fentanyl, Hydrocodon (Vicodin), Hydromorphon, Meperidin (Demerol), Methadone, Moocphin, Oxycodone (OxyContin)...

2.6. Corticoid

Corticoid còn được gọi là steroid và chúng có dạng thuốc uống và thuốc tiêm. Những loại thuốc này có thể giúp giảm viêm ở viêm khớp dạng thấp. Chúng cũng có thể giúp giảm đau và tổn thương do viêm nhưng thuốc không được khuyến cáo sử dụng lâu dài.

Tác dụng phụ của loại thuốc này có thể bao gồm: đường huyết cao, viêm loét dạ dày, huyết áp cao, dễ bị kích động, đục thủy tinh thể, loãng xương

Corticoid được sử dụng cho RA bao gồm: Betamethasone, Cortison, Dexamethasone, Hydrocortisone, Methylprednisolone, prednisone.

2.7. Thuốc ức chế miễn dịch

Thuốc ức chế miễn dịch giúp chống lại thiệt hại do các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, những loại thuốc này cũng có thể khiến bạn dễ bị bệnh và nhiễm trùng hơn. Vì thế, nếu bác sĩ kê toa một trong những loại thuốc này thì bác sĩ sẽ theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong quá trình điều trị.

Những loại thuốc ức chế miễn dịch trong điều trị viêm khớp dạng thấp có dạng uống và tiêm như cyclophosphamide (Cytoxan).

Trên đây là các loại thuốc chữa viêm khớp dạng thấp thường dùng trong điều trị bệnh. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc hay điều trị bằng phương pháp nào phù hợp nhất là do bác sĩ chuyên khoa chỉ định.

Vì thế, để dùng thuốc và điều trị viêm khớp dạng thấp tốt nhất, hiệu quả nhất. Thì người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để có phương pháp điều trị phù hợp nhất giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh và cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe