Các tai biến, biến chứng có thể gặp khi bó bột

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp & Gây mê - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bó bột là một phương pháp điều trị phổ biến đối với tình trạng gãy xương nhằm mục đích hồi phục lại hình thái giải phẫu cho xương, từ đó đảm bảo hồi phục hoàn toàn chức năng đối với vùng xương gặp chấn thương. Tuy là một thủ tục cơ bản, nhưng vẫn có khả năng xảy ra một số biến chứng sau bó bột mà bạn cần lưu ý.

1. Tai biến của bó bột gồm những gì?

Bó bột là một loại điều trị bảo tồn trong chấn thương – chỉnh hình với nhiều tác dụng tốt. Tuy nhiên, nếu các thủ tục và kỹ thuật bó bột gãy xương không được chuẩn bị đầy đủ, các biến chứng sau bó bột là hoàn toàn có thể xảy ra.

1.1 Các mức độ của tai biến sau bó bột

Các tai biến của bó bột được chia thành nhiều mức độ khác nhau:

  • Nhẹ: suy giảm hoặc mất chức năng của chi.
  • Trung bình: cắt cụt chi.
  • Nặng: gây nhiễm trùng – nhiễm độc toàn thân, dẫn đến suy đa tạng và thậm chí tử vong.

1.2 Nguyên nhân gây ra biến chứng sau bó bột

  • Nguyên nhân khách quan: do các nhiễm trùng và tổn thương ban đầu.
  • Nguyên nhân chủ quan: kỹ thuật bó bột của bác sĩ chưa tốt, thiếu cẩn thận,...

Nhiễm trùng hoặc do sai sót đều có thể là nguyên nhân gây ra biến chứng sau bó bột
Nhiễm trùng hoặc do sai sót đều có thể là nguyên nhân gây ra biến chứng sau bó bột

1.3 Các loại tai biến của bó bột

Tùy theo thời gian mà các loại tai biến của bó bột có thể được chia thành 3 loại chính:

Tai biến tức thì

  • Đau dữ dội, choáng váng do shock... trong quá trình nắn và bó bột.
  • Choáng hoặc sốc phản vệ do các loại thuốc mê, thuốc tê.
  • Có dấu hiệu co thắt khí phế quản, hiện tượng trào ngược... khi bệnh nhân được gây mê, có thể gây ngừng thở - ngừng tim... dẫn đến tử vong.

Tai biến sớm

  • Các tổn thương về mạch máu, thần kinh...: đối với chi trên, một số tổn thương thường gặp là ở động mạch cánh tay, dây thần kinh giữa, thần kinh quay, thần kinh trụ... Đối với chi dưới thường xảy ra động mạch khoeo, động mạch chày sau, thần kinh mác chung... (khá hiếm).
  • Hở thứ phát do xương chọc ra bên ngoài.
  • Gãy thêm vùng xương khác, đặc biệt đối với các bệnh nhân là người cao tuổi hoặc người có các vấn đề về xương khớp.
  • Rối loạn dinh dưỡng, phù nề, chèn ép khoang cấp gây hoại tử chi...
  • Liệt tủygãy cột sống.

Tai biến muộn

  • Rối loạn dinh dưỡng bán cấp hoặc rối loạn dinh dưỡng từ từ: gây sưng nề kéo dài và cứng khớp, có thể làm suy giảm cơ năng của chi, tuy nhiên không đến mức hoại tử chi.
  • Thiếu máu bán cấpthiếu máu mãn tính, gây ra xơ hóa các cơ. Đây cũng là hội chứng Sudeck, hội chứng Volkmann... rất khó khăn trong việc điều trị và không thể đảm bảo hiệu quả hoàn toàn, cực kỳ tốn kém.
  • Can lệch: thường có nguyên nhân từ kỹ thuật nắn của bác sĩ.
  • Khớp giả: bệnh nhân bất động không đúng cách, kỹ thuật nắn của bác sĩ kém, do tuổi tác hoặc do thực hiện sai chế độ ăn uống, chế độ luyện tập... xuyên suốt thời gian trong và sau khi bó bột gãy xương.
  • Viêm xương: là biến chứng từ gãy xương hở, loét, tụ máu – nhiễm trùng...

Biến chứng sau bó bột gãy xương hở có thể dẫn tới viêm xương
Biến chứng sau bó bột gãy xương hở có thể dẫn tới viêm xương

Cách xử trí các biến chứng sau bó bột theo mức độ

  • Mức độ nhẹ: nới bột ra và gác cao phần chi bị bó bột.
  • Mức độ vừa: xử trí theo cách ở mức độ nhẹ và có kèm thêm thuốc chống nề, phong bế gốc chi...
  • Mức độ nặng (cùng với dấu hiệu chèn ép khoang, tổn thương mạch máu và hệ thần kinh...): phải mổ cấp cứu để xử trí theo từng loại tổn thương...

2. Một số chú ý cần nhớ sau khi bó bột gãy xương

Nhằm đảm bảo quá trình hồi phục xương diễn ra thuận lợi nhất và hạn chế các biến chứng sau bó bột tối đa, bệnh nhân cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Cần phải tái khám ngay nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường: đau buốt, sưng nề vùng chi bị bó bột, có dấu hiệu tê và tím tái đầu ngón tại chi, cơn đau ngày càng tăng cường...
  • Phần chi được bó bột cần được kê cao hơn để tránh tình trạng phù nề.
  • Cần phải thực hiện gồng cơ đúng cách: vùng cơ bị bó bột khi không hoạt động sẽ teo lại và gây gián đoạn quá trình hồi phục của xương, gây rối loạn dinh dưỡng. Vì vậy, cần phải giúp cơ hoạt động bằng động tác gồng cơ.
  • Các phần chi không bị hạn chế (không bó bột), phải tập vận động để thúc đẩy lưu thông máu, tránh bị tình trạng khớp cứng.

Người bệnh cần chăm vận động phần chi còn lại để tráng cứng khớp
Người bệnh cần chăm vận động phần chi còn lại để tráng cứng khớp
  • Chú ý, phần bột cần ít nhất 30 – 48 giờ sau khi bó mới cứng lại. Vì vậy, bệnh nhân chỉ nên di chuyển sau khi bó bột 2 ngày. Nếu như đi lại sớm hơn, bột sẽ bị vỡ và không đảm bảo hiệu quả hồi phục.
  • Bọc bột trong bọc nilon khi đi vệ sinh hoặc tắm rửa, không để bột bị dính nước vì sẽ gây hư bột và hôi chân.
  • Nếu như bột gây ngứa chân hoặc có sự tấn công từ côn trùng vào trong bột, tuyệt đối không sử dụng các loại dụng cụ để chọc – gãi... vì sẽ tăng nguy cơ bị nhiễm trùng vùng da trong bột. Trong trường hợp này, bệnh nhân nên báo với bác sĩ để được xử trí đúng cách.
  • Tái khám đúng theo lịch hẹn.

Bó bột gãy xương tuy là một thủ tục đơn giản và phổ biến, nhưng do nhiều nguyên nhân (có thể do chủ quan, do khách quan...) mà vẫn có nhiều khả năng dẫn đến các tai biến của bó bột. Bệnh nhân cần theo dõi kỹ tình trạng của cơ thể, đặc biệt là vùng chi bị bó, và báo ngay với bác sĩ các dấu hiệu bất thường.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Video đề xuất: Hướng dẫn băng vết thương khi nghi ngờ bị gãy xương

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe