Việc kiểm soát cơn hen phế quản cấp là điều tối quan trọng để điều trị hen phế quản. Nắm được tác nhân phổ biến kích hoạt cơn hen là một trong những yếu tố không thể thiếu để kiểm soát cơn hen phế quản cấp.
1. Hen phế quản là gì?
Hen phế quản là một bệnh lý mạn tính của đường hô hấp, đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở. Tình trạng viêm mạn tính khiến khí đạo bị hẹp lại, gây khó khăn cho sự di chuyển của không khí, từ đó biểu hiện thành các triệu chứng.
Hen phế quản không phải là bệnh truyền nhiễm, không có khả năng lây từ người sang người. Hen phế quản hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi dứt điểm, tuy nhiên nếu tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh.
2. Tác nhân phổ biến nào gây kích hoạt cơn hen phế quản cấp?
Tác nhân gây kích hoạt cơn hen phế quản cấp thường được chia thành hai loại chính, đó là tác nhân dị ứng (tác nhân đặc hiệu) và tác nhân kích thích (tác nhân không đặc hiệu).
2.1 Tác nhân dị ứng
Các tác nhân dị ứng thường gặp bao gồm:
- Phấn hoa theo mùa
- Mạt nhà, bụi nhà, nấm mốc hoặc vật nuôi
- Hút thuốc lá, khói thuốc lá
- Bột giặt, chất khử mùi, nước hoa,...
- Một số loại thực phẩm nhất định, chẳng hạn như trứng, cá, đậu nành,...
- Một số loại hóa chất sử dụng trong công nghiệp hoặc các chất phụ gia.
2.2 Tác nhân kích thích
Các tác nhân kích thích thường gặp bao gồm:
- Nhiễm trùng đường hô hấp.
- Một số thuốc điều trị nhất định: Aspirin, các thuốc chống viêm không steroid (non - steroid anti - inflammatory drugs - NSAIDs), thuốc chẹn beta giao cảm (beta blocker),...
- Thay đổi thời tiết
- Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản (Gastroesophageal Reflux Disease - GERD)
- Căng thẳng
- Các thay đổi hoặc các yếu tố có liên quan tới nội tiết tố.
Ngoài ra, còn các tác nhân khác gây kích hoạt cơn hen phế quản cấp bao gồm:
- Yếu tố môi trường (phấn hoa, bụi nhà, nấm mốc, vật nuôi, hóa chất,...): Là tác nhân quan trọng, giữ vai trò trong cả việc hình thành hen phế quản và khởi phát cơn hen cấp.
- Dị ứng: Phản ứng dị ứng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với chất gây dị ứng (gọi là dị nguyên). Hen phế quản là một bệnh có liên quan tới cơ địa, do đó thường có sự liên quan tới dị ứng (mặc dù không phải ai bị dị ứng cũng bị hen phế quản). Các bệnh nhân hen phế quản trẻ tuổi đa số nhạy cảm với ít nhất một dị nguyên.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc lá và khói thuốc lá có khả năng kích hoạt cơn hen phế quản cấp, đồng thời hen phế quản có thể làm trầm trọng thêm những căn bệnh có liên quan tới thuốc lá và khói thuốc.
- Căng thẳng: Căng thẳng và một số trạng thái cảm xúc khác, như vui mừng, phấn khích, buồn bã, tức giận,... đều có thể gây khởi phát cơn hen phế quản cấp.
- Thay đổi nội tiết tố: Những thay đổi về nội tiết tố có thể kích hoạt cơn hen phế quản cấp, rất có thể bắt nguồn từ sự tác động của thay đổi nội tiết tố lên hoạt động miễn dịch.
Đối với trẻ nhỏ virus gây bệnh đường hô hấp trên là một trong những nguyên nhân gây hen suyễn ở trẻ em, phổ biến nhất là trẻ em dưới 6 tuổi. Để phòng ngừa, bạn hãy tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang mỗi khi ra ngoài hay tiếp xúc với môi trường bụi bẩn. Tiêm phòng cúm để hạn chế nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên.
Mọi thắc mắc cần được bác sĩ chuyên khoa giải đáp cũng như quý khách hàng có nhu cầu khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Quý khách có thể liên hệ Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc hoặc đăng ký trực tuyến TẠI ĐÂY.
Nguồn tham khảo: webmd.com
XEM THÊM