Các phương pháp phẫu thuật cắt amidan phù hợp cho bé

Amidan là bệnh lý tai mũi họng vấn đề thường gặp ở trẻ em. Bệnh hay tái đi tái lại gây ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sức khỏe của trẻ. Khi amidan sưng nên phẫu thuật cắt amidan được bác sĩ chỉ định để cắt bỏ.

1. Amidan là gì?

  • Amidan là tổ chức lympho lớn nhất của con người, tập trung tại vị trí phía dưới niêm mạc hầu, thành đám ở hai bên thành họng, tạo thành vòng bạch huyết mang tên Waldayer.
  • Vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm: Amidan vòm họng (còn được gọi dưới cái tên phổ biến hơn là VA), amidan vòi, amidan khẩu cái và amidan đáy lưỡi.
  • Amidan khẩu cái là amidan lớn nhất trong vòng bạch huyết Waldeyer, gồm hai amidan nằm ở hai bên thành họng và những amidan hay bị viêm nhất, có hình oval màu hồng, kích thước to nhỏ thay đổi khác nhau tùy vào độ tuổi. Khi quan sát bằng mắt thường ta có thể dễ dàng thấy được một phần của amidan.

Amidan tạo thành vòng bạch huyết bám ở thành họng
Amidan tạo thành vòng bạch huyết bám ở thành họng

2. Tại sao lại cần phẫu thuật cắt amidan cho trẻ?

Khi amidan phát triển to quá mức sẽ xảy ra hàng loạt các vấn đề về hô hấp, tiêu hóa và tai mũi họng cho trẻ:

2.1 Vấn đề về hô hấp

Amidan quá phát sẽ gây ra tình trạng tắc nghẽn ở đường hô hấp trên, mà hậu quả là các hiện tượng ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ. Nếu tình trạng ngưng thở khi ngủ kéo dài, cơ thể trẻ phải đáp ứng lại bằng cách há miệng để thở quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của vùng hàm mặt, cụ thể là lệch khớp cắn, hàm bị hô, mũi tẹt,... Đồng thời, việc tắc nghẽn hô hấp như vậy khiến não bị thiếu oxy, giấc ngủ bị rối loạn, ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lí và tâm thần.

2.2 Vấn đề về tiêu hóa

Amidan quá to gây trở ngại cho việc nuốt thức ăn từ miệng xuống.

2.3 Vấn đề về tai mũi họng

Amidan bị viêm chính là nguồn vi khuẩn gây ra các viêm nhiễm khác ở khu vực đường hô hấp trên.

Thời điểm nên cân nhắc tiến hành phẫu thuật cắt amidan cho trẻ là khi:

  • Trong một năm trở lại amidan bị viêm ít nhất 7 lần; hoặc trong hai năm trở lại amidan bị viêm ít nhất 5 lần mỗi năm; hoặc trong ba năm trở lại đây amidan bị viêm ít nhất 3 lần mỗi năm.
  • Amidan quá phát gây cản trở đường hô hấp trên, gây hiện tượng khó nuốt, gây rối loạn giấc ngủ hoặc gây tâm phế mạn.
  • Amidan là nguyên nhân gây ra các biến chứng viêm xoang, viêm tai, viêm khớp.
  • Nghi ngờ bệnh lý ác tính đối với trường hợp amidan to đơn độc một bên.

Amidan không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới viêm xoang
Amidan không được chữa trị kịp thời có thể dẫn tới viêm xoang

3. Các phương pháp phẫu thuật cắt amidan phù hợp cho trẻ

Đối với phẫu thuật cắt amidan ở trẻ hiện nay có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau, và mỗi phương pháp lại có những ưu điểm và nhược điểm riêng:

3.1 Phẫu thuật cắt amidan bằng phương pháp cắt lạnh

Phẫu thuật cắt amidan bằng phương pháp cắt lạnh (bóc tách bằng kéo, dao, thòng lọng): Đây là phương pháp phẫu thuật cắt amidan truyền thống, với ưu điểm là vết mổ lành tốt, quá trình thực hiện ít gây tổn thương tới các mô xung quanh, tuy nhiên nhược điểm là thời gian phẫu thuật dài nhất trong các phương pháp và lượng máu chảy khi phẫu thuật nhiều.

3.2 Phẫu thuật cắt amidan bằng dao điện (đơn cực hoặc lưỡng cực)

Phương pháp này có ưu điểm là thời gian thực hiện phẫu thuật nhanh, lượng máu chảy trong phẫu thuật ít, nhưng vì trong quá trình phẫu thuật nhiệt độ tạo ra rất cao gây ảnh hưởng tới các mô xung quanh, cụ thể là gây bỏng sâu và khiến trẻ đau nhiều sau khi phẫu thuật.


Có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan
Có nhiều phương pháp phẫu thuật cắt amidan

3.3 Phẫu thuật cắt amidan bằng sóng cao tần liên tục (coblator)

Phẫu thuật cắt amidan bằng sóng cao tần liên tục (coblator) đây là một phương pháp phẫu thuật mới, với thời gian thực hiện ngắn, ít chảy máu, hạn chế được tổn thương tới các mô xung quanh, từ đó rút ngắn thời gian liền vết thương.

3.4 Phẫu thuật cắt amidan bằng dao plasma (PEAK Plasmablade)

Là phương pháp phẫu thuật cắt amidan hiện đại, thời gian thực hiện ngắn, ít chảy máu, ít đau, giúp hạn chế các biến chứng sau phẫu thuật cũng như giúp trẻ chóng bình phục.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe