Các phương pháp gây tê thường dùng

Bài viết được tư vấn chuyên môn Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Ngát - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Gây tê là phương pháp vô cảm làm ức chế cảm giác đau đớn và được áp dụng trong nhiều loại phẫu thuật. Có nhiều phương pháp gây tê khác nhau, việc áp dụng phương pháp nào tùy thuộc vào tình trạng phẫu thuật cụ thể.

1. Gây tê là gì?

Gây tê là một kỹ thuật vô cảm sử dụng các tác nhân ức chế tạm thời dẫn truyền xung động thần kinh để làm mất cảm giác đau ở một vùng nhất định trên cơ thể. Thuốc tê được tiêm tại chỗ và giúp ức chế cảm giác đau đớn tại vùng nhất định. Gây tê được thực hiện thông qua phong bế dẫn truyền thần kinh ngoại vi, làm mất cảm giác tạm thời ở 1 phần cơ thể, phục vụ cho các ca phẫu thuật nhỏ, khu trú như nha khoa, phẫu thuật chi, trích nhọt, đau do chấn thương...


Gây tê tủy sống là phương pháp vô cảm sử dụng phổ biến trong sản khoa.
Gây tê tủy sống là phương pháp vô cảm sử dụng phổ biến trong sản khoa.

2. Các phương pháp gây tê thường dùng

2.1 Gây tê tại chỗ

Gây tê tại chỗ là phương pháp sử dụng các tác nhân hóa học - vật lý tác động trực tiếp lên những nhánh tận cùng của thần kinh ngoại vi. Gây tê tại chỗ có ưu điểm là ít xâm lấn và tương đối an toàn, tuy nhiên nhược điểm là thời gian tác dụng ngắn, vùng phong bế nhỏ nên chỉ áp dụng cho những phẫu thuật nhỏ (sinh thiết, khâu vết thương nhỏ), dùng trong nha khoa, thuốc dạng gel bôi trước khi tiêm cho trẻ em,...

Phương pháp này bao gồm:

  • Gây tê bề mặt (Surface anesthesia): Thực hiện bằng cách nhỏ, phun, bôi thuốc tê lên bề mặt niêm mạc. Kỹ thuật này thường áp dụng trong các phẫu thuật tai, mũi, họng, răng miệng, mắt, nội soi.
  • Gây tê thấm (Infiltration anesthesia): thực hiện bằng cách tiêm thuốc tê theo từng lớp tổ chức. Kỹ thuật này áp dụng cho các trường hợp mổ nhỏ, vết mổ nông, hoặc trong chích rạch áp xe...
  • Gây lạnh: Phun các loại thuốc mê bốc hơi nhanh lên mặt da (Kélen): Dùng trong chích rạch áp xe

2.2 Gây tê vùng

Thuốc tê tác dụng trực tiếp lên các đường dẫn truyền thần kinh (thân, đám rối, rễ thần kinh), làm mất cảm giác đau ở một vùng tương ứng do thần kinh đó chi phối.

  • Gây tê tủy sống: thuốc tê được bơm vào khoang dưới nhện, hòa vào dịch não tủy, phong bế các rễ thần kinh đi ra từ tủy sống, từ đó phong bế cảm giác đau ở vùng cơ thể do các rễ này chi phối. Gây tê tủy sống được thực hiện ở các đốt sống thắt lưng (L1-L5). Ưu điểm của phương pháp này là dễ thực hiện, chi phí thấp, thời gian chờ tác dụng ngắn, có tác dụng hoàn toàn, mềm cơ. Tuy nhiên khuyết điểm là thời gian tác dụng ngắn và khó kiểm soát. Gây tê tủy sống được chỉ định trong phẫu thuật chi dưới, bụng dưới, sản khoa, phẫu thuật thận, tiết niệu. Chống chỉ định với các trường hợp: bệnh nhân sốc, thiếu khối lượng tuần hoàn, rối loạn đông máu, đang điều trị chống đông, bị nhiễm trùng tại nơi chọc kim, dị ứng thuốc tê, bệnh nhân từ chối thực hiện gây tê tủy sống.
  • Gây tê ngoài màng cứng: thuốc tê được bơm vào khoang ngoài màng cứng, phong bế các rễ thần kinh, từ đó phong bế vùng cơ thể do các rễ này chi phối. Thuốc tê sau khi bơm vào khoang ngoài màng cứng có tác dụng trên khoanh tủy quanh vùng tiêm thuốc, gây tê ngoài màng cứng có thể thực hiện ở các đốt sống ngực hoặc thắt lưng, có thể luồn catheter để giảm đau kéo dài. Phương pháp gây tê này có ưu điểm là tác dụng kéo dài, có thể truyền liên tục để giảm đau sau mổ, có thể kiểm soát được mức phong bế và ít ảnh hưởng đến huyết động. Nhược điểm là kỹ thuật tương đối khó, thời gian chờ tác dụng lâu, tác dụng có thể không hoàn toàn và ít mềm cơ. Gây tê ngoài màng cứng được chỉ định trong phẫu thuật bụng dưới, sản khoa, phẫu thuật thận, tiết niệu, phẫu thuật chi dưới, giảm đau sản khoa, sau mổ ngực, bụng, chi dưới. Chống chỉ định của phương pháp này tương tự với chống chỉ định của gây tê tủy sống.

Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau sản khoa
Gây tê ngoài màng cứng giúp giảm đau sản khoa
  • Gây tê ngoại vi thần kinh: thuốc tê được tiêm quanh vị trí của một hoặc một số đám rối dây thần kinh ngoại biên, để phong bế vùng cơ thể do các dây thần kinh này chi phối. Thời gian tác dụng của thuốc phụ thuộc vào khối lượng và thể tích thuốc tê. Các vị trí gây tê: đám rối cánh tay, thần kinh đùi, thần kinh hông to,...Phương pháp này có ưu điểm là gây tê chọn lọc, ít ảnh hưởng đến toàn thân, kỹ thuật không quá khó, có thể truyền liên tục để giảm đau sau mổ. Kỹ thuật này được chỉ định trong phẫu thuật chi trên (xương đòn, khớp vai, cánh, cẳng, bàn tay,...), phẫu thuật chi dưới (cẳng chân, khớp gối,...), giảm đau sau mổ chi trên, chi dưới. Kỹ thuật gây tê ngoại vi thần kinh chống chỉ định với trường hợp bệnh nhân bị nhiễm trùng tại vị trí viêm thuốc, rối loạn đông máu, đang điều trị chống đông hoặc bệnh nhân từ chối thực hiện phương pháp gây tê này.

Hiện nay các phương pháp gây tê được sử dụng trong hầu hết các phẫu thuật điều trị bệnh, giúp bệnh nhân không phải chịu đau đớn cũng như hạn chế tối đa nguy hiểm trong quá trình phẫu thuật. Tuy nhiên để thực hiện các phương pháp gây tê, gây mê, bạn cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã thực hiện các phương pháp gây tê trong việc điều trị, phẫu thuật, giảm đau khi sinh nở. Theo đó các phương pháp gây tê, gây mê tại Vinmec đều tuân theo quy trình chuẩn, thăm khám lâm sàng nghiêm ngặt đảm bảo an toàn tối đa cho người bệnh. Đặc biệt các quy trình thực hiện thăm khám, gây mê đều được đội ngũ y bác sĩ có tay nghề chuyên môn cao được đào tạo bài bản và vận hành trên hệ thống máy móc hiện đại sẽ đem lại kết quả điều trị tối ưu cho Quý khách hàng.

Quý khách có nhu cầu khám bệnh bằng các phương pháp hiện đại, đạt hiệu quả cao tại Vinmec vui lòng đăng ký khám TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe