Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Đái dầm là tình trạng phổ biến xảy ra ít nhất một lần mỗi tuần ở 15% trẻ 5 tuổi và hầu hết đái dầm tự khỏi. Đái dầm không phải là lỗi của trẻ, không nên trừng phạt trẻ vì đái dầm.
1. Khuyến khích trẻ đi tiểu thường xuyên trong ngày
Khuyến khích trẻ đi tiểu thường xuyên trong ngày và ngay trước khi đi ngủ (tổng cộng bốn đến bảy lần một ngày). Nếu trẻ thức giấc vào ban đêm, hãy đưa trẻ đi vệ sinh. Tránh đồ uống có đường và chứa caffeine, đặc biệt là vào buổi tối.
Nên cho trẻ uống hầu hết các chất lỏng (sữa, nước, nước ép, canh...) vào buổi sáng và đầu giờ chiều để ngăn bàng quang bị đầy quá nhiều vào ban đêm. Trước khi thử cách này, hãy ghi nhật ký về lượng chất lỏng mà con bạn uống trong khoảng thời gian 24 giờ. Dựa trên tổng số lượng dịch, bạn có thể điều chỉnh để trẻ uống vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối.
Bác sĩ khuyến nghị cung cấp 40% chất lỏng vào buổi sáng, 40% vào buổi chiều và chỉ 20% vào buổi tối. Ví dụ: nếu một đứa trẻ thường tiêu thụ khoảng 1 lít trong 24 giờ, cha mẹ nên cung cấp 400ml dịch - khoảng 40 % - vào buổi sáng, khoảng 400 mL vào buổi chiều, và khoảng 200 mL- khoảng 20 %- vào buổi tối. Nếu thực hiện điều này, trẻ giảm đái dầm, gia đình và trẻ nên tiếp tục sử dụng biện pháp này.
Nhắc trẻ mỗi tối ra khỏi giường và đi vệ sinh khi trẻ cần đi tiểu. Đồng thời nhắc trẻ đi tiểu ngay trước khi đi ngủ.
- Giúp trẻ xác định vị trí nhà vệ sinh dễ dàng bằng cách sử dụng đèn ngủ trong phòng tắm và hành lang. Cân nhắc đặt một chiếc bô trong phòng của trẻ nếu nhà vệ sinh ở xa phòng ngủ của trẻ.
- Ngưng sử dụng tã ở nhà vì điều này có thể khiến trẻ không muốn ra khỏi giường, đặc biệt nếu trẻ lớn hơn 8 tuổi. Trẻ có thể sử dụng tã cho những dịp đặc biệt, chẳng hạn như thăm họ hàng hoặc bạn bè ở qua đêm.
- Bảo vệ nệm của trẻ bằng tấm trải không thấm nước để tránh mùi nước tiểu.
- Sau khi đái dầm trong đêm, khuyến khích trẻ đi vệ sinh trước khi thay lại đồ ngủ. Bạn có thể đặt một chiếc khăn khô lên phần còn ướt của giường, hoặc bạn có thể lót thêm miếng đệm chống thấm; điều này cho phép bạn và trẻ nhanh chóng và dễ dàng loại bỏ các đồ ướt và tránh phải dọn lại giường. Để đồ ngủ và khăn tắm nơi trẻ có thể dễ dàng tìm thấy.
- Yêu cầu trẻ giúp dọn dẹp giường buổi sáng, bao gồm cả việc tháo và giặt ga trải giường. Đồng thời đảm bảo rằng trẻ tắm hoặc tắm rửa hàng ngày để tránh mùi nước tiểu còn trên da.
- Không trêu chọc hoặc cho phép anh chị em trêu chọc trẻ đái dầm.
2. Liệu pháp hành vi
2.1 Liệu pháp tạo động lực
Để tạo động lực cho trẻ, bạn cần có cuốn sổ để ghi lại sự tiến bộ của trẻ, với phần thưởng càng lớn khi thời gian trẻ không đái dầm càng dài. Bạn và trẻ nên thỏa thuận trước về phần thưởng và có thể dùng hình dán trên lịch cho mỗi đêm không tè dầm hoặc trong cuốn sách yêu thích của trẻ trong bảy đêm không đái dầm liên tiếp. Liệu pháp tạo động lực là một phương pháp hữu ích nên áp dụng trước đối với trẻ nhỏ.
2.2 Báo thức đái dầm
Báo thức đái dầm là phương pháp hiệu quả nhất để kiểm soát chứng đái dầm. Chúng thường được dành cho trẻ em trên 6 tuổi. Báo thức thường không được sử dụng ngay lần đầu tiên trị liệu vì giá thành đắt và yêu cầu trẻ và phụ huynh phải kiên trì. Bạn có thể cân nhắc thử phương pháp này nếu liệu pháp tạo động lực thất bại sau ba đến sáu tháng áp dụng. Nếu phương pháp báo thức thất bại, bác sĩ có thể dùng thuốc để cô đặc nước tiểu.
Báo thức hoạt động bằng cách sử dụng một cảm biến phát hiện những giọt nước tiểu đầu tiên trong quần lót. Khi cảm biến được kích hoạt, nó sẽ gửi tín hiệu đến thiết bị báo thức nhằm đánh thức đứa trẻ bằng âm thanh, ánh sáng hoặc rung. Chuông báo giúp trẻ thức dậy hoặc ngừng đi tiểu.
Trẻ nên chịu trách nhiệm về báo thức của trẻ và nên kiểm tra mỗi đêm trước khi ngủ. Với âm thanh hoặc rung, trẻ nên được hướng dẫn cần làm gì tiếp theo nếu chuông báo thức kêu:
- Trẻ tắt chuông báo thức, thức dậy và đi tiểu ở nhà vệ sinh
- Trẻ trở lại phòng ngủ, thay trải giường và quần áo (với sự giúp đỡ của cha mẹ nếu cần)
- Trẻ lau hoặc thay thế cảm biến
- Trẻ đặt lại báo thức và ngủ lại
Viết nhật ký về những đêm không tè dầm và tè dầm. Khi liệu pháp báo thức bắt đầu, một số trẻ sẽ không thức giấc khi chuông báo thức kêu. Ban đầu bạn nên đánh thức trẻ, mặc dù hầu hết trẻ cuối cùng cũng tự thức dậy được. Điều quan trọng đối với sự thành công của phương pháp báo thức là trẻ tỉnh táo và có ý thức khi đi vệ sinh vào nửa đêm và không bị "mộng du" trong khi đi tiểu.
Sử dụng báo thức liên tục cho đến khi trẻ có ba đến bốn tuần liên tục không đái dầm. Quá trình này thường mất từ ba đến bốn tháng nhưng cũng có thể từ năm tuần đến sáu tháng. Trình tự báo thức có thể được khởi động lại nếu đái dầm tái diễn.
2.3 Desmopressin
Desmopressin là một loại thuốc làm giảm sản xuất nước tiểu. Thuốc được sử dụng để điều trị chứng đái dầm ở trẻ em. Trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp tạo động lực và hoặc báo thức đái dầm được thử trong ba đến sáu tháng trước khi xem xét dùng desmopressin. Desmopressin đắt tiền, có tác dụng phụ và tỷ lệ tái phát cao. Desmopressin và các liệu pháp hành vi có thể được sử dụng cùng nhau.
Desmopressin có dạng viên uống và được uống trước khi đi ngủ để giảm lượng nước tiểu trong khi ngủ. Thuốc có thể được sử dụng hàng đêm hoặc trong thời gian ngắn (ví dụ, cắm trại qua đêm hoặc ngủ qua đêm).
Tác dụng phụ nghiêm trọng với desmopressin là không thường gặp nhưng có thể xảy ra nếu trẻ uống quá nhiều chất lỏng trước khi đi ngủ. Vì lý do này, trẻ em không nên uống nhiều hơn 200 ml chất lỏng sau 5 giờ chiều vào những đêm sẽ sử dụng desmopressin. Trẻ không nên uống bất kỳ chất lỏng nào bắt đầu từ một giờ trước và tám giờ sau khi uống desmopressin.
Tỷ lệ tái phát tương đối cao với desmopressin. Khoảng 60% đến 70% trẻ em bị đái dầm về đêm trở lại sau khi ngừng thuốc. Giảm dần liều hàng ngày, thay vì ngừng thuốc đột ngột, có thể làm giảm tỷ lệ tái phát.
2.4 Các phương pháp bổ sung và thay thế
Một số phương pháp bổ sung và thay thế đã được thử nghiệm ở trẻ em mắc chứng đái dầm về đêm, bao gồm châm cứu, nắn chỉnh xương và thôi miên. Tuy nhiên, không có đủ dữ liệu từ các nghiên cứu khoa học liệu các liệu pháp này có hiệu quả hay không. Các phương pháp điều trị bổ sung và thay thế không được khuyến khích cho trẻ đái dầm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Video đề xuất
XEM THÊM:
- Trẻ 6 tuổi nhưng vẫn tè dầm ban đêm là bị làm sao?
- Trẻ tiểu đêm phải điều trị thế nào?
- Các nguyên nhân khiến trẻ đái dầm