Dạy trẻ đi vệ sinh

Bài viết được viết bởi Bác sĩ Hồ Thị Anh Thư - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Học cách đi vệ sinh là một cột mốc quan trọng đối với cả cha mẹ và con cái. Đối với bậc cha mẹ, điều này có nghĩa là bé không còn phải sử dụng tã và bạn không cần lo lắng về chuyện đi vệ sinh của bé nữa. Đối với trẻ, đây là một bước để độc lập và tự chủ. Trước khi bạn bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh, điều quan trọng là phải biết con bạn đã sẵn sàng chưa, cách để giúp con bạn và cần làm gì nếu có các vấn đề phát sinh.

1. Trẻ đã sẵn sàng?

Mốc phát triển: Độ tuổi trẻ sẵn sàng học đi vệ sinh phụ thuộc vào một số yếu tố và tùy vào từng trẻ. Hầu hết trẻ em từ hai đến bốn tuổi có thể tự đi vệ sinh vào ban ngày. Trẻ đi vệ sinh vào ban đêm có thể trễ hơn vài tháng đến vài năm.

Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng trước khi bắt đầu tập đi vệ sinh, trẻ cần làm được những việc sau:

  • Đi vào nhà vệ sinh
  • Ngồi lên bồn cầu
  • Giữ nước tiểu trong vài giờ hoặc không bị tè dầm sau khi ngủ trưa
  • Tự kéo được quần lên và xuống
  • Làm theo hướng dẫn đơn giản
  • Thông báo khi có nhu cầu đi vệ sinh
  • Thể hiện sự độc lập bằng cách nói "không"
  • Thể hiện sự quan tâm đến việc tự đi vệ sinh
  • Thể hiện mong muốn (tặng quà, khen ngợi)
  • Bắt chước người lớn và trẻ lớn hơn

Nếu con bạn gặp rắc rối với chứng táo bón, các chuyên gia khuyên bạn nên kiểm soát tình trạng đó trước khi bắt đầu tập đi vệ sinh. Táo bón mãn tính có thể dẫn đến đi tiêu đau đớn, làm phân bị bế tắc và trẻ không chịu đi vệ sinh.


Hầu hết trẻ em từ hai đến bốn tuổi có thể tự đi vệ sinh vào ban ngày
Hầu hết trẻ em từ hai đến bốn tuổi có thể tự đi vệ sinh vào ban ngày

2. Trẻ bị bệnh mãn tính và hoặc có nhu cầu đặc biệt

Trẻ bị bệnh mãn tính, chẳng hạn như hen suyễn hoặc bệnh hồng cầu hình liềm, hoặc các nhu cầu đặc biệt không nhất thiết phải bắt đầu tập đi vệ sinh muộn hơn so với trẻ khỏe mạnh. Đối với các trường hợp này, bé có thể mất nhiều thời gian hơn để tập đi vệ sinh và có thể có thất bại, nhưng với sự khuyến khích và kiên nhẫn với bé, bạn hoàn toàn có thể thành công.

Hãy trao đổi với bác sĩ của con bạn để được tư vấn về việc tập đi vệ sinh cho con bạn khi bé có những nhu cầu đặc biệt. Nhu cầu đặc biệt là một thuật ngữ cho một loạt các vấn đề, bao gồm ung thư, chậm phát triển, vấn đề về tâm thần và hành vi, và các tình trạng cần thiết bị đặc biệt (ví dụ: ống thông dạ dày, khí quản, khung tập đi).

Việc dạy đi vệ sinh không khác nhau đối với trẻ em có nhu cầu đặc biệt, mặc dù bạn có thể giúp bé một số việc như:

  • Bế trẻ ngồi bô khi trẻ không biết đi hoặc bò
  • Giúp trẻ cởi quần áo và lau sau khi đi vệ sinh khi trẻ không làm được

3. Bố mẹ đã sẵn sàng?

Cha mẹ cũng cần sẵn sàng để bắt đầu quá trình tập trẻ đi vệ sinh. Ít nhất cha hoặc mẹ sẽ cần dành thời gian và tâm sức cho việc dạy con đi vệ sinh hàng ngày trong ít nhất ba tháng.

Cân nhắc trì hoãn việc dạy đi vệ sinh nếu bạn đang chuẩn bị cho bé sau sắp chào đời, chuyển đến ngôi nhà mới, trở lại làm việc hoặc nếu trẻ mới vào nhà trẻ. Thực hiện quá nhiều thay đổi cùng một lúc có thể khiến việc dạy trẻ đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn và tăng khả năng thất bại.

Có một sự thật khi đối mặt với áp lực từ các bậc ông bà, thành viên gia đình hoặc giáo viên, những người có thể mong đợi con bạn đi vệ sinh ở một độ tuổi nhất định. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ cũng nên hiểu rằng việc dạy trẻ tự đi vệ sinh không phải là một cuộc thi. Rèn cho con bạn việc tự đi vệ sinh không có nghĩa là con bạn thông minh hay giỏi hơn những đứa trẻ khác.

Ngoài ra, gặp khó khăn trong việc dạy trẻ đi vệ sinh hoặc trẻ tự đi vệ sinh bắt đầu ở độ tuổi muộn hơn không đồng nghĩa với việc con bạn lười biếng, bướng bỉnh, hoặc chậm.


Cha hoặc mẹ cần dành thời gian và tâm sức cho việc dạy con đi vệ sinh hàng ngày
Cha hoặc mẹ cần dành thời gian và tâm sức cho việc dạy con đi vệ sinh hàng ngày

4. Nên dạy trẻ trong bao lâu?

Thời gian trung bình trẻ học cách không tè dầm suốt cả là sáu tháng, và hầu hết trẻ học cách kiểm soát đi tiêu trước hoặc cùng thời điểm trẻ học cách đi tiểu trong ngày. Không tè dầm vào ban đêm có thể trễ hơn vài tháng đến nhiều năm. Các bé gái thường tự đi vệ sinh sớm hơn các bé trai.

5. Bắt đầu dạy trẻ đi vệ sinh

Dạy trẻ đi vệ sinh bao gồm nhiều bước: trò chuyện, cởi quần, ngồi, lau, mặc quần, xả nước và rửa tay. Thực hiện các bước lặp lại mỗi lần đi vệ sinh để giúp trẻ củng cố kỹ năng đi vệ sinh đúng.

  • Quyết định những từ bạn sẽ sử dụng để mô tả việc đi vệ sinh và cần nhất quán; ví dụ bao gồm tè, ị, bô. Hãy nhớ rằng con bạn sẽ sử dụng những từ này với người lớn và những trẻ khác.
  • Trước khi bắt đầu tập, hãy thay tã cho trẻ thường xuyên để trẻ thích tã khô ráo hơn.
  • Mua ghế bô cho con bạn. Ban đầu, ghế ngồi bô dễ sử dụng hơn so với ghế bệt. Cân nhắc mua nhiều hơn một chiếc ghế nếu bạn ở nhà nhiều tầng. Cho phép con bạn trang trí ghế bô và biến nó thành chiếc ghế đặc biệt của riêng bé.
  • Đặt ghế bô ở vị trí thuận tiện, chẳng hạn như phòng chơi hoặc phòng ngủ của trẻ.
  • Khuyến khích trẻ ngồi vào bô, mặc quần áo đầy đủ, xem sách hoặc chơi đồ chơi.
  • Nói chuyện về việc bạn sẽ dạy trẻ đi vệ sinh bằng sách hoặc video.
  • Thường xuyên "tập chạy" đến ghế bô, đặc biệt là sau khi thức dậy vào buổi sáng và sau bữa ăn.
  • Sau khi con bạn đã ngồi thoải mái, hãy khuyến khích con bạn ngồi trên ghế mà không cần tã. Đặt tã ướt hoặc bẩn vào trong bô để giúp trẻ hiểu mục đích của bố.
  • Khuyến khích trẻ nói cho bạn biết khi nào trẻ cần đi. Để ý các dấu hiệu cho thấy con bạn cần đi, như vặn mình hoặc giữ chặt bộ phận sinh dục. Đi cùng trẻ đến bô và khen trẻ khi trẻ tự ngồi vào ghế. Hãy kiên nhẫn vì có thể mất vài ngày hoặc vài tuần trước khi trẻ thành công.
  • Không trừng phạt, đe dọa hoặc la mắng trẻ nếu trẻ tè dầm hoặc không sử dụng bô.
  • Chuyển sang mặc đồ lót bằng vải cotton sau khi con bạn sử dụng ghế bô. Cho trẻ mặc tã lại nếu trẻ vẫn còn tè dầm. Phần thưởng bằng huân chương hoặc huy hiệu bằng sticker có thể hữu ích trong việc khuyến khích con bạn sử dụng bô.
  • Khi con bạn đã thành thạo với ghế bô, trẻ có thể được chuyển sang ngồi bồn cầu. Một chiếc ghế đẩu để trẻ gác chân khi đi tiêu sẽ giúp trẻ đi tiêu dễ hơn. Ghế đẩu cũng giúp trẻ có cảm giác vững vàng hơn khi ngồi trên bồn cầu cỡ người lớn.

Nếu trẻ đã thành thạo với ghế bô có thể được chuyển sang ngồi bồn cầu
Nếu trẻ đã thành thạo với ghế bô có thể được chuyển sang ngồi bồn cầu

6. Một số khó khăn khi dạy trẻ đi vệ sinh

Dạy trẻ đi vệ sinh có thể là quá trình đầy thử thách, có cả thành công và thất bại. Các vấn đề phổ biến nhất xảy ra trong quá trình dạy đi vệ sinh bao gồm trở ngại tạm thời, đái dầm và không chịu đi vệ sinh.

  • Những trở ngại tạm thời

Việc trẻ không giữ được nước tiểu là hoàn toàn bình thường, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tập đi vệ sinh. Nhắc trẻ ngồi bô khi cần thiết, đặc biệt là trong khi chối, sau bữa ăn, trước khi đi đâu xa và trước khi đi ngủ.

Ngay cả khi trẻ đã thuần thục việc đi vệ sinh, những thay đổi trong thói quen hàng ngày của trẻ cũng có thể làm trẻ tè dầm. Nếu con bạn không giữ được nước tiểu nhiều lần sau khi việc đi vệ sinh đã thuần thục, hãy liên hệ với bác sĩ của con bạn để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng tiểu.

Nếu con bạn không tiến bộ trong việc đi vệ sinh và trẻ vẫn ở độ tuổi từ hai đến bốn tuổi, thì bạn có thể tạm dừng việc dạy trẻ trong 2 đến 3 tháng. Nếu con bạn trên bốn tuổi, khỏe mạnh và vẫn không tự đi vệ sinh dù bạn và trẻ đã cố gắng, hãy trao đổi với bác sĩ với con bạn.

  • Tè dầm khi ngủ

Tè dầm là một vấn đề phổ biến, xảy ra 20% ở trẻ 5 tuổi và 10% trẻ 6 tuổi. Bạn có thể đọc thêm về chứng đái dầm trong bài đái dầm ở trẻ.

  • Từ chối đi vệ sinh

Có tới 20% trẻ em sẽ từ chối đi vệ sinh. Một số trẻ sẵn sàng sử dụng bồn cầu để đi tiểu nhưng không chịu đi tiêu. Thay vào đó, trẻ có thể trốn và đi tiêu trong tã của chúng.

Có một số lý do có thể khiến trẻ không chịu đi vệ sinh. Hầu hết các chuyên gia khuyên bạn cần làm những việc sau:

  • Khuyến khích trẻ. Bạn có thể nói với trẻ “Phân là bạn của con. Bạn ấy rất muốn ra ngoài. Con giúp bạn ấy nhé!”
  • Không trừng phạt hoặc cằn nhằn trẻ.
  • Ngừng dạy trẻ đi vệ sinh trong vài tuần hoặc vài tháng. Ngừng nhắc trẻ đi vệ sinh.
  • Khuyến khích trẻ bắt chước bạn hoặc anh chị trẻ bằng cách rủ trẻ vào phòng tắm để xem các bạn hay anh chị trẻ đi vệ sinh.
  • Khuyến khích trẻ tự thay tã của mình.
  • Điều trị phân cứng hoặc táo bón nếu cần. Đi cầu đau đớn hoặc khó khăn có thể dẫn đến những trở ngại khi tập đi vệ sinh và vấn đề tiêu hóa về sau.
  • Có thể thưởng cho trẻ huy hiệu hoặc huân chương bằng sticker cho mỗi lần trẻ đã cố gắng và đi tiêu thành công.

Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác về việc chăm sóc trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Thực Phẩm bảo vệ sức khỏe LAMINKID I:

Sản phẩm có công dụng bổ sung vi khoáng và vitamin cho cơ thể. Hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường hấp thu thức ăn, giúp trẻ ăn ngon. Hỗ trợ nâng cao đề kháng cho trẻ, hỗ trợ giảm nguy cơ mắc bệnh do sức đề kháng kém như viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Đối tượng sử dụng:

- Trẻ biếng ăn, kém hấp thu thức ăn, trẻ gầy yếu, suy dinh dưỡng, chậm phát triển.

- Trẻ có sức đề kháng kém, đang ốm hoặc vừa ốm dậy, trẻ hay mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên, cảm cúm.

Chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm:

  • Công ty Cổ phần dược phẩm Elepharma
  • Số 9, phố Trương Công Giai, tổ 17, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
  • (ĐT) 1800 6091; (E) info.elepharma@gmail.com

Xem thêm thông tin về sản phẩm tại: https://i.vinmec.com/laminkid

Đăng ký tư vấn dinh dưỡng cho bé tại: https://i.vinmec.com/dangkytuvandinhduong

laminkid box 1

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe