Xuất huyết não là một trong những căn bệnh nguy hiểm, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân gây đột quỵ. Vậy nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết não là gì?
1. Xuất huyết não là gì?
Xuất huyết não là một trong những dạng của bệnh tai biến mạch máu não. Bệnh xảy ra khi 1 trong các mạch máu não bị vỡ, rò rỉ khiến máu chảy vào các mô. Tình trạng máu chảy này vừa gây ảnh hưởng đến mô bên cạnh bị máu rò rỉ vừa ảnh hưởng đến mô não không được nhận đủ máu nuôi.
Theo thống kê thì hiện nay bệnh xuất huyết não có tỉ lệ tử vong cao hơn các bệnh khác liên quan đến đột quỵ. Nó để lại nhiều di chứng nặng nề cho người bệnh như gây suy giảm chức năng các hệ thần kinh, dẫn tới di chứng rối loạn nhận thức, ngôn ngữ và vận động; bại liệt toàn thân hay liệt nửa người,...
2. Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh xuất huyết não
Bệnh có nhiều biểu hiện khác nhau và phụ thuộc vào vị trí bị xuất huyết trên não bộ. Dưới đây là các triệu chứng thường gặp nhất:
- Liệt nửa người hoặc méo miệng mà không có nguyên nhân cụ thể.
- Tê bì cơ mặt, chân hoặc cánh tay, đặc biệt là chỉ xảy ra ở một bên cơ thể
- Cảm thấy buồn nôn, đau đầu, choáng váng, không tỉnh táo, thị giác giảm sút.
- Mất khả năng giữ thăng bằng cơ thể.
- Với những người bị xuất huyết ở thân não thì sẽ có thêm triệu chứng khó thở và nhịp tim không ổn định.
- Rối loạn khả năng ngôn ngữ, cụ thể như nói khó, phát âm không rõ ràng.
3. Các nguyên nhân gây xuất huyết não
Xuất huyết não xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, có thể từ 1 hoặc kết hợp nhiều nguyên nhân. Để giúp điều trị bệnh hiệu quả và ngăn ngừa bệnh tái phát thì việc xác định nguyên nhân gây xuất huyết não rất quan trọng. Sau đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng xuất huyết não thường gặp nhất.
- Tăng huyết áp: Tăng huyết áp có khả năng làm tổn thương thành mạch máu hoặc khiến mạch máu bị rò rỉ, đây là một trong những nguyên nhân gây xuất huyết não thường gặp nhất hiện nay.
- Cục máu đông: Nguyên nhân gây ra bệnh xuất huyết não có thể là do xuất hiện cục máu đông. Bởi khi có máu đông nó sẽ gây ra tổn thương thành mạch.
- Xơ vữa động mạch: Xơ vỡ động mạch dẫn đến mỡ máu cao, hình thành mảng bám trên thành mạch sẽ khiến mạch máu não bị tổn thương và rò rỉ máu.
- Chấn thương đầu: Chấn thương đầu do người bệnh bị ngã, bị tai nạn giao thông, chấn thương do thể thao có thể khiến cho đầu bị tổn thương cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh xuất huyết não.
- Dị dạng động tĩnh mạch não, u não, xuất hiện khối u đè lên các mô não gây ra tình trạng chảy máu trong não.
- Người bệnh gặp tình trạng rối loạn quá trình đông máu hoặc có tiền sử điều trị bệnh bằng liệu pháp chống đông máu.
- Người mắc bệnh thoái hóa mạch máu não dạng bột.
- Một số các yếu tố khác liên quan đến sự hình thành collagen bất thường bên trong thành mạch máu có thể làm cho thành mạch yếu đi và dễ vỡ.
- Phụ nữ có thể dễ bị xuất huyết não hơn do có vấn đề liên quan đến quá trình mang thai và sinh con như sản giật, bệnh mạch máu sau sinh...
- Những người bệnh có thói quen hút thuốc, nghiện rượu nặng hoặc sử dụng các chất kích thích cũng có thể bị xuất huyết não vì lượng cocain được nạp vào cơ thể quá nhiều sẽ khiến cho thành mạch máu yếu đi.
4. Biện pháp phòng ngừa tình trạng xuất huyết não
Chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ bị xuất huyết não bằng cách cách áp dụng các biện pháp như sau:
- Trong trường hợp tham gia vào các hoạt động thể dục, thể thao có nguy cơ gây chấn thương đầu thì nên sử dụng vật dụng bảo hộ.
- Kiểm soát huyết áp tránh để tình trạng huyết áp cao.
- Nếu bị béo phì cần giảm cân.
- Không sử dụng quá nhiều các đồ uống có chất kích thích như bia, rượu.
- Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh.
- Xây dựng thói quen vận động, tập thể dục thường xuyên, đều đặn.
- Với trường hợp bị đái tháo đường thì nên có phương pháp kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
5. Các biện pháp chẩn đoán bệnh
Phương pháp chẩn đoán bệnh: Để xác định được vị trí bị xuất huyết não, bác sĩ sau khi thăm khám lâm sàng sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm, cụ thể như:
- Chụp CT hoặc MRI.
- Chụp mạch máu não để tìm kiếm các mạch máu phình vỡ, viêm động mạch hoặc xơ vữa, khối u, cục máu đông, rách nội mạc động mạch.
- Khám mặt có thể giúp phát hiện được trạng thái phù dây thần kinh thị giác.
- Phương pháp chọc dò tủy sống thường ít được thực hiện, vì phương pháp này có thể làm cho bệnh tình trở nặng hơn.
Ngoài ra, có thể kết hợp thêm một số biện pháp xét nghiệm khác như:
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Chụp X-quang ngực, điện não đồ hoặc chọc dò tủy sống.
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần.
6. Phương pháp điều trị bệnh xuất huyết não
Phương pháp chỉ định điều trị xuất huyết não sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, cụ thể như nguyên nhân bị xuất huyết não, vị trí và mức độ xuất huyết. Từ đó, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để làm giảm phù và ngăn ngừa chảy máu.
Bên cạnh quá trình phẫu thuật thì người bệnh còn được chỉ định sử dụng các loại thuốc hỗ trợ, bao gồm thuốc giảm đau, nhóm thuốc corticoid hoặc thuốc lợi tiểu, thuốc chống co giật.
Sau khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được tập các bài chức năng vật lý trị liệu để khắc phục các triệu chứng của bệnh.
Tóm lại, xuất huyết não có nguy cơ tử vong cao và để lại nhiều di chứng nặng nề nếu không điều trị kịp thời. Điều trị sớm và tích cực đóng vai trò quan trọng giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, hạn chế tối đa các di chứng. Do đó, khi nghi ngờ bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết não, cần gọi trung tâm y tế hoặc đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.