Các nguyên nhân gây suy tim

Bài viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bằng Phong - Bác sĩ Nội - Can thiệp Tim mạch kiêm Trưởng Phòng khám Suy tim - Phòng khám chuyên sâu về suy tim - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

Suy tim là vấn đề sức khỏe ngày càng được mọi người quan tâm do tỷ lệ mắc có xu hướng gia tăng và những hệ lụy chúng để lại cho bệnh nhân, gia đình và xã hội không hề nhỏ. Tỷ lệ mắc suy tim ở trên thế giới từ 0,5 – 1,5 % dân số tùy theo nước. Các nước có tỷ lệ mắc suy tim cao là Hoa kỳ, châu Âu, Singapore...Tìm hiểu rõ các nguyên nhân gây suy tim sẽ giúp người bệnh có hướng thăm khám và điều trị kịp thời.

1. Tỷ lệ mắc bệnh suy tim ngày càng cao

Tỷ lệ tử vong do suy tim tương đương với tỷ lệ tử vong của các loại bệnh ung thư thường gặp. Sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán suy tim, khoảng 50 % bệnh nhân sẽ tử vong. Bên cạnh tỷ lệ tử vong cao, bệnh cảnh lâm sàng của suy tim cũng khiến cho bản thân bệnh nhân đau đớn khổ sở, nhất là những bệnh nhân bị suy tim giai đoạn muộn, thực sự là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh ! Phương châm cơ bản, xuyên suốt này của ngành Y càng tỏ ra đúng đắn đối với bệnh suy tim. Để phòng bệnh suy tim hiệu quả, một trong những việc quan trọng là nhận diện được các thủ phạm gây ra suy tim, để từ đó giảm bớt tỷ lệ mắc suy tim, phát hiện suy tim từ giai đoạn sớm nhằm quản lý và điều trị suy tim hiệu quả hơn.


Hình ảnh giải phẫu tim
Hình ảnh giải phẫu tim

Tim có 4 buồng, bên phải gồm nhĩ phải và thất phải có nhiệm vụ nhận máu nghèo O2 từ mọi nơi về rồi bơm lên phổi để trao đổi, lấy O2 và thải CO2 (vòng tiểu tuần hoàn). Bên trái gồm nhĩ trái và thất trái có nhiệm vụ nhận máu giàu O2 từ phổi về rồi bơm đi nuôi cơ thể (vòng đại tuần hoàn). Dựa trên khái niệm giải phẫu chức năng này, suy tim được phân thành 2 bệnh cảnh : suy tim trái và suy tim phải. Suy tim trái gặp nhiều hơn hẳn suy tim phải. Các nguyên nhân gây suy tim trái khác với các nguyên nhân gây suy tim phải, nhưng cùng được xếp thành 2 nhóm chính: nhóm nguyên nhân làm tăng gánh nặng của tim và nhóm nguyên nhân tại cơ tim.

2. Các nguyên nhân gây suy tim trái

2.1. Các nguyên nhân làm tăng gánh nặng của tim trái

Gánh nặng có thể là tăng sức cản, có thể là quá tải thể tích. Khi sức cản tăng tim trái phải bóp mạnh hơn để thắng sức cản đó, lâu dần nó sẽ bị suy. Các nguyên nhân gây tăng sức cản của tim trái bao gồm:

  • Tăng huyết áp: Là tình trạng áp lực trong lòng động mạch tăng cao, khi đó tim phải bóp mạnh hơn. Tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim thuộc nhóm tăng sức cản. Hiện nay tỷ lệ tăng huyết áp trong dân số rất cao (khoảng 25 % số người trên 25 tuổi), vì thế nếu phát hiện sớm và quản lý chặt chẽ, điều trị tốt các bệnh nhân bị tăng huyết áp thì sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ suy tim.
  • Hẹp van động mạch chủ: Làm tăng sức cản, dẫn tới suy tim trái. Mức độ hẹp càng nhiều thì càng nhanh dẫn đến suy tim. Phương pháp chủ yếu để giải quyết hẹp van động mạch chủ là phẫu thuật thay van (mổ mở). Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI) ngày càng chứng tỏ lợi ích so với kỹ thuật mổ mở. Tương tự cơ chế này, hẹp eo động mạch chủ là một bệnh hiếm gặp (gây tăng huyết áp chi trên và giảm huyết áp chi dưới) cũng là 1 nguyên nhân gây suy tim.

Tăng huyết áp là một nguyên nhân gây tăng sức cản của tim trái
Tăng huyết áp là một nguyên nhân gây tăng sức cản của tim trái

  • Bệnh cơ tim phì đại có hẹp đường ra thất trái làm tăng sức cản trên đường bơm máu của tim. Bên cạnh những biểu hiện nặng nề của bệnh như loạn nhịp thất, ngất hoặc đột tử, do thành thất trái dày và giảm tính đồng bộ nên rất hay gặp tình trạng suy tim tâm trương. Ngoài ra, do phải bóp mạnh hơn để tống máu qua chỗ hẹp nên ở giai đoạn cuối thất trái sẽ bị giãn ra và giảm sức bóp gây suy tim tâm thu.

Quá tải thể tích tức là lượng máu về tim trái tăng lên khiến nó phải bơm nhiều hơn, lâu ngày như vậy tim sẽ suy. Các nguyên nhân gây quá tải thể tích của tim trái gồm:

  • Hở van hai láhở van động mạch chủ: Khi hở 2 van ngày, lượng máu trở về thất trái sẽ tăng lên khiến nó phải giãn nhiều hơn và bóp mạnh hơn, lâu dần sẽ bị suy.
  • Thông liên thất, còn ống động mạch: Luồng máu qua lỗ thông liên thất và ống động mạch làm tăng lượng máu lên phổi rồi về tim trái khiến tim trái phải giãn thêm và bóp nhiều hơn, dẫn đến suy tim. Dị tật cửa sổ chủ - phổi cũng là 1 nguyên nhân gây suy tim trái thuộc cơ chế này. Bệnh này ít gặp.

Hở van 2 lá khiến tim phải bơm máu nhiều hơn
Hở van 2 lá khiến tim phải bơm máu nhiều hơn

  • Thông động tĩnh mạch: Thường là di chứng chấn thương hoặc do làm cầu nối ở tay để chạy thận nhân tạo. Luồng thông động tĩnh mạch làm tăng lượng máu về tĩnh mạch, lên phổi rồi về tim trái, làm giãn tim trái và khiến nó phải làm việc nhiều hơn, dẫn tới suy tim.
  • Một số nguyên nhân gây suy tim trái ít gặp khác cũng cùng cơ chế này như vỡ phình xoang Valsalva vào nhĩ phải, dò động mạch vành vào động mạch phổi hoặc vào nhĩ phải, thất phải.
  • Một số nguyên nhân khiến lượng máu về tim nhiều hơn như bệnh cường giáp, suy thận, thiếu máu cũng gây ra suy tim.

2.2. Các nguyên nhân gây suy tim trái do tổn thương cơ tim

Nguyên nhân hàng đầu gây tổn thương cơ tim là bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim hay còn gọi là bệnh mạch vành. Xơ vữa làm hẹp lòng động mạch vành, khiến cho lượng máu nuôi dưỡng cơ tim bị giảm. Trong tình trạng thiếu O2 kéo dài (bệnh mạch vành mạn tính), cơ tim phản ứng lại bằng việc gia tăng hiện tượng ngủ đông và hiện tượng chết tế bào theo chương trình. Hậu quả của quá trình tái cấu trúc này là sợi cơ tim dài ra và khả năng co bị giảm. Bị tác động rõ rệt nhất của quá trình này là: thất trái sẽ giãn ra và khả năng co bóp giảm (suy tim tâm thu). Khi mảng xơ vữa động mạch vành bị nứt vỡ sẽ khởi phát quá trình đông vón tạo nút tiểu cầu. Chính nút tiểu cầu này gây nên tình trạng thiếu máu cấp tính của cơ tim, trên lâm sàng gọi là hội chứng động mạch vành cấp – nhồi máu cơ tim cấp. Khi bị nhồi máu cơ tim cấp, có 1 vùng cơ tim bị hoại tử. Bên cạnh đó, có 1 vùng cơ tim bị đờ. Nếu không được tái tưới máu hiệu quả và kịp thời, hiện tượng tái cấu trúc này sẽ dẫn đến hậu quả là sợi cơ tim bị mất hoặc giảm nặng khả năng co bóp


Tổn thương cơ tim có thể do bệnh mạch vành gây ra
Tổn thương cơ tim có thể do bệnh mạch vành gây ra

Các bệnh cơ tim giãn, viêm cơ tim do virus, do vi khuẩn, bệnh cơ tim do rượu, bệnh cơ tim chu sản...cũng là các nguyên nhân làm cơ tim bị tổn thương, dẫn đến suy tim.

Ngoài 2 nhóm chính gây suy tim trái trên, còn một số nguyên nhân khác gây suy tim trái như bloc nhĩ thất độ 3 (nhịp chậm), cường giáp (nhịp nhanh), thiếu vitamin B1 kéo dài (bệnh Beri – Beri). Bệnh cơ tim hạn chế, tiểu đường dẫn đến suy tim tâm trương...

3. Các nguyên nhân gây suy tim phải

3.1. Các nguyên nhân làm tăng gánh nặng cho tim phải

Các nguyên nhân làm tăng sức cản đối với tim phải:

  • Suy tim trái: Suy tim trái làm ứ trệ máu ở phổi, gây tăng áp lực động mạch phổi, dẫn đến tăng sức cản đối với tim phải. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây suy tim phải. Suy tim trái + suy tim phải sẽ trở thành suy tim toàn bộ.
  • Hẹp đường ra thất phải trong đó có hẹp van động mạch phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây tăng sức cản đối với tim phải, dẫn đến suy tim phải.
  • Các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh phổi hạn chế, hen phế quản cũng là những nguyên nhân khá thường gặp gây tăng sức cản đối với tim phải, dẫn đến suy tim phải: tim phổi mạn.

Các nguyên nhân làm quá tải thể tích cho tim phải:

  • Hở van ba lá và hở van động mạch phổi.
  • Thông liên nhĩ, hồi lưu bất thường tĩnh mạch phổi, tồn tại tĩnh mạch chủ trên trái.

Hen phế quản cũng là nguyên nhân gây suy tim
Hen phế quản cũng là nguyên nhân gây suy tim

3.2. Các nguyên nhân gây tổn thương cơ tim

  • Bệnh cơ tim thất phải.
  • Nhồi máu cơ tim thất phải.

Viêm màng ngoài tim co thắt làm giảm khả năng giãn của thất phải và cả thất trái, dẫn đến bệnh cảnh suy tim toàn bộ.

4. Phòng ngừa suy tim bằng cách nào?

Với các nhận thức về các nguyên nhân gây suy tim như trên, chúng ta có thể phòng ngừa suy tim theo 2 bước:

Duy trì lối sống khoa học như không hút thuốc lá, không sử dụng các chất kích thích, hạn chế rượu bia (người khỏe mạnh có thể dùng 1 đơn vị cồn, tương đương 300 ml bia hoặc 120 ml vang đỏ/ ngày), tập luyện thể lực vừa sức khoảng 30 phút/ ngày, hạn chế ăn chất béo, tăng cường các loại rau củ quả trong khẩu phần dinh dưỡng, có thời gian biểu hợp lý để giảm stress, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn. Như vậy chúng ta sẽ phòng được các bệnh có thể gây ra suy tim như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, tiểu đường, bệnh phổi...

Nếu không may đã mắc các bệnh có thể gây suy tim, thì ngoài việc duy trì lối sống như trên, chúng ta còn phải điều trị tích cực các bệnh đó bằng cách tuân thủ điều trị, can thiệp hoặc phẫu thuật kịp thời các bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh... Hãy cùng chung tay để có 1 trái tim khỏe!


Bổ sung nhiều rau xanh vào chế độ ăn uống giúp phòng ngừa suy tim
Bổ sung nhiều rau xanh vào chế độ ăn uống giúp phòng ngừa suy tim

Để xác định được tình trạng suy tim, mức độ suy tim, nguyên nhân gây suy tim, và các bệnh đi kèm, bệnh nhân có thể lựa chọn Gói khám suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec. Đối tượng nên khám sàng lọc bệnh tim mạch hàng năm bao gồm:

  • Nhóm 1: Những khách hàng chưa có triệu chứng suy tim nhưng có mắc các bệnh lý về tim mạch khác (tăng huyết áp, đau thắt ngực, tiểu đường, loạn nhịp tim, ... ). Hoặc người ở độ tuổi trung niên (nam ≥ 45 tuổi, nữ ≥ 50 tuổi), đặc biệt là có nghiện thuốc lá, lạm dụng rượu bia hay béo phì.
  • Nhóm 2: Những người có các triệu chứng thường gặp của suy tim như hụt hơi, khó thở, ho khan kéo dài, cảm giác như bị suy nhược cơ thể, nặng ngực, hoa mắt, chóng mặt, có cơn ngất xỉu, nhịp tim nhanh, phù, tiểu ít, tức gan, tĩnh mạch cổ nổi căng,...

Khi lựa chọn sử dụng gói khám Suy tim tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, khách hàng sẽ được khám chuyên khoa Nội tim mạch, tổng phân tích tế bào máu và nước tiểu, định lượng và đo hoạt độ các chất trong máu, điện tâm đồ, siêu âm tim thông thường và gắng sức, chụp Xquang ngực thẳng kèm theo một số dịch vụ khác.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe