Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Ngô Đắc Thanh Huy - Bác sĩ tim mạch - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng. Bác sĩ có kinh nghiệm và thế mạnh trong lĩnh vực Chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch, Siêu âm tim, chụp và can thiệp động mạch vành.
Suy tim là bệnh lý tim mạch khá phổ biến. Suy tim có thể xảy ra ở bên phải hoặc bên trái tim của bạn. Các triệu chứng suy tim phải thường liên quan đến sự ứ trệ tuần hoàn do khả năng đưa máu trở về tim bị suy giảm. Nhận biết sớm dấu hiệu suy tim phải giúp quá trình điều trị tim thuận lợi hơn.
1. Suy tim phải là gì?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm lượng máu cung cấp đầy đủ cho cơ thể. Suy tim có thể ảnh hưởng đến bên phải hoặc bên trái tim của bạn, hoặc cả hai cùng một lúc. Nó có thể là một tình trạng cấp tính (ngắn hạn) hoặc mãn tính.
Khi tim bạn hoạt động bình thường, nó sẽ bơm máu giàu oxy qua phổi và đến phần còn lại của cơ thể. Tâm thất trái hay buồng trái của tim cung cấp hầu hết lực bơm tim. Vì vậy, khi bạn bị suy tim trái, tim bạn không thể bơm đủ máu cho cơ thể.
Tâm thất phải có vai trò vận chuyển máu từ tim trở về phổi để được cung cấp oxy. Vì vậy, khi bạn bị suy tim bên phải, buồng bên phải đã mất khả năng bơm. Điều đó có nghĩa là trái tim của bạn không thể chứa đầy máu, và máu chảy ngược lại vào tĩnh mạch. Do đó, bệnh nhân suy tim phải thường có triệu chứng sưng phù ở chân, mắt cá chân và bụng.
2. Nguyên nhân gây suy tim phải
- Khả năng bơm máu kém hiệu quả do suy tim trái khiến cho máu bị ứ đọng tại phổi, làm gia tăng áp lực tại cơ quan này. Khi thất phải co bóp tống máu lên phổi sẽ gặp phải khó khăn và không thể làm việc một cách hiệu quả, cuối cùng sẽ dẫn tới suy tim phải.
- Bệnh động mạch vành: Đây là dạng bệnh tim phổ biến nhất và là nguyên nhân gây suy tim phải. Khi bạn bị bệnh động mạch vành, mảng bám sẽ gây bít tắc các động mạch, khiến lưu lượng máu đến cơ tim của bạn giảm sút.
- Huyết áp cao: Huyết áp của bạn càng cao, tim bạn càng hoạt động mạnh để bơm máu. Điều đó có nghĩa là theo thời gian, cơ tim của bạn có thể dày lên và yếu đi.
- Hở van tim: Van tim giữ cho máu chảy đúng hướng qua trái tim của bạn. Trường hợp van tim bị tổn thương, do nhiễm trùng hoặc khiếm khuyết van tim, sẽ khiến tim bạn phải làm việc nhiều hơn để bơm máu. Cuối cùng, nó sẽ trở nên suy yếu.
- Dị tật tim bẩm sinh: Một số em bé được sinh ra với các vấn đề bất thường trong cấu trúc tim. Điều này có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh suy tim phải.
- Rối loạn nhịp tim: Đây là khi trái tim của bạn có nhịp tim không đều. Nó có thể đập quá nhanh, quá chậm. Phần lớn rối loạn nhịp tim là vô hại. Nhưng nó cũng có thể khiến tim bạn bơm một lượng máu không đủ qua cơ thể. Nếu nó không được điều trị, nó có thể làm tim bị suy yếu theo thời gian.
- Bệnh phổi mạn tính: Như khí phế thũng, tắc mạch phổi... có thể gây ra tăng áp động mạch phổi, làm tăng áp lực cho tâm thất phải.
3. Triệu chứng suy tim phải
Các triệu chứng của suy tim phải thường liên quan đến sự ứ trệ tuần hoàn do khả năng đưa máu trở về tim bị suy giảm, máu chảy ngược lại về tĩnh mạch:
- Phù nề chân, mắt cá chân, bàn chân
- Chướng bụng
- Đi vệ sinh nhiều hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Điều này được gây ra bởi sự tích tụ chất lỏng.
- Khó thở do ứ máu tại phổi, đặc biệt khi nằm xuống hoặc làm việc gắng sức
- Tĩnh mạch cổ nổi to
- Tức ngực
- Có thể tăng cân do chất lỏng dư thừa.
- Mạch đập nhanh
- Chán ăn
- Da lạnh và ra mồ hôi
- Mệt mỏi.
4. Điều trị suy tim phải
Hiện nay, chưa có cách chữa suy tim, việc điều trị chủ yếu tập trung vào cải thiện triệu chứng, giảm gánh nặng cho tim và giải quyết nguyên nhân gây ra suy tim phải. Tùy vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra các biện pháp điều trị như điều trị nội khoa, thay đổi lối sống hoặc tiến hành phẫu thuật nếu hai biện pháp trên không hiệu quả.
Một lối sống lành mạnh có thể giúp hỗ trợ điều trị suy tim và ngăn ngừa tình trạng suy tim tiến triển.Những biện pháp thay đổi lối sống có thể áp dụng như:
- Giảm cân, hoặc duy trì cân nặng hợp lý
- Bỏ hút thuốc
- Tập thể dục đều đặn
- Ăn chế độ ăn giàu protein nạc, sữa ít béo, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây tươi và rau quả.
- Giảm lượng muối, chất béo bão hòa (có trong thịt và các sản phẩm từ sữa giàu chất béo), đường bổ sung và carbs.
- Nghỉ ngơi hợp lý.
- Ngủ đủ giấc.
Suy tim phải là một tình trạng lâu dài đòi hỏi phải điều trị liên tục để ngăn ngừa các biến chứng. Khi suy tim không được điều trị, tim có thể suy yếu nghiêm trọng đến mức gây ra biến chứng đe dọa tính mạng. Triệu chứng của suy tim phải thường tệ dần theo thời gian. Nhưng nếu bạn tuân thủ điều trị và thực hiện một số thay đổi lối sống, bạn có thể ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm và tiếp tục duy trì một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy tim
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.