Độ tuổi trung bình bắt đầu mãn kinh tự nhiên là 51, tuy nhiên, do di truyền, bệnh tật hoặc các phương pháp điều trị, một số phụ nữ trước 40 tuổi đã đến thời kỳ mãn kinh. Mãn kinh sớm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt, chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người phụ nữ.
1. Mãn kinh là gì?
Hầu hết phụ nữ bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở khoảng từ giữa độ tuổi 45 đến 55. Độ tuổi trung bình của việc bắt đầu thời kỳ mãn kinh ở Mỹ là 51.
Mãn kinh sớm thường khởi phát trước 45 tuổi. Mãn kinh rất sớm hay suy buồng trứng sớm xuất hiện trước 40 tuổi.
Mãn kinh hiện hữu khi buồng trứng của phụ nữ ngừng sản sinh ra trứng, gây ra việc giảm nồng độ estrogen. Estrogen là hóc môn điều khiển chu kỳ sinh sản.
Một phụ nữ đang thời kỳ mãn kinh khi cô ấy tắt kinh trong nhiều hơn 12 tháng. Nhưng những triệu chứng liên quan, chẳng hạn như những cơn nóng bừng, đã bắt đầu lâu trước thời kỳ mãn kinh và được gọi là triệu chứng tiền mãn kinh.
Bất cứ điều gì gây thương tổn đến buồng trứng hoặc làm dừng việc sản xuất estrogen có thể gây ra mãn kinh sớm. Điều này có thể được gây ra bởi việc hóa trị ung thư hoặc phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ giúp bạn chuẩn bị cho giai đoạn mãn kinh sớm. Nhưng bạn cũng có thể rơi vào quá trình mãn kinh kể cả khi buồng trứng của bạn vẫn còn nguyên vẹn.
2. Điều gì gây ra mãn kinh sớm?
Có nhiều nguyên nhân gây ra mãn kinh sớm, mặc dù đôi khi nguyên nhân không thể được xác định.
- Yếu tố di truyền
Nếu không có tình trạng sức khỏe nào rõ ràng gây mãn kinh sớm, nguyên nhân có thể là do di truyền.
Biết được khoảng thời gian mẹ của bạn bắt đầu mãn kinh có thể giúp cung cấp manh mối về việc khi nào bạn sẽ bắt đầu quá trình này. Nếu như mẹ của bạn từng trải qua mãn kinh sớm, bạn có nguy cơ gặp điều tương tự. Tuy nhiên, gen chỉ là một phần của vấn đề.
- Nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống
Một vài nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống có thể tác động đến việc khi nào bạn bắt đầu quá trình mãn kinh. Khói thuốc lá gây giảm lượng estrogen và đóng góp vào sự xuất hiện của mãn kinh sớm.
Một phân tích vào năm 2012 tổng hợp từ nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng những người hút thuốc lá trong một quá trình dài và thường xuyên có nguy cơ mãn kinh sớm hơn. Những phụ nữ hút thuốc có thể bắt đầu mãn kinh sớm hơn từ 1 đến 2 năm so với người không hút thuốc.
Chỉ số khối thể (BMI) cũng có thể là một yếu tố liên quan đến mãn kinh sớm. Estrogen được dự trữ trong mô mỡ. Những phụ nữ có cơ thể gầy gò thường có lượng estrogen dự trữ ít hơn và có thể cạn kiệt sớm.
Vài nghiên cứu cũng cho thấy rằng một người có chế độ ăn chay, ít tập thể dục, và ít tiếp xúc với ánh nắng trong đều có thể gây ra việc mãn kinh sớm.
- Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể
Một số sự khiếm khuyết về nhiễm sắc thể có thể dẫn đến sự mãn kinh sớm. Ví dụ, hội chứng Turner (còn được gọi là đơn nhiễm sắc thể X) liên quan đến việc được sinh ra với nhiễm sắc thể thiếu hoàn thiện. Nữ giới mắc hội chứng Turner thường có buồng trứng bị rối loạn chức năng. Điều này thường khiến họ mãn kinh từ rất sớm.
Các khiếm khuyết về nhiễm sắc thể khác cũng có thể gây ra mãn kinh sớm. Bao gồm rối loạn tuyến sinh dục nghiêm trọng, một biến thể từ hội chứng Turner. Ở tình trạng này, buồng trứng không còn hoạt động nữa. Thay vào đó, các chu kỳ và giới tính thứ phát được thay thế vào bởi hóc môn, thường diễn ra ở tuổi thanh thiếu niên.
Những phụ nữ bị mắc hội chứng Fragile X (nhiễm sắc thể X dễ bị đứt gãy), hoặc những người mang gien bệnh này cũng thường gặp phải mãn kinh sớm. Hội chứng này được lan truyền theo các thế hệ trong gia đình.
Trong trường hợp người bệnh gặp quá trình mãn kinh rất sớm hoặc nếu trong gia đình họ có người đã từng trải qua quá trình này, cần thiết nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tư vấn về xét nghiệm di truyền.
- Bệnh tự miễn
Mãn kinh từ rất sớm có thể là triệu chứng của bệnh tự miễn như là bệnh về tuyến giáp hay bệnh thấp khớp. Đây là khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một phần trong cơ thể là kẻ xâm lấn và bắt đầu tấn công bộ phận này. Sự viêm gây ra bởi các bệnh này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng. Mãn kinh bắt đầu khi buồng trứng ngừng hoạt động.
- Suy giảm tự nhiên của hormone sinh sản
Khi đến với những năm cuối của ngưỡng tuổi 30-40, buồng trứng sẽ bắt đầu sản xuất ít đi lượng estrogen và progesterone – những hormone điều hòa kinh nguyệt – và khả năng sinh sản của bạn bị giảm đi. Ở những năm 40, chu kỳ kinh nguyệt của bạn có thể trở nên dài hoặc ngắn hơn, nhiều hay nhẹ hơn, thường xuyên hay thỉnh thoảng hơn, cho đến cuối cùng – trung bình khoảng vào tuổi 51 – buồng trứng của bạn sẽ dừng sản xuất trứng, và bạn sẽ không còn kinh nguyệt nữa.
- Phẫu thuật cắt tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung nhưng giữ lại buồng trứng thường không gây mãn kinh ngay. Dù bạn không còn kinh nguyệt nữa, buồng trứng vẫn phóng trứng và sản sinh estrogen và progesterone. Nhưng phẫu thuật cắt bỏ cả tử cung và buồng trứng (cắt bỏ hoàn toàn tử cung và hai bên buồng trứng) sẽ gây mãn kinh ngay lập tức. Kinh nguyệt của bạn sẽ dừng lại ngay và bạn dường như sẽ gặp những cơn nóng bừng hoặc các dấu hiệu và triệu chứng khác của mãn kinh, và có thể nghiêm trọng. Những thay đổi hormone này sẽ xảy ra đột ngột chứ không kéo dài trong nhiều năm
- Hóa trị và xạ trị
Những phương pháp điều trị ung thư này có thể gây ra mãn kinh và mang đến những triệu chứng như những cơn nóng bừng trong suốt hoặc một khoảng thời gian ngắn sau quá trình điều trị. Kinh nguyệt (và khả năng sinh sản) không phải lúc nào cũng biến mất vĩnh viễn sau khi hóa trị, vì vậy các biện pháp kiểm soát sinh sản vẫn có triển vọng.
- Suy buồng trứng nguyên phát
Có khoảng 1% phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh rất sớm từ trước tuổi 40. Điều này gây ra bởi việc suy buồng trứng nguyên phát – khi buồng trứng không tạo ra lượng hormone sinh sản một cách bình thường – do những nguyên nhân di truyền hoặc do bệnh tự miễn. Nhưng thường thì không nguyên nhân nào rõ ràng. Đối với những phụ nữ này, liệu pháp hormone thường được khuyến nghị sử dụng ít nhất cho đến độ tuổi trung bình của quá trình mãn kinh nhằm bảo vệ não bộ, tim và hệ xương.
Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, healthline.com, mayoclinic.org