Phù chân ở người già là một hiện tượng phổ biến, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý ở người cao tuổi. Việc phát hiện nguyên nhân gây nên hiện tượng phù chân ở người già sẽ giúp bạn ngăn ngừa được tình trạng này.
1. Thế nào là tình trạng phù chân ở người già?
Phù chân là tình trạng chân phồng hơn, có sự gia tăng kích thước so với bình thường, xảy ra do sự tích tụ chất lỏng trong các mô ở mắt cá chân và bàn chân. Sự tích tụ này có nguyên nhân từ việc các mạch máu nhỏ của chân / các mao mạch ở chân bị rò rỉ dịch, dẫn đến phản ứng giữ lại nhiều natri và nước của thận để bù đắp cho lượng chất lỏng thoát ra ngoài.
Lúc này, phần nước được vận chuyển trong cơ thể sẽ tăng lên hơn so với bình thường, càng khiến mao mạch bị rò rỉ nặng nề hơn.
Người già bị phù chân thường có cảm giác nặng nhọc và mệt mỏi, đặc biệt là khi di chuyển. Bên cạnh đó, cẳng chân, mắt cá chân hay thậm chí là toàn bộ chân đều sẽ biến dạng. Tình trạng phù nề chân có thể xuất hiện ở một chân hoặc cả hai chân tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Trong trường hợp không được điều trị kịp thời, hiện tượng phù chân này có thể khiến lưu thông máu bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây ra loét da.
2. Nguyên nhân bị phù chân ở người già
Người cao tuổi thường có tỷ lệ mắc bệnh phù chân cao hơn rất nhiều so với các nhóm tuổi khác. Điều này là hệ quả từ tình trạng sức khỏe của họ.
2.1. Vấn đề tim mạch làm tăng nguy cơ phù chân ở người già
Các bệnh lý về tim mạch đều có đặc điểm chung là tăng áp lực máu trong mao mạch và tĩnh mạch. Vì vậy khiến cơ bắp bên trong gặp phải tình trạng phù nề. Đại đa số người già mắc bệnh suy tim đều thường đi kèm với triệu chứng phù chân, khiến sự lưu thông máu và tuần hoàn dịch trong cơ thể gặp nhiều cản trở.
2.2. Bệnh đái tháo đường ở người già
Khi mắc bệnh tiểu đường càng lâu, cơ thể sẽ gặp càng nhiều biến chứng không mong muốn. Do đó, bệnh đái tháo đường ở người già là yếu tố nguy cơ tạo ra nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác, bao gồm phù chân.
Hiện tượng phù chân ở người già do đái tháo đường đến từ việc các tĩnh mạch chân van bị suy yếu, khiến hoạt động bơm máu về tim không thể diễn ra bình thường, khiến máu và dịch bị ứ đọng lại tại chân.
2.3. Tình trạng xơ gan cũng gây phù chân
Người cao tuổi mắc chứng xơ gan sẽ thường phải chịu thêm các biến chứng do hoạt động của gan bị thay đổi. Trong đó, thay đổi về các hóa chất và hormone dùng để điều tiết dịch sẽ khiến áp lực mạch máu vùng ổ bụng và chân tăng lên, gây ra phù chân.
2.4. Vấn đề về thận có liên quan đến hiện tượng phù chân ở người già
Một nguyên nhân bị phù chân ở người già khác là do vấn đề về thận. Theo giải thích từ các bác sĩ, thận trong cơ thể lớn tuổi thường sẽ có sự suy giảm về chức năng lọc và bài tiết chất thải ra ngoài cơ thể. Vì vậy, hiện tượng tái hấp thụ nước, các acid amine, glucose sẽ xảy ra và dẫn đến hiện tượng phù chân không mong muốn.
Ngoài ra, theo các bác sĩ, nguyên nhân bị phù chân ở người già có thể do:
- Khẩu phần ăn kém dinh dưỡng, nhiều muối hoặc nhiều tinh bột
- Do chấn thương.
- Do viêm tắc tĩnh mạch hoặc suy van tĩnh mạch chân.
- Thiếu hụt vitamin B1 do chế độ ăn uống hoặc do hoạt động hấp thụ / chuyển hóa dinh dưỡng của cơ thể có vấn đề.
- Do một số thuốc đang sử dụng để điều trị bệnh lý nào đó.
- Người già cũng thường ngồi nhiều và đứng nhiều, cân nặng tăng hơn so với tuổi trẻ: đây cũng là nhóm các yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh phù chân ở người già.
3. Làm thế nào điều trị bệnh phù chân ở người già?
Bạn nên điều trị bệnh phù chân ở người già sớm nhất ngay khi thấy dấu hiệu nhẹ nhất, vì việc này sẽ giúp triệu chứng phù nề chân cải thiện nhanh chóng và cũng hạn chế tối đa các biến chứng không mong muốn từ bệnh.
Bên cạnh thuốc, bạn có thể hỗ trợ người cao tuổi các hoạt động sau để cải thiện chứng phù chân:
- Chế độ ăn uống lành mạnh và hợp lý, giảm bớt muối trong khẩu phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, hãy tăng cường các thực phẩm như rau củ, trái cây, hạn chế thịt.
- Đảm bảo người cao tuổi cần uống đủ ít nhất 2 lít nước mỗi ngày.
- Thực hiện chế độ tập thể dục hợp lý, cố gắng khuyến khích người cao tuổi thường xuyên di chuyển. Việc này sẽ giúp cơ bắp tại khu vực bị phù nề nhanh chóng bơm phần chất lỏng dư thừa về tim. Trung bình, người cao tuổi nên đi bộ khoảng 1 - 2 giờ mỗi ngày.
- Hạn chế ngồi hoặc đứng quá lâu bởi điều này có thể khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
- Massage giúp tạo áp lực lên khu vực phù chân, chất lỏng dư thừa tại đó sẽ được di chuyển về xung quanh và nhanh chóng đào thải.
Có thể nói, hiện tượng phù chân ở người già là một vấn đề phổ biến, nhưng không vì vậy mà ít nguy hiểm hơn. Để hạn chế các biến chứng có thể xảy ra, ngay khi phát hiện các dấu hiệu dù là nhẹ nhất của phù nề chân, hãy gặp bác sĩ nhằm xác định phương pháp điều trị / khắc phục vấn đề này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.