Các nhà nghiên cứu ước tính rằng có tới 11% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản ở Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc thụ thai hoặc duy trì thai kỳ. Nếu bạn gặp phải tình trạng này, điều đó không có nghĩa rằng bạn không thể có con. Một số cặp vợ chồng tuy hiếm muộn nhưng vẫn có thể sinh con bằng phương pháp tự nhiên, nhưng nhiều trường hợp khác sẽ cần sự can thiệp của y tế để có thể cải thiện khả năng sinh sản.
1. Các nguy cơ gây ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bạn
Nếu bạn nữ dưới 35 tuổi và đang cố gắng mang thai trong vòng một năm (hoặc dưới sáu tháng nếu bạn 35 tuổi trở lên) thì bạn không nên quá lo lắng và vội vàng miễn là bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn.
Nhưng nếu bạn dưới 35 tuổi và đã thường xuyên quan hệ tình dục không an toàn trong hơn một năm (hoặc ít nhất sáu tháng nếu bạn trên 35 tuổi) mà không thụ thai thì có khả năng bạn hoặc bạn tình đang mắc một bệnh lý nào đó gây cản trở khả năng thụ thai.
Các yếu tố phổ biến nhất có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sẽ được liệt kê dưới đây, tuy nhiên bạn cần nhớ rằng chỉ bác sĩ mới có thể chẩn đoán chắc chắn về khả năng sinh sản của một người. Do đó, nếu bạn mắc phải bất cứ vấn đề nào sau đây, hãy hẹn gặp bác sĩ để được kiểm tra sức khỏe. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên cho bạn để thay đổi một số hành vi hoặc các biện pháp y tế ngay lập tức thay vì đợi 6 tháng đến 1 năm để cố gắng thụ thai.
1.1. Đối với phụ nữ
Một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản ở nữ giới, bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung
- U xơ tử cung
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Bệnh viêm vùng chậu
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu
- Các ống dẫn trứng bị tắc do nhiễm trùng, mang thai ngoài tử cung hoặc phẫu thuật trước đó
- Đã từng phẫu thuật vùng bụng hoặc vùng chậu
Mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, ung thư hoặc bệnh tuyến giáp. Hoặc nếu bạn thuộc một số trường hợp sau:
- 35 tuổi trở lên
- Hút thuốc lá
- Thiếu cân hoặc thừa cân đáng kể
- Uống nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày
- Uống hơn 300 mg caffeine mỗi ngày
Ngay cả khi bạn chưa bao giờ được chẩn đoán về một tình trạng y tế cụ thể, các triệu chứng nhất định có thể chỉ ra một vấn đề có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn. Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn bị đau vùng chậu hoặc kinh nguyệt không đều, rất đau, nặng hoặc kéo dài. Ngoài ra, cần liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy da đầu bị rụng tóc, mụn trứng cá nghiêm trọng hoặc lông trên mặt và cơ thể quá nhiều.
1.2. Đối với nam giới
Một số nguy cơ gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới:
- Chấn thương tinh hoàn, u nang hoặc ung thư
- Giãn tĩnh mạch quanh tinh hoàn
- Tinh hoàn ẩn khi còn nhỏ
- Thoát vị ở háng
- Các vấn đề di truyền, chẳng hạn như bất thường nhiễm sắc thể hoặc mất đoạn trên nhiễm sắc thể Y.
- Rối loạn nội tiết tố, chẳng hạn như suy giáp
- Nhiễm virus quai bị sau tuổi dậy thì
- Viêm, nhiễm trùng hoặc phẫu thuật trước ảnh hưởng đến vận chuyển tinh trùng
- Nhiễm trùng bệnh lây truyền qua đường tình dục, chẳng hạn như chlamydia hoặc bệnh lậu
- Bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, ung thư hoặc bệnh tuyến giáp
Hoặc nếu bạn hiện tại đang:
- Dùng một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp, huyết áp cao, trầm cảm, ung thư, nhiễm trùng hoặc rối loạn tiêu hóa
- Hút thuốc lá hoặc cần sa, hoặc uống thuốc bất hợp pháp
- Dùng steroid đồng hóa hoặc liệu pháp thay thế testosterone
- Uống ba hoặc nhiều đồ uống có cồn mỗi ngày
- Thường xuyên sử dụng bồn tắm nước nóng hoặc phòng xông hơi khô
- Thường xuyên tiếp xúc với chất độc môi trường hoặc hóa chất, chẳng hạn như thuốc diệt côn trùng và thuốc trừ sâu
- Thường xuyên đạp xe đường dài
2. Nên làm gì nếu có vấn đề về khả năng sinh sản?
Bạn nên nói chuyện với bác sĩ chăm sóc chính hoặc bác sĩ phụ khoa. Hãy thoải mái đưa ra câu hỏi về bất kỳ mối quan tâm hoặc lo sợ nào cho dù bạn đã cố gắng để có thể mang thai trong một thời gian dài.
Bác sĩ của bạn sẽ có thể trả lời các câu hỏi của bạn hoặc nếu cần thiết, giới thiệu bạn đến một chuyên gia sinh sản để bạn được kiểm tra toàn diện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com