Các nguy cơ của thủy đậu thai kỳ

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Lại Thị Nguyệt Hằng - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Thuỷ đậu thai kỳ là nỗi ám ảnh với các bà bầu bởi nó có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, bà bầu hoàn toàn có thể sinh em bé khoẻ mạnh bình thường.

1. Cần làm gì khi bà bầu mang thai tiếp xúc với người bệnh thuỷ đậu?

Nếu bà bầu từng mắc thủy đậu rồi, không cần lo lắng và không cần làm gì cả. Cơ thể lúc này đã có kháng thể giúp bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ em bé.

Nếu chưa bị hoặc không chắc chắn, hoặc thấy nổi bóng nước nghi ngờ thủy đậu, bạn nên đi khám bác sĩ ngay để có thể biết rõ tình trạng của mình cũng như có được lời khuyên cần thiết từ chuyên gia.

2. Bị thuỷ đậu khi mang thai có sao không?

Đây là băn khoăn của nhiều bà bầu khi chẳng may mắc bệnh thuỷ đậu khi đang trong thai kỳ, nhiều người thậm chí đã nghĩ đến việc phá thai vì lo lắng thuỷ đậu có thể gây biến chứng khiến trẻ sinh ra bị dị tật. Tuy nhiên sản phụ không nên quá lo sợ vì không phải bà bầu nào mắc thuỷ đậu thì con sinh ra cũng mắc dị tật.

Đối với những thai phụ mắc bệnh thủy đậu lần đầu tiên, tùy vào tuổi của thai nhi mà bệnh sẽ có độ ảnh hưởng nhiều hay ít. Vào tuần lễ thứ 8 – 12 của thai kỳ, nguy cơ thai nhi bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh là 0,4%. Biểu hiện thường gặp nhất của hội chứng thủy đậu bẩm sinh là sẹo ở da. Những bất thường khác có thể xảy ra là tật đầu nhỏ, bệnh lý võng mạc, đục thủy tinh thể, nhẹ cân, chi ngắn, chậm phát triển tâm thần.

Ảnh hưởng của thủy đậu lên thai nhi tùy thuộc vào giai đoạn nhiễm bệnh của mẹ:

  • Giai đoạn thai dưới 28 tuần: Thai ít bị ảnh hưởng hơn so với các giai đoạn khác, dù có thể tổn thương thai nhi nhưng tỷ lệ không cao. Nếu ảnh hưởng, thai nhi có thể bị tổn thương ở mắt, tay chân, não... Trường hợp thai phụ mắc bệnh trong giai đoạn này, nếu cần, bác sĩ sẽ cho sử dụng thuốc và hướng dẫn cách theo dõi thai kỳ.
  • Giai đoạn thai từ 28-36 tuần: Thai nhi có thể nhiễm virus nhưng không biểu hiện triệu chứng.
  • Giai đoạn trên 36 tuần: Đây là giai đoạn thai nhi bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nếu thai phụ sinh con trong vòng 7 ngày xuất hiện bóng nước hoặc tuần đầu sau sinh, em bé có thể mắc thủy đậu nên sẽ được sử dụng thuốc dự phòng hay điều trị.
  • Thai phụ vẫn có thể cho con bú nếu mắc thủy đậu trong thai kỳ hay sau sinh, nhưng nếu bóng nước xuất hiện ngay đầu vú, người mẹ cần cho con bú bằng vú bên kia, bên bị bóng nước vắt sữa bỏ, chờ đến khi bóng nước khô, đóng vảy.

Nếu được theo dõi và điều trị tốt, bà bầu vẫn sinh con khỏe mạnh như bình thường. Để tránh mắc phải bệnh thủy đậu trong quá trình mang thai, nữ giới nên đi tiêm vắc xin phòng bệnh thuỷ đậu trước khi có thai.


Tiêm vắc xin trước khi mang thai giúp phòng ngừa thuỷ đậu cho bà bầu
Tiêm vắc xin trước khi mang thai giúp phòng ngừa thuỷ đậu cho bà bầu

3. Lời khuyên

  • Kiểm tra sức khoẻ trước khi mang thai, tiêm phòng thuỷ đậu là rất quan trọng.
  • Nếu chẳng may mắc thuỷ đậu khi mang thai, bà bầu cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung nhiều thực phẩm chứa vitamin C để tăng sức đề kháng cơ thể, giữ vệ sinh thân thể, tránh làm vỡ bọng nước gây bội nhiễm.
  • Thăm khám thường xuyên để được bác sĩ theo dõi sát sao tình trạng của cả mẹ và bé.

Trong quá trình mang thai, nếu có triệu chứng bất thường, bạn nên được thăm khám và tư vấn với bác sĩ chuyên khoa.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe