Các mốc phát triển xã hội, nhận thức và thể chất của trẻ 6-8 tuổi

Khoảng thời gian từ 6 đến 8 tuổi là một trong những thay đổi lớn về nhận thức đối với trẻ em. Trẻ bắt đầu có sự thay đổi từ tuổi mẫu giáo sang tuổi thiếu niên, từ một cuộc sống bị chi phối bởi tưởng tượng sang một cuộc sống bắt đầu bị chi phối bởi logic và lý trí. Trẻ bắt đầu thấy mình là những cá nhân tự chủ hơn, có khả năng ải quyết vấn đề độc lập cơ bản. Khi bắt đầu ghi nhận cách làm “đúng đắn”, trẻ đầu tư nhiều thời gian và năng lượng hơn để hoàn thành công việc theo cách mong đợi.

Tuy nhiên, giống như những lứa tuổi mẫu giáo, trẻ tiếp tục thích các hoạt động có cấu trúc hơn là các hoạt động mạo hiểm và trẻ tiếp tục cần sự chỉ đạo nhất quán từ người lớn. Trong bài viết này chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin hữu ích để giúp bạn hiểu rõ hơn về các mốc phát triển xã hội, nhận thức và thể chất của trẻ 6-8 tuổi.

1. Các mốc phát triển

1.1. Phát triển thể chất hoặc vận động

Trong tất cả các khía cạnh của sự phát triển, phát triển thể chất là biểu hiện rõ ràng nhất và dễ dàng theo dõi nhất. Ở độ tuổi này bạn có thể nhận thấy con bạn có những thay đổi về thể chất rõ rệt như:

  • Thay những chiếc răng sữa đầu tiên.
  • Chiều cao tăng lên từ 4 – 6 cm.
  • Tầm nhìn sắc nét rõ ràng như người lớn vào thời điểm này, cải thiện khả năng phối hợp tay và mắt.
  • Tăng cường nhận thức về cơ thể
  • Phát triển các kỹ năng di chuyển phức tạp hơn, như chạy theo hình zigzag, nhảy xuống các bậc thang, chạy xe lăn và bắt bóng nhỏ. Trẻ có khả năng kết hợp các kỹ năng vận động thô như chạy để đá bóng, nhảy dây. Những kỹ năng thể chất này phụ thuộc vào tần suất con bạn thực hành chúng.
  • Các kỹ năng vận động phức tạp cũng phát triển theo, con bạn có thể tự đánh răng và làm các công việc vệ sinh hàng ngày mà không cần bạn hỗ trợ. Con cũng có thể viết các chữ nhỏ hơn trên vở học ở trường.
  • Trẻ có thể di chuyển nhún nhảy theo giai điệu bài nhạc chính xác hơn.

Một phần khác trong cột mốc phát triển thể chất của trẻ là sức khỏe và dinh dưỡng của trẻ. Ở trường, cơ hội vận động thể chất và các hoạt động ngoài trời của con bạn sẽ giảm đi, và vì vậy nguy cơ tăng cân cũng tăng lên. Do đó, bạn hãy khuyến khích con tập thể dục thường xuyên và tận hưởng các hoạt động ngoài trời. Cùng nhau tham gia các hoạt động thể thao, khám phá những địa điểm mới cùng gia đình, đạp xe và đảm bảo cả gia đình có chế độ dinh dưỡng cân bằng và một sức khỏe tốt.


Bạn hãy khuyến khích con tập thể dục thường xuyên
Bạn hãy khuyến khích con tập thể dục thường xuyên

1.2. Phát triển về hành vi

Hành vi là một yếu tố quan trọng mà bạn cần phải lưu tâm đến ở trẻ trong độ tuổi này. Hiện tại, cuộc sống của con bạn chỉ xoay quanh gia đình, trường học, bạn bè và các hoạt động sau giờ học.

Các giá trị và đạo đức của con bạn đang phát triển và con bạn có thể chia sẻ quan điểm mạnh mẽ về việc đúng hay sai. Trẻ cũng sẽ nhận thức rõ hơn về những gì người khác đang làm. Điều này có thể dẫn đến những so sánh như “Bạn ấy vẽ giỏi hơn con”, “ Bạn ấy mặc đồ đẹp hơn con” hoặc phàn nàn về việc anh chị em của trẻ nhận được nhiều thứ hơn trẻ.

Trẻ độc lập hơn, muốn thể hiện mình hơn, chúng cũng có thể thích giúp đỡ người lớn làm việc nhà.

Các mốc phát triển về hành vi của trẻ độ tuổi từ 6-8 tuổi:

  • Thích bầu bạn với bạn bè và tham gia vào các cuộc trò chuyện
  • Quan tâm đến trang phục và kiểu tóc.
  • Thích kể chuyện cười và nói về kỹ năng hoặc hành vi của trẻ. Ví dụ như “Con có thể ăn 10 chiếc bánh một lúc”
  • Viết số và từ chính xác hơn, nhưng trẻ vẫn có thể nhầm lẫn với một số chữ cái, ví dụ: b / d và p / q.
  • Có kỹ năng đọc tốt hơn chính tả
  • Bắt đầu hiểu giá trị của tiền, thích đếm và tiết kiệm tiền.
  • Giỏi hơn trong việc phân biệt giữa tưởng tượng và thực tế.
  • Có đôi chút hiểu về giới tính.

1.3. Phát triển về nhận thức

Trẻ 6 – 8 tuổi có thể hiểu rõ hơn nhiều về mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Trẻ bắt đầu thấy hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào, mặc dù đôi khi trẻ vẫn tỏ ra mình là trung tâm. Để trẻ có thể nhận thức được giữa đúng và sai ở thời điểm này là điều vô cùng quan trọng đòi hỏi sự hướng dẫn đúng đắn từ cha mẹ và giáo viên.

Khi nói đến sự phát triển nhận thức ở độ tuổi này không thể không nói đến những điều sau:

  • Cải thiện kỹ năng nghe và khả năng làm theo hướng dẫn.
  • Các bức tranh vẽ của trẻ sẽ tinh vi và chú trọng đến các chi tiết hơn.
  • Hiểu những điều có liên quan với nhau và có thể trình bày về một vấn đề một cách mạch lạc.
  • Tiến tới tư duy trừu tượng, trẻ có thể nhìn tranh và kể một câu chuyện theo trí tưởng tượng phong phú của chúng.
  • Phát triển kỹ năng suy luận, bạn có thể bất ngờ khi đứa trẻ 6 tuổi của bạn lý luận cho bạn nghe về một vấn đề nào đó.
  • Trí nhớ cũng được cải thiện và con bạn có thể phân nhóm các đối tượng theo kích thước, hình dạng và màu sắc. Trẻ đã hiểu rõ về các con số và có thể làm các bài toán đơn giản như cộng và trừ.
  • Có rất nhiều điều xảy ra ở độ tuổi này, vì vậy đừng ngạc nhiên nếu con bạn dễ bị phân tâm và quên những yêu cầu và chỉ dẫn nhỏ từ bạn.

1.4. Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp

Khi con bạn bước sang độ tuổi từ 6 – 8 tuổi, chúng sẽ làm tốt hơn với các kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp, đồng thời phát triển khả năng nói rõ ràng ngay thời điểm này. Trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Những biểu hiện phát triển về ngôn ngữ và giao tiếp bạn có thể nhận thấy bao gồm:

  • Trẻ có thể nói được họ tên, tuổi, ngày sinh và nơi trẻ sống.
  • Hiểu những mặt đối lập chung, như lớn và nhỏ, chiều cao, ánh sáng bóng tối...
  • Sử dụng ngôn ngữ ngày càng mang tính mô tả và chi tiết, có khả năng truyền đạt ý tưởng rõ ràng cùng với quan điểm của riêng mình về mọi thứ.
  • Khám phá ý nghĩa của từ ngữ, khi gặp một từ mới trẻ sẽ hỏi bạn ngay từ đó có nghĩa là gì và thích thú với việc học được những kiến thức mới, tiếp theo sau đó có thể áp dụng những điều đã học được vào tình huống tiếp theo.
  • Khả năng viết của trẻ cũng tốt hơn, việc cầm bút viết một đoạn văn cũng không còn làm khó cho trẻ.

Trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình
Trẻ có thể sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình

1.5. Phát triển xã hội và tình cảm

Bạn sẽ thấy đứa trẻ 6 tuổi của mình ngày càng trở nên độc lập hơn, nhưng gia đình vẫn là quan trọng nhất đối với chúng. Những người bạn, những mối quan hệ mới ngoài gia đình cũng là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của những đứa trẻ trong giai đoạn này. Con bạn sẽ có những biểu hiện sau mà bạn nên biết:

  • Giao lưu với những người khác bên ngoài gia đình.
  • Kết bạn mới nhiều hơn và dễ dàng hơn. Tuy nhiên đôi lúc cũng muốn chơi một mình mà không ai làm phiền.
  • Tiếp tục có những nỗi sợ hãi như “quái vật” và động vật lớn.
  • Hiểu khái niệm chia sẻ và biết tầm quan trọng của việc chung tay giúp đỡ, hay cũng có đôi lúc lại ghen tị với anh chị em hoặc những đứa trẻ khác.
  • Có cảm xúc ổn định và chia sẻ cảm xúc của trẻ với bạn.
  • Giả vờ chơi nhiều trò chơi với những nhân vật tưởng tượng
  • Tỏ ra mình là người lớn với những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn.
  • Phát triển óc hài hước.

1.6. Học tập và phát triển giáo dục

Là một em bé 6 tuổi, con đã chính thức bước chân vào con đường học tập gian nan trước mắt. Với niềm yêu thích khám phá những điều mới lạ trẻ có thể ghi nhớ được những điều cô dạy trên lớp khi trẻ thực sự thấy hứng thú và tập trung cao độ. Sau đây là những khả năng em bé 6 tuổi có thể làm được:

  • Khả năng đọc đồng hồ đúng cách.
  • Có thể hiểu những bài học được dạy ở trường.
  • Biết rõ các bảng chữ cái và số.
  • Thích nghi với việc dậy sớm và đi học mỗi sáng như một thói quen.

2. Lời khuyên cho cha mẹ có con trong độ tuổi từ 6 - 8 tuổi

Sự hỗ trợ và động viên từ cha mẹ là những điều trẻ luôn mong muốn có được dù trong bất kỳ giai đoạn phát triển nào. Khi một đứa trẻ biết rằng cha mẹ của mình luôn ở bên cạnh mình, nó sẽ học hỏi nhiều hơn và luôn lạc quan về mọi thứ. Mặt khác, khi bạn ít chú ý đến nhu cầu của trẻ, trẻ có thể trở nên bất an hoặc không nghe lời. Dưới đây là một số mẹo nuôi dạy con trong độ tuổi từ 6 - 8 tuổi mà bạn nên biết:

  • Dành thời gian chơi với con bạn cho dù đó là trò chơi trong nhà hay ngoài trời. Ở độ tuổi này, con bạn đã tăng cường thể chất và tính độc lập, do đó làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Đảm bảo rằng bạn luôn để mắt đến trẻ để có thể đề phòng được mọi tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
  • Xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin của con bạn bằng cách nhận ra điểm mạnh và phẩm chất tích cực của chúng. Đôi khi lòng tự trọng của trẻ em giảm xuống trong những năm tiểu học khi chúng trở nên tự phê bình và so sánh mình với những người khác.
  • Hãy để con bạn thấy bạn đang thử những điều mới và mắc sai lầm. Điều này giúp con bạn hiểu rằng việc học hỏi và cải thiện đều liên quan đến việc mắc sai lầm, nhưng điều cốt yếu là đừng bao giờ bỏ cuộc.
  • Tuyệt đối không so sánh trẻ này với trẻ khác sẽ khiến trẻ có suy nghĩ tiêu cực rằng mình luôn thua kém các bạn, thay vào đó hãy động viên trẻ cùng trẻ chia sẻ những khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống.
  • Cùng con bạn đọc một cuốn sách hoặc trao cho con một cuốn truyện sau đó cùng nhau thảo luận về những điều trong cuốn sách hoặc câu chuyện đó. Việc làm này sẽ giúp ích cho sự phát triển khả năng đọc viết của trẻ.
  • Khuyến khích con bạn nhận thức được hậu quả của hành vi và nhìn nhận mọi thứ theo quan điểm của người khác. Bạn có thể làm điều này bằng cách đặt những câu hỏi như: “Con nghĩ em cảm thấy thế nào khi con làm điều đó?”.
  • Chia sẻ ý kiến ​​và thảo luận các vấn đề quan trọng với con bạn. Điều này giúp bạn kết nối với con mình và cho thấy rằng bạn quan tâm đến ý tưởng của chúng, ví dụ như: đưa trẻ đi mua một món đồ và hỏi ý kiến của chúng xem nên chọn màu nào, loại nào... Khi con bạn lớn hơn, hãy cho phép chúng tham gia vào việc ra quyết định của gia đình nếu thích hợp.
  • Nói chuyện với con bạn về việc đối xử bình đẳng với trẻ em trai và trẻ em gái, tôn trọng trẻ em gái và phụ nữ .
  • Hiểu lý do đằng sau nỗi buồn và sự tức giận của con bạn. Nói chuyện với trẻ bất cứ khi nào có thể và đưa ra các giải pháp có thể giúp chúng vượt qua cảm xúc tiêu cực của mình.
  • Giao tiếp nhiều hơn với con bạn. Hỏi chúng về trường học hoặc ngày hôm nay của trẻ diễn ra như thế nào. Giao tiếp có thể giúp bạn biết được những điều thích và không thích của con bạn.
  • Cùng trẻ làm bài tập về nhà, điều này có thể giúp bạn vừa kiểm tra được kiến thức của con vừa tăng tình cảm giữa 2 người. Nếu không thể hãy ngồi cạnh để trẻ an tâm hơn hoặc đọc một cuốn sách khi con đang ngồi học để trẻ có thể noi gương theo bạn.
  • Tránh đặt ra quá nhiều quy tắc ở nhà, thay vào đó hãy tuân thủ những quy tắc quan trọng nhất - như giờ đi ngủ, phép lịch sự và khi nào con bạn có thể xem TV, hoặc ăn đồ ngọt.

Là cha mẹ bạn không thể chắc chắn rằng bạn hiểu hết về con bạn, bạn luôn cần phải học hỏi thêm kinh nghiệm từ những bậc cha mẹ khác hay những người lớn tuổi hơn. Đừng ngại ngùng khi bày tỏ về những điều mình chưa biết hoặc đang trăn trở.

Đôi khi bạn có thể cảm thấy thất vọng, khó chịu hoặc quá tải. Bạn có thể dành thời gian nghỉ ngơi cho đến khi bình tĩnh hơn. Cố gắng đi đến một phòng khác để hít thở sâu hoặc gọi một thành viên trong gia đình hoặc bạn bè để nói chuyện. Tuyệt đối không đánh mắng trẻ, vì điều đó càng làm cho vấn đề thêm tồi tệ hơn thôi.


Dành thời gian chơi với con bạn cho dù đó là trò chơi trong nhà hay ngoài trời
Dành thời gian chơi với con bạn cho dù đó là trò chơi trong nhà hay ngoài trời

3. Khi nào bạn cần phải lo lắng?

  • Nếu con bạn luôn có vẻ rối loạn lo âu, chán nản và buồn bã.
  • Trẻ chỉ thích chơi một mình, không chịu giao lưu với những bạn xung quanh (rối loạn tự kỷ)
  • Có những hành động và suy nghĩ vượt ra ngoài tầm kiểm soát
  • Thể hiện hành vi cáu kỉnh và gặp sự cố khi làm theo hướng dẫn.
  • Đánh nhau ở trường và khó kết bạn.
  • Không thể viết số và chữ đúng cách trong thời gian dài.

Mỗi đứa trẻ đều có những mốc phát triển khác nhau ở những khoảng thời gian khác nhau. Con bạn ở độ tuổi này nhưng chưa có đủ những dấu hiệu phát triển trên hãy cho trẻ thời gian nhưng nếu quá lâu mà con chưa thể theo kịp đà tăng trưởng hoặc có những biểu hiện bất thường thì bạn nên đưa trẻ đi khám bác sĩ.

Ở độ tuổi này, bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám sức khỏe tổng quát thường xuyên. Điều này sẽ giúp cha mẹ chủ động bảo vệ sức khỏe của bé cả về thể chất và tinh thần.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com, raisingchildren.net.au, parenting.firstcry.com, expatwoman.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe