Các loại thuốc giãn cơ được sử dụng để điều trị cứng cơ, co thắt cơ. Tùy theo vị trí cơ trên cơ thể mà phân thành nhóm thuốc giãn cơ vân và nhóm thuốc giãn cơ trơn.
1. Thuốc giãn cơ là gì?
Thuốc giãn cơ là thuốc có công dụng điều trị chuột rút, co thắt cơ, .... Các loại thuốc giãn cơ thường được kê đơn để hỗ trợ làm dịu cơn đau và khó chịu do co thắt cơ không tử chủ, gây tình trạng căng cơ quá mức và thường liên quan đến đau lưng dưới, đau cổ.
Các loại thuốc giãn cơ có thể khác nhau về cấu trúc hóa học và cơ chế hoạt động. Tuy nhiên, cơ chế chung là đều ức chế hệ thần kinh trung ương, an thần hoặc cản trở xung thần kinh dẫn truyền tín hiệu đau đến não. Thuốc giãn cơ thường có tác dụng nhanh chóng và kéo dài trong vòng 4 – 6 giờ.
Trong quá trình sử dụng thuốc giãn cơ, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như chóng mặt, buồn ngủ, kích động, cáu gắt, đau đầu, lo lắng, khô miệng, giảm huyết áp. Ngoài ra, lạm dụng các loại thuốc giãn cơ hoặc sử dụng kéo dài có thể dẫn đến phụ thuộc thuốc và gây tác dụng không mong muốn nghiêm trọng như ảo giác, sững sờ, co giật, sốc, suy hô hấp, ngừng tim, hôn mê, ...Vì vậy, nhóm thuốc giãn cơ chỉ được sử dụng để điều trị ngắn hạn trong 2 – 3 tuần.
2. Các nhóm thuốc giãn cơ thường dùng
2.1. Nhóm thuốc giãn cơ vân
Cơ vân là những cơ có thể điều khiển được theo ý thức. Nhóm thuốc giãn cơ vân có tác dụng ức chế chọn lọc trên các neuron trung gian, từ đó kiểm soát trương lực cơ ở não và tủy sống, gây giãn cơ. Các loại thuốc giãn cơ vân gồm có dạng viên nén, dạng tiêm bao gồm:
- Tolperisone: Tolperisone thuộc nhóm thuốc giãn cơ vân tác dụng trung ương, cơ chế hoạt động phức tạp. Tolperisone thường được chỉ định trong điều trị tăng trương lực cơ, co thắt cơ trong hội chứng đau đầu, viêm não tủy, bệnh khớp lớn, phục hồi chức năng sau các phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, ... Tolperisone có thể được bào chế dưới dạng tiêm hàm lượng 100mg/ml, viên bao hàm lượng 50mg, 100mg. Trong quá trình sử dụng Tolperisone, người bệnh có thể gặp một số tác dụng không mong muốn như nhược cơ, hạ huyết áp, buồn nôn, nhức đầu, ... Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ biến mất khi giảm liều thuốc Tolperisone.
- Eperisone: Eperisone thuộc nhóm thuốc giãn cơ vân tác dụng hệ thần kinh trung ương và cơ trơn mạch máu. Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 50mg. Những tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện khi dùng quá liều hoặc dùng kéo dài là rối loạn chức năng gan, triệu chứng tâm thần, nhức đầu, buồn ngủ, buồn nôn, khô miệng, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, phát ban, rối loạn tiết niệu.
- Decontractyl: Thành phần hoạt chất Mephenesine trong thuốc được hấp thu nhanh và chuyển hóa mạnh. Decontractyl thường được chỉ định trong các trường hợp co thắt cơ gây đau thoái hóa đốt sống, rối loạn tư thế hoạt động. Decontractyl thường được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 250mg hoặc 500mg. Trong quá trình dùng thuốc Decontractyl, người bệnh có thể có triệu chứng mệt mỏi, uể oải, buồn ngủ, yếu cơ, mất điều hòa vận động, đau khớp, buồn nôn, bực tức, tiêu chảy, táo bón, nổi mẩn; hiếm gặp hơn là sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn, ngủ gà, phát ban. Lưu ý không sử dụng thuốc giãn cơ Decontractyl cho trẻ em dưới 15 tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú.
2.2. Nhóm thuốc giãn cơ lưng
Căng cơ thắt lưng là tình trạng thường xảy ra khi bị chấn thương thắt lưng, do gân cơ ở thắt lưng bị kéo căng quá mức hoặc rách. Khi các cơ này bị căng ra và suy yếu dần, cột sống trở nên kém ổn định và gây đau lưng. Để giải quyết tình trạng này, người bệnh sẽ được chỉ định các loại thuốc giãn cơ lưng, bao gồm:
- Mephenesin: Thuốc giãn cơ Mephenesin tác dụng trên toàn bộ hệ thần kinh, được dùng trong trường hợp thoái hóa đốt sống, đau cơ, đau lưng, giảm đau do co thắt cơ, ...
- Baclofen: Thuốc giãn cơ lưng Baclofen hoạt động theo cơ chế ngăn các hoạt động thần kinh trong tủy sống giúp giảm đau, giảm cứng khớp, giảm biên độ và tần số co cơ. Ngoài ra, Baclofen còn ức chế thần kinh và giảm đau nhanh chóng. Thuốc Baclofen được dùng trong bệnh xơ cứng rải rác, tổn thương tủy sống, co thắt cơ, đau lưng, ... Một số tác dụng phụ của Baclofen là buồn nôn, chóng mặt, mất ngủ, mệt mỏi, ...
- Tizanidine: Tizanidine làm giảm co cơ nhưng không gây yếu cơ, làm giảm đau nhức và xơ cứng cơ, thư giãn cơ bắp. Thuốc giãn cơ xương khớp Tizanidine thường được dùng trong các trường hợp co cơ, cứng cơ do chấn thương hoặc bệnh đa xơ cứng. Trong quá trình sử dụng, Tizanidine có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như chán ăn, sốt nhẹ, ngứa, lú lẫn, ảo giác, ...
- Chlorzoxazone: Chlorzoxazone thường được dùng trong điều trị co thắt cơ, đau cơ. Trong quá trình sử dụng, Chlorzoxazone có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như mệt mỏi, buồn ngủ, đau bụng, buồn nôn, dị ứng, ...
- Carisoprodol: Là thuốc giãn cơ thường được sử dụng trong điều trị ngắn hạn các bệnh về đau cơ. Carisoprodol có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như mê sảng, tê liệt, tim đập nhanh, giảm thị lực, ... Lưu ý không sử dụng thuốc Carisoprodol cho người bị động kinh, co giật, suy gan, suy thận, phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em dưới 12 tuổi.
2.3. Nhóm thuốc giãn cơ trơn
Cơ trơn là cơ không thể điều khiển được theo ý muốn của con người, chúng cấu tạo nên hệ cơ quan như ống tiêu hóa, phế quản, bàng quang, niệu đạo, tử cung, mạch máu, cơ mống mắt, các ống dẫn của các tuyến, ... Nhóm thuốc giãn cơ trơn có công dụng làm giãn cơ trơn, giảm cường độ và chu kỳ co bóp của cơ trơn. Các loại thuốc giãn cơ trơn thường được sử dụng trong điều trị đau do co thắt đường tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục, đường mật. Các loại thuốc giãn cơ trơn được dùng phổ biến hiện nay là:
- Hyoscine butylbromide: Thường được chỉ định trong các bệnh lý hội chứng ruột kích thích, viêm túi mật, viêm đường dẫn mật, loét dạ dày – tá tràng, viêm tụy, đau bụng kinh, viêm bàng quang, viêm bể thận, sỏi thận, ... Hyoscine butylbromide được bào chế dưới dạng dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch, tiêm bắp, ngoài ra thuốc còn có dạng viên nén hàm lượng 10mg. Tác dụng không mong muốn của thuốc Hyoscine butylbromide là khô miệng, rối loạn bài tiết mồ hôi, bí tiểu nhẹ, tim đập nhanh.
- Atropin: Atropin là thuốc giãn cơ thường được chỉ định trong loét dạ dày – tá tràng, tiêu chảy, hội chứng ruột kích thích, đau do co thắt đường mật, đau quặn thận, ... Ngoài ra, Atropin còn được dùng trong điều trị ngộ độc phospho hữu cơ, ngộ độc digitalis, co thắt phế quản, phòng say tàu xe, giãn đồng tử, mất khả năng điều tiết của mắt, ... Các tác dụng không mong muốn của Atropin là khô miệng, khó nuốt, sốt, khó phát âm, giảm tiết dịch phế quản, bí tiểu, liệt ruột, nhược cơ, tăng nhãn áp, hẹp môn vị, chậm nhịp tim thoáng qua, nhịp tim nhanh, loạn nhịp, đánh trống ngực, lú lẫn, hoang tưởng, kích thích, ...
- Papaverin: Thuốc Papaverin có tác dụng giảm đau, chống co thắt do tăng nhu động ruột, co thắt tử cung, quặn thận, mật. Bên cạnh đó, Papaverin còn chống co thắt mạch máu não, giãn cơ tim. Mặc dù thuốc có độc tính thấp, nhưng đã ghi nhận trường hợp bị tác dụng phụ là buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, chán ăn, viêm gan, quá mẫn gan, chóng mặt, ngủ gà, ngủ lịm, nhức đầu, an thần.
- Alverin: Alverin được sử dụng để điều trị đau do rối loạn chức năng đường mật, đường tiêu hóa, co thắt vùng tiết niệu – sinh dục, tăng nhãn áp, phì đại tuyến tiền liệt. Alverin có thể khiến người dùng thuốc khó thở, thở khò khè, mệt mỏi, sưng phù, dị ứng, vàng da vàng mắt, ...
Đau nhức xương khớp, co cơ, chuột rút,... là những vấn đề thường gặp, dễ tái phát và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người bệnh. Để giảm cảm giác đau nhức, khó chịu và tăng tác dụng của các loại thuốc giãn cơ, người bệnh cần có chế độ sinh hoạt và lao động hợp lý, không mang vác vật nặng, làm việc quá sức,... Đồng thời, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thực phẩm giàu acid béo và omega3, các loại rau củ, hạt,... và tránh căng thẳng.