Lovastatin là một loại thuốc hạ mỡ máu, thường được sử dụng trong điều trị tăng mỡ máu và dự phòng một số bệnh lý tim mạch. Với mỗi mục đích điều trị sẽ sử dụng liều lượng khác nhau. Do đó, để đảm bảo sử dụng đúng liều, bạn cần biết hàm lượng thuốc Lovastatin bạn đang có.
1. Các loại hàm lượng thuốc Lovastatin
Thuốc Lovastatin là thuốc hạ mỡ máu, nhóm statin, hoạt động bằng cách làm giảm lượng cholesterol do gan tạo ra. Việc làm hạ thấp chỉ số cholesterol “xấu” và triglycerides và làm tăng lượng cholesterol “tốt” giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, ngăn ngừa chứng đột quỵ và các cơn đau tim.
Thuốc Lovastatin được bào chế dưới dạng viên nén với các hàm lượng: 10 mg, 20 mg, 40 mg. Thuốc Lovastatin được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Rối loạn lipid máu: Bệnh tăng cholesterol máu tiên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp, tăng cholesterol máu có tính chất gia đình đồng hợp tử và tăng triglyceride máu.
- Dự phòng tiên phát tai biến tim mạch: Ở bệnh nhân tăng cholesterol máu chưa có biểu hiện lâm sàng rõ rệt về bệnh mạch vành, thuốc lovastatin được chỉ định để giảm nguy cơ tai biến mạch vành cấp nặng như nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực không ổn định, đột quỵ.
- Dự phòng thứ phát tai biến tim mạch: Ở bệnh nhân tăng cholesterol máu đã có biểu hiện lâm sàng về bệnh mạch vành được chỉ định sử dụng thuốc lovastatin để làm giảm nguy cơ tử vong, giảm tái diễn nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, suy tim sung huyết, và giảm nguy cơ phải tiến hành thủ thuật tái tạo mạch vành.
- Dự phòng tai biến tim mạch ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Làm giảm tiến triển xơ vữa mạch vành ở bệnh nhân tăng cholesterol máu có biểu hiện lâm sàng của bệnh mạch vành bao gồm có nhồi máu cơ tim trước đó, giúp làm chậm quá trình tiến triển xơ vữa mạch vành.
Thuốc Lovastatin chống chỉ định trong các trường hợp sau:
- Người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Bệnh gan hoạt động hoặc có chỉ số transaminase trong máu tăng dai dẳng mà không giải thích được.
- Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú.
2. Cách sử dụng thuốc Lovastatin
Bạn cần tuân theo chế độ ăn ít cholesterol trước khi uống thuốc Lovastatin và phải tiếp tục duy trì chế độ ăn này trong suốt thời gian điều trị.
Thuốc Lovastatin được sử dụng bằng đường uống. Vì quá trình tổng hợp cholesterol ở gan diễn ra chủ yếu vào ban đêm, nên người bệnh cần uống thuốc vào buổi tối sẽ làm tăng hiệu lực thuốc. Bên cạnh đó, bạn nên uống thuốc Lovastatin vào bữa ăn để hấp thu tối đa.
Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều lượng thuốc Lovastatin theo nhu cầu và đáp ứng của từng bệnh nhân bằng cách tăng liều từng đợt cách nhau tối thiểu 4 tuần, cho tới khi đạt được nồng độ cholesterol LDL mong muốn hoặc khi đạt liều tối đa.
Liều dùng thuốc Lovastatin cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, liều tham khảo cho các trường hợp như sau:
Liều thuốc Lovastatin cho người lớn:
- Liều thông thường: Sử dụng liều khởi đầu 20mg, một lần mỗi ngày, uống thuốc vào bữa ăn tối. Nếu cần sẽ điều chỉnh liều 4 tuần một lần.
- Liều duy trì là từ 20 - 80mg mỗi ngày, uống 1-2 lần, vào bữa ăn.
- Đối với bệnh nhân đang điều trị ức chế miễn dịch, nên bắt đầu dùng thuốc lovastatin với liều 10mg mỗi ngày và không vượt quá 20 mg/ngày.
- Liều thuốc Lovastatin tối đa cho người lớn là 80mg mỗi ngày.
Liều thuốc Lovastatin cho trẻ em:
- Trẻ em 10–17 tuổi cần giảm chỉ số LDL-cholesterol ≥ 20%: Sử dụng liều khởi đầu 20mg x 1 lần/ngày.
- Trẻ em 10–17 tuổi cần giảm chỉ số LDL-cholesterol ít: Cân nhắc sử dụng liều ban đầu 10mg x 1 lần/ngày.
- Điều chỉnh liều lượng thuốc Lovastatin cho trẻ em trong khoảng thời gian ≥ 4 tuần cho đến khi đạt được tác dụng mong muốn. Phạm vi liều khuyến cáo cho trẻ em từ 10 - 17 tuổi là 10–40 mg mỗi ngày.
Liều lượng thuốc Lovastatin cho các đối tượng khác:
- Bệnh nhân suy thận nặng (ClCr < 30mL/phút): Cần phải thận trọng khi tăng liều thuốc Lovastatin > 20mg mỗi ngày nếu thấy cần thiết.
- Liều ban đầu thông thường của thuốc Lovastatin ở bệnh nhân ≥ 65 tuổi là 20mg x 1 lần/ ngày. Chỉ sử dụng liều thuốc Lovastatin cao hơn sau khi cân nhắc cẩn thận các nguy cơ và lợi ích.
3. Tác dụng phụ của thuốc Lovastatin
Trong quá trình sử dụng thuốc Lovastatin, bạn có thể gặp phải tác dụng phụ của thuốc. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Lovastatin bao gồm:
- Tiêu chảy
- Táo bón
- Đầy hơi
- Đau bụng và buồn nôn.
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Nhìn mờ
- Mất ngủ
- Suy nhược
- Đau cơ, đau khớp.
- Các kết quả xét nghiệm chức năng gan tăng trên 3 lần giới hạn bình thường. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân không có triệu chứng và thường hồi phục khi ngừng thuốc.
Tác dụng phụ ít gặp của thuốc Lovastatin bao gồm:
- Bệnh cơ
- Ban da
- Viêm mũi
- Viêm xoang
- Viêm họng
Tác dụng phụ hiếm gặp của thuốc Lovastatin bao gồm:
- Suy giảm nhận thức như mất trí nhớ, lú lẫn.
- Viêm cơ, tiêu cơ vân, dẫn tới suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu.
- Tăng HbA1c và tăng glucose máu lúc đói.
- Có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh đái tháo đường.
Lovastatin là một loại thuốc hạ mỡ máu, thường được sử dụng trong điều trị tăng mỡ máu và dự phòng một số bệnh lý tim mạch. Việc nhận biết các loại hàm lượng thuốc Lovastatin sẽ giúp người bệnh sử dụng thuốc đúng liều, tránh gây ra các tác dụng phụ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.