Bạn có biết các cặp tương tác thuốc thường gặp?

Tương tác thuốc là vấn đề quan trọng trong điều trị bệnh lý phối hợp, qua đó có thể gây ra độc tính nguy hiểm làm giảm, mất tác dụng của thuốc. Để tránh tình trạng sử dụng nhiều loại thuốc gây nguy hiểm thì người dùng cần nắm được các cặp tương tác thuốc để biết cách sử dụng sao cho đúng và hiệu quả nhất.

1. Clarithromycin và thuốc chẹn kênh Calci, nhóm thuốc statin

Kháng sinh clarithromycin sử dụng cùng lúc với thuốc hạ huyết áp bằng cách giãn mạch thông qua cơ chế chẹn kênh calci như amlodipin, felodipin có thể gây tụt huyết áp và suy thận cấp. Ngoài ra, các thuốc kháng sinh nhóm macrolid khác cũng có thể có tương tác này khi được dùng đồng thời với thuốc chẹn kênh calci, trong đó có erythromycin. Kháng sinh azithromycin là thuốc ưu tiên khi phải phối hợp một nhóm macrolid và thuốc chẹn kênh calci.

Bên cạnh đó, tương tác thuốc nghiêm trọng có thể xảy ra khi clarithromycin được dùng với nhóm thuốc hạ mỡ máu statin (đặc biệt simvastatin, lovastatin), chúng làm tăng độc tính của các thuốc nhóm statin. Nếu phải sử dụng thì cần theo dõi các dấu hiệu độc tính trên cơ như đau, yếu cơ và nồng độ Creatinin Kinase (CK).

XEM THÊM: Những tương tác thuốc nguy hiểm thường gặp

2. Warfarin và paracetamol, thuốc prednisone

Người sử dụng thuốc kháng đông máu warfarin thường được khuyên nên chọn dùng paracetamol để giảm đau Tuy nhiên, sự tương tác giữa warfarin và paracetamol vẫn còn chưa được biết quá rõ. Một số đánh giá cho thấy rằng việc sử dụng thường xuyên paracetamol làm tăng INR. Nên những bệnh nhân đang dùng warfarin cần được theo dõi chặt và INR nên được đánh giá sau 3-5 ngày khi bệnh nhân bắt đầu dùng hàng ngày paracetamol.

Nếu sử dụng warfarin với prednisone làm tăng chỉ số INR thì khi sử dụng prednisone trong thời gian ngắn không cần chỉnh liều warfarin.

3. Các thuốc nhóm NSAID và thuốc hạ áp, heparin

Khi sử dụng các thuốc nhóm NSAID (chống viêm giảm đau không steroid) cùng các thuốc hạ huyết áp làm giảm hiệu quả hạ huyết áp của các thuốc này, đặc biệt các thuốc thuộc nhóm lợi tiểu, ức chế men chuyển, ức chế thụ thể angiotensin II. Ngoài ra, NSAID có thể làm tăng nguy cơ suy thận cấp khi dùng chung với thuốc ức chế men chuyển và ức chế thụ thể angiotensin II.

Nếu sử dụng thuốc nhóm NSAID với thuốc heparin làm tăng nguy cơ chảy máu thì người bệnh nên tạm ngừng NSAID trước khi bắt đầu sử dụng heparin hoặc heparin trọng lượng phân tử thấp, nếu có thể.


Cần thận trọng khi kết hợp các cặp tương tác thuốc NSAID
Cần thận trọng khi kết hợp các cặp tương tác thuốc NSAID

4. Digoxin và Amiodaron, canxi hoặc magie

Sử dụng digoxin và amiodaron cùng nhau làm tăng nồng độ digoxin trong máu, có thể gây ngộ độc. Nên giảm 1/2 đến 1/3 liều digoxin khi bắt đầu dùng amiodaron và tiếp tục hiệu chỉnh liều sau 1 hoặc 2 tuần, có thể sau 1 tháng từ khi ngừng dùng amiodaron. Tiếp tục theo dõi các dấu hiệu ngộ độc như nôn, buồn nôn, rối loạn nhịp tim.

Digoxin sử dụng cùng canxi hoặc magie làm tăng nguy cơ loạn nhịp, có thể tử vong nếu tiêm tĩnh mạch canxi và magie cùng lúc với các dẫn chất digitalis. Nếu cần thiết chỉ được phối hợp canxi, magie đường uống nhưng cần phải theo dõi sát sao.

5. Diltiazem và kháng sinh Clarithromycin hoặc Erythromycin, amiodaron

Khi sử dụng chung diltiazem và kháng sinh clarithromycin hoặc erythromycin làm tăng nguy cơ nhịp tim bất thường, có thể gây tử vong. Tránh phối hợp, nếu trong trường hợp cần phối hợp thì phải theo dõi và chỉnh liều diltiazem nếu cần thiết.

Khi sử dụng chung diltiazem và amiodaron làm tăng nồng độ diltiazem trong có thể gây chậm nhịp, ngừng xoang, block nhĩ thất. Nên việc kết hợp này chống chỉ định trên bệnh nhân mắc hội chứng suy nút xoang hoặc block nhĩ thất một phần.

XEM THÊM: Các tương tác thuốc hướng thần thường gặp

6. Kali clorid và thuốc ức chế men chuyển, spironolacton

Phối hợp kali clorid và thuốc ức chế men chuyển nguy cơ làm tăng kali máu, rối loạn dẫn truyền tim. Nên tránh sử dụng đồng thời hai thuốc này, đặc biệt với người bệnh cao tuổi, người có tiền sử suy thậnsuy tim.

Kali clorid và lợi tiểu giữ kali spironolacton nếu phối hợp sẽ làm tăng kali máu, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến suy thận, liệt cơ, nhịp tim không đều, ngừng tim. Chỉ phối hợp khi cần thiết và cần theo dõi kali huyết chặt chẽ.

7. Colchicin và nhóm statin, kháng sinh clarithromycin hoặc erythromycin, fluconazol

Khi sử dụng colchicin và nhóm statin làm tăng độc tính của simvastatin, vì thê nên tránh phối hợp hai nhóm này, nếu cần thì theo dõi độc tính của statin và giảm liều thấp nhất statin có hiệu quả.

Colchicin phối hợp kháng sinh clarithromycin hoặc erythromycin và thuốc kháng nấm fluconazol làm tăng độc tính của colchicin, đến mức nguy hiểm. Do đó, cần tránh phối hợp đặc biệt bệnh nhân có suy thận, theo dõi chặt nếu cần phải phối hợp.

8. Corticoid và chống viêm không steroid

Nếu kết hợp hai loại thuốc chống viêm này sẽ làm tăng tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Do đó, hãy tránh việc sử dụng chung nếu không cần thiết.


Corticoid có thể gặp tương tác thuốc nguy hiểm khi kết hợp sai
Corticoid có thể gặp tương tác thuốc nguy hiểm khi kết hợp sai

9. Phối hợp các thuốc chống viêm nhóm NSAID với nhau

Việc phối hợp như vậy làm tăng tác dụng phụ nghiêm trọng của NSAIDs, đặc biệt tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Cho nên cần chú ý không nên phối hợp, đặc biệt ở những người tiền sử bệnh lý dạ dày.

10. Spironolacton và thuốc ức chế men chuyển

Spironolactone thuộc nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc ức chế men chuyển ( Enalapril, perindopril, captopril, lisinopril,..) đây là nhóm hạ huyết áp nếu kết hợp nguy cơ làm tăng kali máu, trường hợp nghiêm trọng đe dọa tính mạng, đặc biệt người suy thận.

11. Ceftriaxon và dung dịch tiêm truyền tĩnh mạch chứa Calci

Kháng sinh ceftriaxon thường được sử dụng trong điều trị bệnh nhiễm khuẩn, nhưng nếu sử dụng chung kháng sinh này với các dung dịch truyền chứa canxi như calci clorid, Ringer lactat sẽ tạo tủa ceftriaxon - calci đã được phát hiện tạo tủa tại phổi và thận trẻ sơ sinh.

12. Kháng sinh nhóm quinolon (levofloxacin, moxifloxacin) và kháng sinh nhóm macrolid, fluconazol.

Khi phối hợp làm tăng nguy cơ kéo dài khoảng QT trên điện tim, tình trạng xoắn đỉnh nguy hiểm. Nên tránh phối hợp các thuốc này với nhau, nếu bắt buộc phối hợp, cần thận trọng và theo dõi chặt chẽ điện tâm đồ, đặc biệt là bệnh nhân có yếu tố nguy cơ xoắn đỉnh.

13. Hormon tuyến giáp và thuốc ức chế bơm proton

Nếu cùng lúc sử dụng hormone tuyến giáp và thuốc ức chế bơm proton có thể cản trở sự hấp thu hormon tuyến giáp, sẽ khiến cho những bệnh nhân trước đó đã được kiểm soát tốt khi dùng thuốc bổ sung hormone tuyến giáp có thể bị giảm nồng độ hormon gây nhược giáp. Nếu sử dụng một đợt thuốc ức chế bơm proton như omeprazole một thời gian cùng hormon tuyến giáp cần kiểm tra lại chức năng tuyến giáp.

Có rất nhiều cặp thuốc có thể tương tác với nhau gây ra những tác dụng bất lợi cho người sử dụng. Chính vì vậy chúng ta cần kiểm soát tốt các loại thuốc đưa vào cơ thể. Tránh sử dụng các cặp tương tác gây tác dụng nguy hiểm cùng nhau.

Để đảm bảo tránh các cặp tương tác thuốc xảy ra, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe