Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Ngọc Hải - Bác sĩ Nội ung bướu - Khoa Nội ung bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City. Bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trong khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư.
Cơn đau do ung thư có thể thay đổi từ nhẹ đến rất nặng. Cảm giác đau của mỗi người là khác nhau phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau và một số yếu tố khác. Do đó, bạn chỉ nên dùng thuốc giảm đau và các phương pháp giảm đau khác khi có chỉ định của bác sĩ.
1. Các loại đau
Dưới đây là các thuật ngữ phổ biến được sử dụng để mô tả các loại đau khác nhau:
- Đau cấp tính từ nhẹ đến nặng: Cơn đau đột ngột và kéo dài trong thời gian ngắn.
- Cơn đau mãn tính từ nhẹ đến nặng và kéo dài hoặc tiến triển theo thời gian dài.
- Cơn đau rầm rộ: Là tăng mức độ đau, cơn đau dữ dội xảy ra đột ngột hoặc trong thời gian ngắn. Cơn đau tự phát hoặc sau một hoạt động nào đó. Cơn đau có thể xảy ra nhiều lần trong ngày, ngay cả khi bạn dùng đúng liều lượng và đúng giờ giấc.
Trắc nghiệm: Thử hiểu biết của bạn về bệnh ung thư
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ 2 trên thế giới. Thử sức cùng bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn có thêm kiến thức về yếu tố nguy cơ cũng như cách phòng ngừa bệnh ung thư.
Bài dịch từ: webmd.com
2. Nguyên nhân gây đau ung thư
Ung thư và điều trị ung thư là nguyên nhân chính gây ra các cơn đau, cụ thể:
- Đau do xét nghiệm y tế: Một số xét nghiệm được sử dụng trong chẩn đoán ung thư có thể gây đau đớn như sinh thiết, chọc dịch tủy sống hoặc xét nghiệm tủy xương. Dù đau nhưng bạn vẫn phải làm các xét nghiệm cần thiết. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ để được tư vấn giảm đau trước khi thực hiện xét nghiệm.
- Đau do khối u: Nếu ung thư phát triển lớn hơn hoặc lan rộng có thể gây đau do khối u chèn ép và xâm lấn vào các mô xung quanh nó. Ví dụ, một khối u có thể gây đau nếu nó ấn vào xương, dây thần kinh, tủy sống hoặc các cơ quan của cơ thể.
- Đau do điều trị: Hóa trị, xạ trị, phẫu thuật và các phương pháp khác có thể gây đau cho một số người. Một số ví dụ về cơn đau do các phương pháp điều trị gây nên:
+ Đau thần kinh: Cơn đau xảy ra do điều trị làm tổn thương các dây thần kinh. Tính chất cơn đau thường là nóng rát, đau buốt, hoặc đau chói.
+ Đau ảo: Bạn vẫn có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu đến từ một bộ phận cơ thể đã được phẫu thuật cắt bỏ. Các bác sĩ vẫn chưa giải thích được tại sao lại có cơn đau này.
+ Đau khớp: Loại đau này có liên quan đến sử dụng các chất ức chế aromatase, một loại trị liệu nội tiết tố.
Cảm giác đau của mỗi người phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau bao gồm nguyên nhân gây đau và phản ứng đau của cơ thể.
3. Giảm đau hiệu quả bằng cách nào?
- Nỗi đau của bạn có thể được kiểm soát.
- Kiểm soát cơn đau là một phần của điều trị ung thư.
- Nói chuyện cởi mở và chia sẻ thông tin với bác sĩ và các nhân viên chăm sóc sức khỏe.
- Cách tốt để kiểm soát cơn đau là ngăn chặn cơn đau bắt đầu hoặc giữ cho cơn đau không nặng thêm.
- Có nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát cơn đau. Do đó, kế hoạch giảm đau cho mỗi người là khác nhau.
- Ghi lại tính chất cơn đau sẽ giúp theo dõi và tạo ra kế hoạch kiểm soát cơn đau tốt cho bạn.
- Dùng thuốc theo chỉ dẫn. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc dùng thuốc quá hạn sử dụng.
4. Mô tả cơn đau hiệu quả bằng cách nào?
Bước đầu tiên để kiểm soát cơn đau là nói thật. Cố gắng nói chuyện với bác sĩ và người thân về những gì bạn cảm nhận được. Bạn sẽ được yêu cầu mô tả và đánh giá nỗi đau để tạo cơ sở cho bác sĩ đánh giá ngưỡng đau của bạn. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn mô tả nỗi đau của bạn theo một số cách. Sử dụng thang điểm đau là cách phổ biến nhất. Thang đo sử dụng các số từ 0 đến 10, trong đó 0 là không đau và 10 là cảm giác đau tồi tệ nhất. Một số bác sĩ chỉ cho bệnh nhân một loạt khuôn mặt và yêu cầu họ chỉ vào khuôn mặt mà người bệnh đang cảm thấy. Nếu tính chất cơn đau thay đổi, bạn nên nói cho bác sĩ. Một số thông tin giúp bạn cung cấp hiệu quả hơn cho bác sĩ bao gồm:
- Nơi bạn bị đau
- Cảm giác như thế nào (đau dữ dội, âm ỉ, nhói, liên tục, nóng)
- Mức độ đau của bạn mạnh đến mức nào
- Cơn đau kéo dài trong thời gian bao lâu
- Điều gì giúp giảm đau hoặc làm cơn đau tồi tệ hơn
- Cơn đau xảy ra trong hoàn cảnh nào (thời gian nào trong ngày, bạn đang làm gì và điều gì xảy ra)
- Cơn đau cản trở các hoạt động hàng ngày
Bạn có thể ghi chép các thông tin cần thiết của cơn đau, bao gồm:
- Thời điểm bạn dùng thuốc giảm đau
- Tên và liều lượng của thuốc
- Tác dụng phụ bạn cảm nhận được
- Hiệu quả của thuốc giảm đau như thế nào
- Thuốc giảm đau có tác dụng trong bao lâu
- Các phương pháp giảm đau khác mà bạn sử dụng để kiểm soát cơn đau
- Các hoạt động nào bị ảnh hưởng bởi cơn đau, hoặc làm làm dịu cơn đau hoặc làm cơn đau giảm xuống
- Những hoạt động bạn không thể thực hiện khi cơn đau xảy ra
Bạn nên chia sẻ các thông tin về cơn đau với bác sĩ để có biện pháp điều trị và cung cấp thuốc phù hợp, đúng liều lượng và giúp giảm đau hiệu quả.
5. Xây dựng kế hoạch kiểm soát cơn đau
Kế hoạch kiểm soát cơn đau được thiết kế dành riêng cho bạn. Mọi người đều có một kế hoạch kiểm soát cơn đau khác nhau ngay cả khi bạn có cùng loại ung thư với người khác. Dùng thuốc giảm đau theo lịch trình để ngăn chặn cơn đau bắt đầu hoặc trở nên tồi tệ hơn. Đừng bỏ qua liều sử dụng vì một khi bạn cảm thấy đau thì cơn đau sẽ khó kiểm soát hơn và có thể mất nhiều thời gian hơn để kiểm soát. Bạn nên thực hiện các công việc sau để đảm bảo một kế hoạch giảm đau hiệu quả nhất:
- Mang theo danh sách các loại thuốc mỗi lần đi khám.
- Mang theo nhật ký cơn đau
- Nếu bạn đang gặp nhiều bác sĩ, hãy cho họ biết danh sách thuốc, đặc biệt là nếu bác sĩ muốn thay đổi toa thuốc.
- Không chờ cơn đau trở nên tồi tệ hơn mới sử dụng thuốc.
- Không bao giờ uống thuốc của người khác hoặc dùng chung thuốc.
- Không tùy tiện sử dụng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ
- Yêu cầu bác sĩ thay đổi kế hoạch kiểm soát cơn đau nếu thuốc không hoạt động.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Cancer.gov
XEM THÊM: