Các dấu ấn ung thư phổi: Những điều cần biết

Xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi hiện đang là hướng đi mới được nhiều nước áp dụng để chẩn đoán bệnh, trong đó có Việt Nam. Phương pháp này giúp hỗ trợ chẩn đoán bệnh từ giai đoạn sớm, qua đó giảm thiểu nguy cơ xảy ra những hậu quả nghiêm trọng khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn. Cùng tìm hiểu thông tin chi tiết trong bài viết này nhé.  

Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Trần Thị Huyền Trang - Bác sĩ xét nghiệm - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City

1. Tình trạng ung thư phổi trong thời gian gần đây

Trên thế giới, ung thư phổi là một trong những loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất với 1,8 triệu ca mắc mới và 1,6 triệu người chết mỗi năm.

Các châu lục như Châu Á, Châu Âu và Bắc Mỹ hiện đang có tỷ lệ mắc cao nhất. Ở Việt Nam, số ca mắc ung thư phổi mỗi năm lên tới khoảng 22.000, trong đó có 19.500 ca tử vong. Đặc biệt, vào năm 2020, số lượng ca mắc đã gia tăng lên đến 34.000.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư phổi có khả năng diễn biến nghiêm trọng hơn với dự báo mỗi năm sẽ có khoảng 10 triệu người tử vong và 15 triệu người mắc bệnh mới.

Mặc dù thuốc lá là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư phổi nhưng theo các số liệu thống kê, mỗi năm có đến 270.000 ca mắc mới từ những yếu tố khác, bao gồm bức xạ, nguy cơ từ công việc trong các ngành nghề có rủi ro cao tiếp xúc với chất gây ung thư, ô nhiễm không khí ở các khu vực đô thị, ô nhiễm không khí trong các không gian kín thường xuyên sử dụng các loại chất đốt như than đá và củi gỗ,… mà không có hệ thống thông gió hiệu quả cùng với nhiều nguyên nhân khác.

Việc quản lý bệnh nhân ung thư phổi từ quá trình chẩn đoán sớm đến theo dõi điều trị hiện nay đối mặt với không ít thử thách. Các bác sĩ lâm sàng đang sử dụng các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh và sinh thiết mô như những công cụ chủ yếu để chẩn đoán và quản lý bệnh nhân ung thư phổi. Tuy nhiên, độ nhạy của những phương pháp này lại chịu ảnh hưởng lớn từ cách thức thu thập mẫu và vị trí của khối u.

2. Các biểu hiện của bệnh ung thư phổi

Ung thư phổi thường gây ra các triệu chứng như ho kéo dài, thở gấp hoặc khó thở, tức ngực và ho ra máu. Tuy nhiên, những triệu chứng này không đặc hiệu nên dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý đường hô hấp khác khiến người bệnh dễ chủ quan.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy 25% bệnh nhân được chẩn đoán mắc ung thư phổi không gặp bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi nhận được kết quả xét nghiệm. Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng toàn thân như sốt, sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, đau ngực, đau xương, khó nuốt, phù mặt cổ và khàn tiếng sẽ xuất hiện.

Một dấu hiệu của ung thư phổi là ho ra máu.
Một dấu hiệu của ung thư phổi là ho ra máu.

3. Chụp CT phát hiện ung thư phổi

Trước đây, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân chụp X-quang để chẩn đoán. Nếu phát hiện dấu hiệu bất thường, bác sĩ sẽ tiếp tục chỉ định thêm các xét nghiệm khác để xác minh xem có phải ung thư phổi hay không.

Chụp CT hiện đã trở thành một phương pháp phổ biến với tần suất trung bình là 1,5 năm/lần. Đặc biệt, phương pháp này thường được áp dụng đối với những người nghiện thuốc lá. Mặc dù vậy, tỷ lệ dương tính giả ở những bệnh nhân có triệu chứng vẫn dao động từ 20-40% và tỷ lệ này còn cao hơn ở những bệnh nhân không có triệu chứng.

4. Xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi là gì?

Để phát hiện ung thư từ sớm, nhiều quốc gia (trong đó có Việt Nam) đang bắt đầu triển khai một phương pháp mới là xét nghiệm dấu ấn sinh học (dấu ấn ung thư phổi hoặc chất chỉ điểm khối u).

Xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi hiện đang là phương pháp được nhiều quốc gia áp dụng.
Xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi hiện đang là phương pháp được nhiều quốc gia áp dụng.

Trong nhiều thập kỷ qua, dấu ấn ung thư (những dấu hiệu sinh học có nguồn gốc protein) đã được biết đến và nghiên cứu rộng rãi. Những dấu ấn này đã được áp dụng vào các hướng dẫn lâm sàng về ung thư phổi tại một số quốc gia nhằm hỗ trợ cho quá trình chẩn đoán cũng như theo dõi trong và sau điều trị.

Xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi là phương pháp hỗ trợ trong việc chẩn đoán ung thư từ giai đoạn sớm, giúp tránh những hậu quả nghiêm trọng khi bệnh được phát hiện quá muộn. Hiện nay, khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi được phát hiện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, dẫn đến khó khăn trong việc điều trị và khả năng sống sót sau 5 năm của bệnh nhân rất thấp.

Ngoài ra, quá trình chẩn đoán và điều trị sớm ung thư phổi đóng vai trò quan trọng trong quản lý căn bệnh này. Các dấu ấn ung thư phổi không chỉ hỗ trợ chẩn đoán mà còn giúp theo dõi hiệu quả điều trị, mang lại giá trị y khoa thiết thực cho cả bác sĩ và bệnh nhân, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế xã hội.

5 chất chỉ điểm cho u phổi hiện nay thường gặp bao gồm CEA, ProGRP, NSE, Cyfra 21-1 và SCC và tất cả sẽ được kiểm tra qua mẫu máu của bệnh nhân. Khi cơ thể không có dấu hiệu bất thường, các chất này sẽ có nồng độ thấp. Tuy nhiên, khi khối u phổi ác tính xuất hiện thì nồng độ sẽ tăng cao bất thường.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu phối hợp những dấu ấn ung thư phổi như CEA, Cyfra 21-1, SCC, CA 15-3, NSE và ProGRP với nhau thì độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị tiên đoán dương và giá trị tiên đoán âm sẽ đạt lần lượt là 88.5%, 82%, 83.7%, và 87.3% vượt trội so với khi dùng riêng biệt từng dấu ấn ung thư phổi.

Trắc nghiệm: Hiểu về phổi của bạn

Phổi là một tạng lớn rất quan trọng và không thể thiếu trong cơ thể. Việc giữ cho lá phổi của bạn luôn khỏe mạnh, tránh khỏi những bệnh phổ biến về phổi là điều bạn cần lưu ý để giúp cơ thể bạn có thể vận hành tốt. Hãy cùng chúng tôi trả lời nhanh những câu hỏi trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn hiểu về phổi của bạn hơn.

Bài dịch từ: webmd.com

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Nguyễn Huy Nhật , chuyên khoa Nội Hô hấp , Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Vinmec Đà Nẵng

Nguyễn Huy Nhật
Nguyễn Huy Nhật
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nội Hô hấp
Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Vinmec Đà Nẵng
Các chất chỉ điểm sẽ có nồng độ thấp khi cơ thể không có dấu hiệu bất thường.
Các chất chỉ điểm sẽ có nồng độ thấp khi cơ thể không có dấu hiệu bất thường.

Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao như những người hút thuốc (kể cả hút thuốc thụ động), gia đình có người bị ung thư phổi (bố mẹ, anh chị em), người làm việc trong môi trường có nguy cơ tiếp xúc với chất gây ung thư hoặc sống trong môi trường ô nhiễm ở các thành phố lớn… cần được xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi thường xuyên hơn. Tần suất xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi sẽ thay đổi theo độ tuổi. Trong đó, càng lớn tuổi thì tần suất thực hiện xét nghiệm dấu ấn ung thư phổi càng cao.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4825/QĐ-BYT vào ngày 6 tháng 8 năm 2018 về việc ban hành tài liệu chuyên môn "Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ". Tài liệu này sử dụng các chỉ điểm u CEA, ProGRP, NSE, Cyfra 21-1, SCC để xác định chẩn đoán u nguyên phát ở phổi, đồng thời áp dụng các chất chỉ điểm khác như CA 125, CA 15-3, CA 19-9, PSA trong việc chẩn đoán phân biệt di căn phổi.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đã và đang trang bị đầy đủ các phương tiện chẩn đoán hiện đại như PET/CT, SPECT/CT, MRI… và các xét nghiệm như huyết tủy đồ, mô bệnh học, hóa mô miễn dịch, xét nghiệm gen, sinh học phân tử, dấu ấn sinh học. Cùng với đó, bệnh viện cũng cung cấp các loại thuốc điều trị đích và thuốc miễn dịch tiên tiến trong điều trị ung thư.  

Hơn nữa, Vinmec còn sử dụng phương pháp điều trị ung thư đa mô thức bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, ghép tế bào gốc tạo máu, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch và các phương pháp điều trị tiên tiến như liệu pháp miễn dịch tự thân, nhiệt trị.

Người bệnh sẽ được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu và hiệu quả nhất sau khi có chẩn đoán chính xác và xác định giai đoạn bệnh. Quá trình điều trị luôn được thực hiện phối hợp giữa các chuyên khoa để đảm bảo mang lại hiệu quả cao và sự thoải mái cho người bệnh. Sau khi kết thúc điều trị, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi và tái khám để đánh giá hiệu quả của việc điều trị ung thư.

Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, Vinmec hiện đang triển khai các gói sàng lọc ung thư phổi, qua đó giúp Quý khách hàng phát hiện bệnh ung thư từ sớm trước khi có triệu chứng, tăng khả năng điều trị và phục hồi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Tài liệu tham khảo

1 Kamangar F, Dores G, Anderson W. Patterns of Cancer Incidence, Mortality and Prevalence Across Five Continents: Defining Priorities to Reduce Cancer Disparities in Different Geographic Regions of the World. J Clin Oncol. 2006; 24: 4.

2 Ferlay J, Soerjomataram I, Dikshit Retal. Cancer incidence and mortality worldwide: sources, methods and major patterns in GLOBOCAN 2012. International Journal of Cancer doi:10.1002/ijc.29210 PMID:25220842 Published online 9 October 2014

3 Risse EK et al. Diagn Cytopathol. 1985: 1; 286–291

4 D. Morgensztern, Lung cancer: A clinical guide. Published by Lippincott Williams & Wilkins, 2008

5 Zhi X., Shi Y., Yu J. Chinese guidelines on the diagnosis and treatment of primary lung cancer. Chin J Oncol. 2015; 37: 1-19

6 http://vienyhocungdung.vn/70-benh-nhan-ung-thu-phoi-duoc-phat-hien-o-giai-doan-muon-2016091011050038.htm

7 World Health Organization. World Cancer Report 2008 [document on the internet]. Lyon; 2008; [cited 2016 Nov 21]. Available from: http://www.iarc.fr/en/publications/pdfs-online/wcr/2008/wcr_2008.pdf [Calculation: 960,000 (new cases per year in men) + 390,000 (new cases per year in women) = 1,350,000 (new cases per year) / 1,350,000/100 = 13,500 (1% of cases diagnosed each year) / 13,500 * 20 = 270,000 (new cases per year not linked to smoking)

8 Molina R, et al. Am J Respir Crit Care Med. 2016 Feb 15;193(4):427-37

10 Quyết định 4825/QĐ-BYT 2018 Tài liệu hướng dẫn chẩn đoán, điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe