Các dấu hiệu trẻ sơ sinh bị nhiễm liên cầu nhóm B

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ nội trú Đặng Thị Ngoan - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây nhiễm từ người mẹ sang trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ. Trẻ sơ sinh nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có nguy cơ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não,...

1. Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

Liên cầu khuẩn nhóm B (group B streptococcus – GBS) là một loại vi khuẩn tồn tại trong cơ thể, chủ yếu là đường tiêu hóa, đường tiết niệu và đường sinh dục ở nam và nữ, thường không gây bệnh nghiêm trọng. Ở phụ nữ, liên cầu khuẩn nhóm B thường phát triển trong tử cung và trực tràng. Đây không phải là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ở phụ nữ mang thai, hầu hết người mang mầm bệnh Strep B đều không có triệu chứng hoặc không gặp các bất lợi về sức khỏe. Một số trường hợp có thể bị viêm đường tiết niệu hoặc viêm tử cung. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai cần cẩn trọng với nhóm vi khuẩn này vì chúng có thể lây truyền qua trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ.


Bệnh liên cầu khuẩn có thể lây từ mẹ sang con
Bệnh liên cầu khuẩn có thể lây từ mẹ sang con

2. Biểu hiện của liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh

Có 2 dạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh: Khởi phát sớm và khởi phát muộn. Mỗi dạng có các triệu chứng riêng nhưng đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

2.1 Khởi phát sớm

Liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh thường xảy ra vào tuần đầu tiên khi trẻ ra đời, chủ yếu là trong vòng 24 - 48 giờ đầu sau khi sinh. Trẻ sơ sinh bị nhiễm vi khuẩn liên cầu nhóm B khi người mẹ mang vi khuẩn chuyển dạ. Có khoảng 50% số trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn từ âm đạo của mẹ nhưng chỉ 1 - 2% trong số này có biểu hiện của bệnh. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gồm: Sinh thiếu tháng, người mẹ lao động kéo dài, người mẹ bị sốt, biến chứng sản khoa,...

Những triệu chứng phổ biến ở trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát sớm là: Triệu chứng nhiễm khuẩn huyết, hô hấp nguy kịch, ngủ lịm, hạ huyết áp, các vấn đề về đường tiêu hóa và thận. Trẻ có thể gặp các biến chứng như: Nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi và viêm màng não,...

2.2 Khởi phát muộn

Liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát muộn thường xảy ra sau khi trẻ được 1 tuần - 3 tháng tuổi. Loại viêm nhiễm này chủ yếu đến từ các con đường: Mẹ truyền sang con trong quá trình chuyển dạ hoặc do tiếp xúc với người mang vi khuẩn liên cầu nhóm B. Biểu hiện của trẻ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát muộn là: Hoạt động chậm hoặc không hoạt động, quấy khóc, bú kém, nôn ói, ngủ lịm hoặc dễ bị kích thích, sốt cao,... Trẻ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát muộn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm xương tủy, viêm khớp, viêm màng não,...

3. Biện pháp phòng tránh liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh


Khi mẹ bầu mang liên cầu khuẩn nhóm B cần đến khám bác sĩ để thực hiện các biện pháp chống lây truyền sang con
Khi mẹ bầu mang liên cầu khuẩn nhóm B cần đến khám bác sĩ để thực hiện các biện pháp chống lây truyền sang con

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh, thai phụ nên thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở tuần thứ 35 - 37 của thai kỳ. Khi tiến hành xét nghiệm, bác sĩ sẽ lấy mẫu thử từ tử cung và trực tràng, gửi đến phòng thí nghiệm để nuôi cấy trong môi trường đặc biệt và đưa ra kết luận chính xác nhất.

Những người mẹ được xác định mang liên cầu khuẩn nhóm B cần phải được điều trị và thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền sang trẻ sơ sinh theo đúng khuyến cáo của bác sĩ chuyên khoa.

Liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây nên các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú trọng tới việc tầm soát bệnh sớm để có biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho trẻ. Đồng thời, khi phát hiện trẻ có biểu hiện nghi ngờ nhiễm GBS cần ngay lập tức đưa trẻ đi thăm khám để được chẩn đoán chính xác và có phương hướng điều trị kịp thời, tránh nguy cơ xảy ra những biến chứng khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe