Trong những năm đầu đời, thính giác là một phần quan trọng trong sự phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ. Ngay cả khi bị khiếm thính nhẹ hoặc một phần cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển lời nói và ngôn ngữ của trẻ. Tin tốt là các vấn đề về thính giác có thể được khắc phục nếu chúng được phát hiện sớm, tốt tưởng nhất là khi trẻ được 3 tháng tuổi. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải đưa trẻ đi khám sớm và kiểm tra thính lực thường xuyên.
1. Khiếm thính ở trẻ em
Khiếm thính có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển lời nói, ngôn ngữ và các kỹ năng xã hội của trẻ. Trẻ khiếm thính bắt đầu được các điều trị càng sớm thì càng có nhiều khả năng phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu bạn nghĩ rằng một đứa trẻ có thể bị mất thính lực, đưa trẻ đi kiểm tra thính giác càng sớm càng tốt. Đừng chờ đợi!
Suy giảm thính lực có thể xảy ra khi bất kỳ bộ phận nào của tai không hoạt động theo cách thông thường. Các bộ phận này bao gồm:
2. Các loại mất thính giác ở trẻ em
Mất thính giác ở trẻ em có hai loại chính đó là:
- Suy giảm thính lực dẫn truyền
- Suy giảm thích lực thần kinh
2.1. Suy giảm thính lực dẫn truyền ở trẻ em
Suy giảm thính lực dẫn truyền là do sự tắc nghẽn trong việc truyền âm thanh đến tai trong.
Nhiễm trùng tai là nguyên nhân phổ biến nhất của loại khiếm thính này ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Tình trạng này thường nhẹ, chỉ là tạm thời và có thể điều trị được bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Suy giảm thính lực dẫn truyền cũng có thể do sự bất thường về cấu trúc của ống tai ngoài hoặc tai giữa gây ra.
2.2. Suy giảm thính lực thần kinh
Giảm thính lực thần kinh giác quan hay còn gọi là điếc thần kinh là do sự bất thường của tai trong hoặc các dây thần kinh mang tín hiệu âm thanh từ tai trong đến não. Bất thường này có thể xuất hiện ngay sau khi sinh hoặc xảy ra sau đó.
Mất thính giác thần kinh hay còn gọi là điếc thần kinh có thể xảy ra khi tai trong (ốc tai) bị tổn thương hoặc có vấn đề về cấu trúc. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, tình trạng này có thể do các vấn đề với vỏ thính giác, phần não chịu trách nhiệm nghe.
Giảm thính lực ốc tai, loại phổ biến nhất, có thể liên quan đến một phần cụ thể của ốc tai như tế bào lông trong, tế bào lông ngoài hoặc cả hai. Nó thường tồn tại khi mới sinh và có thể do di truyền hoặc do các bệnh lý khác, cũng có khi không rõ nguyên nhân. Loại mất thính lực này thường là vĩnh viễn.
Mức độ mất thính giác thần kinh giác quan có thể là:
- Nhẹ: trẻ không thể nghe thấy một số âm thanh nhất định.
- Vừa phải: trẻ không thể nghe thấy nhiều âm thanh.
- Nặng: trẻ không thể nghe thấy hầu hết các âm thanh.
- Rất nặng: trẻ không thể nghe thấy bất kỳ âm thanh nào.
Đôi khi tình trạng mất thính lực tiến triển trở nên tồi tệ hơn theo thời gian và đôi khi chỉ xảy ra ở một bên tai.
Chính vì tình trạng mất thính lực có thể trở nên tồi tệ hơn theo thời gian, nên kiểm tra thính lực nên được lặp lại sau đó. Mặc dù thuốc và phẫu thuật không thể chữa khỏi loại khiếm thính này, nhưng máy trợ thính có thể giúp trẻ nghe tốt hơn.
Khiếm thính hỗn hợp xảy ra khi một người bị mất thính giác cả thần kinh dẫn truyền và thần kinh giác quan.
Mất thính lực trung tâm xảy ra khi ốc tai hoạt động bình thường, nhưng các bộ phận khác của não thì không. Loại khiếm thính hiếm gặp này càng khó điều trị.
Rối loạn xử lý thính giác (APD) là tình trạng tai và não không thể phối hợp hoàn toàn. Những đứa trẻ bị rối loạn xử lý thính giác thường nghe tốt khi yên tĩnh, nhưng không thể nghe rõ khi ồn ào. Trong hầu hết các trường hợp, liệu pháp ngôn ngữ có thể giúp trẻ mắc rối loạn xử lý thính giác.
3. Nguyên nhân gây mất thính giác ở trẻ em
Nghe kém là một dị tật bẩm sinh phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 1 -3 trong số 1.000 trẻ sơ sinh. Mặc dù nhiều thứ có thể dẫn đến mất thính lực, nhưng khoảng một nửa các trường hợp mất thính giác không tìm thấy nguyên nhân.
Mất thính giác ở trẻ em có thể do một số nguyên nhân sau:
- Trẻ sinh non.
- Trẻ phải ở lại phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh (NICU).
- Trẻ bị vàng da sơ sinh với mức bilirubin đủ cao để cần truyền máu.
- Trẻ đã được cho dùng thuốc có thể dẫn đến mất thính giác.
- Trong gia đình có thành viên gia đình bị khiếm thính thời thơ ấu.
- Trẻ đã có một số biến chứng khi sinh.
- Trẻ bị nhiều bệnh nhiễm trùng tai.
- Trẻ bị nhiễm trùng như viêm màng não hoặc cytomegalovirus gây bệnh rubella. Nếu người mẹ mắc bệnh rubella (bệnh sởi Đức) hoặc một bệnh truyền nhiễm khác ảnh hưởng đến thính giác trong thời kỳ mang thai, thai nhi có thể đã bị nhiễm bệnh và do đó có thể bị mất thính giác.
- Trẻ tiếp xúc với âm thanh hoặc tiếng ồn rất lớn. Thậm chí chỉ tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian ngắn cũng có thể gây ảnh hưởng đến thính giác của trẻ.
4. Khi nào thì nên đánh giá thính giác của trẻ?
Khám sàng lọc thính giác trẻ sơ sinh có thể xác định hầu hết trẻ em sinh ra bị khiếm thính. Nhưng trong một số trường hợp, mất thính lực là do những nguyên nhân như nhiễm trùng, chấn thương và mức độ tiếng ồn gây hại, và vấn đề này có thể xuất hiện sau này.
Các nhà nghiên cứu tin rằng số người bị mất thính lực tăng gấp đôi từ khi mới sinh đến tuổi thiếu niên. Vì vậy, điều quan trọng là phải kiểm tra thính giác của trẻ em thường xuyên khi chúng lớn lên.
Trẻ sơ sinh của bạn nên được kiểm tra thính lực trước khi xuất viện. Hiện này, hầu hết các khoa Sản của các bệnh viện đều tiến hành đo thính lực của trẻ trước khi trẻ xuất viện. Nếu em bé của bạn không được kiểm tra thính lực, hoặc được sinh ra tại nhà hoặc trung tâm bảo trợ sinh sản, bạn cần phải kiểm tra thính giác của bé trong vòng 3 tuần đầu tiên sau sinh.
Nếu con bạn không vượt qua cuộc kiểm tra thính lực, điều đó không có nghĩa là trẻ bị khiếm thính. Bởi vì các mảnh vụn hoặc chất lỏng trong tai có thể cản trở xét nghiệm này, nên xét nghiệm thường được làm lại sau đó để xác định chẩn đoán.
Nếu trẻ sơ sinh của bạn không vượt qua cuộc kiểm tra thính lực ban đầu, điều quan trọng là phải kiểm tra lại trong vòng 3 tháng để việc điều trị có thể bắt đầu sớm nhất. Điều trị mất thính lực có thể hiệu quả nhất nếu được bắt đầu trước khi trẻ được 6 tháng tuổi.
Những đứa trẻ dường như có thính giác bình thường nên tiếp tục được đánh giá thính lực tại các cuộc hẹn với bác sĩ định kỳ. Các bài kiểm tra thính lực thường được thực hiện ở lứa tuổi 4, 5, 6, 8, 10 và bất kỳ lúc nào khác nếu bạn nghi ngờ trẻ có vấn đề về thính giác.
Nhưng nếu con bạn dường như có vấn đề về thính giác, nếu sự phát triển giọng nói của bé có vẻ bất thường, hoặc nếu lời nói của con bạn khó hiểu, hãy đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt. Bởi mất thính lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào và có thể dẫn đến khả năng học tập và phát triển của trẻ bị chậm.
5. Các dấu hiệu cảnh báo trẻ có vấn đề về thính giác
Bạn cần liên hệ với bác sĩ nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu cảnh báo trẻ có vấn đề về thính giác nào dưới đây.
5.1. Dấu hiệu cảnh báo trẻ từ 12 đến 18 tháng có vấn đề về thính giác
- Trẻ không thích các trò chơi như patty-cake (một trò chơi vỗ tay giữa những đứa trẻ hoặc một đứa trẻ và một người lớn).
- Trẻ không nhận ra tên của những người thân, vật nuôi và đồ vật quen thuộc.
- Trẻ không thể làm theo các lệnh đơn giản như "đến đây".
- Trẻ không quay đầu lại khi nghe âm thanh phát ra từ hướng khác.
- Trẻ không thể hiện mong muốn của mình.
- Trẻ không bắt chước những từ đơn giản.
- Trẻ không sử dụng ít nhất hai từ.
- Trẻ không phản hồi với âm nhạc.
- Trẻ không lảm nhảm.
- Trẻ không chỉ vào các bộ phận cơ thể đơn giản hoặc nhìn vào các đồ vật quen thuộc khi được yêu cầu
5.2. Dấu hiệu cảnh báo trẻ từ 19 đến 24 tháng có vấn đề về thính giác
- Trẻ không nói quá năm từ.
- Trẻ không thể chỉ vào ít nhất hai bộ phận cơ thể khi được hỏi.
- Trẻ không trả lời bằng "có" hoặc "không" cho một câu hỏi hoặc mệnh lệnh.
- Trẻ không thể xác định các vật thể phổ biến như "quả bóng" hoặc "con mèo".
- Trẻ không trộn lẫn tiếng lảm nhảm với một số bài phát biểu dễ hiểu.
- Trẻ không thích được đọc cho nghe.
- Trẻ không hiểu câu hỏi "có" và "không" như "Con có thích quả bóng này không?”.
- Trẻ không hiểu các cụm từ đơn giản như "dưới bàn", "trong hộp",...
5.3. Dấu hiệu cảnh báo trẻ từ 25 đến 29 tháng có vấn đề về thính giác
- Không phản hồi các lệnh gồm hai phần như "ngồi xuống và uống sữa của bạn"
- Không thể trả lời câu hỏi "cái gì" và "ai"
- Không thể tạo các câu đơn giản gồm hai từ, chẳng hạn như "Tôi đi"
- Không quan tâm đến những câu chuyện đơn giản
- Không hiểu nhiều từ hành động ("chạy", "đi bộ", "ngồi")
5.4. Dấu hiệu cảnh báo trẻ từ 30 đến 36 tháng có vấn đề về thính giác
- Trẻ không hiểu các thuật ngữ sở hữu như "của tôi" và "của bạn".
- Trẻ không thể chọn những thứ theo kích thước, chẳng hạn như "lớn" và "nhỏ".
- Trẻ không sử dụng bất kỳ số nhiều hoặc động từ nào.
- Trẻ không hỏi câu hỏi "cái gì" và "tại sao".
- Trẻ không hiểu "không phải bây giờ" hoặc "không tiếp tục nữa".
6. Kiểm tra thính giác cho trẻ như thế nào?
Một số phương pháp có thể được sử dụng để kiểm tra thính lực cho trẻ, tùy thuộc vào độ tuổi, sự phát triển và tình trạng sức khỏe của trẻ.
Trong các bài kiểm tra hành vi, một chuyên gia về thích giác cẩn thận theo dõi một đứa trẻ phản ứng với những âm thanh như giọng nói đã được hiệu chỉnh (lời nói được phát với âm lượng và cường độ cụ thể) và âm sắc thuần túy. Âm thanh thuần túy là âm thanh có cao độ (tần số) rất cụ thể, giống như một nốt nhạc trên bàn phím.
Một gia về thính giác có thể biết trẻ sơ sinh hoặc trẻ mới biết đi phản ứng bằng chuyển động mắt hoặc quay đầu của trẻ. Trẻ mẫu giáo có thể di chuyển một phần trò chơi để phản ứng với âm thanh và học sinh lớp 1 có thể giơ tay. Trẻ có thể đáp lại lời nói bằng các hoạt động như xác định hình ảnh của một từ hoặc lặp lại các từ một cách nhẹ nhàng.
Nếu một đứa trẻ còn quá nhỏ để kiểm tra thính giác hành vi hoặc có các vấn đề sức khỏe hoặc phát triển khác để ngăn chặn loại kiểm tra này, các bác sĩ có thể kiểm tra các vấn đề về thính giác bằng cách xem tai, dây thần kinh và não hoạt động tốt như thế nào thông qua các phương pháp dưới đây.
6.1.Kiểm tra phản ứng thân não thính giác (ABR)
Đối với thử nghiệm này, tai nghe siêu nhỏ được đặt trong ống tai và các điện cực nhỏ (cảm biến trông giống như miếng dán nhỏ) được đặt sau tai và trên trán. Thông thường, âm thanh nhấp chuột được gửi qua tai nghe và các điện cực đo phản ứng của dây thần kinh thính giác với âm thanh.
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi có thể ngủ trong suốt quá trình kiểm tra, nhưng trẻ lớn hơn có thể cần an thần cho bài kiểm tra này. Những đứa trẻ lớn hơn có thể thực hiện bài kiểm tra này trong một môi trường im lặng.
Thính lực bình thường có hình thức nhất định khi kết quả xét nghiệm được thể hiện trên biểu đồ. Do đó, chỉ số ABR bình thường cho thấy tai trong và phần dưới của hệ thống thính giác (thân não) của em bé đang hoạt động bình thường cho âm thanh điển hình. ABR bất thường có thể là một dấu hiệu của mất thính giác, nhưng nó cũng có thể là do một số vấn đề sức khỏe hoặc các vấn đề về đo lường.
6.2.Kiểm tra phản hồi trạng thái ổn định của thính giác (ASSR)
Xét nghiệm này tương tự như ABR, tuy nhiên trẻ sơ sinh thường cần được ngủ hoặc an thần để làm xét nghiệm ASSR.
Âm thanh truyền vào ống tai, và một máy tính sẽ thu nhận phản ứng của não đối với âm thanh và tự động quyết định xem mất thính lực ở mức độ nhẹ, trung bình, nặng hay rất nặng. Thử nghiệm ASSR này phải được thực hiện với ABR để kiểm tra thính lực chứ không phải thay thế cho Kiểm tra phản ứng thân não thính giác (ABR).
6.3. Kiểm tra tiềm năng khơi gợi thính giác trung tâm (CAEP)
Thử nghiệm này tương tự như ABR, và sử dụng cùng một tai nghe nhỏ và điện cực nhỏ. kiểm tra tiềm năng khơi gợi thính giác trung tâm cho phép bác sĩ xem các đường dẫn từ thân não đến vỏ thính giác có hoạt động bình thường hay không.
Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm CAEP đối với một số dạng mất thính lực cụ thể. Thử nghiệm này có thể được thực hiện ở mọi lứa tuổi và không cần sự đồng ý tham gia của trẻ.
6.4. Thử nghiệm phát xạ âm thanh (OAE)
Trẻ sơ sinh đang ngủ hoặc trẻ lớn hơn có thể ngồi yên để làm bài kiểm tra nhanh này. Một đầu dò cực nhỏ được đặt trong ống tai, sau đó nhiều âm thanh xung động được gửi đi và đầu dò ghi lại phản hồi "tiếng vang" từ các tế bào lông ngoài ở tai trong. Các bản ghi này được tính trung bình bằng máy tính.
Ghi âm bình thường cho thấy các tế bào lông bên ngoài đang hoạt động tốt. Nhưng trong một số trường hợp, tình trạng mất thính lực vẫn có thể xảy ra nếu các đường nghe khác không hoạt động bình thường.
Các bệnh viện sử dụng phương pháp ABR hoặc OAE để sàng lọc trẻ sơ sinh. Nếu một em bé không vượt qua được sàng lọc, xét nghiệm thường được làm lại. Nếu sàng lọc lại thất bại, em bé sẽ được gửi đến bác sĩ thính học để đánh giá toàn bộ thính lực.
6.5. Kiểm tra màng nhĩ (Tympanometry)
Kiểm tra màng nhĩ (Tympanometry) không phải là một bài kiểm tra thính giác mà là một thủ thuật có thể cho biết màng nhĩ chuyển động như thế nào khi một âm thanh nhẹ và áp suất không khí được đưa vào ống tai. Nó hữu ích trong việc xác định các vấn đề về tai giữa, chẳng hạn như tụ dịch sau màng nhĩ.
Một lần kiểm tra màng nhĩ đưa ra kết quả mật độ vào một biểu đồ. Một đường "phẳng" trên hình ảnh kết quả có thể cho biết màng nhĩ không thể di chuyển, trong khi một đường "đỉnh" thường gợi ý rằng màng nhĩ đang chuyển động bình thường. Các bác sĩ khám bệnh kết hợp khám tai bằng mắt thường và xem màng nhĩ.
6.6. Phản xạ cơ tai giữa (MEMR)
Phản xạ cơ tai giữa MEMR còn gọi là bài kiểm tra phản xạ âm thanh. Phương pháp này kiểm tra mức độ phản ứng của tai với âm thanh lớn bằng cách gợi lên phản xạ. Ở tai khỏe mạnh, phản xạ này giúp bảo vệ tai khỏi âm thanh lớn.
Phương pháp kiểm tra này được thực hiện bằng một đầu cao su mềm được đặt trong ống tai. Một loạt âm thanh lớn được gửi qua các đầu mút vào tai và máy ghi lại liệu âm thanh đó có kích hoạt phản xạ hay không. Đôi khi thử nghiệm được thực hiện trong khi trẻ đang ngủ.
Trẻ có thể gặp vấn đề về thính giác vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình phát triển của chúng. Suy giảm thính giác có thể gây ảnh hưởng đến việc phát triển nhận thức và cảm xúc của trẻ. Chính vì vậy cần thường xuyên kiểm tra thính giác cho trẻ để có thể phát hiện các vấn đề bất thường và điều trị sớm nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: babycenter.com, kidshealth.org, cdc.gov, healthychildren.org