Các chỉ số trong kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc - Bác sĩ Nội tổng quát - Nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Xét nghiệm chức năng tuyến giáp cho biết cụ thể một số chỉ số quan trọng của tuyến giáp như TSH, T4 toàn phần, FT3, TSI. Các chỉ số này giúp bác sĩ chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị bệnh lý tuyến giáp phù hợp.

1. Chức năng của tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nhỏ có hình bướm, nằm ở trước cổ. Tuyến giáp có nhiệm vụ sản xuất hormone điều hòa hoạt động của các tế bào và các mô cơ quan trong cơ thể. Tốc độ trao đổi chất của cơ thể và nồng độ của một số loại khoáng chất trong máu có liên quan mật thiết với hoạt động của hormone tuyến giáp.

Hormone thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3) là 2 trong số 3 loại hormone do tuyến giáp sản xuất và phóng thích vào máu. Hai hormone này có nhiệm vụ tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể. Loại hormone còn lại làm nhiệm vụ kiểm soát hàm lượng canxi trong máu.

Vùng dưới đồi và tuyến yên của não bộ sinh ra hormone điều khiển hoạt động của tuyến giáp. Vùng dưới đồi nhận các tín hiệu về trạng thái của các chức năng trong cơ thể. Khi vùng dưới đồi nhận thấy nồng độ T3 và T4 thấp hoặc tỷ lệ trao đổi chất của cơ thể thấp, nó sẽ giải phóng ra hormone thyrotropin-releasing (TRH). TRH đi đến tuyến yên qua hệ thống mạch máu, kích thích tuyến yên tiết ra hormone kích thích tuyến giáp (TSH).

TSH được sản xuất từ tuyến yên vào máu, đi đến tuyến giáp. Tại tuyến giáp, TSH kích thích các tế bào tuyến giáp sản xuất nhiều T3 và T4 hơn. Sau đó, T3 và T4 sẽ được phóng thích vào máu, làm nhiệm vụ tăng cường hoạt động trao đổi chất của các tế bào trong cơ thể.


Chức năng của tuyến giáp là sản xuất hormone điều hòa hoạt động của các tế bào và các mô cơ quan trong cơ thể
Chức năng của tuyến giáp là sản xuất hormone điều hòa hoạt động của các tế bào và các mô cơ quan trong cơ thể

2. Mục đích xét nghiệm chức năng tuyến giáp

2.1 Các xét nghiệm máu chức năng tuyến giáp:

  • Triiodothyronine (T3): Là hormone giáp dạng hoạt động, được tạo ra từ T4. Xét nghiệm T3 toàn phần giúp đo lường lượng Triiodothyronine lưu hành trong máu (gồm cả T3 gắn kết protein và không gắn kết protein);
  • Thyroxine (T4): Xét nghiệm T4 toàn phần giúp đo lường toàn bộ lượng thyroxine trong máu, đo lường chức năng giáp. Trong trường hợp nghi ngờ một vấn đề mới xuất hiện, xét nghiệm T4 sẽ được thực hiện cùng với xét nghiệm chỉ số TSH;
  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): Là hormone tuyến yên mang tín hiệu đến cho tuyến giáp;
  • Kháng thể Thyroid peroxidase (TPOAb): Là loại kháng thể do cơ thể sản xuất, vô tình tấn công và phá hủy các mô tuyến giáp khỏe mạnh. Khi xuất hiện kháng thể này, chứng tỏ bệnh nhân mắc bệnh tự miễn tuyến giáp như viêm giáp Hashimoto hoặc Grave (Basedow). Xét nghiệm này cũng được chỉ định cho phụ nữ có thai và có bệnh tự miễn, đặc biệt là bệnh tuyến giáp tự miễn như Hashimoto hoặc Grave. Một số người có TPOAb tang cao mà không có bệnh tuyến giáp có thể tang nguy cơ bệnh tuyến giáp trong tương lai nên nên theo dõi định kì tuyến giáp để tránh bỏ sót bệnh tuyến giáp trong tương lai.
  • Kháng thể TRAb có thành phần TSI (Globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp) là kháng thể kích thích tuyến giáp tăng cường hoạt động và sản xuất quá mức lượng hormone giáp vào máu. Chỉ định Xét nghiệm TRAb:
    • Chẩn đoán xác định bệnh Grave
    • Chẩn đoán phân biệt bệnh Grave với các bệnh tuyến giáp có cường giáp khác
    • Theo dõi điều trị Grave
    • Phụ nữ có thai 3 tháng cuốicó tiền sử mắc bệnh tuyến giáp để tiên lượng nguy cơ cường giáp ở trẻ sơ sinh
  • Thyroglobulin (Tg): Là một protein được sản xuất bởi tuyến giáp. Xét nghiệm này có giá trị trên những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể nhú và thể nang nhằm phát hiện tế bào ung thư còn sản xuất Tg nữa hay không so với trước khi điều trị ung thư; xác định kết quả điều trị ung thư và phát hiện khả năng tái phát ung thư sau điều trị. Ngoài ra, Tg cũng được chỉ định để giúp xác định nguyên nhân của cường giáp và theo dõi hiệu quả điều trị các bệnh như Basedow. Tg cũng giúp chẩn đoán phân biệt viêm tuyến giáp bán cấp với nhiễm độc giáp do thuốc và để xác định nguyên nhân suy giáp bẩm sinh ở trẻ em.
  • Kháng thể Thyroglobulin (TgAb): Là kháng thể do cơ thể sản xuất, đáp ứng sự hiện diện của Thyroglobulin. Sự tăng sản xuất Thyroglobulin quá mức là bất thường. Bởi vậy, sự sản xuất TgAb được xem là lựa chọn phòng vệ của cơ thể trước sự tiến triển của bệnh lý tuyến giáp. TgAb giúp chẩn đoán bệnh tuyến giáp tự miễn như Hashimoto, viêm giáp sau đẻ, suy giáp bẩm sinh và Grave.

Kiểm tra các chỉ số của tuyến giáp thông qua việc xét nghiệm máu
Kiểm tra các chỉ số của tuyến giáp thông qua việc xét nghiệm máu

2.2 Mục đích xét nghiệm

Tuyến giáp và tuyến yên là hai bộ phận ảnh hưởng lên chức năng giáp. Tuyến yên là một tuyến sản xuất ra ra hormone kích thích tuyến giáp gọi là TSH. Khi tuyến yên phát hiện có ít hormone tuyến giáp trong máu, nó sẽ sản xuất ra nhiều TSH để thúc đẩy tuyến giáp sản xuất nhiều hormone giáp hơn. Còn trong trường hợp tuyến yên phát hiện có quá nhiều hormone giáp trong máu, nó sẽ giảm sản xuất TSH để giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

Việc sản xuất TSH quy định lượng hormone T3 và T4. Chỉ số của TSH, T3 và T4 có thể cho biết tuyến giáp hoạt động tốt như thế nào và điều gì có thể ảnh hưởng đến hoạt động của tuyến giáp.

Việc thực hiện xét nghiệm chức năng tuyến giáp giúp các bác sĩ có thể xác định một bệnh nhân bị nhược giáp (suy giảm chức năng tuyến giáp), cường giáp (tăng chức năng tuyến giáp) và một số bất thường về tuyến giáp như viêm giáp, hoặc bệnh tự miễn như Grave hay Viêm giáp hashimoto.

3. Kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp

Khi thực hiện các xét nghiệm chức năng tuyến giáp, bạn có thể hoàn toàn yên tâm về sức khoẻ tuyến giáp của mình, nếu kết quả xét nghiệm chức năng tuyến giáp nằm trong giới hạn sau:

  • Chỉ số TSH: 0,4-4,0 mU/L;
  • Chỉ số T4: 60-140 nmol/L;
  • Chỉ số FT4: 10-26 pmol/L;
  • Chỉ số T3: 1,1-2,7 nmol/L;
  • Chỉ số FT3: 3,5-7,8 pmol/L.

4. Ý nghĩa lâm sàng của các chỉ số xét nghiệm

  • Chứng suy giáp nguyên phát do bệnh tuyến giáp như bệnh viêm tuyến giáp Hashimoto khi TSH cao và FT4 thấp;
  • Chứng suy giáp thứ phát do bệnh liên quan đến tuyến yên hoặc do sự phản ứng với một bệnh không phải tuyến giáp khi TSH thấp và FT4 thấp;
  • Những người bị cường giáp như bệnh Graves (Basedow) thì TSH thấp với FT4 tăng;
  • Suy giáp không triệu chứng nếu mức TSH tăng nhẹ nhưng mức FT4 vẫn nằm trong giới hạn tham chiếu bình thường;
  • Nếu kết quả xét nghiệm tuyến giáp ban đầu có dấu hiệu rối loạn chức năng bệnh lý tuyến giáp, hoặc có nghi ngờ mắc bệnh lý tuyến giáp tự miễn thì có thể chỉ định một hoặc nhiều xét nghiệm tự kháng thể của tuyến giáp như TPOAb, TgAb và TRAb.

Khi xuất hiện các vấn đề sức khoẻ như sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân, đổ mồ hôi, nhịp tim nhanh, mệt mỏi, kích ứng mắt, thường xuyên đi tiêu hoặc tiêu chảy,... hay những triệu chứng liên quan tới cường giáp. Lúc này người bệnh cần đến bệnh viện để các bác sĩ thăm khám, chẩn đoán, xét nghiệm đánh giá chức năng tuyến giáp.

Chuyên khoa Nội tiết của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là nơi quy tụ của các y bác sĩ giàu kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng và luôn hết lòng vì sức khỏe bệnh nhân. Đồng thời, bệnh viện còn được trang bị hệ thống trang thiết bị y tế hiện đại, cơ sở vật chất tiện nghi, hỗ trợ tốt nhất cho công tác chẩn đoán và điều trị bệnh.

Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc đã có hơn 10 năm học tập, nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực nội tiết. Bác sĩ Ngọc đã tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Nội tổng quát tại trường Đại học Y Hà Nội và từng học Bác sĩ Nội trú tại Đại học Lyon (Pháp). Hiện tại bác sĩ Ngọc đang là bác sĩ điều trị tại khoa Khám bệnh và Nội khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe