Nhịp tim của người bình thường dao động từ 60 đến 100 lần mỗi phút. Khi nhịp tim dưới 60 lần/phút được xem là chậm, có thể lành tính hoặc là triệu chứng của một số bệnh lý, qua đó ảnh hưởng đến sức khỏe theo nhiều cách khác nhau. Vậy chúng ta cần làm gì để tăng nhịp tim tại nhà nếu mắc phải tình trạng tim đập chậm?
1. Nguyên nhân gây nhịp tim chậm
Trước khi tìm hiểu về những cách làm tăng nhịp tim, chúng ta cần xác định nguyên nhân khiến nhịp tim đập chậm hơn bình thường. Theo bác sĩ, đa số các trường hợp nhịp tim chậm xuất phát từ những nguyên nhân phổ biến sau;
- Quá trình lão hóa và thoái hóa theo thời gian của các tế bào cơ tim;
- Bệnh mạch vành hoặc một số bệnh lý khác gây tổn thương tế bào cơ tim;
- Tăng huyết áp lâu dài cũng là nguyên nhân làm tim đập chậm hơn bình thường;
- Một số bệnh lý tim bẩm sinh có biểu hiện nhịp tim chậm;
- Nhịp tim dưới 60 lần/phút có thể là một biến chứng sau phẫu thuật tim;
- Viêm cơ tim;
- Một số nguyên nhân ngoài tim khiến tim đập chậm như suy giáp (rất thường gặp), rối loạn cân bằng các chất điện giải trong cơ thể, chứng ngưng thở khi ngủ, Lupus ban đỏ hệ thống, viêm hoặc thấp khớp;
- Tình trạng tích tụ sắt dư thừa trong các cơ quan cũng có thể dẫn đến nhịp tim chậm;
- Nhịp tim chậm có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc, bao gồm thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim và hoạt chất điều trị rối loạn tâm thần.
Để hỗ trợ tăng hiệu quả của các cách tăng nhịp tim tại nhà, chúng ta nên tìm hiểu thêm một số yếu tố góp phần dẫn đến tình trạng này, bao gồm:
- Suy chức năng nút xoang, dẫn đến giảm tần số phát xung động dẫn truyền điện cơ tim. Suy nút xoang có thể do tổn thương trực tiếp hoặc do hệ thần kinh giao cảm bị ức chế;
- Tắc nghẽn đường dẫn truyền xung động điện từ tâm nhĩ đến tâm thất.
2. Triệu chứng nhịp tim chậm là gì?
Trước khi tìm cách làm tăng nhịp tim, một việc cơ bản là chúng ta phải biết triệu chứng của nhịp tim chậm là gì. Theo bác sĩ, nhịp tim chậm là khi tần số co bóp của tim dưới 60 lần/phút. Tình trạng này khiến quá trình lưu thông tuần hoàn đến nuôi các cơ quan hay tế bào trong cơ thể bị ảnh hưởng, trong đó quan trọng nhất là thiếu máu lên não, nên sẽ gây ra một số triệu chứng phổ biến sau đây:
- Ngất hoặc xuất hiện cảm giác sắp ngất xỉu;
- Chóng mặt là biểu hiện thường gặp nhất khi nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút;
- Một số trường hợp sẽ cảm thấy khó thở, mệt mỏi và tỏ ra yếu sức;
- Nhịp tim chậm đôi khi khiến máu nuôi cơ tim và gây ra triệu chứng đau tức ngực sau xương ức;
- Một số biểu hiện không đặc hiệu khác như khó ngủ, suy giảm trí nhớ, dễ lẫn lộn và đặc biệt là mệt khi vận động thể chất nặng.
3. Phát hiện nhịp tim chậm tại nhà như thế nào?
Trước hết chúng ta cần có biện pháp để chẩn đoán tim đập chậm trước khi tìm cách làm tăng nhịp tim tại nhà. Việc phát hiện sớm tình trạng bất thường nhịp tim này vô cùng cần thiết bởi nếu để kéo dài có thể dẫn đến một số biến chứng sức khỏe nguy hiểm như dễ ngất xỉu, suy tim, ngưng tim hoàn toàn và nghiêm trọng hơn là đột tử. Nhịp tim chậm có thể là triệu chứng của một số bệnh lý, do đó để chẩn đoán chính xác nhất chúng ta cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán. Tuy nhiên, khi chưa được can thiệp y tế thì người bệnh vẫn có thể phát hiện sớm nhịp tim chậm tại nhà bằng cách bắt mạch (thường là mạch cổ tay) với ưu điểm đơn giản dễ thực hiện. Khi bắt mạch người bệnh cần ở trạng thái nghỉ ngơi hoàn toàn, không nên bắt mạch khi mới thức dậy hoặc sau khi thực hiện một số hoạt động thể chất nặng.
Bước tiếp theo người bệnh cần sử dụng một cái đồng hồ để đếm số lần mạch đập trong vòng 1 phút. Trong suốt quá trình thực hiện, người bệnh cần hít thở đều đặn và giữ tâm lý thư giãn để kết quả nhịp tim nhận được là chính xác nhất.
4. Làm gì để tăng nhịp tim tại nhà?
Nhịp tim chậm là một vấn đề y tế cần được chẩn đoán và điều trị bởi bác sĩ. Tuy nhiên, nếu không có điều kiện tiếp cận y tế hoặc nhịp tim chậm không kèm theo các triệu chứng bất thường thì chúng ta vẫn có thể áp dụng những cách tăng nhịp tim tại nhà sau đây:
4.1. Thường xuyên thay đổi tư thế
Người có nhịp tim chậm có thể áp dụng một cách làm tăng nhịp tim đơn giản là ngồi trên một quả bóng tập thể dục để kích thích các cơ bắp hoạt động nhiều hơn. Bên cạnh đó, những người có nhịp tim dưới 60 lần/phút nên hạn chế ngồi lâu một chỗ trong thời gian dài, thay vào đó hãy thường xuyên đi lại, vận động và thay đổi tư thể để tim hoạt động tốt hơn.
4.2. Tập thể dục nhịp điệu
Thể dục nhịp điệu là một môn thể thao có thể kích thích gia tăng nhịp tim vừa hiệu quả vừa an toàn. Tốt nhất là chúng ta nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa hoặc huấn luyện viên thể thao để tìm ra bài thể dục nhịp điệu hoặc cách tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân. Khi mới bắt đầu bộ môn này, người bệnh tốt nhất chỉ nên tập 5-10 phút mỗi ngày, sau khoảng 1-2 tuần thì gia tăng thời gian tập luyện lên 20-30 phút.
4.3. Đi bộ hoặc chạy bộ
Hoạt động thể chất này có thể hỗ trợ cải thiện nhịp tim theo hướng tích cực, do đó những người có nhịp tim chậm nên thực hiện thường xuyên để cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, một lưu ý quan trọng là người bệnh không cần thực hiện nó quá nhanh, thay vào đó nên đi bộ chậm rãi và đều đặn mỗi ngày khoảng 30 phút là chấp nhận được. Đi bộ hoặc chạy bộ được các bác sĩ đánh giá là một cách tăng nhịp tim đơn giản, dễ thực hiện mà hiệu quả mang lại cũng rất khả quan.
4.4. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Một cách làm tăng nhịp tim có thể thực hiện tại nhà là thay đổi chế độ ăn uống hằng ngày. Theo đó, những trường hợp có nhịp tim chậm nên cắt bớt các món ăn chứa nhiều dầu mỡ, đặc biệt là mỡ động vật khỏi thực đơn mỗi ngày. Thay vào đó nên tăng cường bổ sung thêm các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu trong các thực phẩm như rau màu xanh đậm, sữa, các loại đậu, các loại hạt...
Tuy nhiên, những cách làm tăng nhịp tim tại nhà trên đây chỉ đóng vai trò hỗ trợ tạm thời, nếu người bệnh đã áp dụng mà không thấy hiệu quả (triệu chứng không cải thiện hoặc nhận thấy bệnh tiến triển nặng hơn) thì cần nhanh chóng tốt nhất đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tim mạch để thăm khám, xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị phù hợp.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.