Các cách để chống lại sự mệt mỏi trước kỳ kinh nguyệt

Rất nhiều phụ nữ gặp phải tình trạng mệt mỏi do kinh nguyệt với cảm giác thiếu năng lượng hoặc đuối sức. Hơn nữa, các triệu chứng trong hội chứng tiền kinh nguyệt do thay đổi hormone gây ra cũng ảnh hưởng đến thể chất lẫn tinh thần. Theo đó, nếu biết được các triệu chứng và nguyên nhân của chứng mệt mỏi do kinh nguyệt cũng như các phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp thuyên giảm một cách đáng kể.

1. Các triệu chứng của mệt mỏi do kinh nguyệt

Mệt mỏi do kinh nguyệt là một triệu chứng thuộc hội chứng tiền kinh nguyệt. Đây là một nhóm các triệu chứng mà một số phụ nữ gặp phải trong thời gian ngắn trước và trong kỳ kinh nguyệt. Những triệu chứng này là do sự thay đổi nội tiết tố xảy ra vào khoảng thời gian hành kinh.

Hơn 90% những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản báo cáo có các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt, bao gồm:

  • Đau đầu
  • Có các vấn đề về giấc ngủ
  • Thay đổi cảm giác thèm ăn
  • Cáu gắt
  • Lo lắng, phiền muộn, dễ khóc
  • Thống kinh
  • Đầy hơi

2. Nguyên nhân gây ra mệt mỏi do kinh nguyệt

Mặc dù vẫn còn tranh luận về những nguyên nhân gây ra mệt mỏi do kinh nguyệt hay hội chứng tiền kinh nguyệt nói chung, các chuyên gia tin rằng tình trạng này xảy ra là do sự thay đổi nội tiết tố. Buồng trứng của phụ nữ sản xuất các hormone estrogen và progesterone. Nồng độ của estrogen tăng lên trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt và giảm trong nửa sau. Đi kèm song song với estrogen cũng là nồng độ serotonin, khi giảm nồng độ của chất dẫn truyền thần kinh này có thể dẫn đến tâm trạng tiêu cực và giảm mức năng lượng của cơ thể.

Ngoài ra, các nguyên nhân khác cũng có thể gây ra mệt mỏi do kinh nguyệt bao gồm:

  • Lượng sắt thấp: Chảy máu nhiều trong kỳ kinh có thể dẫn đến thiếu máu do thiếu sắt. Nếu không có đủ dự trữ sắt, cơ thể không thể sản xuất hemoglobin mà các tế bào hồng cầu yêu cầu để vận chuyển oxy đến các tế bào của cơ thể. Các triệu chứng biểu hiện do thiếu máu thường là suy nhược và mệt mỏi.
  • Thèm ăn: Trong thời gian này, người phụ nữ có thể cảm thấy thèm ăn. Ăn quá nhiều thức ăn có thể dẫn đến mức đường huyết tăng đột biến và tiếp theo là giảm sút. Lúc này, sự giảm đột ngột lượng đường trong máu cũng có thể khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi.
  • Giấc ngủ bị xáo trộn: Những cơn đau thống kinh và thay đổi tâm trạng có thể khiến phụ nữ trở nên khó ngủ, trằn trọc hoặc mất ngủ suốt đêm. Sau đó, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi và thiếu năng lượng vào ngày hôm sau.

Mệt mỏi do kinh nguyệt là tình trạng phổ biến và thường gặp
Mệt mỏi do kinh nguyệt là tình trạng phổ biến và thường gặp

3. Cách điều trị mệt mỏi do kinh nguyệt như thế nào?

Thuốc chống viêm không steroid

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen, có thể giúp giảm đau và kháng viêm. Nếu cảm giác chuột rút khiến người bệnh khó ngủ, nên dùng NSAID trước khi đi ngủ có thể giúp cơ thể mau chóng đi vào giấc ngủ ngon hơn. Kết quả là họ có thể cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau.

Thuốc tránh thai

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc tránh thai để giúp điều chỉnh lượng hormone sinh sản trong máu ở mức ổn định. Thuốc tránh thai nên được uống liên tục và bỏ qua thuốc giả dược hoặc tuần không dùng thuốc. Làm như vậy sẽ giúp ngăn ngừa sự dao động của nồng độ hormone, do đó sẽ giúp làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt.

Thực phẩm chức năng bổ sung

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng việc thêm vào các loại thực phẩm chức năng đúng cách có thể cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt. Thật vậy, bổ sung 1.200 mg canxi mỗi ngày có thể giúp giảm các triệu chứng bất thường về thể chất và tinh thần.

Tuy nhiên, cần luôn tham vấn ý kiến của bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào để được hướng dẫn liều lượng phù hợp cũng như tránh các tương tác với các loại thuốc khác có thể đang dùng.

Thuốc chống trầm cảm

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm được gọi là chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) để điều trị cả các triệu chứng tâm thần và thể chất của hội chứng tiền kinh nguyệt nói chung, cải thiện cảm giác mệt mỏi hay đau đầu do kinh nguyệt nói riêng.

Bằng cách giảm các triệu chứng này, người phụ nữ có thể cảm thấy thư giãn hơn, thoải mái hơn và ít mệt mỏi hơn. Tuy nhiên, bác sĩ sẽ cần theo dõi chặt chẽ việc điều trị này.

Các ví dụ về SSRI bao gồm: fluoxetine (Prozac), citalopram (Cipramil) và sertraline (Lustral).


Một số loại thuốc có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu do kinh nguyệt
Một số loại thuốc có thể cải thiện tình trạng mệt mỏi, đau đầu do kinh nguyệt

4. Những chăm sóc tại nhà đối với chứng mệt mỏi do kinh nguyệt

Dưới đây là một số điều chỉnh mà mọi phụ nữ đều có thể thực hiện tại nhà để giúp giảm bớt tình trạng mệt mỏi trong thời kỳ kinh nguyệt:

Điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp

Nhiệt độ cơ thể ban đầu của người phụ nữ sẽ tăng khoảng 0,5°C trước kỳ kinh, điều này có thể góp phần làm cho giấc ngủ kém chất lượng hoặc dễ bị gián đoạn. Theo đó, việc giảm nhiệt độ phòng xuống một chút có thể giúp cải thiện sự thoải mái và chất lượng giấc ngủ, giúp cơ thể ít mệt mỏi hơn vào ngày hôm sau.

Thực hành các kỹ thuật thư giãn

Một số người có thể cảm thấy khó ngủ khi đang trong kỳ kinh nguyệt và điều này có thể dẫn đến tình trạng mệt mỏi gia tăng vào ngày hôm sau.

Khó ngủ có thể là hệ quả của đau nhức cơ thể hoặc tăng mức độ căng thẳng hoặc lo lắng. Lúc này, các kỹ thuật thư giãn sau đây có thể giúp giảm bớt căng thẳng trong cơ thể và cả tâm trí:

  • Thiền chánh niệm
  • Bài tập thở
  • Bài tập thể dục nhẹ nhàng
  • Mát-xa
  • Tắm nước ấm trước khi đi ngủ

Tham gia tập thể dục nhịp điệu

Một nghiên cứu gần đây cho thấy những tác động tích cực của việc tập thể dục nhịp điệu đối với các phụ nữ trẻ mắc phải chứng mệt mỏi do kinh nguyệt hay hội chứng tiền kinh nguyệt. Tất cả những người tham gia đều được bổ sung vitamin B6 và canxi hàng ngày cũng như tập thể dục nhịp điệu ba lần một tuần trong 3 tháng.

Kết quả là so với nhóm đối chứng chỉ được bổ sung vitamin B6 và canxi, những người tham gia tập thể dục thường xuyên cho thấy chứng mệt mỏi do kinh nguyệt giảm đáng kể. Đồng thời, kết quả còn ghi nhận những cải thiện về sức khỏe của máu, bao gồm cả việc tăng nồng độ hemoglobin.

Thử các liệu pháp thay thế khác

Một số phân tích tổng hợp cho thấy rằng cả châm cứu và sử dụng thảo dược có thể có lợi trong việc điều trị các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Cụ thể là châm cứu và các loại thảo mộc như ginkgo biloba làm giảm các triệu chứng từ 50% trở lên so với không điều trị.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, quy mô lớn hơn nữa là cần thiết để củng cố các phát hiện ban đầu này.

5. Làm cách nào để phòng ngừa mệt mỏi do kinh nguyệt?

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa chứng mệt mỏi do kinh nguyệt; tuy nhiên, mọi phụ nữ có thể áp dụng một số biện pháp nhất định để giúp điều chỉnh mức năng lượng ổn định duy trì trong suốt cả tháng, bao gồm:

Áp dụng thói quen ngủ lành mạnh: Đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi đêm và thức dậy vào cùng một thời điểm mỗi ngày có thể giúp điều chỉnh các hormone ảnh hưởng giấc ngủ.

Ăn các bữa ăn cân bằng và đều đặn: Ăn các bữa ăn nhỏ, đều đặn trong ngày giúp ổn định mức đường huyết, có thể ngăn ngừa suy giảm năng lượng và mệt mỏi.

Uống đủ nước: Mất nước có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mệt mỏi. Uống nước đều đặn sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước.

Tập thể dục thường xuyên: Hoạt động thể chất thường xuyên có thể cải thiện tâm trạng và chất lượng giấc ngủ.

Tóm lại, mệt mỏi do kinh nguyệt là tình trạng thiếu năng lượng hoặc cảm giác đuối sức gia tăng trong thời gian ngắn trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt. Đó là một triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt. Theo đó, một số cách hiệu quả tại nhà có thể giảm bớt tình trạng tiêu cực này như tập thể dục, thư giãn, nghỉ ngơi và các liệu pháp thay thế, góp phần ổn định chất lượng cuộc sống cho người phụ nữ trong những ngày khó chịu này.

Nếu có nhu cầu tư vấn và thăm khám tại các Bệnh viện Vinmec thuộc hệ thống Y tế trên toàn quốc, Quý khách vui lòng đặt lịch trên website (vinmec.com) để được phục vụ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe