Lý do khiến chu kỳ hành kinh ngày càng ngắn và lượng máu ít dần

Có nhiều yếu tố có thể làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt của một người và làm cho kinh nguyệt của họ ngày càng ngắn và lượng máu ít dần. Trọng lượng cơ thể, tập thể dục và căng thẳng đều có thể gây ra tình trạng này.

1. Như nào là chu kỳ kinh nguyệt quá ngắn?

Hiểu được như thế nào là bình thường trong một kỳ kinh sẽ giúp bạn xác định liệu kỳ kinh của bạn có thực sự là ngắn hay không. Kinh nguyệt đến khi lớp niêm mạc tử cung bong ra, đi qua cổ tử cung và âm đạo để ra ngoài, hiện tượng này thường diễn ra hàng tháng.

Kinh nguyệt của bạn thường nhất quán về số ngày và mức độ máu kinh. Chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ thường từ 21 đến 35 ngày. Số ngày hành kinh (ra máu) có thể dao động từ hai đến bảy ngày. Tuy nhiên, kinh nguyệt của bạn có thể thay đổi theo thời gian và do các lý do khác nhau. Ví dụ, nếu bạn có thai, bạn sẽ không có kinh vì lớp niêm mạc không bong ra, mà phát triển để nuôi dưỡng bào thai.

Mỗi phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt là khác nhau, và kỳ kinh của bạn có thể đến đúng thời điểm hoặc sớm hơn hoặc muộn hơn bình thường.

Chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu hơn bình thường thường không gây lo lắng. Mọi người thường thấy lưu lượng kinh nguyệt của họ thay đổi theo từng tháng, và một số tháng tự nhiên sẽ ít hơn những tháng khác.

Trong một số trường hợp, thời kỳ kinh nguyệt ra ít máu có thể cho thấy có thai hoặc một tình trạng liên quan đến hormone. Tương tự, mọi người có thể nghĩ rằng họ đang có kỳ kinh nguyệt nhưng thực tế họ đang tiết dịch có lẫn máu.


Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau
Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi người là khác nhau

2. Các triệu chứng của chu kỳ kinh nguyệt ngắn và ra ít máu

Trong một kỳ kinh nguyệt thông thường, một người phụ nữ mất trung bình khoảng 50 - 80ml máu. Tuy nhiên, có sự khác biệt lớn giữa các cá thể. Mọi người nên lưu ý nếu kinh nguyệt của mình ra ít hơn bình thường. Một người có thể đo lượng máu kinh mà họ mất mỗi tháng bằng cách sử dụng cốc kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu có thể có một số triệu chứng sau:

  • Thời gian hành kinh ngắn hơn bình thường (so sánh với chu kỳ kinh bình thường của chính người đó).
  • Cần phải thay băng vệ sinh ít hơn bình thường.
  • Không có dòng chảy nhiều như thường lệ trong 1-2 ngày đầu tiên nhưng có dòng chảy nhẹ, đều đặn.
  • Chảy máu giống như lấm tấm trong vài ngày thay vì chảy đều.

Đôi khi, kinh nguyệt ít cũng có thể làm giảm các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), chẳng hạn như bớt đau lưng, giảm co thắt tử cung hoặc thay đổi tâm trạng.

Hãy nhớ rằng bạn có thể trải qua một kỳ kinh nguyệt bất thường mà không có lý do cụ thể nào, nhưng bạn vẫn nên cho bác sĩ biết. Họ có thể giúp xác định bất kỳ nguyên nhân cơ bản nào có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt và chảy máu âm đạo của bạn .

3. Nguyên nhân của chu kỳ kinh ngắn và ra ít máu

Các yếu tố sau có thể khiến kinh nguyệt ít hơn bình thường:

  • Tuổi tác: chu kỳ kinh nguyệt có thể thay đổi trong suốt cuộc đời của một người người phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt ban đầu thường ngắn hơn và có thể chỉ ra ít máu. Chúng trở nên thường xuyên hơn khi một người con gái ở độ tuổi từ 20 - 30 tuổi.

Vào cuối độ tuổi 30 và 40, chu kỳ kinh nguyệt có thể phát triển nhiều hơn và thời gian ngắn hơn. Họ có thể trải qua nhiều tháng không có kinh, và có kinh muộn hơn. Sau đó, kinh nguyệt thường trở nên ít hơn và không đều hơn trong thời kỳ tiền mãn kinh.

  • Không rụng trứng: đôi khi một người phụ nữ có kinh nguyệt không đều do cơ thể của họ không phóng thích trứng, được gọi là rụng trứng. Điều này có thể dẫn đến kinh nguyệt ít hơn hoặc không đều.
  • Thiếu cân: Những người thiếu cân có thể nhận thấy kinh nguyệt của họ rất ít hoặc ngừng hẳn. Sự thay đổi này xảy ra do mức độ chất béo trong cơ thể của họ giảm xuống quá thấp khiến họ không rụng trứng thường xuyên.

Thiếu cân sẽ khiến cho lượng trứng rụng ít hơn bình thường
Thiếu cân sẽ khiến cho lượng trứng rụng ít hơn bình thường

  • Tập thể dục quá sức: Phụ nữ tập thể dục thường xuyên có thể làm thay đổi kinh nguyệt. Các vận động viên có thể bị căng thẳng, có trọng lượng cơ thể thấp và sử dụng nhiều năng lượng của cơ thể. Điều này có thể dẫn đến thời gian hành kinh bị thay đổi như chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc mất kinh tạm thời.
  • Thai kỳ: Khi mang thai, kinh nguyệt của một người phụ nữ thường sẽ ngừng hoàn toàn. Tuy nhiên, mọi người có thể nhầm lẫn tình trạng chảy máu do cấy ghép trong thời gian ngắn. Chảy máu khi phôi thai làm tổ là dấu hiệu sớm của việc mang thai, tình trạng này thường chỉ kéo dài trong vòng 2 ngày hoặc ít hơn.

Khi một người phụ nữ có quan hệ tình dục bình thường và không có kinh nguyệt, họ có thể muốn thử thai.

  • Cho con bú: Nếu bạn đang cho con bú, kinh nguyệt của bạn có thể không trở lại ngay sau khi sinh. Hormone sản xuất sữa ngăn cản quá trình rụng trứng và khiến kinh nguyệt của bạn chậm lại. Bạn có thể có kinh vài tháng sau khi sinh nếu bạn đang cho con bú.

Tuy nhiên, bạn vẫn có thể mang thai khi đang cho con bú, ngay cả khi kinh nguyệt chưa trở lại. Đó là bởi vì bạn sẽ rụng trứng hai tuần trước kỳ kinh đầu tiên sau khi sinh. Nếu bạn đã quan hệ tình dục không an toàn khi đang cho con bú và bị ra máu, bạn nên thử thai để xác nhận rằng tình trạng ra máu không phải do phôi làm tổ.

  • Stress: giai đoạn căng thẳng có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng nội tiết tố của cơ thể, từ đó có thể làm gián đoạn chu kỳ kinh nguyệt đều đặn. Bạn có thể trải qua chu kỳ kinh nguyệt ngắn hoặc mất kinh tạm thời. Khi căng thẳng được giải toả, kinh nguyệt của bạn sẽ trở lại bình thường.
  • Kiểm soát sinh sản: Khi mọi người bắt đầu dùng ngừa thai thuốc, họ có thể nhận thấy thời gian hành kinh của họ ngắn hơn và ra ít máu hơn. Việc giảm lưu lượng máu này có thể là do liều lượng hormone trong thuốc tránh thai thấp và không kích thích tử cung hình thành lớp niêm mạc dày. Kết quả là, một phụ nữ có thể có chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu vì có rất ít niêm mạc tử cung để rụng.

Điều này cũng có thể xảy ra ở những người sử dụng vòng tránh thai nội tiết tố, que cấy tránh thai hoặc tiêm thuốc, vì chúng làm mỏng niêm mạc tử cung. Mọi người có thể thấy xuất hiện một số đốm máu ban đầu giữa các kỳ kinh khi các hormone bắt đầu giúp điều hòa kinh nguyệt của họ.

Trong một số trường hợp nhất định, bác sĩ có thể khuyên ai đó có kinh nguyệt ngắn nên dùng biện pháp tránh thai để giúp điều chỉnh chu kỳ của họ. Một số loại kiểm soát sinh sản có chứa hormone có thể giúp chu kỳ của một người phụ nữ trở nên đều đặn hơn.

Bạn cũng có thể bị kinh nguyệt không đều nếu bạn đã bắt đầu hoặc ngừng sử dụng biện pháp tránh thai gần đây.

  • Rối loạn ăn uống: chán ăn tâm thần và ăn vô độ là các dạng rối loạn ăn uống có thể gây ra kinh nguyệt không đều. Rối loạn ăn uống có thể dẫn đến trọng lượng cơ thể thấp, có thể làm thay đổi các hormone điều hòa kinh nguyệt của bạn.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS): nếu bạn bị kinh nguyệt không đều hoặc đã ngừng kinh nguyệt, đó có thể là kết quả của hội chứng buồng trứng đa nang. Điều này gây ra sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể khiến trứng ngừng trưởng thành

Sự thay đổi nội tiết tố này cũng có thể làm:

  • Thay đổi cân nặng của bạn và dẫn đến béo phì
  • Mọc nhiều mụn
  • Khiến lông mặt mọc nhiều hơn
  • Dẫn đến vô sinh

Thay đổi nội tiết tố có thể khiến mụn mọc nhiều hơn
Thay đổi nội tiết tố có thể khiến mụn mọc nhiều hơn

Bác sĩ của bạn có thể chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang thông qua việc sử dụng siêu âm. Đó là bởi vì hội chứng này gây ra u nang hình thành trong buồng trứng của bạn. Nếu bạn bị hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn giảm cân và uống thuốc tránh thai để giúp kinh nguyệt trở lại bình thường.

Bác sĩ cũng có thể kê đơn metformin (Glumetza, Riomet, Glucophage). Thuốc này thường được kê đơn cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 2, nhưng đôi khi nó được sử dụng để điều trị những người bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nó giúp kiểm soát mức insulin và có thể giúp cải thiện sự rụng trứng, có thể điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn.

  • Tình trạng y tế nghiêm trọng: Kinh nguyệt bất thường hoặc không đều có thể là dấu hiệu của tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Kinh nguyệt đều đặn cho thấy cơ thể bạn đang hoạt động tốt.

Kinh nguyệt nhạt màu có thể là dấu hiệu của vấn đề về nồng độ hormone hoặc một tình trạng bệnh lý khác. Hội chứng buồng trứng đa nang và các vấn đề với cơ quan sinh sản có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều. Thảo luận về các triệu chứng với bác sĩ có thể giúp bạn xác định nguyên nhân gây ra kinh nguyệt nhẹ hơn bình thường.

4. Khi nào chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu cần đến gặp bác sĩ?

Chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu thường không phải là nguyên nhân đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên có kinh nguyệt ít hoặc bắt đầu bỏ kinh hoàn toàn, bạn nên nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu chu kỳ kinh nguyệt trùng hợp với các triệu chứng khác gây lo ngại, chẳng hạn như đau vùng chậu.


Nếu kinh nguyệt thất thường kéo theo nhiều triệu chứng nguy hại khác bạn cần đến gặp bác sĩ
Nếu kinh nguyệt thất thường kéo theo nhiều triệu chứng nguy hại khác bạn cần đến gặp bác sĩ

Kinh nguyệt của bạn có thể ra ít hơn bình thường mà không rõ nguyên nhân. Liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn gặp phải các tình trạng sau:

  • Bỏ lỡ ba kỳ kinh liên tiếp và không có thai
  • Bạn nghĩ rằng bạn có thể đang mang thai
  • Có kinh nguyệt không đều
  • Bị chảy máu giữa các kỳ kinh
  • Cảm thấy đau trong kỳ kinh nguyệt

Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng liên quan nào khác với chu kỳ kinh nguyệt.

Chu kỳ kinh nguyệt ra ít máu có thể không phải là dấu hiệu cho thấy bạn có điều gì đó phải lo lắng. Thậm chí một khoảng thời gian ra máu ngắn từ hai đến ba ngày được coi là bình thường. Nếu bạn bị trễ kinh hoặc bị ra đốm máu và nghĩ rằng bạn có thể mang thai, hãy thử thai. Đảm bảo theo dõi chu kỳ kinh nguyệt ngắn của bạn và nói chuyện với bác sĩ của bạn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: healthline.com, medicalnewstoday.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe