Xơ gan là căn bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân. Phát hiện và áp dụng các cách chữa xơ gan ngay từ giai đoạn sớm sẽ nâng cao hiệu quả chữa trị bệnh
1. Bệnh xơ gan nguy hiểm như thế nào?
Xơ gan là 1 bệnh mạn tính của gan, đặc trưng bởi sự thay thế các mô gan bằng mô xơ, sẹo, hình thành các nốt tân sinh, dẫn tới mất chức năng gan. Những nguyên nhân thường gặp gây xơ gan gồm: Uống rượu và nghiện rượu, viêm gan B và C, gan nhiễm mỡ,...
Xơ gan gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cơ thể. Có khoảng 30% bệnh nhân xơ gan gặp biến chứng chảy máu do giãn tĩnh mạch thực quản. Bên cạnh đó, căn bệnh này còn gây nhiều biến chứng như bệnh não do gan, nhiễm trùng dịch ổ bụng, ung thư gan,...
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có trên 20.000 người tử vong vì bệnh gan mãn tính và xơ gan. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 10 ở nam giới, đứng thứ 12 ở nữ giới.
2. Các cách chữa xơ gan
Cách chữa bệnh xơ gan gồm:
2.1 Làm chậm sự tiến triển, kiểm soát nguyên nhân gây bệnh gan
Đầu tiên, biện pháp điều trị xơ gan là xác định nguyên nhân gây ra tình trạng này để điều trị dứt điểm. Cụ thể, nếu bệnh xơ gan do nghiện rượu thì cần kiểm soát việc sử dụng rượu của bệnh nhân. Trường hợp xơ gan do nhiễm trùng như virus viêm gan B hoặc viêm gan C thì cần điều trị virus đó.
2.2 Ngăn ngừa, điều trị các biến chứng xơ gan
Xơ gan có thể gây ra hàng loạt biến chứng. Một số biến chứng xuất hiện do gan không còn khả năng thực hiện các chức năng như lọc chất độc ra khỏi máu, chuyển hóa thuốc và rượu, tạo ra các protein trong quá trình đông máu hoặc tiêu hóa thức ăn,... Ngoài ra, một số biến chứng xảy ra khi dòng máu qua gan bị cản trở.
Sau đây là biện pháp chữa trị các biến chứng xơ gan:
Giãn tĩnh mạch thực quản và xuất huyết
Giãn tĩnh mạch thực quản là tình trạng các mạch máu trong thực quản bị giãn nở ra. Các mạch máu này bị phình to lên do dòng máu chảy qua gan bị tắc nghẽn bởi các sẹo xơ. Từ đó, máu trào ngược lên các tĩnh mạch ở thực quản và dạ dày. Khi các mạch máu này chịu áp lực quá cao, chúng có thể vỡ ra, gây chảy máu nghiêm trọng (gọi là xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch).
Triệu chứng điển hình của xuất huyết do giãn vỡ tĩnh mạch là nôn ra máu, đại tiện phân có lẫn máu hoặc có màu giống như hắc ín. Khi có biểu hiện trên, cần đưa người bệnh đến ngay bệnh viện để được điều trị.
Dịch cổ trướng
Bệnh nhân xơ gan có thể bị tích tụ chất lỏng trong ổ bụng - gọi là cổ trướng - bụng phình to lên. Cổ trướng có thể khiến bệnh nhân bị khó thở, đầy tức bụng. Cách chữa xơ gan cổ trướng là sử dụng thuốc lợi tiểu để giúp cơ thể bài tiết bớt các chất lỏng dư thừa. Ngoài ra, người bệnh cần giảm muối trong chế độ ăn.
Với trường hợp cổ trướng nghiêm trọng, bác sĩ có thể hút chất lỏng ra khỏi ổ bụng (kỹ thuật chọc hút dịch ổ bụng). Ngoài ra, bác sĩ có thể đặt 1 ống qua gan tạo đường thông cửa chủ qua gan. Ống này cho phép đưa máu đi qua gan, làm giảm áp lực tĩnh mạch do các sẹo xơ trong gan.
Nhiễm trùng dịch cổ trướng
Bệnh nhân xơ gan cổ trướng có thể bị nhiễm trùng dịch cổ chướng - tình trạng viêm phúc mạc do vi khuẩn tự phát. Các triệu chứng có thể là: Sốt, đau bụng, khó chịu, lú lẫn,...
Sau khi chẩn đoán xác định bệnh nhân bị nhiễm trùng dịch cổ trướng, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc lợi tiểu nhằm làm giảm lượng dịch tích tụ trong ổ bụng. Bệnh nhân có thể phải ngừng sử dụng các thuốc ức chế bơm proton, ví dụ như omeprazol (trong điều trị trào ngược acid dạ dày).
Hội chứng gan thận
Hội chứng gan thận là bệnh thận xuất hiện do hậu quả của bệnh xơ gan. Cụ thể, dòng máu qua gan bị gián đoạn, làm gián đoạn lưu lượng máu tới thận, gây hội chứng gan thận. Triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân là đi tiểu ít hơn bình thường.
Cách chữa xơ gan cho hội chứng gan thận là cải thiện chức năng gan (bằng cách ngừng dùng rượu, điều trị virus viêm gan B, C). Nếu chức năng gan không được cải thiện thì có thể người bệnh cần phải ghép gan.
Bệnh não gan
Bệnh xơ gan có thể gây tác động tiêu cực tới chức năng não. Đó là do gan bị tổn thương, suy giảm chức năng lọc chất độc, khiến các chất độc trong máu đi tới và tác động lên não. Biểu hiện của bệnh não gan gồm: Rối loạn giấc ngủ (ngủ quá ít, ngủ quá nhiều hoặc ngủ gà), khó tập trung, thay đổi tâm trạng hoặc tính cách, thậm chí hôn mê,...
Bệnh não gan đôi khi có thể chữa trị được, giúp chức năng não phục hồi như bình thường. Việc điều trị là kiểm soát các yếu tố nguy cơ như chảy máu tiêu hóa, nhiễm trùng hoặc sử dụng các loại thuốc như lactulose,...
Các biến chứng tim và phổi
Xơ gan có thể gây ảnh hưởng tới hệ tuần hoàn, dẫn đến một số bệnh lý ở phổi và tim. Khi các cơ quan này bị ảnh hưởng, người bệnh có thể bị khó thở, mệt mỏi, đau ngực,... Việc can thiệp điều trị như thế nào sẽ theo chỉ định chi tiết của bác sĩ.
Ung thư gan
Người bệnh xơ gan có nguy cơ cao gặp biến chứng ung thư gan, đặc biệt là xơ gan do virus viêm gan B, C, viêm gan nhiễm mỡ không do rượu, bệnh rối loạn chuyển hóa sắt. Do đó, bệnh nhân xơ gan nên định kỳ siêu âm 6 tháng/lần nhằm kiểm tra các dấu hiệu ung thư.
Triệu chứng ung thư gan thường là đau bụng, vàng da, chán ăn, cảm giác nhanh no,... Một số bệnh nhân ung thư gan do xơ gan được chỉ định điều trị bằng cách ghép gan để loại bỏ khối u và tế bào ung thư. Chỉ định này thường dành cho bệnh nhân có khối u ác tính nhỏ, chưa lan tràn ra ngoài gan.
2.3 Bảo vệ gan trước các tác nhân có hại
Ngoài các biện pháp trên, cách chữa xơ gan còn bao gồm việc bảo vệ gan khỏi những yếu tố có thể gây hại cho cơ quan này. Cụ thể:
Tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan A và B
Nên tiêm vắc-xin phòng ngừa viêm gan A, viêm gan B cho những người chưa có miễn dịch. Điều này giúp ngăn ngừa nguy cơ tổn thương thêm cho gan. Bên cạnh đó, vì tình trạng nhiễm trùng có thể khiến xơ gan càng trầm trọng thêm, gây khó khăn cho việc điều trị nên người bệnh còn cần tiêm vắc-xin phòng cúm (1 lần/năm), bạch hầu - uốn ván (10 năm/lần) và ho gà (1 lần khi trưởng thành).
Không sử dụng rượu và các thuốc gây hại cho gan
Người bệnh xơ gan nên tránh những chất có thể gây hại cho sức khỏe của gan như: Rượu, thuốc chống viêm không steroid (naproxen, ibuprofen,...), thuốc kê đơn, dược phẩm khác,... Ngoài ra, những bệnh nhân xơ gan sử dụng acetaminophen không nên dùng quá 2000mg/ngày. Nhiều loại thuốc điều trị cảm cúm, cảm lạnh, sốt, giảm đau,... có chứa thành phần acetaminophen nên bệnh nhân cần kiểm tra kỹ nhãn thuốc và hàm lượng thuốc trước khi dùng.
Sử dụng thuốc đúng liều lượng
Người bị xơ gan đôi khi cần sử dụng ít thuốc hơn so với người có gan khỏe mạnh. Đó là vì một trong những chức năng của gan là chuyển hóa và đào thải thuốc đã bị suy giảm do xơ gan. Nếu sử dụng liều lượng không phù hợp, các loại thuốc đó có thể tích tụ trong cơ thể, trở thành chất độc.
Đặc biệt, có một số loại thuốc có thể gây những tác dụng phụ làm trầm trọng thêm biến chứng của bệnh xơ gan. Ví dụ như thuốc an thần (benzodiazepine) dùng để giảm lo âu có thể làm trầm trọng thêm bệnh não gan. Do vậy, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ về mọi loại thuốc mình đang dùng để được kê đơn, chỉ định phù hợp.
2.4 Kiểm soát các triệu chứng, các dấu hiệu bất thường về máu
Cách chữa xơ gan bao gồm kiểm soát triệu chứng của bệnh và điều trị các bất thường về máu. Cụ thể:
Điều trị chuột rút cơ
Bệnh nhân xơ gan đôi khi bị chuột rút cơ. Tuy nhiên, hiện có rất ít phương pháp điều trị chứng chuột rút. Chủ yếu vẫn là thực hiện massage tại chỗ.
Thoát vị rốn
Thoát vị rốn là tình trạng xuất hiện 1 khối sưng phồng ở rốn. Tình trạng này xảy ra khi thành bụng yếu đi. Thông thường, bác sĩ có thể đẩy nhẹ khối thoát vị trở lại trong ổ bụng. Tuy nhiên, nếu khối thoát vị bị ép quá chặt thì nó có thể bị cắt nguồn cung cấp máu, bị hoại tử.
Thoát vị rốn có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, người bệnh xơ gan có thể gặp nhiều biến chứng khi phẫu thuật. Đặc biệt, đôi khi phẫu thuật không xử lý được tình trạng này. Do đó, bác sĩ thường cân nhắc khi chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân, trừ trường hợp bị hoại tử nghiêm trọng. Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân chờ đợi, điều trị khối thoát vị cùng lúc với ghép gan.
Hạ natri máu
Đây là tình trạng hàm lượng natri trong máu quá thấp. Người bị xơ gan giai đoạn tiến triển thường gặp tình trạng này. Tình trạng hạ natri máu thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh đang tiến triển nặng, có thể cần phải ghép gan.
Các vấn đề về đông máu
Máu của bệnh nhân xơ gan thường không đông như bình thường. Đó là do gan chịu trách nhiệm sản xuất nhiều protein và các chất tham gia vào sự hình thành cục máu đông. Như vậy, người bệnh xơ gan có nguy cơ chảy máu nghiêm trọng, đặc biệt nếu họ bị giãn tĩnh mạch thực quản.
Cách chữa xơ gan trong trường hợp này là có thể cần truyền một số chế phẩm máu. Bác sĩ thường chỉ định nếu bệnh nhân có thể phải phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật có nguy cơ chảy máu.
Một số bệnh nhân gặp vấn đề về rối loạn đông máu trầm trọng có thể bị hình thành cục máu đông ở những vị trí không cần thiết. Nơi thường xuất hiện cục máu đông là tĩnh mạch cửa. Các cục máu đông tại đây có thể làm tăng áp lực tĩnh mạch cửa, dẫn đến giãn tĩnh mạch thực quản hoặc dạ dày.
Cân nhắc chỉ định ghép gan
Ghép gan là thay thế lá gan bị bệnh bằng 1 lá gan khỏe mạnh. Đây là phương pháp điều trị cho bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối. Tuy nhiên, không phải người bệnh xơ gan tiến triển nào cũng phù hợp để ghép gan. Nếu bệnh nhân đã có ung thư gan di căn ra ngoài gan, bệnh tim, bệnh phổi nghiêm trọng,... thì sẽ không được ghép gan.
Ghép gan được coi là đại phẫu phức tạp nên người trải qua phẫu thuật phải có đủ sức khỏe để phục hồi cơ thể. Hơn nữa, người bệnh khỏe mạnh phù hợp để ghép gan cũng cần chờ được hiến lá gan tương thích.
Bệnh xơ gan dễ dẫn đến các biến chứng, khiến việc điều trị càng trở nên phức tạp. Do đó, cách chữa xơ gan tốt nhất là phát hiện bệnh sớm để điều trị triệt để các vấn đề về gan. Muốn vậy, người bệnh nên đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.