Bài viết bởi Bác sĩ Trần Hải Hà - Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec Times City
Sốc điện ngoài lồng ngực sử dụng năng lượng điện một chiều với mức năng lượng lớn phóng ra trong khoảng thời gian rất ngắn nhằm khử cực đồng thời phần lớn các tế bào cơ tim để lập lại nhịp tim bình thường.
1. Chỉ định sốc điện chuyển nhịp đồng bộ
Sốc điện chuyển nhịp đồng bộ (Cardioversion) là một hình thức sốc điện, xung điện đánh vào sóng R của phức bộ QRS (đồng bộ với sóng R) không đánh vào các giai đoạn khác (giai đoạn cơ tim rất dễ bị đả kích nhất là sóng T) nhằm tránh gây ra rung thất do sốc điện.
Chỉ định sốc điện chuyển nhịp đồng bộ:
- Các loạn nhịp nhanh gây ra huyết động không ổn định, thiếu máu cơ tim, suy tim xung huyết
- Nhịp nhanh thất, rung nhĩ, flutter nhĩ với tần số thất nhanh, gây ra các triệu chứng khó chịu kéo dài cho bệnh nhân, huyết động không ổn định
- Nhịp nhanh trên thất có QRS rộng hay hẹp với huyết động không ổn định
Các trường hợp cần cân nhắc lợi – hại khi sốc điện:
- Rung nhĩ, flutter nhĩ không có triệu chứng, rung nhĩ với đáp ứng thất chậm
- Hội chứng suy nút xoang, bệnh lý hệ thống dẫn truyền trong tim
Máy sốc điện : có thể dùng 1 pha hoặc 2 pha (monophasic - biphasic), Sốc điện 2 pha có hiệu quả cao hơn sốc điện một pha vì dòng điện sẽ quét qua tim thêm một lần theo chiều ngược lại sau khi đi qua tim lần thứ nhất.
Trong phẫu thuật tim hở, có thể dùng bản cực sốc điện đặt trực tiếp vào tim để sốc điện chuyển nhịp hoặc phá rung. Tuy nhiên, trong trường hợp này, mức năng lượng sẽ thấp hơn.
2. Các bước thực hiện sốc điện chuyển nhịp trong cấp cứu
Nếu sốc điện có kế hoạch, bệnh nhân cần được nhịn ăn 6 - 8 giờ trước thủ thuật để tránh viêm phổi sặc.
Cần tiến hành gây mê toàn thân ngắn ( Fentanyl, Midazolam, Propofol ) vì thủ thuật sốc điện có thể làm cho bệnh nhân đau. Cần bố trí các dụng cụ và nhân viên gây mê – hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân.
- Vị trí đặt điện cực: có 2 cách thường dùng đặt bản điện cực: Tư thế trước-sau (bản cực STERNUM ở khoang liên sườn 3-4 sát bờ trái xương ức, bản cực APEX ở dưới xương bả vai trái), Tư thế trước-bên (bản cực STERNUM ở khoang liên sườn 2 sát bờ phải xương ức, bản cực APEX ở khoang liên sườn 5-6 tại mỏm tim)
- Nhấc hai bản điện cực ra khỏi ổ máy, xoa đều kem dẫn điện lên bề mặt bản điện cực
- Dùng bản điện cực thích hợp ( Người lớn: đường kính 10 – 13 cm, Trẻ em > 10 kg: đường kính 8 cm, Trẻ em < 10 kg: đường kính 4,5 cm )
- Đặt 2 bản điện cực lên ngực bệnh nhân quan sát điện tim trên màn hình, chọn chuyển đạo có sóng R rõ nhất (ấn nút LEAD để thay đổi chuyển đạo, ấn nút SENS để thay đổi biên độ của điện tim)
- Bật nút đồng thì (sync)
- Đặt mức năng lượng sốc điện tuỳ từng trường hợp (bảng kem theo )
- Bấm nút CHARGE trên máy hoặc trên tay cầm của điện cực, đèn CHARGE sẽ nhấp nháy và có tiếng bíp ngắn liên tục, khi nạp đủ mức năng lượng đèn sẽ sáng liên tục và tiếng bíp dài.
- Áp chặt 2 bản điện cực lên ngực bệnh nhân
- Hô to để mọi người cách ly khỏi bệnh nhân
- Ấn đồng thời 2 nút DISCHARGE trên 2 tay cầm của điện cực
- Kiểm tra lại điện tim trên mornitor sau mỗi lần sốc điện nếu thất bại sốc điện với mức năng lượng tăng dần tùy từng trường hợp
- Mức năng lượng lựa chọn sốc điện cấp cứu (Biphasic)
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là cơ sở y tế chất lượng cao tại Việt Nam với đội ngũ y bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, được đào tạo bài bản, chuyên sâu trong nước và nước ngoài, giàu kinh nghiệm.
Hệ thống thiết bị y tế hiện đại, tối tân, sở hữu nhiều máy móc tốt giúp phát hiện ra nhiều căn bệnh khó, nguy hiểm trong thời gian ngắn, hỗ trợ việc chẩn đoán, điều trị của bác sĩ hiệu quả nhất.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.