Bài viết được viết bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Xuân Ninh - Bác sĩ cấp cứu, Khoa Hồi sức cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Viêm phổi là một bệnh lý thường gặp, bệnh có thể diễn tiến trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa tính mạng. Không phải tất cả các trường hợp viêm phổi đều có thể phòng ngừa được, nhưng khi thực hiện một số biện pháp thì nó có thể giúp giảm nguy cơ bị viêm phổi.
1. Những nguy cơ gây viêm phổi
- Tiêm vắc-xin
- Ngưng hút thuốc
- Rửa tay
- Thực hiện lối sống lành mạnh, bao gồm: Ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên
2. Vắc-xin viêm phổi
Viêm phổi có thể do một số vi khuẩn, virus hoặc các sinh vật lây nhiễm khác gây ra. Hiện đã có vắc xin bảo vệ chống lại hai nguyên nhân chính gây ra viêm phổi: vắc-xin ngừa phế cầu và vắc-xin cúm (influenza). Cũng đã có vắc-xin bảo vệ chống lại một số nguyên nhân ít gặp hơn gây ra viêm phổi như vắc-xin ho gà. Việc tiêm phòng và khuyến khích những người xung quanh tiêm phòng là cách tốt nhất để ngăn ngừa viêm phổi.
3. Vắc-xin phế cầu
Vắc-xin phế cầu tạo ra khả năng bảo vệ chống lại phế cầu (còn được gọi là Streptococcus pneumoniae), là một trong những vi khuẩn phổ biến nhất gây viêm phổi ở người lớn.
Có nhiều loại phế cầu khác nhau. Vắc-xin phế cầu bảo vệ chống lại các loại phế cầu phổ biến nhất bằng cách kích thích sản xuất các kháng thể (kháng thể là protein mà hệ thống miễn dịch tạo ra) giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Tiêm phòng làm giảm số người mắc bệnh viêm phổi và làm cho bệnh ít nghiêm trọng hơn ở những người mắc bệnh.
3.1 Các loại vắc-xin phế cầu
Hai loại vắc-xin phế cầu chính. Các loại vắc xin này có các đặc tính khác nhau nên sử dụng cho những nhóm người khác nhau:
● PPSV23 (vắc-xin phế cầu polysaccharide) thường được sử dụng ở người lớn và bảo vệ chống lại 23 loại phế cầu. PPSV23 không có hiệu quả ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới hai tuổi.
● PCV13 (vắc-xin liên hợp phế cầu) được phát triển để sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ em. Nó bảo vệ chống lại 13 loại phế cầu. Vì PCV13 kích thích phản ứng miễn dịch bảo vệ ở cả người lớn và trẻ em, PCV13 được tiêm bổ sung cho PPSV23 ở người lớn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng phế cầu nghiêm trọng.
3.2 Ai cần tiêm phòng?
Tiêm phòng đặc biệt quan trọng đối với người lớn từ 65 tuổi trở lên, người hút thuốc lá, người bị suy giảm hệ miễn dịch và những người mắc một số bệnh mãn tính. Các khuyến cáo tiêm chủng cụ thể khác nhau tùy theo độ tuổi và các yếu tố khác. Bác sĩ hoặc y tá của bạn có thể nói chuyện với bạn về những gì phù hợp nhất cho tình trạng của bạn.
Vắc-xin PPSV23 được khuyến cáo nên tiêm cho tất cả người lớn từ 65 tuổi trở lên và bất kỳ người lớn nào (trên 18 tuổi) mà có hút thuốc lá hoặc mắc một hoặc nhiều bệnh mãn tính sau:
- Bệnh tim mãn, bao gồm suy tim sung huyết và bệnh cơ tim (nhưng không bao gồm huyết áp cao)
- Bệnh phổi mãn tính, bao gồm hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Đái tháo đường
- Nghiện rượu
- Bệnh gan mãn
Tiêm phối hợp cả PCV13 và PPSV23 được khuyến cáo cho tất cả người lớn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng phế cầu nặng. Những người được coi là có nguy cơ cao bao gồm những người có một trong các tình trạng sau:
- Rỉ dịch não tủy
- Cấy ốc tai điện tử
- Chức năng lách kém (bao gồm những người đã cắt bỏ lách và những người bị bệnh hồng cầu hình liềm hoặc các bệnh lý gây tổn thương lách)
- Nhiễm HIV
- Suy thận mãn tính
- Hội chứng thận hư
- Bệnh bạch cầu
- Ung thư hạch (lymphoma), bao gồm cả bệnh Hodgkin
- Đa u tủy
- Ung thư di căn (ung thư đã lan ra ngoài vị trí ban đầu)
- Ghép nội tạng
Hệ thống miễn dịch yếu hơn bình thường, như suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (bao gồm sử dụng steroid dài hạn và xạ trị).
Việc chủng ngừa cả 2 loại vắc-xin PCV13 và PPSV23 cũng có thể thích hợp cho một số nhóm đối tượng như người lớn ≥ 65 tuổi và những người mà có tiền căn bị nhiễm phế cầu xâm lấn, chẳng hạn như viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.
Khi cần cả 2 loại vắc-xin, PCV13 nên được tiêm trước. PPSV23 thường được tiêm khoảng 8 tuần sau tiêm PCV13, ngoại trừ ở người lớn từ 65 tuổi trở lên mà không có bệnh mãn tính hoặc các tình trạng nguy cơ cao được nêu ở trên. Đối với những nhóm người này, khoảng cách giữa PCV13 và PPSV23 là nên là một năm. Nếu khách hàng đã tiêm PPSV23, thì khách hàng nên đợi sau một năm để tiêm PCV13.
Cả hai loại vắc-xin phế cầu đều an toàn cho phụ nữ mang thai.
Vì đáp ứng miễn dịch với PPSV23 giảm theo thời gian, nên việc tiêm chủng với PPSV23 nên lặp lại sau mỗi 5 đến 10 năm đối với những bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng. PCV13 không được khuyến cáo tiêm nhắc lại.
Thuốc chủng ngừa cúm (influenza) - Vắc-xin ngừa cúm làm giảm nguy cơ viêm phổi do virus cúm gây ra. Chúng cũng có thể giúp ngăn ngừa viêm phổi do phế cầu hoặc viêm phổi do vi khuẩn khác gây ra mà xảy ra do biến chứng của việc nhiễm cúm. Thuốc chủng ngừa cúm hàng năm được khuyến cáo cho tất cả mọi người trên sáu tháng tuổi. Loại vắc xin này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ cao bị viêm phổi. Viêm phổi là biến chứng nghiêm trọng phổ biến nhất của bệnh cúm
Thuốc chủng ngừa cúm thay đổi theo từng năm và có nhiều khả năng bảo vệ bạn nếu bạn được chủng ngừa sớm khi có thuốc. Tuy nhiên, nó vẫn có thể bảo vệ bạn nếu bạn mắc bệnh vào cuối mùa và bất kỳ lúc nào trong mùa cúm.
Các loại vắc-xin khác: Các loại vắc-xin giúp bảo vệ chống lại các nguyên nhân gây ra viêm phổi ít phổ biến hơn- bao gồm: vắc-xin ho gà, Haemophilus influenza typ B (Hib), sởi và varicella (thủy đậu). Bạn nên gặp nhân viên y tế để được tư vấn chọn lựa vắc-xin cụ thể vì mỗi loại vắc-xin sẽ có độ tuổi được khuyến cáo tiêm khác nhau.
4. Bỏ hút thuốc
Hút thuốc lá làm suy yếu khả năng chống lại bệnh viêm phổi do nó gây ra tổn thương phổi. Bỏ thuốc lá và tránh tiếp xúc với khói thuốc là một cách quan trọng để giúp ngăn ngừa viêm phổi và cải thiện sức khỏe tổng thể của bạn.
5. Giữ vệ sinh tay
Rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc sử dụng các dung dịch khử khuẩn chứa cồn là một trong những cách quan trọng nhất để phòng ngừa bệnh và ngăn chặn lây bệnh cho người khác, đặc biệt khi bạn bị nhiễm virus như cúm.
Viêm phổi lây lan khi tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp của người bị nhiễm bệnh (những hạt nhỏ li ti có thể di chuyển trong không khí), nên việc tiếp xúc với người bị viêm phổi làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.
Những người bị viêm phổi nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng và rửa tay. Hắt hơi hoặc ho vào ống tay áo (ở mặt trong khuỷu tay) là cách khác để giữ nước bọt và chất tiết không lây lan sang người khác và việc này cũng giúp giữ cho bàn tay sạch.
6. Duy trì nâng cao sức khỏe
Sống lành mạnh bao gồm ăn uống phù hợp, tập thể dục và duy trì cân nặng hợp lý có thể giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề sức khỏe. Đặc biệt đối với các bệnh mãn tính mà có khả năng làm tăng nguy cơ viêm phổi thì việc uống thuốc theo chỉ định cũng có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng về sức khỏe.
Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Tài liệu tham khảo:
Uptodate - patient education: Pneumonia prevention in adults