Bài viết được viết bởi ThS.BS Hồ Thị Xuân Nga - Bác sĩ gây mê hồi sức tim, Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Đối với tim bẩm sinh thể phức tạp, có thể mổ một lần hoặc nhiều lần mới có thể hoàn chỉnh các sửa chữa khiếm khuyết. Do đó cần yêu cầu bác sĩ phẫu thuật tư vấn tất cả các khả năng có thể xảy ra cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
1. Các biến chứng thường gặp trong mổ tim là gì?
Chảy máu
Chảy máu chiếm tỉ lệ 3-5% do nhiều nguyên nhân, do độ phức tạp của bệnh lý tim bẩm sinh gây ra nhiều nhánh tuần hoàn bàng hệ, do những rối loạn đông máu hoặc do lượng thuốc kháng đông đã dùng trước mổ như aspirin, kháng vitamin K, hoặc thuốc chống đông heparin đưa vào cơ thể để chạy máy tim phổi nhân tạo chưa trung hòa hết.
Ngoài ra, thời gian chạy tuần hoàn ngoài cơ thể lâu cũng làm thiếu hụt một số yếu tố đông máu như tiểu cầu, fibrinogen... mà hậu quả là làm cho chảy máu khó cầm.
Trong một số trường hợp, lượng máu chảy nhiều trong những giờ đầu tiên sau mổ, bắt buộc phải đưa bệnh nhân trở lại phòng mổ để mở ngực cầm máu. Truyền nhiều máu và chế phẩm máu (huyết tương tươi, tiểu cầu) sau phẫu thuật do chảy máu trong mổ, cũng gây rối loạn đông máu và các biến chứng trên phổi, tăng tỷ lệ nhiễm trùng sau mổ và làm tăng số ngày nằm hồi sức, thở máy, tăng số ngày nằm viện và chi phí phẫu thuật.
Nhiễm trùng
Bao gồm viêm phổi thở máy, nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc, nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng xương ức, nhiễm trùng trung thất, nhiễm trùng qua catheter hoặc qua ống dẫn lưu, thậm chỉ có cả nhiễm trùng tiểu...
Vì mổ tim thường là một cuộc mổ kéo dài từ 3-6 giờ, mặc dù có kháng sinh dự phòng nhưng với thời gian phơi nhiễm lâu, mở xương ức và toàn bộ lượng máu được chạy qua máy tuần hoàn ngoài cơ thể, làm suy giảm phần nào các yếu tố miễn dịch, kháng thể bảo vệ bản thân.
Ngoài ra, sau mổ số tình trạng suy tim, phải thở máy, người bệnh dễ dàng mắc các bệnh lý viêm phổi do vi khuẩn tại bệnh viện nếu thời gian thở máy trên 48 giờ.
Các nhiễm trùng vết mổ, xương ức, trung thất... cũng thường xảy ra ở những bệnh nhân hở xương ức, nằm lâu do suy tim hoặc có nhiều catheter xuyên thành ngực như catheter đo áp lực nhĩ trái, áp lực động mạch phổi...
Nhiễm trùng huyết, viêm nội tâm mạc nhiễm trùng ... là những nhiễm khuẩn do vi trùng đi vào máu bệnh nhân, đến bám vào các vị trí van tim, tạo nên những cục sùi và kháng sinh khó tác dụng, đòi hỏi phải dung kháng sinh lâu ngày, phối hợp nhiều loại gây tốn kém cho người bệnh.
Ngoài ra, một số các trường hợp suy dinh dưỡng, nằm lâu hoặc dùng các thuốc gây suy giảm miễn dịch như nhóm corticoid sẽ làm vi nấm có cơ hội bùng phát.
Suy thận
Mặc dù đa số bệnh nhân có chức năng gan, thận là bình thường trước mổ, nhưng ở một số trường hợp do cuộc mổ kéo dài, người bệnh phải chịu một tình trạng thiếu máu tưới thận do máy tuần hoàn ngoài cơ thể hoạt động theo cơ chế không sóng mạch như bình thường, điều đó dẫn đến suy thận cấp, giảm độ lọc của thận ngay sau tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ngoài ra, một số thuốc được dùng trong hoặc sau phẫu thuật cũng có tác dụng độc thận, một số trường hợp suy thận nặng phải làm thẩm phân phúc mạc (lọc màng bụng) hoặc phải lọc máu liên tục một thời gian giúp thận phục hồi.
Suy gan
Cũng giống như thận, suy gan sau mổ tim thường do suy tim gây ứ trệ tuần hoàn, đặc biệt suy tim phải. trong suy gan kèm rối loạn chức năng đông máu, tăng bilirubin thường có dự hậu xấu.
Suy đa tạng kết hợp
Thường trong hội chứng cung lượng tim thấp sau mổ tim, lượng máu của tuần hoàn giảm nặng, gây thiếu máu tạng đặc biệt tại gan, thận, mạc treo và đầu xa của chi ( chân, tay) điều này sẽ gây suy giảm trầm trọng chức năng của các tạng, nếu kéo dài sẽ rất khó phục hồi.
Biến chứng thần kinh
Một số trường hợp sau mổ tim có thể bị biến chứng thần kinh như xuất huyết não, nhũn não... do các huyết khối hoặc do các yếu tố đông máu rối loạn. thậm chí nếu thời gian giảm cung lượng tim kéo dài nặng nề, gây giảm tưới máu não, hoặc chết não...
Biến chứng hô hấp
Một số trường hợp suy tim nặng sau mổ tim phải thở máy hỗ trợ kéo dài làm người bệnh phụ thuộc máy thở, khó cai. Một số trường hợp phải khai khí quản ra da để giúp cai máy thở.
Cũng có trường hợp do cuộc mổ khó khăn, phẫu thuật viên có thể cắt nhầm thần kinh hoành gây liệt cơ hoành sau đó, người bệnh không thở nổi, phải mổ lại khâu cơ hoành. Đây là một trong các biến chứng hiếm nhưng có thể gặp ở những bệnh tim bẩm sinh có dung màng ngoài tim tự thân để sửa chữa khiếm khuyết trong tim như tứ chứng Fallot.
Mổ lại
Đối với tim bẩm sinh thể phức tạp, có thể mổ một lần hoặc nhiều lần mới có thể hoàn chỉnh các sửa chữa khiếm khuyết. Do đó cần yêu cầu bác sĩ phẫu thuật tư vấn tất cả các khả năng có thể xảy ra cho bệnh nhân trước khi phẫu thuật.
Việc mổ lại sớm hay muộn tùy thuộc vào kết quả của lần mổ trước đó và đánh giá của bác sĩ trong quá trình điều trị cho trẻ bị tim bẩm sinh.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec là một trong những bệnh viện không những đảm bảo chất lượng chuyên môn với đội ngũ y bác sĩ, hệ thống trang thiết bị công nghệ hiện đại mà còn nổi bật với dịch vụ khám, tư vấn và chữa bệnh toàn diện, chuyên nghiệp; không gian khám chữa bệnh văn minh, lịch sự, an toàn và tiệt trùng tối đa. Khách hàng khi chọn thực hiện các xét nghiệm tại đây có thể hoàn toàn yên tâm về độ chính xác của kết quả xét nghiệm.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.