Khi người bệnh thực hiện phương pháp mổ cột sống có thể sẽ gặp rất nhiều biến chứng khác nhau như liệt chi, tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng. Do đó bệnh nhân nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định phẫu thuật.
1. Đối tượng có thể gặp biến chứng sau phẫu thuật mổ cột sống
Bất kỳ người bệnh nào sau khi thực hiện mổ cột sống đều có thể gặp các biến chứng nhưng một số bệnh nhân sau đây tỷ lệ gặp sẽ tăng cao hơn:
- Người lớn tuổi;
- Người mắc bệnh mạn tính khác;
- Người có sức khỏe yếu;
- Những người bệnh đang hoặc có tiền sử bị bệnh liên quan đến huyết áp, tim mạch, tiểu đường hoặc máu khó đông.
2. Một số biến chứng thường gặp khi phẫu thuật vẹo cột sống
Khi người bệnh mắc các bệnh liên quan đến cột sống như thoái hóa cột sống, đau dây thần kinh tọa, hẹp ống sống, thoát vị đĩa đệm. Phẫu thuật được biết đến là một trong những phương pháp hiện đại dùng để điều trị dứt điểm bệnh. Tuy nhiên mổ cột sống là một phương pháp phức tạp, khó khăn. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tay nghề bác sĩ, máy móc hiện đại, mức độ phát triển bệnh lý. Trong quá trình phẫu thuật có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro mà bệnh nhân cần cân nhắc như sau:
2.1. Gây tổn thương mạch máu
Đây là một trong những biến chứng sau mổ cột sống nguy hiểm mà người bệnh cần lưu ý. Mạch máu dễ bị tổn thương thường gặp nhất là tĩnh mạch chậu chung bên trái, tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch cùng chậu xuống, động mạch chậu trái. Chủ yếu xảy ra ở đốt sống L5. Nếu can thiệp bằng hoạt động ngoại khoa thì sẽ gây ra tình trạng mạch máu dễ bị vỡ và tắc ứ.
Tổn thương động mạch sẽ xảy ra ít hơn so với tổn thương tĩnh mạch, do nó đàn hồi và di động hơn, ít có nguy cơ bị rách trong quá trình phẫu thuật. Biểu hiện của tổn thương động mạch có thể xuất hiện huyết khối động mạch hoặc chảy máu muộn sau khi mổ.
2.2. Quá trình thoái hóa cột sống nhanh hơn
Thoái hóa là một quá trình diễn ra tất yếu của cơ thể. Tuy nhiên đối với những người khi sau khi phẫu thuật vẹo cột sống thì tình trạng này sẽ diễn ra nhanh hơn, làm cho bệnh nhân khó vận động, đau nhức kéo dài.
2.3. Gây tổn thương dây thần kinh
Phẫu thuật có thể khiến dây thần kinh hoặc các màng cứng quanh tủy sống bị tổn thương với các biển hiện mất cảm giác, tê liệt một số bộ phận trên cơ thể hoặc mất kiểm soát ruột và bàng quang.
2.4. Tổn thương rễ thần kinh
Biến chứng này có thể xảy ra khi tiến hành phẫu thuật cột sống bằng đường mổ trước. Các biểu hiện thường gặp nhất đó là thoát vị nhân đệm, thoái hóa đĩa đệm. Đa số các biến chứng đau rễ thần kinh sẽ giảm dần theo thời gian, tuy nhiên cũng đã có ghi nhận ở một số bệnh nhân, biến chứng này gây hậu quả lâu dài.
2.5. Biến chứng liệt chi
Khi gặp biến chứng này, người bệnh sẽ bị bại liệt hoặc khó vận động. Tuy nhiên, người bệnh cũng không cần quá lo lắng vì đây không phải là biến chứng thường gặp sau khi mổ cột sống, tỷ lệ bệnh nhân gặp biến chứng này là rất hiếm.
2.6. Nguy cơ nhiễm trùng cao
Nhiễm trùng là một trong những biến chứng khá phổ biến sau khi mổ cột sống. Đối với các vết thương mổ hở thì nguy cơ nhiễm trùng cao hơn. Nếu nhiễm trùng liên quan đến đĩa đệm hoặc ống sống thì nó sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn, nhất là ảnh hưởng đến tính người bệnh.
2.7. Bệnh tái phát, các cơn đau kéo dài
Khi tiến hành phẫu thuật cột sống nhưng chưa giải quyết được nguyên nhân cốt lõi của bệnh sẽ gây ra các sai lệch trong đốt sống và gây chèn ép rễ thần kinh. Do đó mà mà người bệnh có thể gặp phải nguy cơ bệnh bị tái phát hoặc tiến triển nặng hơn, xuất hiện tình trạng đau nhức kéo dài.
3. Chăm sóc sau mổ cột sống
Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc mà bệnh nhân sau phẫu thuật vẹo cột sống nên lưu ý để hạn chế tình trạng xảy ra các biến chứng nguy hiểm:
3.1. Chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống tại bệnh viện
Chăm sóc sau mổ bắt vít cột sống tại bệnh viện chủ yếu tập trung vào việc phục hồi và kiểm soát các cơn đau, giúp cho bệnh nhân có thể di chuyển an toàn. Khi tiến hành phẫu thuật thắt lưng cột sống, bệnh nhân sẽ được chăm sóc tại bệnh viện từ 5 đến 7 ngày. Trong suốt thời gian này, người bệnh sẽ không được cúi người, vặn mình, phải luôn giữ cho cột sống trong tư thế thẳng nhằm làm giảm thiểu khối lượng trọng tải của cơ thể lên cột sống, giảm nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi xương. Với một số trường hợp nặng hơn thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng nẹp để hỗ trợ giữ cột sống thẳng hàng.
Người bệnh cần đặc biệt lưu ý, phải hạn chế các hoạt động cơ bản như không uốn cong lưng, không nâng vật nặng hay vặn vẹo cột sống.
3.1. Cách chăm sóc sau mổ cột sống tại nhà
- Kiểm soát cơn đau: Khi người bệnh dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ thì cần uống nhiều nước và bổ sung chất xơ, vì khi dùng các thuốc giảm đau thuộc nhóm thuốc Opioid có thể gây tác dụng phụ táo bón. Người bệnh không được để tình trạng táo bón kéo dài và thời gian sử dụng thuốc giảm đau chỉ trong vòng 3 tháng sau khi phẫu thuật.
- Theo dõi vết mổ: Khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng nhiễm trùng như sốt, ớn lạnh, vết mổ xuất hiện tình trạng rỉ nước, sưng đỏ thì cần phải đến bệnh viện ngay lập tức để thăm khám. Bên cạnh đó người bệnh không được sử dụng bất kỳ loại thuốc mỡ hoặc kem dưỡng da nào lên vết mổ trừ khi được bác sĩ chỉ định.
- Phục hồi vận động: Vận động sớm sẽ giúp cho quá trình phục hồi nhanh chóng hơn. Vì vậy đây là bước mà người bệnh cần phải thực hiện khi chăm sóc mổ cột sống tại nhà, hầu hết người bệnh có thể tự đi lại được sau một vài ngày phẫu thuật nhưng cũng cần phải tránh các hoạt động gây mất sức trong ít nhất 6 tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân nên duy trì thói quen đi bộ khoảng 30 phút một mỗi ngày.
Sau khi mổ cột sống, người bệnh có thể sẽ gặp rất nhiều biến chứng khác nhau như liệt chi, tổn thương dây thần kinh, nhiễm trùng. Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tay nghề bác sĩ, máy móc hiện đại, mức độ phát triển bệnh lý. Do đó, nếu quyết định mổ cột sống thì người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để hạn chế tối đa các biên chứng có thể xảy ra.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.