Bệnh đái tháo đường thường gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường thường xuất hiện muộn, khoảng từ 15-20 năm sau khi đường huyết tăng cao rõ rệt, tuy nhiên cũng có trường hợp không có biến chứng hoặc biến chứng xuất hiện sớm ngay khi phát hiện đái tháo đường type 2.
1. Biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường
Biến chứng mãn tính của bệnh tiểu đường gồm hai nhóm chính: biến chứng mạch máu lớn (bệnh tim mạch, bệnh mạch máu ngoại biên, mạch máu não) và biến chứng mạch máu nhỏ của bệnh tiểu đường (biến chứng mắt, thận, thần kinh).
1.1 Biến chứng mạch máu lớn
Xơ cứng động mạch thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, xảy ra sớm và thường xuyên hơn so với người không mắc đái tháo đường.
- Bệnh mạch máu tim: đái tháo đường được xem là yếu tố nguy cơ độc lập của bệnh mạch vành. Đây là loại bệnh gây tử vong hàng đầu ở bệnh nhân đái tháo đường. Tổn thương mạch vành ở bệnh nhân đái tháo đường thường rải rác và ảnh hưởng đến nhiều nhánh khiến cho vấn đề can thiệp mạch vành khó khăn hơn. Triệu chứng thường gặp ở bệnh mạch vành do biến chứng đái tháo đường là cơn đau thắt ngực, xảy ra điển hình khi gắng sức, thiếu máu cơ tim yên lặng. Các triệu chứng không điển hình của nhồi máu cơ tim như lú lẫn, khó thở, mệt mỏi, buồn nôn, nôn.
- Bệnh mạch máu ngoại biên: có biểu hiện là viêm động mạch chi dưới, xảy ra với tỷ lệ ngang nhau ở nam và nữ, bệnh dễ dẫn đến loét, hoại tử chân. Triệu chứng của bệnh mạch máu ngoại biên giống với viêm động mạch do xơ vữa động mạch: đau cách hồi, đau chân ở tư thế nằm, chân lạnh, tím đỏ, teo các cơ liên đốt, tiến triển tới hoại tử, loét do thiếu máu tại chỗ.
1.2 Biến chứng mạch máu nhỏ
Biến chứng xảy ra ở những mạch máu có đường nhỏ, nhỏ hơn 30 micromet, có tính lan tỏa. Ảnh hưởng chủ yếu lên 3 cơ quan: bệnh lý võng mạc, bệnh lý cầu thận và bệnh lý thần kinh.
- Bệnh lý võng mạc: là nguyên nhân gây mù lòa ở người dưới 60 tuổi mắc đái tháo đường. Bệnh võng mạc thường gặp ở những bệnh nhân mắc tiểu đường hơn 20 năm. Bệnh này xuất hiện ở 90% bệnh nhân đái tháo đường type 1 và khoảng 60% bệnh nhân đái tháo đường type 2. Kiểm soát nghiêm ngặt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường cả 2 type và kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 sẽ làm giảm và chậm nguy cơ tai biến này. Điều này càng đặc biệt quan trọng ở bệnh nhân mắc đái tháo đường thai kỳ.
- Bệnh thận: tổn thương thận được xác định khi xuất hiện albumin trong nước tiểu. Biểu hiện lâm sàng của bệnh thận đái tháo đường trở nên rõ ràng hơn khi bệnh nhân xuất hiện tiểu đạm đại lượng và nồng độ creatinin huyết thanh tăng dần. Đôi khi biểu hiện bằng hội chứng thận hư đầy đủ với giảm albumin máu, tăng huyết áp, phù. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong của bệnh đái tháo đường.
- Bệnh thần kinh ngoại vi là tình trạng thoái triển của sợi thần kinh ngoại vi dẫn tới mất chức năng thần kinh. Bệnh thần kinh ngoại vi do đái tháo đường liên quan đến các triệu chứng của rối loạn cảm giác, vận động và tự động. Bệnh gặp ở cả 2 type đái tháo đường và mọi lứa tuổi nhưng nhiều hơn ở người cao tuổi mắc đái tháo đường type 2. Các biểu hiện thường là đau, giảm phối hợp vận động, nhất là phối hợp với các hoạt động phức tạp. Tổn thương thần kinh tự động trong bệnh lý thần kinh ngoại vi có thể gây bất lực ở nam giới, mất trương lực bàng quang dẫn đến giãn bàng quang, giảm trương lực co bóp dạ dày có thể gây nôn, chậm tháo rỗng, ảnh hưởng đến hấp thụ thức ăn, gây trở ngại cho bệnh nhân sử dụng insulin. Rối loạn thần kinh thực vật gây giảm bài tiết mồ hôi, teo da, khô da, đồng thời làm nặng thêm các biến chứng bàn chân. Các rối loạn thần kinh tự động cũng gây rối loạn hoạt động của hệ tuần hoàn và hệ hô hấp.
1.3 Biến chứng nhiễm trùng trên bệnh nhân đái tháo đường
Cơ địa bệnh nhân đái tháo đường rất dễ bị nhiễm trùng do sức đề kháng của cơ thể giảm. Nhiễm trùng ngoài da thường do Staphylococcus aureus gây ra. Nhiễm nấm Candida ở bộ phận sinh dục hay kẽ móng tay, chân. Nhiễm trùng đường tiểu thường do E.coli gây viêm bàng quang, viêm đài bể thận cấp, mãn, viêm hoại tử gai thận. Loét chân ở bệnh nhân đái tháo đường thường do phối hợp biến chứng thần kinh, biến chứng mạch máu và biến chứng nhiễm trùng. Vi khuẩn gây nhiễm trùng chân thường ít khi là một loại mà thường phối hợp nhiều loại.
2. Phòng ngừa biến chứng mãn tính của bệnh đái tháo đường
Đái tháo đường là bệnh lý rối loạn chuyển hóa gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Do đó, để điều trị đái tháo đường ngoài mục tiêu kiểm soát đường huyết còn phải điều chỉnh lipid máu, quản lý huyết áp, chỉ số khối cơ thể (BMI) nhằm làm chậm sự xuất hiện của biến chứng.
Bên cạnh việc sử dụng thuốc đều đặn, chế độ ăn uống tập luyện cũng đóng vai trò quan trọng trong điều trị đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường type 2. Bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp như: ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo, giảm muối, tiêu thụ lượng bột đường vừa đủ.
Bệnh nhân nên tăng cường vận động thể lực vì điều này giúp làm giảm đường huyết, giảm tính kháng insulin và giảm yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Việc duy trì tập luyện đều đặn cũng có vai trò quan trọng trong việc giảm trọng lượng cơ thể lâu dài.
Để ngăn ngừa các biến chứng mạn tính của bệnh tiểu đường, bạn nên theo dõi, kiểm tra tình trạng bệnh thường xuyên để có những điều chỉnh phù hợp trong phác đồ điều trị. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp Gói quản lý ngoại trú tiểu đường giúp hạn chế những biến chứng nặng nề do bệnh tiểu đường gây ra.
Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn vui lòng liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.