Các biến chứng của ung thư dạ dày

Tại Việt Nam, ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 ở cả nữ và nam. Ung thư dạ dày thường được phát hiện muộn và xuất hiện nhiều biến chứng ở giai đoạn này.

1. Dịch tễ học bệnh ung thư dạ dày

Trên thế giới, ung thư dạ dày là loại ung thư khá phổ biến, tỷ lệ mắc bệnh thay đổi theo địa lý, vùng miền, chủng tộc,... Nhật Bản, Trung Quốc, Chile, Iceland là những quốc gia ghi nhận số lượng lớn bệnh nhân mắc ung thư dạ dày. Tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cũng ở mức đáng báo động khi có đến 10800 bệnh nhân tử vong mỗi năm tại Hoa Kỳ. Cũng theo báo cáo dịch tễ học của nước này, ung thư dạ dày phổ biến nhất ở người da đen, người da đỏ gốc Mỹ và người gốc Tây Ban Nha.

Tại Việt Nam, thống kê cho thấy ung thư dạ dày là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 sau ung thư ganung thư phổi. Mặc dù những tiến bộ y học cho phép phát hiện sớm ung thư dạ dày, tuy nhiên bệnh nhân ung thư dạ dày thường đến viện muộn bởi vì giai đoạn sớm thường không có triệu chứng hoặc triệu chứng rất nghèo nàn.

Ung thư dạ dày có thể liên quan với một số yếu tố sau:

  • Tuổi: Tỷ lệ mắc bệnh ung thư dạ dày tăng lên theo tuổi, độ tuổi hay gặp là từ 50 trở lên. Theo thống kê của Hiệp hội ung thư quốc gia Hoa Kỳ, có đến 60% bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày từ 65 tuổi trở lên. Ở Việt Nam, thời gian gần đây, ung thư dạ dày có xu hướng trẻ hóa với nhiều bệnh nhân được phát hiện bệnh ở độ tuổi trẻ hơn.
  • Giới tính: GLOBOCAN 2020 cho thấy tỷ lệ mắc ung thư dạ dày tại Việt Nam ghi nhận ở nam giới cao hơn nữ giới khoảng 2 lần.
  • Những người có người thân mắc ung thư dạ dày: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có người thân (bố, mẹ, hoặc anh, chị, em ruột) mắc ung thư dạ dày có nguy cơ mắc ung thư dạ dày gấp 2 - 10 lần người không có yếu tố gia đình liên quan đến ung thư dạ dày.
  • Người nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori), người ăn chế độ nhiều muối hay thực phẩm có chứa hợp chất nitroso, người viêm dạ dày mạn tính tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

2. Biến chứng ung thư dạ dày

Bệnh nhân được chẩn đoán ung thư dạ dày và người nhà bệnh nhân thường băn khoăn liệu ung thư dạ dày có nguy hiểm không? Ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị chính xác, kịp thời sẽ tăng cơ hội hồi phục, lành bệnh, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân phát hiện bệnh khi ở giai đoạn muộn, thậm chí có những bệnh nhân vào viện vì các biến chứng của ung thư dạ dày trước khi được chẩn đoán bệnh.

Ung thư dạ dày gây nguy hiểm cho người mắc bởi các biến chứng mà nó gây ra. Các biến chứng ung thư dạ dày thường gặp bao gồm:

  • Hẹp môn vị, tắc môn vị: Hẹp môn vị là tình trạng thức ăn lưu thông từ dạ dày xuống tá tràng gặp khó khăn, đây là biến chứng thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư dạ dày khi khối u ở vùng hang môn vị sùi loét hoặc thâm nhiễm thành dạ dày. Hẹp môn vị, tắc môn vị là một cấp cứu ngoại khoa, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến mất nước, rối loạn điện giải hay rối loạn toan kiềm trong cơ thể.
  • Xuất huyết tiêu hóa: Xuất huyết dạ dày là biến chứng có thể gặp ở mọi vị trí u dạ dày, có thể diễn tiến từ mức độ nhẹ như xuất huyết rỉ rả cho đến mức độ nặng như xuất huyết ồ ạt, ảnh hưởng huyết động, đe dọa tính mạng của bệnh nhân. Bệnh nhân ung thư dạ dày mất máu rỉ rả thường có biểu hiện thiếu máu mạn. Cơ chế xuất huyết tiêu hóa mức độ nặng thường do tổ chức ung thư dạ dày xâm lấn và làm tổn thương, phá huỷ các mạch máu khiến cho bệnh nhân nôn ra máu tươi dữ dội hoặc đại tiện phân đen, thậm chí là phân máu đỏ nếu chảy máu cấp tính lượng nhiều.
  • Thủng dạ dày gây viêm phúc mạc: Biến chứng thủng dạ dày thường xuất hiện trên nền ung thư thể loét hay tổ chức ung thư mủn nát. Thủng dạ dày là cấp cứu ngoại khoa không thể trì hoãn, bởi nếu chậm trễ có thể diễn tiến viêm phúc mạc, nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân. Đôi khi có tình trạng thủng dạ dày nhưng lại dính vào các tạng xung quanh như gan, tụy, hay đại tràng nên trên lâm sàng bệnh nhân không có biểu hiện của thủng dạ dày. Cũng có trường hợp từ chỗ dính đó, tổn thương ung thư dạ dày phá hủy gan, tụy tạo thành những ổ loét sâu vào các cơ quan này, hay tạo thành lỗ thông từ dạ dày sang đại tràng, biểu hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Hiếm khi ung thư dạ dày thâm nhiễm vào đại tràng gây tắc ruột.

Ngoài các biến chứng trên, ung thư dạ dày ở giai đoạn tiến triển có thể theo đường bạch huyết, đường máu di căn hạch bạch huyết lân cận hay di căn xa đến các cơ quan khác trong cơ thể, khiến cho việc điều trị ung thư trở nên khó khăn hơn và tiên lượng ở các bệnh nhân này kém hơn.

  • Tổn thương ác tính có thể di căn theo đường bạch huyết của lớp thanh mạc, tạo ra tình trạng di căn lan tràn ở phúc mạc. Biểu hiện thường gặp của ung thư dạ dày di căn phúc mạc là tràn dịch ổ bụng từ lượng ít tới lượng nhiều, bệnh nhân có khi bụng chướng căng gây khó thở. Ngoài ra, ung thư dạ dày có thể lan ra các hạch bạch huyết vùng, nhất là hạch ở bờ cong bé hay hạch quanh động mạch chủ bụng hoặc di căn đến hạch thượng đòn, hay gặp là hạch thượng đòn trái.
  • Ung thư dạ dày ở nữ có thể di căn đến buồng trứng 1 hoặc 2 bên (u Krukenberg).
  • Ung thư dạ dày có thể theo đường máu gây nên tình trạng di căn gan, phổi, xương.

3. Bị ung thư dạ dày có chết không?

Ung thư dạ dày được xếp vào nhóm các loại ung thư có tỷ lệ tử vong cao. Tỷ lệ này càng cao ở những bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn tiến triển. Bệnh nhân có thể tử vong vì các biến chứng của ung thư dạ dày, hay vì tổn thương thứ phát ở các cơ quan khác làm giảm chức năng hoạt động của cơ thể. Một lý do khác cũng cần được nhắc tới đó là suy mòn trong ung thư dạ dày, bệnh nhân đã được phẫu thuật cắt bỏ dạ dày thường hấp thu dinh dưỡng hạn chế hơn so với người bình thường, ở giai đoạn tiến triển của bệnh thì sự phát triển của khối u làm cho cơ thể gầy sút và suy kiệt, điều này cũng góp phần làm tăng tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân ung thư dạ dày.

Các nghiên cứu ở bệnh nhân ung thư dạ dày đã chỉ ra rằng việc phát hiện bệnh ở giai đoạn càng muộn thì tỷ lệ sống trên 5 năm, 10 năm càng giảm. Nếu ung thư dạ dày ở được phát hiện ở giai đoạn I thì có hơn 70% bệnh nhân sống trên 5 năm, và có trên 60% bệnh nhân sống trên 10 năm sau khi được chẩn đoán. Ở bệnh nhân phát hiện ung thư dạ dày giai đoạn II thì khoảng một nửa bệnh nhân trong số này sống trên 5 năm. Tỷ lệ này ở bệnh nhân ung thư dạ dày giai đoạn III là gần 40%. Nếu phát hiện bệnh ung thư dạ dày ở giai đoạn IV thì chỉ có khoảng 5 – 10% bệnh nhân sống được trên 5 năm.

Tóm lại, ung thư dạ dày càng ở những giai đoạn sau thì tỷ lệ biến chứng càng tăng và tử vong là biến chứng cuối cùng của bệnh. Ung thư dạ dày là một bệnh cảnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể tăng thời gian sống thêm và giảm tỷ lệ tử vong.

Hiện nay, sàng lọc ung thư sớm được coi là biện pháp hoàn hảo trong việc phát hiện và điều trị kịp thời các loại ung thư. Giảm chi phí điều trị và nhất là giảm tỷ lệ tử vong ở người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec luôn triển khai và giới thiệu tới khách hàng Gói Sàng lọc ung thư sớm tại Vinmec - An tâm sống khỏe giúp xét nghiệm gen, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm các chất chỉ điểm sinh học phát hiện khối u sớm.

Lựa chọn Gói sàng lọc ung thư sớm tại Vinmec - An tâm sống khỏe, khách hàng sẽ được:

  • Chỉ một lần xét nghiệm gen có thể đánh giá về nguy cơ mắc của 16 loại ung thư phổ biến ở cả nam và nữ (ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tụy, ung thư cổ tử cung, ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến,....).
  • Phát hiện sớm các dấu hiệu manh nha của ung thư thông qua chẩn đoán hình ảnh, nội soi và siêu âm.
  • Thao tác khám đơn giản, cẩn thận và chính xác.
  • Đội ngũ chuyên gia được đào tạo bài bản nghề, đặc biệt là về ung thư, đủ khả năng làm chủ các ca khám chữa ung thư.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán ung thư dạ dày

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe