Các biến chứng có thể gặp khi chạy thận nhân tạo lâu dài

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Hùng - Bác sĩ điều trị Bệnh nội tiết - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 5 cần chạy thận nhân tạo thường xuyên để giúp lọc máu, làm sạch chất thải, loại bỏ nước thừa. Tuy nhiên trong quá trình chạy thận, nhiều biến chứng chạy thận nhân tạo có thể xảy ra.

1. Chạy thận nhân tạo là gì?

Chạy thận nhân tạo là phương pháp lọc máu ngoài cơ thể, máu bệnh nhân sẽ được hút vào máy chạy thận để lọc chất cặn bã và lượng nước thừa, sau khi được làm sạch, máu sẽ được trả lại vòng tuần hoàn bệnh nhân. Chạy thận nhân tạo là một trong những phương pháp điều trị thay thế thận cho bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn 5, tức suy thận mạn giai đoạn cuối, khi mức lọc cầu thận ≤ 15ml/phút/1.73 m2. Một khi đã được chỉ định chạy thận nhân tạo, bệnh nhân suy thận mạn sẽ phải chạy thận suốt đời. Thông thường bệnh nhân sẽ được lọc máu mỗi tuần 3 lần, thực hiện cách ngày, mỗi lần lọc máu diễn ra ít nhất 4 giờ.


Hình ảnh chạy thận nhân tạo
Hình ảnh chạy thận nhân tạo

2. Các biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài

2.1 Hạ huyết áp

Đây là biến chứng chạy thận nhân tạo thường gặp nhất, tỷ lệ gặp là 20-30% bệnh nhân. Có nhiều nguyên gây hạ huyết áp khi chạy thận nhân tạo như:

  • Giảm hoặc tăng quá mức thể tích máu: Thời gian chạy thận ngắn, người bệnh tăng cân nhiều giữa các lần lọc máu, trọng lượng khô, số ký rút được tính không chính xác,...
  • Nhiệt độ dịch lọc cao hơn nhiệt độ máu của bệnh nhân, da người bệnh sẽ giãn ra nhằm thoát nhiệt. Sự giãn mạch làm giảm kháng lực mạch, gây nguy cơ cao hạ huyết áp.
  • Bệnh nhân ăn khi chạy thận. Khi ăn, dung lượng máu sẽ đổ về các tĩnh mạch hệ tiêu hóa, lượng máu về tim kém, gây nguy cơ hạ huyết áp.
  • Bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp trước khi chạy thận.
  • Bệnh nhân có các bệnh tim mạch như suy tim, nhồi máu cơ tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cục bộ,.. Ở các bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, cơ chế bù trừ ở tim bị rối loạn gây nguy cơ tăng huyết áp.
  • Nguyên nhân hiếm gặp: Dị ứng màng lọc, thuyên tắc khi, nhiễm trùng huyết

2.2 Chuột rút

biến chứng chạy thận nhân tạo thường gặp thứ hai sau hạ huyết áp, tỷ lệ gặp là 5-20% bệnh nhân. Các yếu tố gây thuận lợi cho chuột rút là:

  • Hạ huyết áp
  • Tăng cân nhiều
  • Thể tích tuần hoàn giảm
  • Nồng độ Na+ trong dịch lọc thấp
  • Nồng độ Mg+, Ca++ trong máu bệnh nhân thấp trước khi lọc máu

2.3 Buồn nôn và nôn

Xảy ra ở 5-15% bệnh nhân chạy thận, các nguyên nhân gây buồn nôn và nôn là:

  • Hạ huyết áp
  • Hội chứng mất cân bằng
  • Phản ứng với màng lọc
  • Liệt dạ dày
  • Dịch lọc bị nhiễm bẩn hoặc dịch lọc có nồng độ các chất không phù hợp.

Khi bệnh nhân buồn nôn và nôn, phải kiểm tra huyết áp bệnh nhân, tiến hành điều trị hạ huyết áp nếu có. Cho bệnh nhân sử dụng các thuốc chống nông như Metoclopramid nếu cần thiết. Phòng ngừa tăng huyết áp là biện pháp chống nôn quan trọng nhất.


Buồn nôn và nôn là biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài
Buồn nôn và nôn là biến chứng chạy thận nhân tạo lâu dài

2.4 Nhức đầu

biến chứng chạy thận nhân tạo xảy ra ở 5% bệnh nhân. Nguyên nhân nhức đầu hiện chưa rõ, có thể là triệu chứng của mất cân bằng hoặc các nguyên nhân thần kinh khác. Đối với bệnh nhân nghiện cà phê, khi lọc máu sẽ làm giảm nhanh nồng độ cà phê trong máu nên gây nhức đầu.

2.5 Đau ngực, đau lưng

2-5% bệnh nhân chạy thận có hiện tượng đau ngực nhẹ kèm theo đau lưng. Nguyên nhân thường do hội chứng sử dụng bộ lọc lần đầu hoặc thiếu máu cơ tim. Không có xử trí hay phòng ngừa đặc hiệu với triệu chứng này. Theo dõi sát bệnh nhân và xử trí theo từng trường hợp cụ thể.

2.6 Ngứa

Ngứa là một triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân suy thận. Nguyên nhân của ngứa có thể do:

  • Dị ứng với màng lọc hoặc một số chất trong dịch lọc
  • Cường phó giáp thứ phát
  • Lắng đọng trên da các tinh thể Mg2+, Ca2+, Phospho,...
  • Viêm gan do thuốc hoặc do virus

2.7 Hội chứng mất quân bình

Thường xuất hiện ở những bệnh nhân cao tuổi, nhiễm toan chuyển hóa nặng hoặc có tổn thương não trước đó. Bệnh có các triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, bứt rứt, huyết áp cao, mất định hướng, động kinh, hôn mê,...

Khi xuất hiện hội chứng mất quân bình mức độ nặng, tiến hành ngừng lọc máu, hồi sức giữ thông đường thở, cho bệnh nhân thở máu, điều trị chống động kinh, cao huyết áp,...

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe