Mất bao lâu để viêm cầu thận cấp tiến triển thành viêm cầu thận mạn?

Bệnh viêm cầu thận mạn tính là bệnh có tổn thương cầu thận, tiến triển từ viêm cầu thận cấp kéo dài. Viêm cầu thận mạn tính nếu không điều trị tốt sẽ có thể biến chứng đến suy thận, gây nhiều hậu quả tới sức khỏe, cuộc sống của người bệnh.

1. Nguyên nhân gây bệnh viêm cầu thận mạn tính

Có nhiều nguyên nhân gây viêm cầu thận mạn tính, song có một số trường hợp bệnh nhân mắc không rõ nguyên nhân.

Thường gặp nhất là viêm cầu thận mạn thứ phát sau bệnh lý cầu thận tiến triển thành mạn tính. Ví dụ như bệnh cầu thận do Collagenose (luput ban đỏ hệ thống), đây là bệnh tự miễn, thường gặp ở phụ nữ (95% trường hợp). Hoặc tổn thương cầu thận do bệnh lý mạch máu, viêm mạch máu nhỏ ở nhiều cơ quan, trong đó chủ yếu là phổi và thận.

Viêm cầu thận mạn tính cũng có thể xảy ra ở các bệnh nhân mắc chứng xuất huyết dạng thấp (bệnh Scholein-Henoch). Một số rối loạn chuyển hóa cũng có thể gây biến chứng đến viêm cầu thận mạn như bệnh đái tháo đường.

Những người mắc bệnh gan do virus viêm gan B, C cũng có thể để lại biến chứng viêm cầu thận mạn, tuy nhiên tỷ lệ thấp.

Viêm cầu thận mạn cũng có thể là hậu quả tiến triển của viêm cầu thận cấp do viêm màng trong tim bởi vi khuẩn liên cầu nhóm D hay viêm họng bởi vi khuẩn liên cầu nhóm A (S. pyogenes).

Có các trường hợp viêm cầu thận mạn tính là hậu quả của bệnh sốt rét, bệnh giang mai do vi khuẩn Treponema palildum hoặc bệnh phong do vi khuẩn Mycobacterrium leprae.

Ngoài ra, viêm cầu thận mạn tính cũng có thể bắt nguồn từ các bệnh ác tính như bệnh bạch cầu cấp, bạch cầu mạn tính, Sarcoma hạch hoặc bị ngộ độc bởi một số kim loại nặng như nhiễm độc muối vàng.

2. Mất bao lâu để viêm cầu thận cấp tiến triển thành viêm cầu thận mạn?


Viêm cầu thận cấp sau 3 tháng điều trị không tốt tiến triển thành viêm cầu thận mạn
Viêm cầu thận cấp sau 3 tháng điều trị không tốt tiến triển thành viêm cầu thận mạn

Khi viêm cầu thận cấp diễn ra trên 3 tháng không khỏi do không được điều trị hoặc đã điều trị không tích cực, gián đoạn thì sẽ chuyển sang giai đoạn viêm cầu thận mạn. Các triệu chứng bệnh lúc này phụ thuộc vào mức độ suy thận hoặc có thể chưa suy thận.

Dấu hiệu quan trọng nhất của viêm cầu thận mạn tính là tăng huyết áp, đái ra protein và hồng cầu liên tục, kéo dài. Bệnh thường diễn biến thành từng đợt và các triệu chứng đái máu, protein, tăng huyết áp dần lên theo năm tháng.

3. Các xét nghiệm xác định viêm cầu thận mạn

Để xác định viêm cầu thận ở giai đoạn nào thì bệnh nhân cần làm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Tình trạng thận chỉ có thể đánh giá chính xác bằng cách sinh thiết thận, đọc các cấu trúc của các đơn vị thận dưới kính hiển vi. Các xét nghiệm hiện nay chỉ đánh giá tương đối chức năng thận, vì thế cần kết hợp nhiều xét nghiệm.

Các xét nghiệm sinh hóa

Creatinin, BUN (Blood Urea Nitrogen) là các sản phẩm của quá trình chuyển hóa đạm của cơ thể, được thận thải ra qua nước tiểu. Các chỉ số này tăng lên trong máu khi chức năng thận xấu đi.


Xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng thận
Xét nghiệm sinh hóa đánh giá chức năng thận

Để chính xác hơn, người ta thường làm song song xét nghiệm urea/ máu và urea/ nước tiểu, creatinine/máu và creatinine/ nước tiểu để tính ra độ thanh thải creatinine. Bình thường, độ thanh thải creatinine 70-120mL/phút. Độ thanh thải creatinine giảm phản ánh sự suy giảm chức năng thận

Điện giải đồ

Rối loạn chức năng thận gây ra mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể.

Sodium (Natri): Natri máu bình thường 135-145 mmol/L. Người suy thận, natri máu giảm.

Potasium (Kali): Kali máu bình thường 3,5- 4,5 mmol/L. Tăng kali máu ở bệnh nhân suy thân do thận giảm thải kali.

Canxi máu: canxi máu bình thường 2.2-2.6 mmol/L. Suy thận có biểu hiện giảm canxi máu kèm theo tăng phosphat.

Rối loạn cân bằng kiềm toan

Bình thường pH máu được duy trì ở mức 7,37 - 7,43, suy thận làm giảm thải các acid hình thành trong quá trình chuyển hóa của cơ thể hoặc mất bicarbonat gây tình trạng toan chuyển hóa cho cơ thể.

Acid uric máu

Trung bình, acid uric máu ở nam: 5,1 ± 1,0 mg/dL (420 μmol/lít), nữ 4,0 ± 1mg/dL (360 μmol/lít). Acid uric máu tăng có thể là nguyên nhân gây tổn thương thận, nhưng cũng có thể là hậu quả do bị suy thận không thải được.

Tổng phân tích nước tiểu

Tỷ trọng nước tiểu bình thường: 1,01 - 1,020 (nước tiểu 24h của người lớn ăn uống bình thường có tỷ trọng từ 1,016 - 1,022).Giảm chức năng thận giai đoạn sớm sẽ làm giảm độ cô đặc của nước tiểu, dẫn đến giảm tỷ trọng nước tiểu.


Phân tích nước tiểu để đánh giá chức năng thận
Phân tích nước tiểu để đánh giá chức năng thận

Định lượng protein nước tiểu 24 giờ

Bình thường: Protein trong nước tiểu = 0 - 0,2 g/24h.

Đặc điểm của protein niệu do bệnh cầu thận là dai dẳng và thường > 0,3 g/l. Tăng protein niệu gặp trong các bệnh gây thương tổn cầu thận, viêm cầu thận cấp do nhiễm độc thuốc hoặc hóa chất độc, suy thận, các bệnh lý toàn thân có ảnh hưởng đến thận: tăng huyết áp, đái tháo đường, lupus đỏ..

Albumin huyết thanh

Bình thường, albumin huyết thanh có khoảng 35 - 50 g/L, chiếm 50 - 60% protein toàn phần. Albumin giảm mạnh trong bệnh lý cầu thận cấp.

Protein toàn phần huyết tương

Bình thường: 60 - 80 g/L

Protein toàn phần huyết tương phản ánh chức năng lọc của cầu thận.

Siêu âm bụng

Phát hiện được tình trạng thận ứ nước do tắc nghẽn niệu quản. Nếu thận ứ nước hai bên có thể gây ra suy thận cấp hoặc suy thận mạn.

Sinh thiết thận

Viêm cầu thận mạn tính sẽ làm giảm sức đề kháng của cơ thể, do đó, người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp, nhiễm khuẩn tiết niệu...

Viêm cầu thận cấp có thể tiến triển nhanh chóng thành viêm cầu thận mạn, gây nhiều hệ lụy đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Do đó, bệnh nhân bị viêm cầu thận cấp cần tích cực điều trị theo đúng liệu trình của bác sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe