Các bệnh về mắt bẩm sinh là do sự hình thành bất thường của mắt trong thai kỳ. Mặc dù các bệnh về mắt bẩm sinh có thể do đột biến gen hoặc do tiếp xúc với ma túy hoặc rượu khi mang thai, nhưng ở nhiều trẻ em vẫn có thể bị ảnh hưởng mà không rõ nguyên nhân.
Các bệnh mắt bẩm sinh có thể ở bất kỳ bộ phận nào của mắt và thường liên quan đến đục giác mạc, tăng nhãn áp, đồng tử có hình dạng bất thường, đục thủy tinh thể, bất thường ở võng mạc...Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiều cấu trúc mắt bị ảnh hưởng có thể bị mất thị lực đáng kể.
1. Bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh
Một số rất ít trẻ sinh ra có vấn đề khiến áp lực trong mắt tăng lên. Đây được gọi là bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh hoặc phát triển. Mắt cần một áp lực nhất định để giữ cho nó có hình dạng. Tuy nhiên, áp lực quá lớn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác ở phía sau của mắt, tình trạng này có thể là di truyền. Khi được phát hiện, bé có khả năng sẽ được đề nghị phẫu thuật. Một số bé có thể phải sử dụng thuốc để điều trị và con bạn sẽ luôn cần được theo dõi mắt định kỳ.
2. Coloboma (Hội chứng mắt mèo, một loại dị tật của mắt)
Hội chứng mắt mèo là tình trạng phát triển không hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến mống mắt, võng mạc hoặc màng mạch - hai phần phía sau của mắt. Nó xảy ra trong giai đoạn đầu của thai kỳ khi một phần của mắt không hoàn thành sự phát triển và hợp nhất với nhau để lại một khoảng khuyết. Điều này thường được phát hiện nếu bạn phát hiện con mình có đồng tử hình "lỗ khóa". Nó có thể ảnh hưởng đến một bên mắt hoặc cả hai, và thị lực có thể bị ảnh hưởng hoặc không tùy thuộc vào bộ phận liên quan của mắt. Nó có thể tự xảy ra hoặc là một phần của rối loạn di truyền. Những trẻ bị tình trạng này nên được đánh giá bởi một bác sĩ chuyên khoa. Hiện không có phương pháp điều trị nào, nhưng việc đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa có thể xác định liệu thị lực của trẻ có bị ảnh hưởng hay không và giải quyết các tình trạng liên quan như mắt lười hoặc nhược thị. Khi trẻ lớn hơn có thể sử dụng đến kính áp tròng thẩm mỹ để che đi lỗ khóa đồng tử.
3. Tật không có mống mắt (aniridia)
Tật không có mống mắt (aniridia) là một chứng rối loạn di truyền, người mắc phải bệnh này là người hỏng giác mạc bẩm sinh, phần sắc tố của mắt không phát triển, có thể bị thiếu hoàn toàn hoặc một phần. Bệnh thường ảnh hưởng đến cả hai mắt và có thể gây ra thị lực kém và nhạy cảm với ánh sáng. Tật không có mống mắt có thể được gây ra bởi một gen bị lỗi. Không có phương pháp điều trị chứng bệnh này và nó có thể liên quan đến các vấn đề về mắt khác, vì vậy con bạn sẽ cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt thường xuyên.
4. Đục thủy tinh thể bẩm sinh
Đục thủy tinh thể làm cho trẻ bị nhìn mờ, giống như trẻ sẽ phải cố gắng nhìn qua kính mờ. Một số trẻ sinh ra đã bị đục thủy tinh thể hoặc phát triển bệnh đục thủy tinh thể từ rất sớm. Điều này có thể ở một hoặc cả hai mắt. Đục thủy tinh thể bẩm sinh có thể do nhiễm trùng như rubella, các tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của em bé hoặc có thể do di truyền trong gia đình. Đục ở trung tâm thủy tinh thể sẽ ảnh hưởng đến thị lực nhiều hơn ở vùng rìa.
Bác sĩ nhãn khoa sẽ đánh giá thị lực của trẻ. Một số trẻ em bị đục thủy tinh thể có thể cần phẫu thuật để mắt có thể phát triển thị lực tốt hơn. Sau khi phẫu thuật, các con có thể cần đeo kính hoặc kính áp tròng. Với việc phát hiện và điều trị sớm, nhiều trẻ em bị đục thủy tinh thể bẩm sinh sẽ tiếp tục có thị lực tốt trong suốt quãng đời còn lại của mình.
5. Bệnh võng mạc do sinh non
Bệnh võng mạc khi sinh non là khi các mạch máu võng mạc không phát triển bình thường ở trẻ sinh non. Nó có thể gây mất thị lực nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm. Bệnh có nhiều khả năng xảy ra ở những trẻ sinh rất non - đặc biệt là tuổi thai dưới 32 tuần, có trọng lượng sơ sinh thấp dưới 1500gr và cần được điều trị bằng thở oxy. Các bác sĩ nhi khoa nhận thức được những nguy cơ phát triển bệnh ở trẻ sinh ra từ rất sớm và sẽ theo dõi mức độ oxy mà em bé được cung cấp và những ảnh hưởng mà nó có thể có đối với mắt. Hầu hết trẻ sơ sinh phát triển tình trạng này hiện có bệnh võng mạc do sinh non nhẹ và không cần điều trị. Trong những trường hợp cần điều trị, Laser được sử dụng để loại bỏ các mạch máu mỏng manh và ngăn không cho chúng bị rò rỉ, gây ra sẹo hoặc bong võng mạc.
6. Lác mắt bẩm sinh
Lác mắt là chứng bệnh mà 2-3 trẻ em trong 100 trẻ sẽ mắc phải. Lác mắt bẩm sinh không gây đau đớn, nhưng có thể gây ra các vấn đề về phát triển thị lực ở một mắt. Thường thì bệnh sẽ gây ra bởi tật khúc xạ như viễn thị có thể được điều chỉnh bằng cách kê đơn cho trẻ đeo kính. Ở một số bệnh nhi nếu trong gia đình cha mẹ đã bị lác mắt hoặc cần đeo kính từ khi còn nhỏ thì có thể tăng khả năng con họ cũng bị ảnh hưởng. Các tình trạng mắt khác như đục thủy tinh thể hoặc tổn thương võng mạc có thể khiến mắt kém thị lực và dẫn đến lác.
Trẻ sinh trước 32 tuần có thể có nhiều nguy cơ bị lác mắt hơn. Trẻ em mắc các bệnh như bại não và hội chứng Down cũng có thể dễ bị lác mắt hơn. Bạn có thể tự mình nhận thấy mắt lác hoặc có thể phát hiện ra nó khi kiểm tra mắt định kỳ. Nếu không được phát hiện có thể dẫn đến tình trạng nhược thị. Điều trị có thể đơn giản là đeo kính hoặc che mắt khỏe hơn bằng miếng dán để khuyến khích mắt còn lại phát triển. Một số trẻ có thể cần thực hiện các bài tập. Trong một số trường hợp, phẫu thuật được khuyến khích.
Điều trị mắt lười (nhược thị) có khả năng thành công hơn khi thị lực vẫn còn phát triển trước 7 hoặc 8 tuổi, vì vậy điều quan trọng là phải đưa con bạn đi kiểm tra mắt càng sớm càng tốt, và chắc chắn trước khi chúng bắt đầu đi học.
7. Rung giật nhãn cầu bẩm sinh
Rung giật nhãn cầu là chuyển động liên tục, không kiểm soát của mắt qua lại, bên này sang bên kia hoặc lên và xuống. Bệnh có thể là bẩm sinh và làm giảm thị lực. Đó là dấu hiệu của một vài vấn đề với hệ thống thị giác hoặc đường dẫn truyền thần kinh mắt với các bộ phận của não phân tích thị giác. Bệnh có thể xảy ra cùng với bệnh bạch tạng, hoặc các tình trạng thần kinh. Rung giật nhãn cầu không gây đau hoặc mất thị lực tiến triển. Cho trẻ được kích thích nhiều trong những năm đầu đời có thể giúp trẻ tận dụng tốt nhất tầm nhìn mà chúng có được. Con bạn nên được đánh giá bởi một chuyên gia để giúp con tận dụng tối đa thị lực của mình.
8. Tóm lược
Hy vọng những kiến thức trên đây đã cung cấp thông tin cho phụ huynh về các bệnh lý bẩm sinh ở mắt phổ biến nhất. Để đảm bảo thị lực cho trẻ, khi nhận thấy dấu hiệu bất thường tại mắt trẻ cha mẹ nên đưa con đi thăm khám càng sớm càng tốt và nhận định hướng điều trị từ bác sĩ.
Khách hàng có thể trực tiếp đến Trung tâm mắt Vinmec-Alina tại tầng 4, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City để thăm khám hoặc liên hệ hotline 0243.974.3556 để được hỗ trợ.